logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 24/11/2012 lúc 11:40:47(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Chương trình VHNT kỳ này, chúng tôi xin được giới thiệu nhà thơ tài năngTrần Vàng Sao nhưng bị vùi dập vì không nói theo tiếng nói chung của đảng
UserPostedImage
Photo courtesy of Văn Nghệ Quảng Trị. Nhà thơ Trần Vàng Sao
Vào tháng 4 năm 2005, hai tập nhật ký của Đặng Thùy Trâm, một bác sĩ của quân đội miền Bắc chết trong chiến tranh được một sĩ quan quân báo Hoa Kỳ là Frederic Whitehurst mang trả lại cho gia đình của bà đã làm cho diễn đàn văn học Việt Nam nóng lên vì nội dung cảm động trong hai tập nhật ký được xem là cẩm nang cho những người tuổi trẻ mang lý tưởng Chủ nghĩa Xã hội trong ba lô của mình khi chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam. Cuốn sách ngay sau đó được dịch nhiều thứ tiếng và phát hành tại Pháp kể cả trong các nước cộng sản anh em.

“Tôi bị bắt”

Cũng trong năm 2005, một cuốn hồi ký khác được nhà nghiên cứu lý luận Lữ Phương tung ra trong dư luận trong và ngoài nước. Đó là hồi ký mang tên “Tôi bị bắt” của nhà thơ Trần Vàng Sao. Cuốn hồi ký mỏng 134 trang đánh máy được gửi từ Huế vào Sài Gòn cho Lữ Phương được ông giới thiệu trong lời nói đầu như sau:

“Cuốn hồi ký này kể lại cái tai họa đó khi từ chiến khu, anh được đưa ra miền Bắc trị bệnh: ở nơi đây, sau một thời gian quan sát, anh đã ghi lại những suy nghĩ của mình về cái gọi là “hậu phương xã hội chủ nghĩa” đó, bằng nhật ký và chính vì những suy nghĩ ghi thành chữ viết này, anh bị các đồng chí của mình truy bức, nguyền rủa, phỉ nhổ, cô lập, đến chỗ như anh cho biết anh không còn được coi là con người mà đã thành “một con vật, một con chó”.

Trong rừng, tôi đã nghe biết một số trường hợp những trang nhật ký bị tố cáo, nhưng chưa thấy có trường hợp nào sự tố cáo lại dẫn đến một cuộc hành hạ, trừng trị độc địa như trường hợp của Trần Vàng Sao.”

Theo ông Lữ Phương sự tâng bốc thái quá Đặng Thùy Trâm và sự độc ác trong cách đối xử với Trần Vàng Sao đã làm cho ông quyết tâm phổ biến nhật ký của Trần Vàng Sao làm đối trọng với những gì mà nhà nước vận động, tuyên truyền. Khi được hỏi điều gì trong nhật ký của Trần Vàng Sao gây ấn tượng cho ông nhất, tác giả Lữ Phương cho biết:

“Rõ ràng đây là sự thất vọng trầm trọng của một người trí thức ở miền Nam khi họ bỏ lên rừng. Nguyên nhân chánh khiến họ “lên núi” là có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây. Chính điều này làm cho hầu hết anh em tham gia với cộng sản, mặt trận thôi thúc bởi cái chuyện hiện diện của người Mỹ đem bom đạn tàn phá đất nước nên thường thường anh em chịu không nỗi phải đứng ra chiến đấu chống lại. Cuối cùng thì ma đưa lối quỷ đưa đường cuối cùng cũng theo cộng sản, mặt trận. Họ theo và tin tưởng mơ hồ vào nếu thay đổi thì cũng đỡ khổ hơn ít nhất là nó không có bom đạn.


Thế nhưng anh Trần Vàng Sao khi ra miển Bắc - lúc ấy tôi cũng đang ở miền Bắc - thì anh ấy thấy Xã hội chủ nghĩa miền Bắc hoàn toàn thất vọng. Đó là một xã hội nghèo khổ và rất ác liệt, nhất là sự nghi ngờ… Anh Vàng Sao khi ra đó, ảnh viết hồi ký và nó không phải phát biểu công khai mà là nỗi niềm riêng nhưng nó bị chỉ vẽ và đem ra đấu tố. Cái chủ đề của anh ấy trong cuốn nhật ký là thất vọng, một sự thất vọng tuyệt đối đối với Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc, nó đối nghịch hoàn toàn với Đặng Thùy Trâm, đó là lý do tôi muốn đưa ra để bà con có dịp so sánh đối trọng.”

Nhà thơ Trần Vàng Sao

UserPostedImage
Nhà thơ Trần Vàng Sao. Ảnh: Phanxipăng/tienve.org.
Nhà Thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính sinh năm 1941 tại Thừa Thiên. Từ năm 1965 tới năm 1970 ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành Ủy Huế. Năm 1970 ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng và trong thời gian này do quan sát cuộc sống và sinh hoạt chính trị tại Hà Nội khiến ông viết nhật ký miêu tả lại những suy nghĩ thất vọng của mình về điều mà ông được tuyên truyền trước đây. Chính tập nhật ký này khiến ông bị bắt và kéo dài nhiều năm khốn khó trong lòng chế độ.

Trần Vàng Sao nói với chúng tôi về tác phẩm một cách ngắn ngủi vì ông không còn nhớ nhiều chi tiết và quan trọng hơn, ông không thích nhắc lại những ngày đau buồn ấy:

“Bây giờ tui cũng không nhớ nữa, nhưng bản thảo tôi còn giữ ở đây. Giải phóng xong chỉ năm sau là tôi viết liền, khoảng năm 76 hay 77 gì đó kẻo quên. Nguyên nhân như thế này: Có thằng đồng chí với mình, hắn ở chung với mình nhưng hắn lục nhật ký với thơ của mình hắn xem rồi hắn đem trình với cấp trên. Rồi họ vô… thôi nói tắt như vầy: họ lục vali của tôi họ lấy tất cả. Tôi bị bắt sau đó viết ra mọi chuyện, rồi anh em họ lấy họ đi photo copy vì lúc ấy không có vi tính gì như bây giờ.


Họ đưa cho bạn bè và cuối cùng thì lọt vào Sài Gòn. Thỉnh thoảng có mấy người ở đâu đó họ nói, ui chao, có viết hồi ký không? Tôi nói dạ, viết chớ sao lại không? Viết vì mình biết chữ biết nghĩa nên phải viết. Cuốn nhật ký thì khi ở trên rừng năm nào cũng viết hết. Tôi ở trên rừng như vậy là 6 năm. Nó bắt 4 năm, trên rừng 6 năm, toàn bộ là 10 năm. Cho tới năm 1975 tôi mới về Huế.”

Cũng trong năm 2005, một bài thơ của Trần Vàng Sao được chọn đứng chung với 100 bài thơ hay nhất của Thế kỷ 20 đó là bài “Bài thơ của một người yêu nước mình”.

Nói về bài thơ này Trần Vàng Sao cho biết:

“Bài đó làm trong rừng, năm đó tôi bị thương nằm dưới hầm trong trạm xá và viết. Mấy đứa nhỏ bây giờ có đứa nào theo Việt cộng sớm như tôi đâu. Không có chi hối hận cả. Câu hỏi này anh em hay hỏi là có hối hận khi theo Việt cộng không? Không! Không có gì hối hận cả, có chi phải hối hận?”

Bài thơ của một người yêu nước mình

Buổi sáng tôi mặc áo đi giầy ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông mía trắng bên sông
Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
một vết bùn khô trên mặt đá
không có ai chia tay
cũng nhớ một tiếng còi tàu
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
năm nay ngoài năm mươi tuổi
chồng chết đã mười mấy năm
thủa tôi mới đọc được i tờ
mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
nước sông gạo chợ
nhà hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ
sống qua ngày nên phải nghiến răng
cũng không vui nên mẹ ít khi cười
những buổi trưa buổi tối
ngồi một mình hay khóc
vẫn thở dài mà không nói ra
thương con không cha
hẩm hiu côi cút
tôi yêu đất nước này xót xa
mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
thương tôi nên ở goá nuôi tôi
những đứa nhà giàu hàng ngày chửi bới
chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc như cho một đứa hủi
ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
thắp ba cây hương
với mấy bông hải đường
mẹ tôi khóc thút thít
cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
con nó còn nhỏ dại
trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng
tôi yêu đất nước này cay đắng
những đêm dài thắp đuốc đi đêm
quen thân rồi không ai còn nhớ tên
dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
áo mồ hôi những buổi chợ về
đời cúi thấp
giành từng lon gạo mốc
từng cọng rau, hột muối
vui sao khi còn bữa đói bữa no
mẹ thương con nên cách trở sông đò
hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
đêm nào mẹ cũng khóc
đêm nào mẹ cũng khấn thầm
mong con khôn lớn cất mặt với đời
tôi yêu đất nước này khôn nguôi
tôi yêu mẹ tôi áo rách
chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu
Tôi bước đi
mưa mỗi lúc một to
sao hôm nay lòng thấy chật
như buổi sáng mùa đông chưa có mặt trời mọc
con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
chim đậu trên cành chim không hót
khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
tôi yêu đất nước này những buổi mai
không ai cười không tiếng hát trẻ con
đá đất cỏ cây ơi
mười ba năm có héo mòn
đá đất cỏ cây ơi
lòng vẫn thương mẹ, nhớ cha
ăn quán nằm cầu
hai hàng nước mắt chảy ra
mỗi đêm cầu trời khấn Phật cho tai qua nạn khỏi
ngày mai mua may bán đắt
tôi yêu đất nước này áo rách
căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
tôi yêu đất nước này như thế
như yêu cây cỏ trong vườn
như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
nuôi tôi thành người hôm nay
yêu một giọng hát hay
có bài mái đẩy thơm hoa dại
có sáu câu vọng cổ chứa chan
có ba ông táo thờ trong bếp
và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
thủa tóc kẹp tuổi ngoan học trò
áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
trong bước chân chim sẻ
ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
hay nói chuyện huyên thuyên
chuyện trên trời dưới đất rất lạ
chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
cứ hay cười mà không biết có người buồn
sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
ngó cây cam cây cải
thương mẹ già như chuối ba hương
em chưa buồn
vì chưa rách áo
tôi yêu đất nước này rau cháo
bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
áo đứt nút qua cầu gió bay
tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
tôi yêu đất nước này lầm than
mẹ đốt củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển
ăn rau rìu, rau éo, rau trai
nuôi lớn người từ ngày mở đất
bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng
Tôi đi hết một ngày
gặp toàn người lạ
chưa ai biết chưa ai quen
không biết tuổi không biết tên
cùng sống chung trên trái đất
cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
cùng có chung tên gọi Việt Nam
mang vết thương chảy máu ngoài tim
cùng nhức nhối với người chết oan ức
đấm ngực giận hờn tức tối
cùng anh em cất cao tiếng nói
bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
bữa ăn nào cũng phải được no
mùa lạnh phải có áo ấm
được ca hát, nói cười, yêu đương không ai cấm
được thờ cúng những người mình tôn kính
hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định
Tôi trở về căn nhà nhỏ
đèn thắp ngọn lù mù
gió thổi trong lá cây xào xạc
vườn đêm thơm mát
bát canh rau dền có ớt chìa vôi
bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái Tử
đất nước hôm nay đã thấm hồn người
ve sắp kêu mùa hạ
nên không còn mấy thu
đất nước này còn chua xót
nên trông ngày thống nhất
cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
lòng vui hôm nay không thấy chật
tôi yêu đất nước này chân thật
như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
và yêu tôi đã biết làm người
cứ trông đất nước mình thống nhất


Giống như các nhà văn nhà thơ trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, sau khi nhiều tiếng nói cất lên đòi hỏi trả lại công bằng cho, họ nhà nước đã lặng lẽ cho in lại những tác phẩm của nhiều người trong đó có Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt hay Hoàng Cầm; tuy nhiên những nạn nhân này không hề được một lời xin lỗi cho những năm tháng tù đày oan ức của họ dù công khai hay ở chốn riêng tư.

Trần Vàng Sao cũng vậy, một bài thơ được công nhận có thể đối với nhiều người là quá đủ nhưng đối với một nhà thơ họ cần nhiều điều hơn thế.

Trong kỳ tới chúng tôi sẽ giới thiệu thêm những bài thơ khác của Trần Vàng Sao để thính giả hiểu rõ hơn nhân cách và sự sáng tạo của một nhà thơ tài năng nhưng bị vùi dập vì không nói theo tiếng nói chung của đảng.


UserPostedImage
Nhà thơ Trần Vàng Sao. Photo courtesy of Wikivietlit.
Thế nhưng một đồng chí sát cánh chiến đấu với ông đã mang những con chữ than vãn ấy giao cho cán bộ chỉ huy như một bằng chứng phản động của nhà thơ, và kết quả ông bị giam năm năm trời không qua xét xử.
Trần Vàng Sao trở thành người sống ngoài vòng xã hội trong nhiều năm sau đó. Ông và gia đình truân chuyên không những vì sự đói rách của một người bị chế độ thải ra mà truân chuyên trên chính mảnh đất đầy phù sa thi ca của cá nhân mình trong một quãng thời gian rất dài, dài và buồn bã.

Những bài thơ của Trần Vàng Sao được các bạn trẻ trong nhóm Giấy Vụn gom góp và xuất bản. Chỉ một thời gian ngắn, hải ngoại biết đến ông như một cây viết mòn mỏi chống trời. Trong nước bạn trẻ tìm đọc, người yêu thơ tìm đọc... những bài thơ với các cung bậc khác nhau hòa lại làm thành một Trần Vàng Sao vừa rực rỡ của thứ ngôn ngữ bình thản lạ kỳ lại vừa trói người đọc, người nghe vào thứ cảm giác của một cảnh lên đồng đầy màu sắc, khiến họ rưng rưng cảm nhận trong cơ thể thứ chia sẻ rất người từ hơi thở run rẩy của những bài thơ khô lệ.

Đọc Trần Vàng Sao người ta có cảm giác như ông đang nói chuyện. Ông nhào nặn ngôn ngữ thường nhật và gia vị chúng chỉ bằng một vài chi tiết bất ngờ nhưng tinh tế khiến câu thơ tuy phẳng phiu nhưng không gian chung quanh nó lại reo vui hay trầm lắng và không ít khi bốc cháy.

Thơ tình của Trần Vàng Sao là một bí ẩn bởi nó dung dị, như một chiếc bàn ủi đốt bằng than, vuốt, là những nếp nhăn tình yêu với sự cẩn trọng của cách mà thi ca đã qua thời kỳ hào nhoáng.

Thuở ấy mưa gió xa xôi

"Rồi em sẽ không còn nhớ
những bài thơ tỏ tình buồn bã của tôi lúc đó nữa
và em cũng sẽ không hiểu gì tôi hết
như những người vừa mới yêu nhau
nói qua nói lại những lời trên trời dưới đất

tôi hôn em
như em hôn tôi
lúc đó nhìn chiếc lá rụng ngoài sân
tôi nói những cuộc tình duyên cay đắng muộn màng
và trời mưa tháng mười
tôi hẹn hò em ở quán nước bên kia cầu An Cựu
khuôn mặt em tái đi
tôi ngồi co ro ướt át
những ngón tay em động đậy trên bàn
tôi hút thuốc nhìn em
chiếc xe hàng dừng lại không có người xuống
em cười thành tiếng chỉ cho tôi những hàng cây mù trong núi xa

tôi nói
con sông này chật nước chảy qua không mau
còn bây giờ thì trời mưa to
còn tôi thì ngồi với em ở đây như đá
bên kia đường hai người đàn bà bỏ gánh xuống
núp mưa che gió hút thuốc nhìn trời

chút nữa tôi đưa em về
qua những con đường gió thổi trên đồng trống
hết ngã ba ngã tư tới ngã sáu
đi đường Nguyễn Tri Phương vòng Lê Thái Tổ cho dài
qua đò Thừa Phủ học trò chưa bãi nên không có ai

tôi nhìn mưa giọt trên sông
nghe em hát nho nhỏ trong nón
gió xa xôi vẫn về
mưa giăng buồn lê thê
biết bao năm nữa trời
rồi thôi
em về có còn nhớ
thuở ấy mưa gió xa xôi
tôi làm người tình ngu ngơ đã đành
nên yêu em dại dột
em đi rồi tôi còn đứng mỏi chân
ướt át cây lá"

Những câu như: con sông này chật nước chảy qua không mau/ tôi nhìn mưa giọt trên sông/ nghe em hát nho nhỏ trong nón/ em đi rồi tôi còn đứng mỏi chân/ ướt át cây lá... vừa nhẹ vừa lạnh và nhất là ướt... cái ướt của những ngày đầu yêu nhau đã buồn như định mệnh...

Ở một bài thơ khác, Trần Vàng Sao kể lại câu chuyện của một đứa trẻ con đứng nhìn đám ma với ánh mắt của một triết gia. Em không hề chia sẻ tiếng khóc, tiếng kèn buồn của người đưa đám. Em tha thẩn nhìn trời đất, nhìn bốn phía với con mắt tròn vo hờ hững. Em nhìn phớt, nhìn biếng nhác, nhìn như không nhìn. Có lẽ sự cô tịch của em đã bắt đầu từ rất lâu trong cái không gian mà em và con người còn quá nhiều phân cách.

Đứa Bé Thả Diều Trên Đồng Và Vắt Cơm Cúng Mả Mới

"không có ai đi ngang qua đây để thấy con diều
của tôi
buổi trưa đứng bóng trên trời rất nhiều gió
tôi nằm ngửa nhai mấy cọng cỏ gà
nước cỏ non mát trong cổ
tôi đói bụng và muốn nhắm thật lâu hai con mắt
lại rồi ngủ quên
gió rớt lào rào trong lá tre trên đầu
tôi không thấy mặt trời đâu hết
chỉ có mấy con châu chấu nhảy trong tóc
và mùi trú ngún trong bếp ở xa
tôi nhớ những miếng sắn khô luộc chấm với muối
sống
bây giờ thì không còn gì nữa
tôi nằm nghiêng co người lại nhìn con diều
buồn quá nằm lâu không được
tôi đi lên cồn mả ngồi cho cao
nhiều người đứng đông đang cúng lạy
những đứa con nít bằng tuổi tôi bịt khăn đỏ khăn
vàng đi giày dép đưa tay che mắt nhìn con
diều giấy của tôi trên trời"...

Em thả diều và lơ đãng chờ người ta ra về để ăn chén cơm cúng và bần thần tự hỏi không biết khi nhà mình có người chết có cơm để cúng hay không?

"tôi ngồi xuống đất
những hột cơm trắng và khô
tôi ăn cả tàn hương phẩm đỏ vào bụng
liệu ai ở nhà tôi chết có được một vắt cơm to
trắng thế này để trên mả không

tôi phủi hai bàn tay vào nhau
đến chiều gió rất to
hai cái đuôi con diều muốn đứt
nhưng tôi không còn giây nữa"

Rời khỏi cái không gian của trẻ nhỏ hiu quạnh, Trần Vàng Sao nói về thời trung niên của mình đầy những chi tiết đời thường như hàng triệu người cùng lứa tuổi đang sống trong bầu khí quyển ngột ngạt một thời sau khi đất nước chuyển mình đỏ rực.

Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình
Bài thơ "Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình" được Trần Vàng Sao vẽ lại với bút tích của một họa sĩ tả chân bậc thầy. Trần Vàng Sao vẽ tranh tĩnh vật bằng ngôn ngữ nhưng không hề thua bất cứ danh họa tả chân nào.

Những vật thể trong bài thơ mỗi thứ một tiếng nói. Âm thanh riêng lẻ của chúng tựa vào nhau, đôi khi xô đẩy nhau để chỉ làm một công việc là kể câu chuyện của người đàn ông tuổi Tỵ ấy. Ông lấy các vật thể vô hồn ấy để miêu tả chính ông, một con người thừa.

"tôi tuổi tỵ
năm nay bốn mươi ba tuổi
thường không có một đồng trong túi
buổi sáng buổi chiều
thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
trong nhà ngoài sân với hai đứa con
cây cà cây ớt
con chó con mèo
cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn
hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết
một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa
miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ
cũng không có chi phiền
vấn một điếu thuốc hút
hai ba lần tắt đỏ
rồi nửa chừng rách giấy
bạn bè gặp nhau
cho uống một ly cà phê
một lần
qua hai lần phải tránh
không phải ai cũng nghĩ như mình
nhiều đứa vui gặp nhau cho năm ba đồng một chục
đưa tay cầm lấy
miệng nói không được"
…….


Khách vào nhà thấy nhà thơ leng keng với những vụn vặt nhưng không thể phủ nhận những đụng đậy nhỏ nhoi ấy làm cho mình thức giấc. Đời sống của một gã đàn ông trung niên chỉ loanh quanh trong chừng ấy thứ thì trách sao ông ta không làm thơ!

Chỉ có làm thơ mới giải tỏa được sự đè nén bởi đối với ông chung quanh không còn chỗ nào khơi mở được những ám ảnh về cuộc sống như ông đang chịu đựng.

Từ nhà bước ra, người đọc thơ lại chứng kiến một cảnh khác. Không gian bên ngoài chừng như im lặng mặc dù đám con nít đang đùa vui. Sự nghèo khó kéo nhau ra khỏi nhà, đến nỗi chỗ ngồi của nhà thơ cũng bị thiên nhiên làm nghèo đi, nhỏ đi, chỉ còn là một một hòn đá.

"tôi ngồi trên hòn đá trước nhà
buổi chiều không có một con chim đậu trên cây
đám trẻ con chia phe bắn nhau cười la ngoài sân
đứa sống đứa chết cãi nhau ăn gian chửi thề
những người đi bán về nói chuyện to
hai đứa nhỏ nhà bên cạnh cầm đèn che miếng lá chuối
qua xin lửa hỏi tôi nấu cơm chưa
tôi cười lắc đầu muốn đi ngủ
trong gió có mùi rơm cháy
tôi không biết làm gì hết
tôi bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát
đám trẻ con bỏ chơi chạy theo phá đàn trâu bò đi qua
tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một cây đèn để lên bàn thờ
hai đứa con ra ngoài đường chờ mẹ chưa về
trời còn lâu mới tối
tôi đi gánh một đôi nước uống"


Bài thơ còn dài với những nỗi buồn xếp hàng chờ nhà thơ điểm danh. Trần Vàng Sao tỏ ra rất thừa thời gian trong cuộc sống để chiêm nghiệm những gì đến với ông. Những bức bách mà cuộc đời đem đến chỉ làm ông buồn, tuy nhiên đối với những "đồng chí" chung quanh thì ông không hiền như thế.

Trong văn học dân gian, không hiếm những bài vè, lục bát dùng để chửi bới người mình ghét. Nhưng đối với các nhà thơ vốn quen thuộc và trân trọng những con chữ thì việc chửi bới là một điều phạm húy. Trần Vàng Sao chẳng những không sợ chữ nghĩa đau đớn mà ông còn bóc trần, nạo hết nét vàng óng bên ngoài của chúng để phục vụ cho một bài thơ mà ông cảm thấy hả hê. Ông dùng thơ để chửi cả một chế độ. Chửi từng sự việc, từng con người. Cách chửi của bà nhà quê mất gà được ông "biên đạo" lại thành của riêng, gây sốc lẫn gây cười cho người đọc bài thơ.

Có điều là cười xong thì người ta lại chảy nước mắt....

Tau chưởi

tau tức quá rồi
tau chịu không nổi
tau nghẹn cuống họng
tau lộn ruột lộn gan
…………….


tau đầu tắt mặt tối
đổ mồ hôi sôi nước mắt
vẫn đồng không trự nõ có
suốt cả đời ăn tro mò trú
suốt cả đời khố chuối Trần Minh
kêu trời không thấu
tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không
tau chưởi
tau phải chưởi
tau chưởi bây
tau chưởi thẳng vào mặt bây
không bóng không gió
không chó không mèo
mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước
giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây
đặng nghe tau chưởi
……………


tam giáo đạo sư bây
cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây
hà hơi trún nước miếng cho bây
……..


bây bứng cây sống trồng cây chết
vu oan giá họa
giết người không gươm không dao
đang sống bây giả đò chết
người chết bây dựng đứng cho sống
bây sâu độc thiểm phước
bây thủ đoạn gian manh
bây là rắn
rắn
toàn là rắn
như cú dòm nhà bệnh
đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp
bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét
lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm
......


thượng tổ cô bà bây
mụ cô tam đợi mười đời bây
tau xanh xương mét máu
thân tàn ma dại
rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch
mả ông bà cố tổ bây kết hết à
tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm
bây ăn chi mà ăn đoản hậu
ăn quá dã man
bây ăn tươi nuốt sống
mà miệng không dính máu"
.......


Không ít người dễ dàng đồng ý với Trần Vàng Sao khi chọn cách chửi để trút mối hận trong suốt cuộc đời mình.

Chắc không phải một mình ông hả hê. Còn biết bao nhiêu người khác nữa sẽ hả hê nếu đọc được những câu chửi nhàu nát này. Tuy thế tận sâu thẳm trong nỗi hả hê đó vẫn là niềm cay đắng không thể nào khỏa lấp.

Source: RFA

Sửa bởi người viết 01/12/2012 lúc 11:08:03(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.672 giây.