Tổng thống Mỹ Barack Obama, phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hiệp Quốc, ngày 24/09/2014. UN Photo/Cia Pak
Hãng tin Pháp AFP cho biết, hôm qua, 24/09/2014, trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Nga tại Ukraina.
Ông Barack Obama xem hành động Matxcơva cho sáp nhập vùng Crimée vào lãnh thổ Nga và công khai ủng hộ phe ly khai ở đông Ukraina là « một sự thách thức trật tự thế giới ». Trước sự hiện diện của Ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov, tổng thống Mỹ thẳng thắn tuyên bố « Hành động xâm lược của Nga tại Ukraina gợi nhắc lại thời kỳ mà các đại cường hà hiếp tiểu quốc để theo đuổi các tham vọng lãnh thổ » và « Nga cũng sẽ phải trả giá cho hành động xâm lược đó »,
Đối với tổng thống Mỹ, « con đường ngoại giao và hòa bình » sẽ là giải pháp duy nhất để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang đè nặng lên nền kinh tế Nga. Washington sẵn sàng sát cánh cùng Matxcơva giải quyết những thách thức chung mà hai quốc gia đang đối mặt. Ông nhắc lại những nỗ lực mà Nga với Mỹ đã thực hiện trong những năm qua từ việc giảm kho vũ khí hạt nhân cho đến hợp tác dỡ bỏ kho vũ khí hóa học tại Syria. « Đây chính là kiểu hợp tác mà chúng tôi sẵn sàng nối lại nếu Nga thay đổi thái độ », ông Obama khẳng định.
Phía Nga ngay lập tức đã có phản hồi. Trước giới báo chí Nga tại New York, Ngoại trưởng Serguei Lavrov đã bác lời kêu gọi của tổng thống Mỹ. Hãng tin Pháp AFP dẫn lại lời thuật từ đồng nghiệp Nga Interfax, Ngoại trưởng Nga tuyên bố: “Lệnh trừng phạt là chuyện của Hoa Kỳ. Nhưng những gì đang xảy ra tại Ukraina không phải việc của họ (Mỹ)”.
Theo AFP, những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh kế hoạch hòa bình cho Ukraina lại rơi vào bế tắc. Hôm qua, phe ly khai đã dội một gáo nước lạnh cho Kiev khi ra thông báo tổ chức bầu cử tổng thống và lập pháp vào tháng 11 sắp đến.
Trong khi đó, để cứu vãn hòa bình và nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ năm tháng nay, làm thiệt mạng 3.200 người, cách đây vài ngày Kiev đề nghị một « quy chế đặc biệt » cho vùng đông Ukraina, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phe ly khai.
Theo đó, quy chế này chấp thuận một quyền tự trị rộng lớn cho phe ly khai và dự kiến tổ chức bầu cử địa phương vào ngày 07/12, kèm theo đó là lệnh ân xá có điều kiện cho những người tham chiến.
Như vậy việc phe ly khai bác bỏ kế hoạch hòa bình, mong muốn theo hướng độc lập cho thấy rõ sự mong manh của tiến trình hòa bình được đưa ra từ nhiều tuần nay.
AFP cho biết, trước động thái trên của phe ly khai, hôm qua tại diễn đàn của Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Ukrainien Arseni Iatseniouk khẩn khoản kêu gọi phương Tây không nên dỡ bở lệnh trừng phạt nhắm vào Nga “cho đến khi nào Ukraina chưa nắm lại được quyền kiểm soát trên toàn lãnh thổ”.
Vì Kiev quan ngại rằng Matxcơva và phe ly khai thân Nga đang làm đủ mọi cách để biến vùng công nghiệp Donbass thành một kiểu Transnistria mới, một kiểu tiểu quốc gia không được công nhận như dưới thời Xô viết cũ.
Trong bối cảnh này, hôm nay, tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã ra sắc lệnh tạm thời đóng 2.300 km đường biên giới với Nga. Sắc lệnh ghi rõ quyết định được đưa ra “vì có liên quan đến hành động can thiệp liên tục của Liên bang Nga vào công việc nội bộ của Ukraina”.
Về phía mình, phía Nhật Bản hôm qua, 24/09/2014, cũng đưa ra một số lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga. Theo đó, chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe sẽ xiết chặt xuất khẩu trang thiết bị và công nghệ quân sự cho Nga, đồng thời cấm năm ngân hàng Nga phát hành trái phiếu tại đảo quốc.
Tuy nhiên, AFP nhận định quyết định trên của Tokyo rất có thể gây cản trở mọi nỗ lực xích lại gần của cả hai bên.
Theo RFI