Một chiếc tàu chở người tỵ nạn đến Úc. Ảnh do Cơ quan An toàn Hàng hải Úc (AMSA) chụp ngày 27/06/2012.
Trên nguyên tắc ngày mai 26/09/2014 Phnom Penh và Canberra sẽ thông qua thỏa thuận về người tỵ nạn. Thỏa thuận này cho phép Cam Bốt đón nhận những người tỵ nạn muốn nhập cư vào Úc. Giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích chính quyền của Thủ tướng Abbott bất nhân với những người tỵ nạn đến từ những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Bộ trưởng đặc trách về hồ sơ Di dân của Úc, ông Scott Morrison bắt đầu công tác Cam Bốt kể từ ngày mai. Theo chương trình nghị sự tại Phnom Penh, ông sẽ ký kết với đối tác Cam Bốt một thỏa thuận về người tỵ nạn. Thỏa thuận này cho phép Canberra trục xuất người tỵ nạn sang Cam Bốt.
Phát ngôn viên của Bộ trưởng Morrison xác nhận thông tin về chuyến công tác tại Phnom Penh vào ngày mai của lãnh đạo Úc nhưng không cho biết thêm chi tiết liên quan đến thỏa thuận nói trên.
Phía Cam Bốt không nói rõ về số lượng người tỵ nạn Cam Bốt sẽ đón nhận, về điều kiện họ được đón tiếp. Phnom Penh cũng không cho biết là Úc sẽ trợ cấp cho Cam Bốt bao nhiêu để đón nhận người tỵ nạn muốn định cư tại Úc.
Chủ tịch Trung tâm bảo vệ Nhân quyền Cam Bốt, ông Ou Virak chỉ trích Úc « mua chuộc Cam Bốt để Phnom Penh giải quyết hộ Canberra tình trạng thuyền nhân muốn vào Úc ». Bản tin của AFP nhắc lại với khoảng 20 % dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó, Cam Bốt không có phương tiện để tiếp đón người tỵ nạn.
Hơn nữa hệ thống pháp lý của quốc gia Đông Nam Á này vừa yếu kém, vừa nổi tiếng là không tôn trọng các quyền cơ bản của con người, cho nên nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền lo ngại cho số phận của những người tỵ nạn trong tương lai được đưa về Cam Bốt.
Kể từ khi lên cầm quyền, thủ tướng Tony Abbott đã siết chặt chính sách nhập cư. Cánh bảo thủ đang cầm quyền tại Canberra hài lòng trước việc từ tháng 12 năm ngoái tới nay, chỉ có một chiếc thuyền của người nhập cư trái phép cập được bến của nước Úc. Người tỵ nạn muốn xin vào Úc định cư đều đã bị chuyển về các trại ở Papouasie –Nouvelle Guinée hay tới các hòn đảo nhỏ trong vùng Thái Bình Dương trong khi chờ đợi giấy tờ của họ được duyệt xét.
Năm 2013 đã có tới 20.000 thuyền nhân xin tỵ nạn tại Úc.
Theo RFI