Chân dung 1 người tù bị lãng quênNgày 28/9/2014, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc và trao đổi với bác Nguyễn Tuấn Nam, một tù nhân chính trị vừa mới thi hành xong 18 năm tù trong tổng số 19 năm mà Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên phạt đối với cá nhân ông.
Cách đây vài hôm, Trại giam Xuân Lộc đã bàn giao bác Nguyễn Tuấn Nam cho anh Phạm Bá Hải mà không có bất kỳ thông báo nào trước đó. Hiện nay, vì không còn thân nhân nên cựu tù nhân chính trị này phải tá túc tại nhà anh Phạm Bá Hải trong tình trạng sức khỏe suy kiệt vì hệ lụy của những năm tháng tù đày.
Trường hợp của ông Nguyễn Tuấn Nam và những người trong tổ chức như ông ít được dư luận trong và ngoài nước biết đến. Sau khi bị bắt, hầu hết những người này bị đem ra xét xử vội vàng ở những tỉnh lẻ, rồi bị đưa vào các nhà giam trong im lặng. Đã có nhiều người trong tổ chức bị bức tử ngay trong trại giam, số còn lại đang thọ án, hoặc đã được về nhà và đang bị quản chế nghiêm ngặt tại địa phương.
Chúng tôi được biết, cựu TNLT Nguyễn Tuấn Nam sinh trưởng tại Hà Nội, ông sinh năm 1938, nghĩa là năm nay đã 76 tuổi, ông từng là một giáo viên cấp 2 giảng dạy tại Thanh Hóa. Sau 1975, ông di cư vào Nam và sống tại Sài Gòn ở số 423 đường Hoàng Văn Thụ Quận Tân Bình. Thời gian này, ông kết hôn với bà Vương Thị Viếng, sau này là đảng viên của đảng Nhân Dân Hành Động. Bà Viếng là một trợ thủ đắc lực cho chồng trong các hoạt động chính trị tại nước ngoài, bà cũng bị bắt và bị kết án 10 năm tù giam.
Năm 1992, ông vượt biên qua Campuchia và trở thành giáo viên dạy học của các trường thuộc cộng đồng người Việt tại Miên.
Tháng 3/1995, trong một lần ghé thăm trường học, ông Nguyễn Sỹ Bình đến tiếp xúc với ông Nguyễn Tuấn Nam và vận động ông vào đảng Nhân Dân Hành Động do Nguyễn Sỹ Bình làm chủ tịch. Trong đảng, ông Tuấn Nam giữ chức vụ Phó ban Tuyên huấn trung ương kiêm Phó Chủ tịch “Xứ bộ Chùa Tháp”, hoạt động chủ yếu của ông là vận động người Việt tại Campuchia gia nhập đảng Nhân dân Hành động. Ông Nam là một trong những người có vai trò quan trọng trong đảng, ông chịu trách nhiệm tuyên huấn cho khoảng 18 lớp, với hơn 900 lượt người tham gia.
Cuối tháng 11/1996, Ông Lê Văn Tính triệu tập 46 thành viên gồm các Phó Chủ tịch Xứ bộ, Đảng bộ trưởng, Đảng bộ phó, và Ủy viên của Ban chuyên trách tổ chức Đại hội đảng Nhân Dân Hành Động tại Thái Lan.
28/11/1996 sau khi đã tổ chức xong Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Nam cùng với nhóm người của đảng Nhân Dân Hành Động trên đường từ Thái Lan về Camphuchia, thì bị Cảnh sát Hoàng gia Camphuchia phục kích và bắt giữ tại cửa khẩu Poipet (biên giới Thái Lan và Camphuchia). Ngày 5/12/1996, Bộ nội vụ Campuchia thực hiện chuyển giao, di lý 19 người có quốc tịch Việt Nam cho Bộ công an Việt Nam.
Chúng tôi được biết, Hội nghị Đảng Nhân dân Hành động tổ chức tại Thái Lan do Nguyễn Sỹ Bình đứng ra chỉ đạo để củng cố nhân sự tại Chùa Tháp, chuẩn bị xâm nhập về Việt Nam hoạt động với khẩu hiệu: “Nước chảy về nguồn”. Ông Nguyễn Tuấn Nam được phân công phụ trách hoạt động tại Hà Nội. Và nhiều cán bộ khác được phân công ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, sau này được biết tất cả đều đã bị bắt.
Cuối năm 1996, Tòa án Nhân dân Tỉnh An Giang tuyên án ông Nguyễn Tuấn Nam 19 năm tù giam với tội danh: “trốn ra nước ngoài hoạt động chống chính quyền Nhân dân” theo khoản 3 điều 85 Bộ luật hình sự (Bộ luật hình sự chưa sửa đổi). Điều luật này cũng được áp dụng cho tất cả các thành viên của đảng Nhân dân Hành động khi bị bắt và đem ra xét xử. Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang đã xét xử ông cùng nhiều đảng viên khác trong bí mật, và phiên tòa diễn ra trong chớp nhoáng.
Được hỏi, sau khi bị bắt, đảng Nhân dân Hành động hay cá nhân ông Nguyễn Sỹ Bình đã có những hành động trợ giúp hay vận động cho các đảng viên của mình ở trong tù hay không? Ông Tuấn Nam trả lời: “Trên thực tế, chúng tôi không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ đảng Nhân Dân Hành Động hay cá nhân ông Nguyễn Sỹ Bình. Tôi là người tiếp xúc và trao đổi thường xuyên với ông Bình cũng như nhiều nhân vật lãnh đạo khác ở Hoa Kỳ và u châu trước khi tôi bị bắt. Tuy nhiên, tôi không nhận được sự hỗ trợ nào, trong suốt quảng thời gian bị giam cầm trong lao tù, tất cả anh em trong tổ chức cũng không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào. Có vài người đã chết vì không được viện trợ”.
Ông Nam nói thêm: “Chủ trương của đảng Nhân Dân Hành Động trước khi đưa cán bộ thâm nhập về Việt Nam là chấp nhận hy sinh đối đầu, bị tra tấn cũng phải vượt qua. Khi suy nghĩ lại, tôi cho rằng: sự thực là chúng tôi đã bị bỏ rơi, nếu không, tổ chức đã tìm cách liên lạc và tìm đến địa chỉ của từng gia đình cán bộ để hỗ trợ”.
Tìm hiểu thông tin về Cựu tù này trong thời gian 18 năm bị giam cầm trong nhà tù cộng sản, ông chia sẻ:
“Trong trai tạm giam, chúng tôi bị tra tấn trong mỗi lần đi cung. Đến khi chính thức bị giam giữ, cán bộ quản giáo đối xử với tù nhân vô cùng nghiệt ngã, đánh đập hành hạ xúc phạm đủ kiểu, chúng tôi bị ép buộc lao động khổ sai. Trong tù, vật giá quá đắt, chúng tôi không có tiền mua, cuộc sống thiếu thốn, khổ cực. Hai vợ chồng tôi đều bị chính quyền tống giam, tôi không có thân nhân,cũng không nhận được sự giúp đỡ nào hết. Tôi tồn tại được là nhờ vào các anh em tù chính trị khác giúp đỡ. Tôi nhờ Thầy Ba (thầy Thiện Minh), nhờ anh Phạm Bá Hải. Không có những người này thì tôi đã chết rồi”.
Cũng xin được nói thêm, ông Nguyễn Tuấn Nam bị tai biến mạch máu não năm 2013 và hiện nay đang sinh hoạt rất khó khăn. Cơ thể ông suy kiệt và tàn lụi do hậu quả của những năm tháng bị hành hạ và tra tấn ở trong tù. Khoảng thời gian gần đây, ông sống được ở trong tù là nhờ những cựu tù chính trị đã mãn án gửi tiền trợ giúp. Cán bộ trại giam nhiều lần yêu cầu ông Nguyễn Tuấn Nam nhận tội để được giảm án. Tuy nhiên, ông Nam luôn bày tỏ tinh thần bất khuất của một nhà tranh đấu vì lý tưởng, ông phủ nhận tính hợp pháp của chính quyền Cộng sản và tuyên bố rằng ông vô tội. Việc bắt giam ông là sai trái.
Được hỏi, ông suy nghĩ như thế nào về tương lai của đảng cộng sản. Ông bày tỏ: “Trước đây, tôi từng viết một bản tham luận khi tổ chức Hội nghị đảng tại Thái Lan để chỉ ra rằng, chế độ cộng sản là một chế độ phi nhân, sử dụng chiêu bài vì dân vì nước để che giấu và lấp liếm tội ác của mình. Người dân Việt Nam sẽ hiểu ra và sẽ đứng lên lật đổ chế độ trong tương lai không xa nữa”.
Được hỏi ông có dự định gì cho tương lai. Ông trả lời: “Tôi về đây để phục hồi sức khỏe, nếu tôi còn có thể làm được điều gì đó thì tôi sẽ làm để tiếp tục tranh đấu cho Tự do – Dân chủ”.
Sau năm 1975, hàng trăm các tổ chức chính trị được thành lập và nhận được sự ủng hộ tích cực từ đồng bào quốc nội. Bối cảnh lịch sữ Việt Nam trong giai đoạn lúc bầy giờ vô cùng nghiệt ngã, chính sách của đảng CS đẩy mọi tầng lớp dân chúng, nhất là thanh niên Việt nam vào thế đối đầu với chính quyền. Khi các tổ chức chính trị đối lập ra đời, hầu hết thanh niên Việt Nam hăng hái gia nhập nhưng không nghĩ đến hậu quả.
Hàng chục các tổ chức đấu tranh vũ trang thất bại, lần lượt các tổ chức chính trị bí mật cũng bị chính quyền điều tra và các nhà hoạt động bị bắt giữ. Tính đến nay, có đến hàng ngàn người thuộc hàng trăm tổ chức bị an ninh mật vụ cộng sản bắt giam, thảm sát. Đa số những người này là những thanh niên được thôi thúc bởi lý tưởng và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, để sau đó, cuộc đời của họ bị tàn lụi trong ngục tù chế độ.
Sau khi bị bắt vào tù, những người cầm đầu của các tổ chức đấu tranh đã không có một nổ lực cần thiết nhằm tìm kiếm sinh lô cho những người đồng đội của mình. Nhà tù CS đã mang đi tất cả mọi thứ nằm sâu trong trái tim một thanh niên trẻ, nhà tù cướp đi tuổi thanh xuân, cướp đi lý tưởng và dập tắt tia hy vọng cuối cùng trong cuộc đời họ.
Ngoài kia, những người lãnh đạo của các tổ chức đang hưởng thụ cuộc sống vương giả no ấm được xây dựng từ máu xương của các dân tộc bản địa, nhìn về Việt Nam với đôi mắt lãnh đạm. Cố nhiên, cũng có một thiểu số đã dấn thân cùng các anh em quốc nội trong cơn khao khát tìm kiếm Tự do, nhưng số phận của họ không quá bi thảm, chỉ đơn giản bởi vì họ được ràng buộc bởi danh dự và pháp luật của các nước Phương Tây – quốc gia đang cưu mang họ.
Ông Nguyễn Tuấn Nam cũng như hàng trăm những tù nhân khác đang mòn mỏi trông ngóng thái độ của những người được xem là Yêu chuộng Tự do. Khi chúng ta luôn mồm nói về các giá trị tốt đẹp, trong lúc đó, chúng ta lại lãng quên và bỏ rơi chính những người anh em của mình. Thật không hữu lý và khó thuyết phục khi nói rằng, chúng ta đấu tranh cho những lý tưởng cao quý nhưng lại có cách cư xử và hành động thấp hèn.
Sài Gòn 29/9/2014
© Huỳnh Trọng Hiếu (Danchimviet)