REUTERS/Kacper Pempel/Files
Ngày 08/10/2014 vừa qua, trước tiểu ban tài chính của Thượng viện Hoa Kỳ, ông Eric Schmidt, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Google đã khẳng định, việc do thám một cách ồ ạt các trao đổi thông tin điện tử tại Hoa Kỳ có thể đe dọa sự tồn tại của chính internet và hậu quả của việc giám sát internet trên phạm vi thế giới có nguy cơ làm tan vỡ mạng lưới trao đổi thông tin toàn cầu.
Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế, từ nay đến cuối 2014, số người dùng internet trên thế giới sẽ vượt qua ngưỡng 3 tỷ. Đây là một thông tin đáng phấn khởi đối với các tập đoàn công nghệ thông tin lớn trên thế giới, bởi vì việc phát triển thương mại trực tuyến và các dịch vụ trên mạng bảo đảm cho các doanh nghiệp này thu được những khoản lợi khổng lồ.
Thế nhưng, thực tế lại phũ phàng hơn. Các doanh nghiệp phát triển internet tỏ ra bức bối. Theo họ, mạng lưới internet có thể bị tan vỡ. Với việc do thám ồ ạt các trao đổi thông tin, các cơ quan tình báo Mỹ đang phá hỏng những gì mà các doanh nghiệp tại Silicone Valley trong nhiều năm trời, đã bỏ công sức ra xây dựng và phát triển.
Theo ông Ecric Schmidt, những tố giác của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden đã gây ra các hậu quả nặng nề cho nền kinh tế mạng và không thể nào phục hồi được lòng tin của người sử dụng internet.
Tại tiểu ban Tài chính Thượng viện Mỹ, các tập đoàn tin học lớn của Hoa Kỳ đã kêu gọi các nhà lập pháp cần nhanh chóng có các biện pháp để lấy lại lòng tin của cộng đồng quốc tế.
Tập đoàn Microsoft thậm chí còn đe dọa chính phủ là sẽ tăng cường an ninh và bảo vệ các dịch vụ trên mạng, bằng cách cung cấp cho người sử dụng internet các hệ thống mã hóa không thể phá được, nếu như các luật lệ tôn trọng cuộc sống cá nhân trên Net không được thông qua.
Để thuyết phục các nghị sĩ, các tập đoàn tin học Mỹ tiết lộ rằng trong thời gian qua, một số nước đã yêu cầu là các dữ liệu thông tin của họ được cất giữ trên lãnh thổ quốc gia, thay vì thuê tích trữ ở Hoa Kỳ. Từ nhiều tháng qua, Facebook, Google, Microsoft, Twitter, Yahoo và nhiều doanh nghiệp khác đã tìm mọi cách vận động đòi chính phủ Mỹ chấm dứt các hoạt động do thám ồ ạt trên mạng.
Các tập đoàn tin học lớn của Mỹ tỏ ra bi quan và lo ngại về nguy cơ mỗi quốc gia tạo ra một không gian và hệ thống web riêng của mình. Cuộc đối thoại giữa các tập đoàn này với chính quyền giống như đối thoại giữa những người điếc, cho thấy xung đột giữa lợi ích công và tư và cả hai phía đều không đủ khả năng bảo vệ các quyền tự do, cũng như các thông tin liên quan đến cuộc sống cá nhân của dùng internet.
Theo RFI