logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 20/10/2014 lúc 08:08:55(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Lãnh đạo Hong Kong: Phong trào phản đối ‘không chỉ hoàn toàn trong nước’
UserPostedImage
Người biểu tình phong tỏa một con đường trong khu Mongkok, 20/10/14

Nhà lãnh đạo Hong Kong cáo buộc “các lực lượng nước ngoài” nhúng tay vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở lãnh địa này của Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn do một đài truyền hình thực hiện vào khuya Chủ nhật, ông Lương Chấn Anh nói rằng các cuộc biểu tình từ mấy tuần nay “không hoàn toàn là phong trào trong nước.” Tuy nhiên ông từ chối nêu tên các nước ngoài hay các nhóm nào mà ông tin là đứng sau các vụ biểu tình phản đối.

Những nhận định của ông phù hợp với lời bình luận gần đây trong truyền thông của nhà nước Trung Quốc, cáo buộc Hoa Kỳ và các nước phương Tây điều khiển các cuộc biểu tình.

Trước đó hôm Chủ nhật, cảnh sát Hong Kong đã đụng độ với người biểu tình, gây thêm cảm giác bế tắc giữa chính phủ và phong trào ủng hộ dân chủ.

Mấy chục cảnh sát cầm khiến và đội mũ sắt xông vào đám đông người biểu tình tụ tập tại các rào chắn trong khu Mong Kok. Hãng tin AP loan tin có 20 người bị thương trong vụ xô xát.

Vụ ấu đả xảy ra vài giờ sau khi chính phủ Hong Kong tuyên bố có thể sẽ bắt đầu đàm phán với sinh viên xuống đường vào thứ Ba.
Theo VOA
xuong  
#2 Đã gửi : 20/10/2014 lúc 08:10:28(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Biểu tình ‘hoàn toàn của dân HK'
UserPostedImage
Người biểu tình Hong Kong muốn ông Lương từ chức

Những nhà hoạt động dân chủ Hong Kong đã cực lực bác bỏ cáo buộc của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh rằng các cuộc biểu tình của họ có sự nhúng tay của ‘các thế lực bên ngoài’.

Anh Alex Chow, một lãnh đạo của Liên đoàn Sinh viên Hong Kong, nói rằng bình luận trên của ông Lương là ‘vô trách nhiệm’ và rằng ông Lương không đưa ra được bằng chứng nào cho cáo buộc trên.

Các cuộc biểu tình đòi dân chủ đã làm tê liệt một số khu vực ở Hong Kong trong ba tuần vừa qua.

Họ kêu gọi bầu cử dân chủ hoàn toàn ở đặc khu hành chính này.

Không nói rõ
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình ATV, ông Lương nói các cuộc biểu tình ở Hong Kong ‘không hoàn toàn là của người dân sở tại vì có sự nhúng tay của các thế lực bên ngoài’.

Tuy nhiên ông từ chối nói rõ điều này cũng như nêu đích danh quốc gia mà ông cho là có liên quan.

“Đưa ra phát biểu rằng có thế lực bên ngoài xâm nhập vào cuộc biểu tình ngay trước khi bắt đầu đối thoại là bằng chứng cho thấy ông Lương đang muốn trấn áp toàn bộ phong trào,” lãnh đạo sinh viên Alex Chow nói.

Đưa ra phát biểu rằng có thế lực bên ngoài xâm nhập vào cuộc biểu tình ngay trước khi bắt đầu đối thoại là bằng chứng cho thấy ông Lương đang muốn trấn áp toàn bộ phong trào.Alex Chow, một lãnh đạo của Liên đoàn Sinh viên Hong Kong
Một người biểu tình có tên là Jeffery Hui nói với BBC: “Đây là phong trào hoàn toàn của người dân, hoàn toàn do những người dân sống ở Hong Kong, lo cho Hong Kong, những người đã đứng lên chống lại chế độ.”

Các quan chức chính quyền trung ương ở Bắc Kinh đã cảnh báo về ‘sự can thiệp bên ngoài’ vào Hong Kong còn truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc phương Tây ‘kích động’ biểu tình.

Các phân tích gia cho rằng Trung Quốc đưa ra các cáo buộc can thiệp này để ngăn chặn các nước ủng hộ cuộc biểu tình ở Hong Kong.

‘Khỏi tầm kiểm soát’
Mặc dù số lượng người biểu tình đã giảm sút trong những ngày qua, một số người biểu tình vẫn đóng ở các khu vực Admiralty, khu trung tâm hành chính, Vịnh Causeway và Mongkok, khu thương mại sầm uất.
UserPostedImage
Ông Lương đang trải qua giai đoạn khó khăn

Cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra xô xát mặc dù trong đêm Chủ nhật ngày 19/10 không xảy ra vụ đụng độ nào.

Cảnh sát đã dỡ bỏ rào chắn và lều của người biểu tình nhưng không giải tán các điểm biểu tình.

Ông Lương không nói liệu chính quyền có tìm cách dẹp hết các cuộc biểu tình hay không nhưng nói: “Chúng tôi cần thời gian để nói chuyện với người dân, nhất là các sinh viên. Điều tôi muốn là vấn đề này sẽ chấm dứt một cách yên bình và có ý nghĩa.”

Ông cũng nói thêm rằng cuộc biểu tình ‘đã vượt khỏi vòng kiểm soát thậm chí đối với những người đã phát động nó. Họ không thể chấm dứt đước biểu tình, vốn là một mối lo lớn’.

Những người biểu tình, đa phần là sinh viên, cáo buộc ông Lương đã không dám đối đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Phe biểu tình và chính quyền Hong Kong đã đồng ý đàm phán vào thứ Ba ngày 21/10 và cuộc đàm phán này sẽ được phát trực tiếp trên truyền hình.
Theo BBC

Sửa bởi người viết 20/10/2014 lúc 08:11:35(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

xuong  
#3 Đã gửi : 20/10/2014 lúc 08:14:38(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Bạo động tạm lắng ở Hồng Kông

UserPostedImage
Cảnh sát chống bạo động tiến vào khu thương mại Mong Kok ở Hong Kong, ngày 19/10/2014.

Tại Hồng Kông, phong trào đòi dân chủ có tên là Cuộc Cách mạng Dù đang bước vào một tuần lễ có tính chất bước ngoặt với cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sắp diễn ra vào ngày mai, sau nhiều ngày xảy ra những vụ bạo động giữa người biểu tình với cảnh sát. Theo tường thuật của thông tín viên Ivan Broadhead của đài VOA ở Hồng Kông, dân chúng không đặt nhiều kỳ vọng là sẽ có đột phá trong cuộc thương thuyết nhằm chấm dứt vụ khủng hoảng hiến pháp ở đặc khu hành chánh của Trung Quốc.

Căng thẳng đã gia tăng trên các đường phố ở Hồng Kông trong vài ngày qua, với những vụ đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động với hàng ngàn sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở khu thương mại Mong Kok (Vọng Giác).

Trong lúc bạo động leo thang, các nhân vật tranh đấu đối mặt với mối nguy hiểm bị đè bẹp trong lúc cảnh sát dồn họ vào những chướng ngại vật bằng sắt. Tuy có một số nhân viên cảnh sát bị thương, cảnh sát đã bị nhiều người chỉ trích về việc dùng dùi cui đánh vào đầu và mặt của những thanh niên biểu tình.
UserPostedImage
Người biểu tình đứng sau các chướng ngại vật tại khu vực bị chiếm đóng ở khu thương mại Mong Kok (Vọng Giác), ngày 20/10/2014.

Anh Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) là người đứng đầu nhóm “Học Dân Tư Trào”, một trong ba nhóm tổ chức cuộc biểu tình ngồi lỳ có tên “Chiếm Trung”. Anh nói với đài VOA rằng tuy cuộc đàm phán đã được giàn xếp, nhưng những nhà tranh đấu trên đường phố xem mỗi con đường là một lá bài mặc cả và họ sẽ không từ bỏ một cách dễ dàng.

"Sau những hành động của cảnh sát, các nhà tranh đấu nên ra sức duy trì vị thế của mình trong Phong trào Chiếm Trung. Tôi không biết chắc đường hướng của phong trào sẽ tiếp tục như thế nào. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để bảo vệ các giá trị của mình và có thái độ kiên trì trong việc chiếm cứ các khu Mongkok, Admiralty và Causeway Bay."

Trước khi xảy ra những vụ bạo động vào ngày thứ bảy và ngày chủ nhật, nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ về kết quả của cuộc đàm phán. Hôm nay, giáo sư Willy Lam của Đại học Trung Văn ở Hồng Kông, nói rằng cuộc điều đình có phần chắc sẽ không mang lại những kết quả tức thời – một nhận định có sự tán thành của nhiều người kể cả nhân vật đứng hàng thứ nhì trong chính phủ Hồng Kông. Giáo sư Lam phát biểu như sau:

Hầu hết các nhà phân tích và các học giả có kỳ vọng rất ít về những gì sẽ xảy ra. Cuộc đàm phán rất có thể sẽ bị đổ vỡ. Và có thể sẽ có thêm nhiều người tham gia cuộc Cách mạng Dù.

Những mối nghi ngại đó đã gia tăng bởi sự bổ nhiệm ông Trịnh Quốc Hán làm người chủ trì cuộc đàm phán. Ông Trịnh, từng làm cố vấn cho Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh trong cuộc vận động tranh cử và hiện là hiệu trưởng trường Đại học Lĩnh Nam, đã trấn an công chúng rằng ông sẽ gạt qua một bên những mối quan hệ đồng minh.
UserPostedImage
Cảnh sát dùng dùi cui đánh vào đầu và mặt của những thanh niên biểu tình.

"Nhiệm vụ của tôi không phải là trình bày ý kiến của mình về bất kỳ vấn đề nào, mà là tạo điều kiện để có được một cuộc thảo luận và đối thoại có ý nghĩa – một cuộc đối thoại trong đó đôi bên, khi phát biểu, sẽ tôn trọng phía bên kia và phát biểu trong khoảng thời gian đã định."

Liên đoàn Sinh viên Học sinh Hồng Kông sẽ đại diện cho phong trào dân chủ tại cuộc đàm phán được truyền hình trực tiếp vào tối thứ ba.

Sự bất đồng chính giữa đôi bên vẫn là đòi hỏi của các nhà tranh đấu là dân chúng Hồng Kông – chứ không phải một ủy ban bao gồm các phe phái thân Bắc Kinh, có quyền đề cử ứng viên cho cuộc bầu cử trưởng quan hành chánh vào năm 2017.

Đương kim Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh lại một lần nữa tuyên bố rằng, tuy Bắc Kinh hiểu rõ sự bất đồng của công chúng đối với vấn đề này, nhưng đòi hỏi của những người biểu tình không phù hợp với luật lệ của Hồng Kông và quyết định ngày 31 tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc.

Mặc dù vậy, ông Lương cũng nhắc nhở các sinh viên rằng một vòng hiệp thương thứ nhì sẽ được tổ chức để giải quyết vụ bế tắc về hiến pháp.

"Điều quan trọng mà các sinh viên và những người ủng hộ họ nên biết là có một khoảng không gian rất lớn để thảo luận về cách thức để chúng ta thiết kế một hệ thống đề cử để chúng ta có được một sự lựa chọn đúng nghĩa về các ứng cử viên của cuộc bầu cử năm 2017."

Giữa lúc các phe trong vụ tranh chấp kéo dài 3 tuần ở Hồng Kông tiến về bàn thương thuyết, Trung Quốc tố cáo các thế lực nước ngoài ảnh hưởng tới những sự kiện ở Hồng Kông.

Hôm qua, một thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “Vì những cách làm việc sai trái của Mỹ, rất khó để thực hiện lại cuộc đối thoại và hợp tác Mỹ-Trung về vấn đề an ninh mạng vào thời điểm này.”

Thông cáo nói rằng người đưa ra phát biểu đó là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì. Ông Dương đã họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Boston trong vài ngày qua để chuẩn bị cho chuyến công du của Tổng thống Barack Obama đến Trung Quốc vào tháng tới.
Theo VOA
phai  
#4 Đã gửi : 20/10/2014 lúc 05:07:52(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Joshua Wong chế nhạo ông Lương Chấn Anh trên facebook

Tuyên bố cuộc biểu tình tại Hong Kong là do có “thế lực bên ngoài” tác động vào của ông trưởng đặc khu hành chính Lương Chấn Anh đang gặp phải sự phản đối dữ dội từ những người đòi hỏi dân chủ ở quốc gia này.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình tối hôm chủ nhật, ông Lương Chấn Anh đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài dính líu đến làn sóng biểu tình trong nước, nhưng ông không nói rõ đó là những tổ chức nào. Nhận xét trên của ông Lương Chấn Anh ngay lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt và thậm chí có cả những lời chế nhạo đã được đưa ra.

Trong một thông điệp gửi trên facebook, Joshua Wong châm biếm đáp trả: mối liên hệ của tôi với nước ngoài chỉ nằm ở chiếc điện thoại của Hàn Quốc, chiếc máy tính của Mỹ và bộ phim Gundam của Nhật Bản. Và dĩ nhiên là tất cả các thiết bị trên đều có dòng chữ “Sản xuất ở Trung Quốc.”

Ngoài ra, lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên Hong Kong Alex Chow cũng lên tiếng bác bỏ những tuyên bố của ông Lương Chấn Anh và yêu cầu ông Lương hãy đưa ra chứng cứ cho thấy có “thế lực nước ngoài” đang can thiệp vào phong trào biểu tình ở Hong Kong.
Theo RFA
xuong  
#5 Đã gửi : 21/10/2014 lúc 08:37:56(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Hồng Kông : Sinh viên bi quan về đối thoại đầu tiên với chính quyền
UserPostedImage
Biểu tượng cách mạng hoa dù của phong trào dân chủ Hồng Kông. Ảnh ngày 20/10/2014. Reuters

Sinh viên Hồng Kông, mũi nhọn của phong trào đấu tranh dân chủ ngày21/10/2014 gặp gỡ chính quyền lần đầu tiên, sau hơn ba tuần lễ biểu tình. Một cuộc đối thoại mà ít có quan sát viên nào tin rằng sẽ giúp kết thúc cuộc khủng hoảng, và giới sinh viên cũng thế.

Từ ba tuần qua, sinh viên chiếm lĩnh ba khu phố của trung tâm tài chính châu Á. Giao thông công cộng, việc di chuyển của xe cộ và hoạt động kinh tế bị trở ngại đáng kể bởi các cuộc biểu tình ngồi. Tại Mongkok, các sinh viên đã củng cố các rào cản bằng những thanh gỗ, thùng carton và hàng rào, trên đó cắm đầy những chiếc dù đã trở thành biểu tượng của cuộc cách mạng. Sợ rằng cảnh sát sẽ tấn công lần nữa, những người biểu tình bắt đầu dự trữ nón bảo hộ, khẩu trang và mút xốp dùng để đỡ những cú gậy của cảnh sát.

Lần đầu tiên kể từ ngày 28/9, chính quyền Hồng Kông chấp nhận gặp gỡ sinh viên tối nay. Nhưng ít ai tin rằng Bắc Kinh sẽ nhượng bộ dù chỉ một ly, vì sợ phong trào dân chủ lan tràn sang Hoa lục, còn sinh viên cũng không dễ dàng bỏ rơi những yêu sách.

Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Heike Schmidt gởi về bài tường trình :

« Ngồi trên mặt đường, Alex nhâm nhi ly cà phê. Người giáo viên tiếng Anh có mặt để ủng hộ các học sinh của mình. Cả phán quyết của Tòa án tối cao lẫn các cuộc thương lượng được loan báo đều không thể thuyết phục họ tháo dỡ các căn lều.

Anh nói : « Tôi tin rằng chúng tôi sẽ còn ở lại đây lâu dài. Chính quyền đã khiến chúng tôi thấy rõ là họ không hề sẵn sàng tìm ra một thỏa hiệp về phổ thông đầu phiếu. Họ không đưa ra một đề nghị nào cho chúng tôi. Ở đây, cảnh sát ca n thiệp cả đêm, họ đánh đập chúng tôi, làm cho càng có thêm nhiều người xuống đường.

Tôi tin rằng đại đa số người dân ủng hộ chúng tôi. Theo tôi, Mongkok là lá bài duy nhất mà chúng tôi có thể sử dụng khi thương thuyết, vì đây chính là trái tim của một Hồng Kông thực sự. Chúng tôi rất lo ngại, vì nếu chính quyền trục xuất được chúng tôi ra khỏi Mongkok, thì phong trào sẽ chết yểu ».

Căng thẳng đã dâng lên một nấc khi các vụ bạo động giữa cảnh sát và người biểu tình đã làm cho vài chục người bị thương.

« Tình hình nay đã căng hơn nhiều. Nếu bạn thấy các bạn mình vô cớ bị đánh vào đầu, máu chảy ròng ròng xuống thái dương, thì bạn cũng sẽ trở nên cực đoan. Đó là câu trả lời thông thường trước sự bất công của cảnh sát, chính họ đã gây ra tình trạng cứng rắn hơn như thế này ».

Người giáo viên sẽ xem truyền hình trực tiếp cuộc thương lượng, nhưng anh tin rằng đây sẽ là cuộc đối thoại giữa những người điếc, không giúp có được một bước tiến nào ».

Theo RFI
xuong  
#6 Đã gửi : 21/10/2014 lúc 08:39:28(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Chính quyền Hồng Kông có thể nhượng bộ sinh viên
UserPostedImage
Dân Hồng Kông theo dõi màn ảnh lớn chiếu trực tiếp cuộc đối thoại giữa sinh viên với chính quyền. AFP photo

Chính quyền và lãnh đạo biểu tình Hong Kong chính thức ngồi lại với nhau để tìm giải pháp chấm dứt biểu tình kéo dài hơn ba tuần lễ vừa qua.

Vào lúc 6 giờ sáng giờ Hong Kong hôm nay hai bên đã ngồi họp với nhau và một màn hình khổng lồ đã trực tiếp truyền đi hình ảnh cuộc họp cho mọi người xem. Về phía đặc khu hành chánh không có mặt ông Lương Chấn Anh mà Carrie Lam là người đại diện.

Sinh viên và người biểu tình đã có một đêm tương đối yên tĩnh tuy nhiên họ vẫn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với sự đàn áp của cảnh sát Hong Kong. Vẫn còn ít nhất 22 người bị bắt giữ.

Ông Lương Chấn Anh trước đó đã có tuyên bố với các cơ quan truyền thông quốc tế rằng cuộc đối thoại sẽ cho phép Ủy ban bầu cử tuyển chọn thêm ứng viên vào vị trí tranh cử nhiều chỗ hơn và do đó bảo đảm tính chất dân chủ mà sinh viên và người biểu tình đòi hỏi.

Đại diện liên đoàn sinh viên Hong Kong cho biết đây là cơ hội mà sinh viên và người dân có thể ngồi nói chuyện ngang hàng với đại diện Đặc khu Hành chánh để yêu cầu thực hiện nguyện vọng dân chủ của họ.
Theo RFA
xuong  
#7 Đã gửi : 22/10/2014 lúc 08:22:08(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Chính quyền và sinh viên HK đàm phán
UserPostedImage
Người biểu tình vẫn đang tụ tập tại Mong Kok và những nơi khác ở Hong Kong


Giới chức Hong Kong vừa kết thúc vòng đối thoại đầu tiên với sinh viên và nhà đàm phán của chính quyền nói bà hy vọng sẽ tiếp tục có các cuộc đối thoại khác với sinh viên.

Các đại diện sinh viên tham gia đối thoại lặp lại yêu cầu đòi không hạn chế ứng viên cho chức đặc khu trưởng trong cuộc bầu cử vào năm 2017.

Tuy nhiên cả giới chức Hong Kong và Bắc Kinh đã nói điều này là không thể được.

Người biểu tình đã chiếm nhiều địa điểm chính của thành phố, mặc dù số lượng người tham gia đã giảm.

Phóng viên Juliana Liu của BBC tại Hong Kong nói mặc dù những người biểu tình biết rằng hầu như không có khả năng đòi hỏi của họ được đáp ứng, họ vẫn bám trụ trên đường phố để cho chính quyền biết rằng đấu tranh cho cải cách dân chủ là một quá trình lâu dài.

'Bài toán số'
Đoàn đàm phán của chính quyền Hong Kong do bà Carrie Lam, chánh văn phòng Đặc khu, dẫn đầu trong khi có 5 người đại diện cho các sinh viên.

Các cuộc đối thoại đã bị hai lần hủy trước đó.

Vòng đối thoại đầu tiên, bắt đầu lúc 18:00 giờ địa phương, tập trung vào yêu sách của các sinh viên về việc chính quyền trung ương phải thay đổi lập trường về cách chọn lọc ứng viên cho cuộc bầu cử sắp tới.

Các thủ lĩnh sinh viên tái khẳng định quan điểm muốn lãnh đạo Hong Kong được bầu cử một cách dân chủ hơn - điều đã bị bà Carrie Lam bác bỏ.

"Nếu quan điểm của họ vẫn như vậy thì tôi e rằng chúng tôi sẽ tiếp tục bất đồng," bà nói.

Alex Chow, Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hong Kong, nói lập trường của chính quyền là "mơ hồ".

"Chúng tôi cho rằng chính quyền cần giải thích rõ ràng hơn trước công chúng," ông nói thêm.
UserPostedImage
Đây là vòng đối thoại đầu tiên giữa hai bên

Cuộc đối thoại diễn ra một ngày sau khi Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh tiếp tục bác bỏ yêu cầu của sinh viên và cho rằng điều này sẽ dẫn đến những chính sách dân túy.

"Nếu đây hoàn toàn là một bài toán số thì có lẽ quý vị sẽ phải đối thoại với một nửa người dân Hong Kong có thu nhập dưới 1.800 đô la Mỹ một tháng," ông Lương nói trước báo giới, "Khi đó mới có thể có những kiểu chính trị và chính sách như thế."

Ông Lương nói những vấn đề như thiếu năng động xã hội và giá nhà quá cao là 'không thể chấp nhận' và chính quyền cần làm nhiều hơn để giải quyết.

Nhưng ông cũng nói lập trường của Bắc Kinh, trong đó bất cứ ứng viên nào cũng cần được một ủy ban phê chuẩn, là "tốt hơn".

Ông nói việc bản thân ông được đề cử hồi năm 2012 là được một ủy ban gồm 1.200 thành viên từ nhiều thành phần xã hội và nghề nghiệp khác nhau lựa chọn.

Ông Lương nói cơ cấu của ủy ban đề cử này là vấn đề có thể đàm phán.
Theo BBC
xuong  
#8 Đã gửi : 22/10/2014 lúc 08:27:35(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Cuộc đàm phán ở Hồng Kông không đạt tiến bộ

UserPostedImage
Sinh viên biểu tình theo dõi cuộc đàm phán giữa lãnh đạo biểu tình và quan chức chính phủ trên một màn hình video gần trụ sở chính phủ ở Hồng Kông, ngày 21/10/2014.

Cuộc thảo luận 2 giờ đồng hồ hồi tối thứ ba giữa các giới chức chính phủ Hồng Kông với những người tranh đấu cho dân chủ đã kết thúc mà không đạt được tiến bộ nào. Nhiều sinh viên học sinh tiếp tục ở lại trên các đường phố và đang xem xét tới việc có nên tiếp tục cuộc đàm phán hay không. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Richard Green của đài VOA.

Cuộc thảo luận được truyền hình trực tiếp là một diễn đàn để những người tổ chức cuộc biểu tình phản kháng trình bày lý do tại sao họ thực hiện cuộc xuống đường kéo dài hơn 3 tuần nay để đòi Bắc Kinh để cho Hồng Kông có thêm quyền tự trị chính trị.

Bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Trưởng ti Chính vụ Hồng Kông, là người đại diện cho chính quyền tại cuộc đàm phán. Bà nói rằng những đòi hỏi của sinh viên là không khả thi về mặt pháp lý.

"Về lập trường của các lãnh tụ sinh viên, tôi e rằng chúng tôi chỉ có thể đồng ý với nhau là chúng tôi không đồng ý, bởi vì lập trường kiên quyết của chúng tôi là việc chọn lựa một vị trưởng quan hành chánh thông qua phổ thông đầu phiếu vào năm 2017 phải được thực hiện theo khuôn khổ pháp lý đã được ấn định bởi Uûy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 31 tháng 8. Nếu các sinh viên không thể chấp nhận lập trường này thì tôi e rằng chúng tôi sẽ tiếp tục có những quan điểm khác nhau."

Trong phát biểu mở đầu cuộc đàm phán, bà Carrie Lam, nhân vật đứng hàng thứ nhì trong chính phủ Hồng Kông, đã yêu cầu các sinh viên chấm dứt cuộc phản kháng kéo dài hơn 3 tuần nay. Bà nói rằng đó là một hành động gây chia rẽ và là một chướng ngại cho cuộc đối thoại.

Các sinh viên cho biết nếu đòi hỏi cải cách chính trị của họ không được thỏa mãn, những cuộc biểu tình phản kháng qui mô lớn sẽ tiếp diễn. Anh Alex Chow, Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Học sinh Hồng Kông, phát biểu như sau.

"Bà Trưởng ti Chính vụ và các quan chức khác mới đây tuyên bố chính phủ đang đối mặt với một vụ khủng hoảng nghiêm trọng về sự hợp pháp. Hàng trăm ngàn người đã xuống đường. Họ không muốn về nhà. Họ không muốn giải tán. Làm thế nào chính phủ có thể tiếp tục cai trị Hồng Kông? Nếu chế độ dân chủ vẫn chỉ là sửa đổi việc bầu cử trong một nhóm nhỏ thì quí vị sẽ thấy những sự việc như thế này xảy ra mỗi lúc một nhiều."

Cuộc thảo luận tối thứ ba được truyền hình trực tiếp, theo đòi hỏi của những người biểu tình, và được chiếu trên những màn hình lớn tại các địa điểm biểu tình. Một sinh viên họ Đàm tham gia cuộc biểu tình cho biết ý kiến như sau.

"Bà Carrie Lam nói có thể có cơ hội thay đổi trong tương lai, nhưng bà không nói là khi nào mà cũng không đưa ra một lộ đồ. Đó là một câu trả lời không có ý nghĩa gì cả."

Giới hữu trách Hồng Kông và Bắc Kinh tuyên bố những cuộc biểu tình, được đặt tên là Phong Trào Chiếm Trung, là bất hợp pháp. Mặc dù vậy, họ vẫn để cho người biểu tình chiếm cứ các đường phố, tuy đã xảy ra một số vụ trấn áp trong vài ngày qua.

Vụ bạo động mới nhất đã xảy ra hôm chủ nhật, khi cảnh sát Hồng Kông đụng độ với những người biểu tình trong lúc tìm cách dẹp bỏ những rào cản trên đường phố.
Theo VOA
xuong  
#9 Đã gửi : 23/10/2014 lúc 08:10:53(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Giới công chức Hồng Kông ủng hộ người biểu tình

UserPostedImage
Người biểu tình Hồng Kông giương ảnh lãnh đạo hành pháp Lương Chấn Anh, đòi ông từ chức, 22/10/2014. REUTERS

Sự kiện đáng chú ý tại Hồng Kông là giới công chức địa phương, qua mạng xã hội Facebook, đã bày tỏ thái độ ủng hộ cuộc biểu tình đòi dân chủ, vào lúc cuộc khủng hoảng dường như bế tắc. Phong trào biểu tình đòi dân chủ đã bước sang tuần lễ thứ tư và cuộc đối thoại đầu tiên giữa giới sinh viên và chính quyền Hồng Kông không mang lại kết quả gì. Trong số ba nơi chiếm giữ, Admiralty, Causeway Bay và Mong kok, địa điểm thứ ba là nơi căng thẳng nhất.
Đặc phái viên của RFI tại Hồng Kông Heike Schmidt tường trình:

« Tại Monk Kok tình hình ngày càng dễ bùng phát. Cụ thể như, ba sự cố hôm qua, 22/10/2014, suýt nữa có thể biến thành đụng độ. Vào buổi tối, một người đã âm mưu đốt nơi để thực phẩm dự trữ của các sinh viên. Người này đã ném ba chai chứa chất lỏng gây cháy về phía người biểu tình, nhưng các sinh viên đã khống chế được đám cháy trước khi lính cứu hỏa can thiệp.

Sớm hơn một chút, cũng tại Mong Kok, một cuộc thảo luận giữa những người biểu tình đã trở thành mục tiêu của một người lạ mặt. Người này đã ném bốn túi chứa đầy một thứ chất lỏng màu nâu và có mùi thối vào đám đông. Ngay từ buổi chiều, căng thẳng đã dâng thêm một nấc với việc hàng chục tài xế taxi toan tháo dỡ các rào chắn dưới tiếng la ó phản đối của sinh viên.

Không khí căng thẳng đúng vào lúc cuộc đối thoại giữa chính quyền và sinh viên dường như rơi vào bế tắc. Hai bên không đưa ra một thời điểm cụ thể nào cho một cuộc gặp thứ hai. Chính quyền dường như hy vọng phong trào sinh viên sẽ tự xẹp xuống. Tuy nhiên, dự đoán này không chắc đã đúng. Theo một thăm dò dư luận của Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, 38% người dân Hồng Kông ủng hộ phong trào sinh viên, tăng 7% so với tháng trước.

Thái độ ủng hộ này cũng được thể hiện trên mạng Facebook : Viên chức của nhiều ngành – trong đó có dịch vụ truyền thông của chính quyền địa phương, cảnh sát và tư pháp – đã đưa lên trên mạng xã hội các ảnh thẻ nghề nghiệp cá nhân, với tên họ được giấu đi, để thể hiện nỗi tức giận trước việc Bắc Kinh từ chối không cho Hồng Kông tổ chức bầu cử tự do ».

« Cơ thể tôi trong dạ dày con quái vật, nhưng trái tim tôi ở về phía nhân dân » : Văn bản ngắn bằng tiếng Hoa này, do một cảnh sát đưa lên mạng, đã được gần 6.000 người bày tỏ « Tôi thích » và được 600 lượt chia sẻ.

Ít nhất 1.300 viên chức đã tham gia vào một diễn đàn trên tờ nhật báo Ming Pao (Minh Báo) để lên án việc các nghiệp đoàn của họ chỉ trích người biểu tình hồi đầu tuần này.

Phong trào biểu tình đòi thiết lập chế độ bầu cử trực tiếp người lãnh đạo đặc khu, trong khi chính quyền Bắc Kinh chỉ chấp nhận cho công dân Hồng Kông bầu chọn trong số những người được chính quyền trung ương chấp nhận trước đó.
Theo RFI
xuong  
#10 Đã gửi : 23/10/2014 lúc 08:12:06(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Người dân Hồng Kông tiếp tục thách thức Bắc Kinh
UserPostedImage
Những người biểu tình đòi dân chủ phong tỏa một con đường tại khu Mongkok, Hồng Kông, ngày 17/10/2014. REUTERS/Tyrone Siu

Thời sự trong nước chiếm trọng tâm trên các mặt báo Pháp sáng nay 23/10/2014, với việc đảng cầm quyền Xã hội đang xâu xé lẫn nhau. Thời sự quốc tế khá tản mạn rải đều từ Đông sang Tây. Riêng về tình hình Châu Á, nhật báo Công giáo La Croix tiếp tục cập nhật thông tin về Hồng Kông. Tờ báo giật tít lớn trên trang nhất « Lời nói tự do của người dân Hồng Kông ».

Đặc phái viên của La Croix có mặt tại cựu thuộc địa Anh quốc đã gặp gỡ những người đấu tranh ủng hộ phong trào dân chủ, diễn ra từ bốn tuần nay, nhằm ngăn chặn Bắc Kinh áp đặt quyền lực của họ lên Hồng Kông. Qua tiếp xúc, La Croix nhận thấy « Người dân Hồng Kông tiếp tục thách thức Bắc Kinh ». Đây cũng là tựa đề bài viết trên trang hai.

« Tôi hiểu rất rõ cộng sản Trung Quốc »
Bốn nhân chứng mà đặc phái viên La Croix có dịp gặp gỡ trao đổi có cả già lẫn trẻ, đại diện cho ba thành phần người hưu trí, người đi làm, và sinh viên học sinh. Cụ già Wong 86 tuổi lấy làm ngưỡng mộ một giới trẻ rất có đầu óc tổ chức, ôn hòa, thông minh và dám thách thức quyền lực cộng sản. Ông tự cho là rất hiểu rõ cộng sản Trung Quốc, những người đã sát hại vợ con và em trai của ông trong suốt thời kỳ diễn ra Cách mạng văn hóa.

Ông Wong nói : « Cuộc đấu tranh của sinh viên là bất cân xứng, nhưng cũng không bõ công. Họ chỉ muốn có thể tự bầu chọn ra người lãnh đạo cho họ, chỉ đơn giản thế thôi. Nhưng trong con mắt của Bắc Kinh, đây là một cuộc đối đầu, tôi biết họ (Bắc Kinh) rõ lắm. Họ muốn kiểm soát tất. Chính vì vậy mà các cô cậu sinh viên của tôi mới ở đây […] do đó tôi phải ủng hộ chúng nó. Những cô cậu này rất cần được sự trợ giúp và bảo vệ ».

Theo ghi nhận của La Croix, sinh viên tham gia biểu tình không chỉ để bày tỏ tình yêu của họ đối với đặc khu kinh tế, nơi họ được sinh ra và lớn lên. Mà còn là một cơ hội để làm giàu vốn sống, là dịp để bày tỏ sự can đảm, khẳng định sự trưởng thành và chính kiến của mình với các bậc sinh thành. Tuy nhiên, động cơ chính của việc tham gia xuống đường xuất phát từ hành động vũ lực của cảnh sát đối với các sinh viên biểu tình ôn hòa. Một hành động mà họ đánh giá là « không thể chấp nhận » được.

Tự do ngôn luận đã bị bán cho Bắc Kinh
Bên cạnh sinh viên, thành phần chủ lực của phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông, còn có sự góp mặt của một số trí thức trẻ. Họ tham gia biểu tình cũng vì mối lo cho chính tương lai của mình. Kể từ khi ông Lương Chấn Anh được chỉ định làm đặc khu trưởng năm 2012, họ cảm thấy có sự trượt đà nguy hiểm

Chưa bao giờ tình trạng tự do ngôn luận bị đe dọa nghiêm trọng đến như vậy. Báo chí địa phương tự kiểm duyệt ngày càng nhiều. Họ không còn đọc báo nào khác ngoài các tờ báo quốc tế. Họ cảm thấy mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng ngày càng tệ.

Hơn nữa những người này phân biệt rất rõ về ý nghĩa quyền lực giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Anh Harry Leung, một kỹ sư trẻ cho rằng : « Tại Trung Quốc, quyền lực nằm trong của Hoàng đế và không phải của dân. Trong khi ở đây, tại Hồng Kông, chúng tôi đã trải qua một giai đoạn lịch sử khác, mới hơn. Nó cho phép chúng tôi được bày tỏ chính kiến. Do đó, cảm thấy là tự do ngôn luận hiện có của tôi đang bị bán cho Bắc Kinh, tôi không thể chấp nhận điều đó ».

« Sinh viên luôn là những kẻ thiệt thòi »

Nhưng không phải ai tham gia phong trào đòi dân chủ cũng đầy nhiệt huyết. Nó cũng để lại nhiều cảm xúc mâu thuẫn. Một số người tuy ủng hộ phong trào bất tuân dân sự, nhưng cũng tỏ ra rất bi quan. Một nữ giáo viên cho rằng sinh viên vẫn là kẻ thua cuộc. Họ (sinh viên) luôn là những kẻ bị hy sinh cho những cuộc nổi dậy.

Mặc dù rất bảo vệ sinh viên, nhưng những người này lại cảm thấy niềm đam mê và cảm xúc mạnh đang làm « xáo trộn » cuộc sống thường nhật của họ. Họ cũng cảm thấy cuộc sống tại Hồng Kông giờ không còn thoải mái như trước. Cảnh sát cũng đã thay đổi bộ mặt…

Nhưng có điều chắc chắn họ « không bao giờ chấp nhận ‘người ông Bắc Kinh’ tước đi những viên kẹo mà ‘người cha Hồng Kông’ đã ban tặng cho họ từ nhiều năm qua ».

Hồng Kông : điểm giao thoa giữa phương Đông và phương Tây
La Croix nhân dịp này phỏng vấn ông Martin Lee, 76 tuổi, luật sự, nhà sáng lập đảng Dân chủ Hồng Kông, thành viên phong trào Occupy Central. Theo ông Lee, « Hồng Kông hiện đang trải qua thời điểm lịch sử về vận mệnh Trung Quốc của mình ».

Trả lời các câu hỏi của đặc phái viên tờ La Croix, ông Martin Lee cho rằng « Đây là thời điểm để bảo vệ nền dân chủ, một sự dấn thân cho sự bất tuân dân sự, mà vì nó người ta chấp nhận bị bỏ tù, do phong trào biểu tình của họ là bất hợp pháp ».

Nhưng ông cũng cho rằng sinh viên chỉ đòi hỏi những gì mà Bắc Kinh đã cam kết cách đây nhiều năm và đã hai lần bị hoãn, kể từ khi được trao trả về với Trung Quốc năm 1997. Hồng Kông đang viết nên trang sử cho chính mình và đang trải qua một thời khắc lịch sử về vận mệnh Trung Quốc của mình.

Ông Martin Lee còn nhìn nhận rằng đàng sau những đòi hỏi về chính trị, là còn cả những bức xúc về xã hội. Chưa bao giờ xã hội Hồng Kông lại trở nên bất bình đẳng đến như thế. Họ đấu tranh là vì bảo vệ các giá trị cơ bản, những giá trị đã biến thành phố đảo này thành nơi duy nhất cho sự giao thoa Đông – Tây.
Theo RFI
xuong  
#11 Đã gửi : 23/10/2014 lúc 08:33:58(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Tổ chức Dân chủ Mỹ bác bỏ cáo buộc xen vào nội bộ Hong Kong
UserPostedImage
Sinh viên biểu tình đòi dân chủ cầm biểu ngữ tuần hành tới tư gia của ông Lương Chấn Anh tại Hong Kong, ngày 22/10/2014.

Một tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ bị cáo buộc xúi giục những cuộc biểu tình thân dân chủ Chiếm Trung tuyên bố chỉ hợp tác bình thường với những tổ chức dân sự tại lãnh thổ Trung Quốc này và không có gì giấu giếm cả.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc và các hãng tin thân Bắc Kinh tại Hong Kong trong những ngày gần đây đã đăng tải một loạt bài, cáo buộc Quỹ Quốc gia Ủng hộ Dân chủ NED là tài trợ và cố vấn cho những người biểu tình đã chiếm các đường phố chính của Hong Kong kể từ ngày 28 tháng 9 năm nay. Những tổ chức truyền thông này cũng xem NED như là một tổ chức đại diện cho chính sách ngoại giao của Mỹ.

Trưởng quan Hành chánh Hong Kong Lương Chấn Anh trong tuần này cũng lên tiếng cáo buộc về sự can thiệp của nước ngoài. Trong một bản tin được công bố ngày hôm qua, báo South China Morning Post trích lời của ông Lương cho rằng ông sẽ tiết lộ bằng chứng về “những lực lượng nước ngoài tham gia vào phong trào Chiếm Trung” vào “thời điểm thích hợp.”

NED đáp lại lời chỉ trích
Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho Đài VOA, phó chủ tịch NED về những chương trình Châu Á, Trung Đông và Bắc Phi, bà Louisa Greve, bác bỏ những cáo buộc và gọi đây là một sự sỉ nhục người dân Hong Kong và bà nói người dân Hong Kong mong muốn về “dân chủ căn bản cho chính quyền của họ.”
UserPostedImage
Trưởng quan Hành chánh Hong Kong Lương Chấn Anh cáo buộc về sự can thiệp của nước ngoài tại Hong Kong.

NED nhận được tài trợ của chính phủ liên bang Hoa Kỳ cũng như tặng dữ của tư nhân để theo đuổi sứ mạng toàn cầu trong việc hỗ trợ cho các tổ chức phi chính phủ khác hoạt động để “củng cố những giá trị, những tiến trình, và những định chế dân chủ.” NED cũng có một Hội đồng Quản trị độc lập phân phối các quỹ này.

Bà Greve nói “NED có một ngân sách do các người đóng thuế Mỹ tài trợ nhưng việc đưa ra những quyết định của tổ chức không nằm trong khuôn khổ chính sách ngoại giao của Mỹ.”

Tổ chức có trụ sở tại Washington này cho biết hàng năm cấp hơn 1.000 khoản tiền cho các tổ chức đối tác trên thế giới, trung bình trao tặng mỗi tổ chức 50.000 đô la. Ba đối tác của NED tại Hong Kong gồm có Trung tâm Đoàn kết có trụ sở tại Mỹ và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Hong Kong, mỗi tổ chức nhận được khoảng 150.000 đô la và Viện Dân chủ Quốc gia Hoa Kỳ nhận được 400.000 đô la để hoạt động tại Hong Kong và Hoa lục.

Bà Greve nói NED không tham gia vào các hoạt động quảng bá dân chủ tại Hong Kong.

Bà nói “Chúng tôi thực sự không có văn phòng trên toàn thế giới-chúng tôi có nhân viên duyệt xét các đề nghị của các tổ chức đối tác. Chúng tôi phải hiểu tình hình chính trị tại các nước những đối tác này hoạt động và cung cấp những dự án hỗ trợ căn cứ trên những đề nghị của các tổ chức này. Vì ngân khoản có hạn, chúng tôi nỗ lực hỗ trợ những dự án tốt nhất căn cứ trên sự cạnh tranh. Chúng tôi không kiểm soát những tổ chức này.”

Nhưng NED có lượng giá hoạt động của các đối tác để quyết định có tái tài trợ cho họ hay không.

Trong một chương trình được kênh truyền hình Asia Television của Hong Kong phát đi vào ngày 14 tháng 10 mới đây. Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Hong Kong Law Yuk-kai nói tổ chức của ông phải gởi phúc trình cuối năm về những hoạt động của tổ chức cho NED. Ông nói “Trong phúc trình này chúng tôi cho biết chúng tôi đã làm gì. Chúng tôi không báo cáo cho chính phủ Mỹ.”

Bà Greve nói việc chia sẻ thông tin về hoạt động của những tổ chức được NED tài trợ là một hoạt động được Giao ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị bảo vệ.

Bà cho biết thêm “Trong sự hợp tác về trao đổi, thương mại và khoa học, việc các tổ chức phi chính phủ hợp tác với các định chế nước ngoài là chuyện bình thường. Việc này cũng tương tự như sự hợp tác giữa những tổ chức xã hội dân sự về những mục tiêu chung.”

Lịch sử về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ
NED tài trợ cho các chương trình quảng bá dân chủ tại Hong Kong khoảng hai thập niên nay với các khoản tiền tài trợ lên đến vài triệu đô la. Bà Greve nói mức độ hỗ trợ không thay đổi trong thời gian này.

“Dự án Hong Kong của NED không lớn lắm so với một vài nơi khác trên thế giới. Đây là một thành phố có thể trông cậy vào các nguồn lực của mình.”

NDI là một trong 4 tổ chức chính được hưởng trợ cấp của NED, nói những chương trình của tổ chức đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và đối thoại liên hệ đến quản trị, theo yêu cầu của các tổ chức địa phương.

Những cáo buộc cho rằng các tổ chức liên hệ đến NED can thiệp vào công việc nội bộ của Hong Kong đã được nêu lên trong nhiều năm.

Bà Greve nói “ NDI đã bị truyền thông nhà nước Trung Quốc và báo chí thân Bắc Kinh tại Hong Kong nêu lên nhiều điều tiêu cực. Không có gì là khác thường đối với những chính phủ chuyên chế và thiếu tính chính đáng qua bầu cử đổ lỗi cho nước ngoài về những bất bình của các công dân.”

UserPostedImage
Truyền thông thân Bắc Kinh xem những người biểu tình đòi dân chủ là bù nhìn và nhận tiền của Mỹ.

Các người bênh vực cho dân chủ tại Hong Kong từ lâu đã bị các đối thủ gán cho danh hiệu là nhân viên của nước ngoài.

Bà Greve nói những nhà hoạt động biết rõ những nguy cơ khi làm việc với các đối tác của NED “Nhưng họ vẫn nói hợp tác quốc tế là chính đáng. Do đó không ai hối tiếc về sự chọn lựa của mình-Tôi không nghe có chuyện như vậy.”

Ông Lý Trác Nhân là một trong các nhà hoạt động như vậy. Ông lãnh đạo Công đoàn Thương mại Hong Kong HKCTU và phục vụ trong Hội đồng Lập pháp trong tư cách một nhà lập pháp của Đảng Lao động.

Công đoàn Lao động thu hút sự chú ý

HKCTU tuần trước đưa ra một tuyên bố nói rằng đã nhận được 540.000 đô la hỗ trợ tài chánh của Trung tâm Đoàn kết, một tổ chức khác nhận được trợ cấp của NED, trong 7 năm qua.

Tổ chức có trụ sở tại Washington này có liên hệ với Tổng Liên đoàn Lao động Mỹ AFL-CIO và cho biết tổ chức cố gắng “giúp công nhân trên toàn thế giới đang tranh đấu cho nơi làm việc được an toàn và lành mạnh, lương bổng có thể nuôi sống được gia đình, bảo hiểm xã hội và có tiếng nói trong công việc.”

Ông Lý, lãnh tụ HKCTU là một người ủng hộ nổi tiếng của Phong trào Chiếm Trung. Truyền thông thân Bắc Kinh của Hong Kong xem ông như một lãnh tụ biểu tình và là bù nhìn và nhận tiền của Mỹ.

Bà Greve nói Trung tâm Đoàn kết đã trợ cấp cho HKCTU để giúp các hoạt động tổ chức lao động, điều bà gọi là cột trụ của xã hội dân sự.

“NED hỗ trợ cho Trung tâm Đoàn kết, và Trung tâm Đoàn kết hỗ trợ cho HKCTU hoàn toàn tách rời những hoạt động chính trị của ông Lý Trác Nhân (như là một nhà lập pháp), là một vai trò khác của ông Lý, và tiền bạc không lẫn lộn giữa hai vai trò này.”

Trong một tuyên bố, HKCTU phủ nhận việc sử dụng tiền trợ cấp của Trung tâm Đoàn kết vào các mục đích chính trị và đe doạ sẽ dùng các biện pháp pháp lý chống lại những tổ chức truyền thông bị cáo buộc là phỉ báng ông Lý.

Các đối tác của NDE thách thức những cáo buộc
UserPostedImage
Sinh viên Hong Kong xuống đường biểu tình bày tỏ mong muốn phổ thông đầu phiếu trong một cuộc bầu cử có nhiều ứng cử viên để lựa chọn.

Trong một tuyên bố gởi bằng điện thư cho Đài VOA, NDI cũng phủ nhận bất cứ sự hỗ trợ nào cho các tổ chức chính trị có liên hệ đến phong trào Chiếm Trung tại Hong Kong.

NDI nói “Những tin tức này không những sai lạc, mà còn nhằm làm chệnh hướng những vấn đề hiện nay: đó là việc cư dân Hong Kong bày tỏ mong muốn phổ thông đầu phiếu trong một cuộc bầu cử có nhiều ứng cử viên để lựa chọn.”

Tổ chức này cũng nói tổ chức có thái độ không đảng phái đối với những chương trình tại Hong Kong, trong đó có diễn đàn công cộng về cải cách chính trị mới đây mà “đại diện những đảng chính tại Hong Kong trong đó những đảng được mô tả thân Bắc Kinh cũng tham dự vào những diễn đàn này.”

Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Hong Kong Law Yuk-kai nói những người tình nguyện được NED tài trợ chú trọng đến những vấn đề địa phương khi theo đuổi sứ mạng của tổ chức là quảng bá việc bảo vệ nhân quyền tốt hơn cho cư dân thành phố.

Ông Pháp nói với Đài truyền hình Châu Á “Nếu chúng tôi góp phần vào việc dân chủ hoá Hong Kong, và đây cũng là quyền lợi của chính phủ Mỹ, thì tôi cũng hoan nghênh việc công chúng Hong Kong hỗ trợ cho những nơi khác trên thế giới.”

Bà Greve nói Những dự án do NED bảo trợ tại Hong Kong nhằm mục đích tạo ra được tranh luận của quần chúng bao gồm tất cả “tiếng nói” của chính trị địa phương. Bà từ chối đưa ra chi tiết rõ ràng khi được yêu cầu cung cấp những thành quả của các đối tác NED.

Bà nói “Chúng tôi hài lòng được thấy những tổ chức chúng tôi hỗ trợ tiếp tục theo đuổi một cách tích cực việc bảo vệ các quyền tự do dân sự, và nhất là sự tham gia của người dân vào khung cảnh quản lý chính trị.”

Theo VOA

xuong  
#12 Đã gửi : 23/10/2014 lúc 05:23:04(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
LHQ kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền Hong Kong

Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng những quyền căn bản của người dân Hong Kong, kể cả quyền tự do ứng cử và bầu cử.

Lời kêu gọi được đưa ra trong lúc tập thể sinh viên học sinh và những tổ chức tranh đấu của người dân Hong Kong tiếp tục cuộc biểu tình đòi hỏi các quyền tự do căn bản, không chấp nhận quyết định theo đường lối đảng cử dân bầu mà chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng cho cuộc bầu cử đặc khu vào năm 2017.

Một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền là bà Christine Chanet nói với hãng thông tấn Reuters rằng người dân mọi quốc gia đều không muốn thấy chính phủ can dự vào các cuộc bầu cử, không chấp nhận chuyện chính phủ đưa ra danh sách ứng cử viên và buộc cử tri phải chọn những người mà chính quyền đã lựa chọn.

Bà nói thêm rằng trách nhiệm của Hội Đồng là phải trình bày tiếng nói của người dân và hy vọng chính phủ Trung Quốc lắng nghe.

Cũng xin nói thêm cuộc tranh đấu cho dân chủ ở Hong Kong được sự chú ý của toàn thế giới. Ba ngày trước đây, đại diện của đặc khu và đại diện tâp thể thanh niên sinh viên đã ngồi xuống thảo luận với nhau nhưng không giải quyết được bế tắc.
Theo RFA
xuong  
#13 Đã gửi : 24/10/2014 lúc 07:47:11(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Cựu lãnh đạo Hồng Kông kêu gọi chấm dứt biểu tình
UserPostedImage
Người biểu tình căng lều ngủ ngay tại chỗ tại khu trung tâm Hồng Kông, ngày 24/10/2014. REUTERS/Damir Sagolj

Cựu lãnh đạo Hồng Kông Đổng Kiến Hoa vào hôm nay, 24/10/2014, lên tiếng kêu gọi người biểu tình đòi dân chủ chấm dứt chiếm lĩnh đường phố, một hành vi mà ông cho là « phạm pháp thô thiển ». Ông đồng thời cảnh báo về hậu quả « rất nghiêm trọng » nếu cuộc biểu tình kéo dài hơn một tháng.

Ông Đổng Kiến Hoa là lãnh đạo đầu tiên của Hồng Kông khi vùng lănh thổ này được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997. Bản thân ông cũng từng phải rời khỏi chức vụ sau các đợt biểu tình hùng hậu. Ông cho rằng phong trào hiện nay phải chấm dứt một cách ôn hòa.

Đây là lần đầu tiên ông Đổng Kiến Hoa lên tiếng từ khi nổ ra biểu tình cách đây 4 tuần. Trước báo chí, ông đánh giá là « cần phải chấm dứt việc chiếm đóng đường phố vì nó... không chỉ tác động đến sinh hoạt của người dân mà còn là một sự vi phạm luật pháp thô thiển... Một tháng đã là quá dài, và kéo dài thêm thời gian chiếm đóng sẽ có hậu quả rất, rất nghiêm trọng ».

Ông Đổng Kiến Hoa cũng lên tiếng ủng hộ đương kim lãnh đạo Lương Chấn Anh, mà ông cho là đã hành động bình tĩnh, hợp lý, tìm cách giải quyết việc chiếm đóng đường phố một cách không bạo động. Đối với ông Đổng Kiến Hoa, thì ông Lương Chấn Anh đã hành xử tốt và được sự tin tưởng của Bắc Kinh. Ông cũng kêu gọi hai bên ngồi lại vào bàn đối thoại, sau cuộc gặp không kết quả hôm thứ Ba.

Ông Đổng Kiến Hoa trước đây cũng đã lâm vào cảnh bị chống đối tương tự : Vào năm 2003, 500.000 đã xuống đường để phản đối một bộ luật về an ninh mà chính quyền của ông đưa ra. Luật bị rút lại và ông Đổng Kiến Hoa đã phải rời chiếc ghế 18 tháng sau.

Hôm 23/10/2014, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, họp tại Genève, đã kêu gọi chính quyền Hồng Kông thực hiện cải tổ dân chủ, mà theo Ủy ban vẫn còn yếu kém. Ủy ban còn đánh giá là chính quyền Hồng Kông vẫn chưa nghe thấy lời kêu gọi, nguyện vọng của người biểu tình.

Mặt khác Ủy ban Nhân quyền cũng yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng các nguyên tắc bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông, trên vấn đề quyền được bỏ phiếu cũng như quyền ra ứng cử.
Theo RFI
xuong  
#14 Đã gửi : 24/10/2014 lúc 08:00:28(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Hong Kong: Người biểu tình sẽ tổ chức trưng cầu dân ý
Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong đang có kế hoạch tiến hành một cuộc bỏ phiếu trên đường phố để tìm hiểu ý kiến của những người biểu tình về những đề nghị hòa giải từ phía chính quyền.

Những lãnh đạo của cuộc biểu tình cho biết họ sẽ tổ chức trưng cầu ý kiến tại trại chính của người biểu tình nằm đối diện trụ sở chính phủ vào chiều chủ nhật.

Trước đó, trong cuộc đối thoại trực tiếp với các lãnh đạo sinh viên biểu tình, đại diện chính phủ đã đề nghị viết một báo cáo cho Bắc Kinh để nói chi tiết về cảm nghĩ của những người biểu tình. Phía chính phủ cũng đề nghị hai bên thiết lập một ủy ban phối hợp để thảo luận về cải cách chính trị hơn nữa trong cuộc bầu cử vào năm 2017.

Kế hoạch về cuộc trưng cầu ý kiến được đưa ra ngay sau khi cựu trưởng đặc khu Hong Kong là ông Đổng Kiến Hoa lên tiếng cho rằng những cuộc biểu tình nhiều tuần qua là vi phạm luật pháp và cảnh báo về những hậu quả nếu những cuộc biểu tình tiếp diễn. Ông Hoa kêu gọi chấm dứt các cuộc tập trung biểu tình.
Theo RFA
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.468 giây.