Anh bạn tuyên bố chắc hơn đinh đóng cột: «Cậu sẽ không còn nhận ra bà xã nữa!» Anh bạn nói thế sau khi dán bản tin vào mắt tôi, rằng: tuyến đường xe hoả tốc hành khởi từ Paris đến Bordeaux chỉ không đầy hai giờ đồng hồ nuốt năm trăm cây số đường chim bay, với rất nhiều dịch vụ, cả những dịch vụ không ai tưởng tượng nổi…
Anh bạn “nghị luận”: «Công Ti Hoả Xa cạnh tranh tối đa với các hãng hàng không trên những tuyến đường quốc nội nên họ, không những tăng vận tốc để thu lộ trình càng ngắn càng tốt bằng những xe hoả tân kì chạy hổng mặt đất cả gang tay – nên rất êm ái – mà còn làm sao cho hành khách cảm thấy thì giờ trôi mau, trôi rất mau nhờ các loại dịch vụ nầy. Chuyến nầy các hãng hàng không chết chắc! Có tiếp viên hoa hậu tiết kiệm vải cũng chết như thường!»
Tôi trố mắt nghe anh bạn hào hứng quảng bá miễn phí cho Công Ti Hoả Xa về những lí thú không thể tin; cứ như chuyện hoang đường, thần thoại. Tôi tự nhủ: làm sao người ta có thể nghĩ ra những chuyện lạ lẫm đến thế nhỉ? Khoa học y thuật bây giờ sao mà tân tiến quá! Cách đây không lâu lắm thì những điều nầy chỉ là ý tưởng, đến nỗi tôi nghĩ cho đến cuối đời vẫn chưa thể là hiện thực, thậm chí đến cuối đời con tôi, qua đến đời cháu tôi thì hoạ may; thế mà bây giờ…
Anh bạn còn ân cần căn dặn khi tiễn tôi ra cổng: «Cậu phải gắng nhớ bà ấy ăn vận ra làm sao để còn nhận diện nhé!» Rồi anh rộ tràng cười khoái trá.
Thế là tôi mất ngủ mấy đêm liền. Lòng tôi phân vân vô hạn. Ánh trăng xanh len khe cửa sổ vén màn đêm soi lên một phần gương mặt cô nhà tôi. Cô ấy nằm nghiêng, ngủ ngon. Chắc hẳn đang đắm giấc êm đềm cho nên nét mặt sao mà bình thản, phẳng lặng. Mắt nhắm run run, cánh mũi phập phồng khe khẽ theo lồng ngực nhấp nhô. Sống với nhau đã nhiều năm, trông thấy nhau hằng ngày nên quen thuộc từng cử chỉ, hiểu ý từ trước khi nói, thấy từ môi cười sắp nở, thuộc cả câu gắt gỏng sẽ sau cái chau mày… Quen thuộc đến thế. Quen thuộc đến nỗi trông mà không thấy. Không thấy cả thời gian thoắt đến rồi đi mất. Khi nầy, nhờ ánh trăng soi mà tôi thấy nơi trán của gương mặt thân thương ấy thoáng hiện một vài cái tàn nhang nho nhỏ màu còn nhạt. Và cũng nhờ ánh trăng phản chiếu mà tôi nhận ra dòng tóc mượt mà vắt ngang mặt loé lên đôi sợi bạc. Tôi vẫn nhìn cô ấy thường ngày nhưng không thấy. Trời đêm se lạnh.
… … …
Cô nhân viên phòng vé hoả xa tiễn tôi ra về với môi cười tươi tắn – đoá hoa nầy nở luôn từ khi tôi đặt chân vào văn phòng cho đến khi bước ra, không phai – với câu khẳng định: «Chắc chắn quý khách sẽ mãn nguyện!»
Chân tôi bước vô định trên phố mà lòng hân hoan vô hạn. Tôi rút ra quá nửa số tiền dành dụm của nhiều năm phục vụ không ngừng nghỉ trong công ti để chi cho mấy cái vé xe thượng hạng và những phục vụ ngoại vi của chuyến đi. Tốn khá bộn tiền nhưng tôi vui với những buổi sóng đôi du ngoạn đang vẽ trong trí tưởng – ngày xưa trở về.
Chợt nhớ: đúng rồi, còn phải sắm bộ y phục khổ “S” cho cô nhà tôi nữa chứ! Vừa trông thấy hiệu y phục sang trọng là tôi bước vào ngay, không đắn đo.
Cô bán hàng xinh xắn đặt cái váy tím ngắn ngủn liền vào bên dưới cái áo trắng ngà in lốm đốm những hoa nhỏ màu tím nhạt trang nhã; cô nhìn tôi, cười: «Kiểu mẫu trẻ trung nầy sẽ thích hợp vô cùng với thân hình mảnh khảnh của con gái ông. Nhiều người thích bộ nầy lắm đó!» Niềm vui sướng dâng lên thoai thoải trong tôi cứ như mối bâng khuâng thủa nọ, thủa lần đầu trông thấy cô nhà tôi, tuổi đôi mươi, với môi hồng cánh mỏng, với giọng nói thanh thoát và với con mắt có đuôi. Thủa nọ, hôm ấy, cũng cái áo in hoa tím nhỏ…
Tôi trả lời cô bán hàng mà không che giấu bao êm đềm: «Thưa không, tôi sắm áo cho… vợ tôi.»
Cô nhìn tôi, tròn xoe màu mắt xanh da trời. Thoáng lưỡng lự rồi cô (lại) cười cười, hỏi, kiểu thẩm vấn: «Thưa, Ông là… nhạc sĩ?»
Cục mịch như tôi mà có người nghĩ là nhạc sĩ thì cũng hay. Nhỡ các ông bà nhạc sĩ nghe được thì chỉ có mà chết đứng, và kiện tôi mất. Nhìn quanh quất xem có ai không rồi tôi mới thủ thỉ: «Không. Có mơ tôi cũng không dám mơ là nhạc sĩ! Vì sao cô hỏi thế?»
«Tại mấy ông nhạc sĩ, ca sĩ hay cưới vợ trẻ măng, nhỏ hơn ba, bốn chục tuổi là chuyện thường đó mà.»
Thoắt trông thấy ánh mắt tra tấn, tôi biết là cô không tin vào câu trả lời tuy rất dứt khoát của tôi. Và bỗng dưng tôi đâm ngờ, nên lại ngớ ngẩn hỏi: «Cô quen biết… cô nhà tôi?»
Cô phá ra cười khanh khách, giọng trong veo của cái tuổi hồn nhiên: «Dạ không!» Đoạn cô vội quay đi như cố giấu cái gì đó giống cái cười tủm tỉm chế nhạo… Thôi chết tôi rồi! Hẳn là cô ấy đang nghĩ tôi sắm quà tặng… vợ nhỏ. Oan cho tôi quá! Có bao giờ tôi như thế! Cái thằng tôi chân chất cơm nhà quà vợ, chẳng đi đâu mà không lượt thượt bầu đoàn thê tử, lại chả bao giờ trông ai mơ ước gì. Cuộc sống tôi nó phẳng phiu như y phục mỗi sáng đúng giờ đến sở, không sóng lượn hồ thu, không xuân mai rộ nở, không ong bướm dập dìu…
Cách nay ít lâu, nhằm sinh nhật chẵn chục của tôi, cô nhà có ý kiến ngộ nghĩnh và ra công tìm mua cho bằng được tờ nhật báo đã ngả màu phát hành ngay ngày tôi chào đời để tặng tôi, kỉ niệm. Ngày ấy là một ngày đẹp trời, không mây chẳng mưa (dự đoán thời tiết), hiệp định đình chiến được đôi bên kí kết (tin chiến sự), Công Viên Hoa Lan Thành Phố mở cửa lại sau ba tháng tu bổ (tin xã hội), con chó được cứu sống như một nhiệm mầu (tin xe cán chó), phim Người Thầm Lặng mong đợi bấy lâu được trình chiếu vào lúc hai giờ trưa và ban nhạc bốn thanh niên người Anh hàng top hit thế giới hợp xướng lần đầu tiên ca khúc Hôm Qua (tin văn học nghệ thuật), mà ca khúc nầy mãi đến hôm nay vẫn được yêu thích, cứ ra rả ngày đêm… Ấy, cái cuộc đời tôi nó cứ mãi bao êm đềm như thế đấy. Ai sao tôi không biết chứ những ngày qua của tôi chả có gì là bận tâm, cứ trôi tuồn tuột trên con đường thẳng tắp vẽ sẵn với những hoa là hoa hai bên lề; thì tôi cần tìm gì thêm nơi khác!
Tôi quơ quơ tay phân bua: «Cô nhà tôi quả có trẻ hơn tôi nhiều thật; cô ấy lại được Thượng Đế ưu đãi, ban cho diện mạo thay đổi chậm rãi hơn thời gian, thế nên… Chúng tôi cưới nhau lâu rồi đấy cô. Đây, ngày mốt là đúng sinh nhật đám cưới thứ hai mươi lăm của chúng tôi; một phần tư thế kỉ chứ ít gì… Thế nên tôi mới sắm ít quà…»
«Kỉ niệm hai mươi lăm năm đám cưới thì bà cũng… có tuổi rồi – cô nhỏ cắt lời tôi rồi lắc đầu nguầy nguậy, lấy một cái áo đầm vải nhung màu rượu nho lác đác những vệt đen lớn soi dưới ánh đèn trước mặt tôi – bộ đồ kia không hợp đâu ông ơi, áo đầm nầy “đứng” hơn nè!»
Thoáng bí ẩn trong mắt trên môi, tôi biết vì sao tôi chọn cái áo kia chứ! Những cánh hoa tím nhạt ngày nào…
Tôi tiếp tục bước những bước khoan thai trên phố. Đây là con phố sang trọng bậc nhất thủ đô, vỉa hè rộng lót đá xanh với những hàng cây thẳng tắp lá đầy và những hiệu thời trang lừng danh thế giới đã kéo về tụm năm tụm ba. Ánh nắng dịu buổi chiều cuối xuân sơ hạ lả lơi khoả thân tô điểm đó đây, len lỏi qua những tàng cây rơi lốm đốm nầy, và đằng kia là nguyên một vạt vàng, ấm, hắt từ con đường băng ngang, chỗ nhấp nháy cái cột đèn xanh đỏ.
Bất chợt, câu nói của cô nhỏ bán hàng lại vẳng bên tai: «Rất nhiều người thích bộ quần áo nầy…» Tay vỗ trán, tôi lẩm bẩm: nếu nhiều người thích thì lẽ tất nhiên sẽ… nhiều người mua, diện! Và nhớ lấy lời dặn dò mật thiết hôm trước của anh bạn: gắng mà nhận cho ra nhé!Ừ nhỉ, phải là cái gì đó rất đặc biệt, ít ai có. Một cái gì rất riêng. Riêng biệt như chiếc giày thuỷ tinh của Cô Bé Lọ Lem trong truyện ngày xửa ngày xưa…
Bách bộ thêm một quãng thì tôi tạt vào một hiệu bán xách tay, hiệu nầy có tiếng nhất hoàn cầu nên mỗi chiếc xách tay có giá đến trọn vài tháng lương của tôi là ít. Lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân vào khung trời trưởng giả nhiều con số nầy. Tôi vẫn hằng ao ước sẽ có ngày mua tặng cô nhà tôi một vật trang sức đắt giá cho bõ những ngày cơ cực chân lấm tay bùn của tuổi thơ bên quê nhà, cho bõ những ngày mắt ngơ mày ngáo cùng gia đình lếch thếch sang Tây thấy cái cột đèn cũng đẹp cũng hay, cho bõ những ngày mới cưới nhau nghèo đến độ chỉ hai ba cái áo treo lủng lẳng trong tủ mà mỗi lần thay phải giặt ngay cho kịp khô để lại mặc, và giặt bằng tay… Tôi mỉm cười, lắc đầu: không hiểu làm sao cô ấy lại thương tôi cho khổ cái thân?!
Thế rồi thời gian qua, hai vợ chồng chăm chỉ kiếm sống, nuôi con… Bây giờ thì cũng có được cái nhà khang trang với đầy đủ máy móc gia dụng, cái xe to đủ chất một gia đình lắm con, thêm vào đó là một ngăn hai phòng trong cao ốc chung cư khu bình dân để cho thuê mà cô ấy bảo là dành về già cũng thu được ít tiền để các con sau nầy không phải bận tâm cho mình. Nhân những dịp lễ lộc tôi cũng tặng cô nhà tôi vài món nữ trang mà thỉnh thoảng cô ấy lại bày ra một nhúm trên giường cạnh bàn trang điểm, rồi ướm vào người, rồi soi qua ngắm lại trước gương, mắt long lanh…; rồi lại cất hết vào cái hộp gỗ bé bằng nửa bàn tay đặt trong tận cùng cái ngăn tủ phòng ngủ. Năm thì mười hoạ cô ấy mới dùng đến, chỉ những dịp cưới hỏi của ai đó mà thôi. Có hỏi thì cô ấy chỉ ngỏn ngoẻn rằng sợ rơi mất (!) Đôi khi tôi cũng thẹn vì đã không chu toàn bổn phận của người mà cô ấy đã nhắm mắt đưa chân uỷ thác cả cuộc đời.
Và đây phải là dịp để tôi thực hiện ước mơ chứ còn đợi bao lâu nữa. Cuộc đời nghĩ cũng oái oăm: khi trẻ thì chật vật, thiếu thốn đủ điều, ngay cả thời gian cũng hiếm hoi vì còn phải nghĩ chuyện tiến thân nữa chứ, còn phải lo chăm con theo ngày khôn lớn nữa chứ… Đến nay chúng nó lớn cả rồi nên không phải luôn có mặt cạnh bên, và cũng đã dư giả chút đỉnh; thì đầu tóc bạc lưa thưa, da đồi mồi lấm tấm… Cái thời xuân sắc cứ lui dần, lui dần, lui dần vào sâu thẳm tận cùng kí ức; có vùng vẫy mấy cũng không ngoi lên cho nổi.
Nghĩ thế nên tôi đánh bạo bước quanh những dãy xách tay đủ kiểu muôn màu với giá cả trên trời thì lắm dưới đất thì không… Cô bán hàng, cũng như các thiếu nữ đồng nghiệp khác, thanh lịch trong bộ đồng phục màu xanh đêm cắt may khéo tay ôm lấy thân người mĩ miều uyển chuyển, mặt hoa da phấn, đon đả chào mời: «Ông hãy xem qua những mẫu mới về, đẹp lắm!», đoạn cô hướng dẫn tôi đến giữa phòng nơi những tủ kính trong vắt tắm ánh sáng êm đềm trưng bày những cái xách tay da cá sấu, có cái nằm trên bục nhỏ tự động xoay vòng vòng để người ta thưởng ngoạn đằng trước đằng sau, phía trên phía dưới, bên nầy bên nọ, từng chi tiết nhỏ, cứ như các cô gái tranh giải hoa khôi liên hành tinh có gì khoe tất.
Tôi ra vẻ sành điệu: «Cái xách tay nầy hẳn là loại da ca sấu quý hiếm đây, cô nhỉ? Trông những cái vảy màu cứ ánh lên…» Cô bán hàng tủm tỉm, dịu dàng bào chữa hộ những sai lầm: «Không ạ. Đây là da kì nhông ạ! Điểm đặc biệt của những chiếc xách tay da kì nhông là tùy theo ánh sáng mà chuyển màu; ánh sáng dịu chừng nào thì nó lại ánh lên chừng nấy, và ngược lại. Nữa là: ánh sáng trắng thì nó sẽ ngả sang màu xanh, trong ánh nắng vàng thì sẽ ửng màu cam như hoà vào với thiên nhiên…»
Tôi mắng thầm: «Nó mà thay màu thế nầy thì có đến bố tôi cũng chả nhận ra cô ấy, chứ gì là tôi!»
Đảo mắt một vòng đầy vẻ tư lự, tôi chợt bắt gặp cái xách tay màu vàng tươi thật tươi như hoa mới nở trưng bày cuối phòng, tuốt bên kia. Trong góc khuất nhưng cái màu đặc biệt bắt mắt của nó vẫn gây chú ý. Phải là một cái như thế nầy!…
… … …
Rời nhà ga Saint-Jean thành phố Bordeaux trong những bước tất tả, tôi hướng về phía trung tâm thành phố. Tôi chỉ có vài giờ ngắn ngủi để chuẩn bị đón cô nhà tôi – đến trong chuyến xe hoả sau – và “nghi lễ” đón tiếp đó phải gồm: một bó hai mươi lăm đoá hoa hồng thắm đánh dấu số năm sống bên nhau, buổi ăn tối thịnh soạn với cao lương mĩ vị nhưng không kém phần trang nhã dưới ánh nến lung linh trong hiệu ăn danh tiếng bậc nhất thành phố trông ra Cầu Đá bắt ngang dòng Garronne trong vắt sau khi đã bách bộ vào buổi chiều lửng lơ nắng gió xem hoa cỏ Công Viên Rivière đài các và ghé chân uống trà trong quán Maison du Jardinier đượm nhiều đường nét cổ kính của ngày xưa là nơi huấn luyện ngựa cho bậc quyền quý.
Tôi chọn phòng ngủ lớn trong có cái giường nệm dày khổ to nhất trải lụa trắng muốt và có phòng khách rất khang trang của một khách sạn tân kì mới xây toạ lạc ngay giữa trung tâm thành phố, nơi có nhiều con đường nhỏ lát đá xanh chỉ dành cho khách bộ hành được trải dọc theo toàn là những quán rượu – đặc sản Bordeaux mà lại ! – những quán rượu chuếnh choáng dưới ánh đèn đêm mờ ảo lượn sắc áo thanh xuân, sẽ là nơi chúng tôi chơi khuya…
Chưa hết, rồi chúng tôi sẽ thuê xe đi xem những cánh buồm trắng đùa sóng trên mặt Đại Tây Dương bên bờ thành phố Biarritz cách đây không xa và rồi thì sẽ ghé Cannes nghe sỏi trở mình theo con sóng nhấp nhô thành phố biển, khoác vai nhau âu yếm buông từng bước chậm, nhỏ trên cái gọi là Promenade des Anglais (Lối Dạo Người Anh) được toả sáng bằng những đợt pháo hoa rực rỡ nối tiếp nhau. Chắc chắn là không thể thiếu tiết mục – như những ngôi sao màn bạc của Hội Diễn Điện Ảnh Cannes tổ chức hằng năm – cô nhà tôi sẽ yêu kiều lên thang thảm đỏ và có tôi mọp phía dưới tung hô vạn tuế. Nhan sắc ấy phải được tôn vinh bằng cái vương miện diễm lệ đậu chênh chếch hờ hững, kiêu sa trên mái tóc xanh…
… … …
Sau khi đã bày binh bố trận xong cả đâu vào đấy rồi, tôi quày quã trở lại nhà ga Saint-Jean. Trời đã quá trưa.
Nhà ga nầy cách nay không lâu vừa được chính phủ tu bổ, chỉnh trang giờ lộng lẫy và tiện nghi đến không còn dấu vết của cái tên tuổi vài thế kỉ nếu người ta không lưu lại cái tường đá bên phải và cái cột đồng hồ đen đen sần sùi giữa sân ga có cái ghế đá bên dưới làm chứng nhân. Nhộn nhịp bước chân người đi kẻ đón. Thỉnh thoảng, vẳng tiếng còi là chiếc xe hoả vào ga để túa ra những vội vã, tung tăng, bỡ ngỡ… của những phương xa vừa đến, mới về.
Nhìn cái đồng hồ tròn chót vót trên cái cột sần sùi, tôi lẩm bẩm: «Hãy còn sớm chán! Hơn nửa giờ nữa xe mới đến.» Nhà ga được xây rộng hơn với thêm hai tầng bên trên để hoá thân thành, không chỉ là nhà ga, mà còn là trung tâm thương mại. Nơi kia, những dãy thang cuốn, rồi quanh những cửa hàng có những thong dong mua bán, ngắm nhìn…
Tôi tìm một quán nước, ngồi xuống. Gọi cà phê nơi cô tiếp viên mảnh khảnh, xinh xắn, tuổi độ đôi mươi.
Chợt một ý nghĩ loé trong óc: không chừng cô nhỏ nầy, và cũng có thể cả những cô hàng áo, hàng xách tay tôi gặp ở Paris, hay cô áo hồng dễ thương vừa đi ngang quán đều đã từng lăn sả vào những dịch vụ ngoại vi của Công Ti Hoả Xa, hoặc những công ti gì gì khác nữa?… Sao mà họ tươi trẻ quá! Sao mà họ kiều diễm thế! Ừ nhỉ, không chừng?…
Số là anh bạn tôi đã cho hay rằng trên những chuyến xe hoả viễn du tốc hành bây giờ có kèm những dịch vụ lỉnh kỉnh chỉnh trang vẻ đẹp bên ngoài như: trau chuốt móng tay vuốt chân, cắt tóc tỉa mi; tư vấn dáng điệu, cử chỉ lẫn y phục thời trang… Không chỉ dừng ở đó mà còn nữa là tôn tạo sắc đẹp như cắt mắt bơm môi, thổi ngực độn mông, căng da xoá vết, cấy tóc chỉnh xương… Tất cả, với khẩu hiệu cực kì mê hoặc: “Chỉ vài giờ thôi để bạn trở thành người hoàn hảo thời đại mới!”
Trở thành người hoàn hảo đã khó. Lại là người hoàn hảo của thời đại tân kì. Và chỉ trong vòng vài giờ. Ai mà không ham cơ chứ!
Vâng, thế là tôi sắm toàn bộ các dịch vụ nêu trên vì tôi muốn cô nhà tôi – vốn dĩ thùy mị, đoan trang lại thông minh, đảm đang, chịu thương chịu khó… [kiểm duyệt] – phải còn cái thanh xuân. Có nghĩa là từ bây giờ thời gian phải đi giật lùi. Đây, như cái nhà ga nầy mới ơi là mới trở lại (và dĩ nhiên là không thể chấp nhận có cái ghế đá cũ kĩ bên cạnh cột đồng hồ sần sùi in bóng lên bức tường cổ kính). Tôi lâm râm câu thần chú: «Phải trẻ trung, xinh đẹp như xưa!»
«Hơn cả xưa!» Đấy, cô tiếp viên hoả xa cam đoan với tôi như thế đấy!
Vâng, tôi đã dựng lên nguyên một kịch bản lâm li, kì dị để ghi dấu ngày hôm nay, ngày mà một phần tư thế kỉ trước tôi và cô ấy quyện vào nhau, hoà làm một. Một phần tư thế kỉ không đủ dài để chúng tôi yêu nhau đâu. Thế nên cô ấy phải bắt đầu từ cái ngày xưa để lại khởi hành cuộc tình duyên với tôi. Giờ đây chúng tôi không vướng bận chuyện gì nữa cả và có dư thời gian để yêu nhau. Đắm đuối…
Vâng, như dự kiến, tôi ôm bó hoa hồng, kiễng chân dài cổ ném con mắt chen vào đoàn người đang lần lượt rời toa xe, túa ra, để tìm cái dáng dấp ngày xưa là cánh áo in hoa tím nhỏ và cái xách tay màu vàng tươi lủng lẳng đánh nhịp theo từng bước chân vui.
Đây rồi! Cái xách tay màu vàng và áo in hoa tím nhỏ. Ơ hay, cô ấy không vận cái váy ngắn tôi mua tặng mà là cái quần dài màu ngà phủ lên đôi giày cao gót – tôi nghĩ thế vì trông cô ấy cao hẳn lên với đôi chân thoai thoải thoăn thoắt. Đến càng gần thì càng bàng hoàng, rung động, vì đó là một phụ nữ trẻ đẹp.
Rất đẹp! Đẹp lắm! Lại còn trẻ nữa. Trẻ quá! Ánh nắng chiều buông mỏng như lụa vàng khoác lên người – ai thích sương khói chiều thu biêng biếc chứ tôi chỉ mê nắng ấm quấn quanh khi nầy – Tôi như người trên mây, nằm mơ; cấu vào tay một cái rõ đau. Dáng dấp uyển chuyển, lịch lãm; những bước chân đầy vẻ tự tin biết mình hơn người. Cô lại có mái tóc dài đen óng ả thả xuống bờ vai mảnh, đôi mắt màu hạt dẻ xa vời, mũi thẳng và phía chóp hơi hếch lên một tí kiêu kì lạ, thêm làn da trắng mát như mới trồi lên từ bể tắm, màu son cánh mỏng…
May quá! Nếu không có đôi môi nầy thì tôi đã nghĩ là người khác chứ không thể là cô nhà tôi. Và khi ấy dấy lên trong tôi cái cảm giác khó tả; cái gì nửa bồi hồi, cái gì nửa hân hoan, thêm phần bối rối với băn khoăn… Tôi thấy mắt cay cay, nhưng thoáng thôi vì bị ngay những cảm giác khác lạ phủ lấp đầy; những tuyến nước trong miệng hoạt động ồ ạt khiến tôi cứ phải nuốt ừng ực. Tôi bước dài thật mau và dang rộng vòng tay ôm cô ấy, người đẹp lạ, vào lòng. Bất chợt, một vật gì cứng, lạnh, tạt mạnh vào một bên mặt. Mắt tôi nẩy đom đóm lửa, cả người loạng choạng nghiêng về một bên, tai ù đi để chỉ còn nghe tiếng rú lanh lảnh. Trong một thoáng, tôi vừa định thần lại để rồi thấy trước mặt là một gã đàn ông lực lưỡng bặm miệng, nghiến răng, quát: «Quân xàm xỡ!», và sau đó là nắm đấm hung bạo phóng tới phát ra một tiếng khô. Cả người tôi phiêu phiêu rồi rơi tòm xuống, mọi vật như quay vòng chung quanh tôi. Tuy thế tôi vẫn còn chút tri giác để nghe loáng thoáng, hình như: «Chừa nhe mậy!». Có những đoá hồng vung vãi…
Trong tư thế dở nằm dở ngồi – nằm nhiều hơn ngồi – lưng tựa vào tường, chân co chân duỗi, tôi dõi mắt theo dáng thiếu phụ khi nẫy đã xa và khuất nhanh vào đám đông… Gã đàn ông cũng đã mất dạng khi nao. Có những người đi qua trước mặt tôi, họ chỉ trỏ xầm xì…
Chốc sau, khi không còn chóng mặt nữa tôi mới dợm đứng lên. Lưng vẫn tựa vào tường, tôi phủi bụi đất bám trên người rồi kéo sửa quần áo lại cho ngay ngắn, chỉnh tề một chút.
Tôi nói chỉ cho mình nghe: «Hay là mình lầm, không phải cô ấy?!… Chỉ có mỗi cái miệng là giống thôi!?…»
Đoàn người vẫn lần lượt lướt qua. Ngược hướng họ, lảo đảo như hứng gió, tôi tiến đến phía toa xe cuối, vừa lách người vừa ném mắt về mọi hướng mong nhận ra cái dáng thân thương cô nhà tôi trong áo hoa tím nhỏ với cái xách tay màu vàng rỡ… Cho đến khi hành khách cuối cùng bước qua thì tôi lại cố kiễng chân nhìn dáo dác vào trong các toa xe: trống rỗng!
Tôi bước thất thểu, tâm trí mông lung: xán cái xách tay rõ mạnh vào mặt vào đầu tôi thế nầy thì rõ không phải cô nhà tôi rồi! Nếu phải thì đâu mà làm thế! Thế, cô nhà tôi đâu rồi nhỉ?… Cô ấy đâu rồi nhỉ?… Chung quanh tôi toàn người xa lạ…
Thất vọng. Buồn bực. Những dự tính đẹp đẽ vỡ vụn. Tôi lần về phía dãy ghế nệm gần đấy đặt phịch người xuống, hai tay nâng cái đầu mỗi lúc mỗi nặng trĩu…, rồi lại bồn chồn trông quanh… Bỗng, tủ bánh kẹo bán tự động đặt đối diện tôi có cái gương phản chiếu là hình ảnh một người đàn ông trạc ngoài ba mươi thôi, khá điển trai tuy tóc nâu rối bù, mũi cao, hàm vuông, cằm chẻ, mắt mở to có vết bầm lớn bên trái…
«Thôi chết tôi rồi!», tôi thảng thốt vỡ lẽ. Để chuẩn bị cho những ngày du ngoạn (và gây bất ngờ cho cô nhà) tôi đáp xe hoả từ Paris đến Bordeaux trước vào sáng hôm nay và đã nghe lời khuyến dụ của cô tiếp viên hoả xa – cô ấy khéo nói quá! – nên chiều ý mà lấy thêm những dịch vụ ngoại vi cả cho tôi… Ngay tôi khi nầy cũng không còn nhận ra tôi…
Vũ Hạ
20 tháng 10, 2014