Tổ chức Ân Xá Quốc Tế yêu cầu trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức Ngày 7.11.2014, Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Đức đã thực hiện một Thỉnh nguyện thư tiếng Đức gửi bộ trưởng công an CSVN – ông Trần Đại Quang yêu cầu trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như yêu cầu nhà nước CSVN “bảo vệ Quyền tự do phát biểu ý kiến được ghi rõ trong Điều 19 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn”
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh ngày 29 tháng 11 năm 1966, sống tại phường 13, quận Tân Bình, Sài Gòn. Ông là một kỹ sư - doanh nhân Việt Nam, nguyên là Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI, là một nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Ông bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giam và Tòa án tại Sài Gòn đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010 phạt 16 năm tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 – BLHS Việt Nam.
Năm 2005, ông cùng một số nhân vật như Lê Thăng Long lập ra Nhóm nghiên cứu Chấn thông qua việc nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Từ đầu tháng 11 năm 2008, ông lập hai Blog trên mạng internet: Change We Need và Trần Ðông Chấn xuất hiện nhiều bài viết và bình luận về lãnh đạo cũng như nền chính trị Việt Nam, với tổng cộng khoảng 49 bài viết. Thông tin ở đây được một số hãng thông tấn quốc tế đăng lại.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức đã viết cuốn sách có tên “Con đường nào cho Việt Nam”. Cuốn sách này, thêm những tư liệu về ông Thức do gia đình ông cung cấp, được Phong trào Con Đường Việt Nam, một phong trào đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam, đặt tên là "Trần Huỳnh Duy Thức và Con đường nào cho Việt Nam" và cho phát hành miễn phí dưới dạng ebook vào ngày 10.06.2013.
Ông chính thức bị chính quyền Việt Nam bắt vào ngày 24 tháng 5 năm 2009 với tội danh ban đầu là trộm cắp cước điện thoại, sau đó với các cáo buộc hoạt động chính trị nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân”. Cùng với một số nhân vật như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long bị tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010, riêng cá nhân ông bị tuyên án 16 năm tù giam và tịch thu một phần tài sản.
Tháng 6, năm 2013, ông Thức đã bị biệt giam vì giúp đỡ một tù nhân cách sử dụng điện thoại di động. Chưa xét đến tính xác đáng của lý do kỷ luật, nhiều người cảm thấy trại giam Xuân Lộc đã phạm vi quy định cấm nhục hình phạm theo Điều 4 Pháp lệnh thi hành án phạt tù của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Lý do là ông Thức bị biệt giam trong buồng tối không có ánh sáng, điều kiện vệ sinh không đảm bảo và không được ra ngoài trời liên tục suốt 10 ngày.
Việc chính quyền Việt Nam bắt và đưa ra tuyên án đối với ông cũng như các nhân vật trên vào ngày 20 tháng 01 năm 2010, đã bị các quốc gia phương tây như Anh, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu lên tiếng phản đối. Bộ ngoại giao Anh ra thông cáo và bày tỏ quan ngại Không thể cầm tù bất kỳ ai vì người đó bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình, Còn đại diện của Hoa Kỳ ra thông cáo Chúng tôi cũng quan ngại về việc tiến hành phiên toà rõ ràng đã thiếu trình tự chuẩn mực, các bản án đã "đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, việc kết tội này cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng đối với cam kết của Việt Nam về nền pháp trị và cải cách.
Ngoài ra, Tổ chức ân xá quốc tế cũng ra thông cáo với việc bắt và tuyên án này là Những người này đáng ra không bao giờ nên bị bắt chứ đừng nói là bị buộc tội và nhận án tù, phiên tòa rõ ràng là sự nhạo báng công lý.
Theo lời thân nhân của ông từ trại giam, ông đã bị nhục hình và bức cung trong quá trình cơ quan an ninh điều tra lấy lời khai. Theo luật sư Lê Trần Luật thì việc xử ông Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù là một sự trả thù của chế độ cộng sản Việt Nam đổi với những người hoạt động trí thức.
Trong nhiều năm qua, các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Ân xá Quốc tế tại Anh Quốc, Article 19, … và chính giới các nước tự do, cũng như thân nhân của ông Thức và các nhà hoạt động ở Việt Nam luôn vận động, tạo áp lực, yêu cầu chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Thức và các tù nhân chính trị khác tại Việt Nam.
Từ đầu năm 2014 đến nay, chính quyền Hà Nội đã trả tự do cho một số tù nhân lương tâm nhằm tạo điều kiện cho quá trình đàm phám các hiệp định thương mại với phương Tây mà chủ chốt là TPP với Hoa Kỳ và FTA với Liên minh Châu Âu EU.
Chưa biết kết quả của thỉnh nguyện thư này sẽ ra sao, chúng ta hãy cùng hy vọng những tù nhân lương tâm sớm được trả tự do trong mạnh khỏe và an lành.
Nhật Nam / SBTN