Người Bắc Triều Tiên tham quan các tượng của Kim Il Sung và Kim Jong Il ở Bình Nhưỡng. MANDATORY CREDIT REUTERS/Kyodo
Bất chấp đe dọa trả đũa từ phía Bình Nhưỡng, Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu vào hôm qua 06/11/2014, đã đệ trình trước Liên Hiệp Quốc một dự thảo nghị quyết kêu gọi mở điều tra về những tội ác chống nhân loại của chế độ Bắc Triều Tiên.
Văn kiện được chuyển lên một ủy ban của Đại hội đồng bất chấp áp lực dữ dội từ phía Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng muốn rút khỏi văn bản một số đề nghị như lời kêu gọi Hội đồng Bảo an tố cáo Bắc Triều Tiên trước Tòa án Hình sự Quốc tế.
Nhà ngoại giao Ý Emilia Gatto, khi đệ trình dự thảo nghị quyết nhân danh Châu Âu và Nhật Bản đã giải thích : « Chúng tôi không thể phớt lờ nỗi đau khổ của nhân dân Bắc Triều Tiên. »
Bà còn nói thêm là dù cho Bình Nhưỡng đã khẳng định sẵn sàng hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc, tình trạng nhân quyền tại Bắc Triều Tiên vẫn gây nhiều lo ngại, và không có tiến bộ gì đáng kể.
Dự thảo nghị quyết được hậu thuẫn của 48 quốc gia, lên án các hành vi vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên dựa trên những điều nêu bật trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 2 năm nay. Báo cáo tố giác các hành vi giam cầm dã man : tra tấn, hãm hiếp, thậm chí giết hại những người bị giam trong các trại cải tạo lao động.
Đại diện Bắc Triều Tiên, nhà ngoại giao Kim Song, đã phản bác dự thảo nghị quyết trước Ủy ban của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, lấy làm tiếc là Nhật Bản và Châu Âu đã chọn " con đường đối đầu " và cảnh cáo là mọi hợp tác (của Bắc Triều Tiên) trong lãnh vực nhân quyền sẽ hoàn toàn " mất đi " nếu dự thảo trên được thông qua.
Trên nguyên tắc, Ủy ban sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết từ nay đến cuối tháng 11, và sẽ đưa ra trước Đại hội đồng vào tháng 12.
Nếu dự thảo nghị quyết được thông qua, Liên Hiệp Quốc sẽ mở điều tra về tội ác chống nhân loại và có khả năng truy tố các " thủ phạm gây tội ác " và thường là theo lệnh từ cấp cao nhất của chế độ, như bản báo cáo tháng 2 / 2014 đã ghi nhận.
Theo RFI