Quốc Hội CSVN cấm báo chí loan tin 'lấy phiếu tín nhiệm' HÀ NỘI (NV) - Quốc Hội Việt Nam sắp thực hiện đợt “lấy phiếu tín nhiệm” lần hai đối với các nhân vật đang đảm nhiệm những chức vụ do họ bỏ phiếu lựa chọn. Tuy nhiên hoạt động này chỉ gây nghi ngại.
Đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp hồi tháng 6 năm ngoái. (Hình: Tuổi Trẻ)
Chiều 13 tháng 11, Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam phát hành một thông báo, theo đó, báo giới không được tham dự và không được đưa kết quả đợt “lấy phiếu tín nhiệm” lần hai sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 11.
Thông báo vừa kể khiến công chúng sửng sốt. Về nguyên tắc, Quốc Hội Việt Nam thực hiện công việc “lấy phiếu tín nhiệm” vì họ nhân danh dân chúng để bày tỏ sự tín nhiệm của mình đối với: chủ tịch Nhà Nước, phó chủ tịch Nhà Nước, chủ tịch Quốc Hội, phó chủ tịch Quốc Hội, các thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, chủ tịch Hội Đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc Hội, thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng và những thành viên khác của chính phủ, chánh án Tòa Án Tối Cao, viện trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao, tổng kiểm toán Nhà Nước. Cũng vì vậy hoạt động và kết quả này phải được công khai...
Ngày hôm sau, 14 tháng 11, Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam đưa ra một thông báo mới, phủ nhận thông báo vừa phát hành vào ngày hôm trước. Thông báo mới xác định báo giới được đưa tin về kết quả “lấy phiếu tín nhiệm” lần hai nhưng không đề cập đến việc báo giới có được tham dự hoạt động này hay không.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam, phân bua “không có chủ trương hạn chế báo chí.” Nhân vật này nói thêm, “khi có kết quả thì báo chí được ghi, nghe, thông tin đầy đủ cho cử tri biết về kết quả của việc bỏ phiếu đó.” Thông báo ngăn cấm báo giới tham dự, đưa tin được giải thích là do “nhầm lẫn trong cách diễn đạt” của cán bộ Văn Phòng Quốc Hội.”
Cũng cần nói thêm rằng việc bày tỏ sự tín nhiệm của Quốc Hội Việt Nam đối với các nhân vật lãnh đạo Nhà Nước, Quốc Hội, Chính Phủ rất nhập nhằng.
Lúc đầu, việc bày tỏ tín nhiệm được xác định là công việc phải tiến hành hàng năm. Lần “lấy phiếu tín nhiệm” đầu tiên được thực hiện hồi tháng 6 năm ngoái. Ông Nguyễn Tấn Dũng - thủ tướng Việt Nam, nhân vật tai tiếng nhất song đồng thời cũng được xem là nhiều quyền lực nhất trong đội ngũ lãnh đạo đảng, chính phủ - đã trở thành một trong ba kẻ đội sổ về mức độ tín nhiệm. Một số ủy viên Bộ Chính Trị khác như ông Trần Đại Quang (bộ trưởng Công An), ông Phùng Quang Thanh (bộ trưởng Quốc Phòng) đội sổ về mức độ bất tín nhiệm (các đại biểu Quốc Hội bỏ trống, không bày tỏ mức độ tín nhiệm đối với những nhân này).
Đến tháng 6 năm nay, lẽ ra Quốc Hội Việt Nam phải thực hiện đợt “lấy phiếu tín nhiệm” lần hai nhưng Ủy ban Thường vụ của Quốc Hội Việt Nam lại đề nghị hoãn và sửa nghị quyết về “lấy phiếu tín nhiệm” theo hướng, không thực hiện “lấy phiếu tín nhiệm” hàng năm như trước mà chỉ “lấy phiếu tín nhiệm” bốn năm một lần.
Đề nghị vừa kể bị dân chúng và nhiều đại biểu Quốc Hội chỉ trích mạnh mẽ. Họ đòi vẫn phải thực hiện “lấy phiếu tín nhiệm” mỗi năm một lần. Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Việt Nam phải nhượng bộ nên ngày 15 tháng 11, mới có đợt “lấy phiếu tín nhiệm” lần hai.
Ở kỳ họp hồi tháng sáu vừa qua, dựa trên ý kiến của dân chúng, nhiều đại biểu Quốc Hội yêu cầu, bỏ việc phân loại mức độ tín nhiệm thành “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” vì lối phân loại này khiến việc “lấy phiếu tín nhiệm” trở thành thiếu thực chất. Họ đề nghị trên phiếu tín nhiệm sẽ chỉ còn: tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Nếu viên chức nào nhận 75% phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bị “bỏ phiếu tín nhiệm” ngay trong kỳ họp đó.
Tuy đề nghị đó là của đa số nhưng vẫn bị Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam bác. Mời đây lại phát sinh chuyện cấm báo giới tham dự, đưa tin.
Theo báo Người Việt