logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 13/11/2014 lúc 06:19:36(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
LTS: Ông Trần Đĩnh năm 15 tuổi đã tham gia cuộc tổng khởi nghĩa do Cộng Sản lãnh đạo ngày 19 Tháng Tám, 1945. Ông trở thành đảng viên năm 19 tuổi, lúc đó, đảng Cộng Sản Đông Dương rút vào bóng tối, đổi tên thành Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác và xuất bản tờ báo Sự Thật, ông được điều về viết cho báo này. Sau đó, ông đưọc đưa qua học tại đại học Bắc Kinh. Trong thời gian học, ông tham gia một cuộc họp chống phái hữu, và chính nhờ vậy, ông rút tỉa được nhiều bài học quí báu. Bài học đó là, các đảng viên chân chính, tích cực đã nghe lời đảng khuyến khích họ phê bình đảng. Nhưng khi họ phê bình thì bị đảng quay lại đánh. Theo lời ông Đĩnh thì đó là âm mưu của Mao Trạch Đông. Học xong, ông về Hà Nội làm việc một thời gian, thì xẩy ra việc đảng Cộng Sản Việt Nam đưa vấn đề chọn lựa tư tưởng Mao để chống xét lại, tức là chống lại chủ trương sống chung hoà do tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô lúc bấy giờ là ông Nikita Khrushchev đưa ra. Ông Trần Đĩnh ủng hộ lập trường của ông Khrushchev và chống tư tưởng Mao, nên bị khép vào tội chống đảng. Mặc dù không bị bắt như anh ruột ông là nhà báo Trần Châu, hay như những người khác như ông Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, hoặc phải sống lưu đày như Nguyễn Minh Cần, v.v... ông Trần Đĩnh cũng bị khai trừ khỏi đảng và chịu nhiều trù dập về mặt tinh thần cho mãi tới ngày nay. Hiện nay, ông Trần Đĩnh đang sống tại Sài Gòn. Nhân dịp Đèn Cù cuốn 2 của Trần Đĩnh sắp ra mắt độc giả, ông dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây, do Đinh Quang Anh Thái thực hiện.
UserPostedImage
Tác giả Trần Đĩnh[/b]. (Hình: Trần Đĩnh cung cấp)

Đinh Quang Anh Thái (NV): Ông viết Đèn Cù bằng lối văn “truyện tôi,” có gì, nhớ gì thì ghi lại, bình thản, không để cảm tính chen vào; nhưng độc giả vẫn cảm được những nỗi đau vô cùng to lớn của ông, của gia đình ông, và lớn hơn, của Việt Nam: Nỗi đau như những giọt máu nhỏ xuống từng trang giấy. Không biết cảm nhận như thế có nói được phần nào tâm tư của ông không ạ?

Trần Đĩnh: Tôi nghĩ tâm tư có lẽ chính là sự lắng đọng của những điều ta từng sống hết mức, từng lăn lóc lâu dài với chúng. Tới mức lắng đọng nào đó, tâm tư của người viết sẽ trở thành hơi thở của hắn và khi được thể hiện thì tâm tư đó sẽ ra tự nhiên, bình thản như hơi thở. Việc nhào nặn ở vô thức và ý thức này chính là công trình làm giả - hay đúng hơn, sáng tạo - vì nó là hậu-trải nghiệm, sống lại, và về chất, nó có khác đôi phần với diện mạo ban đầu vốn dĩ thường thô mộc của trải nghiệm. Trong điện ảnh có diễn viên đóng thế nhưng không ai chê bộ phim là giả. Viết bình lặng nỗi đau cũng là một kiểu đóng thế. Thế cho tiếng khóc, tiếng gầm. Chắc hẳn nhiều người đọc thấy tôi có lúc đuối giọng. Đã từ lâu, chả hiểu sao khi nghĩ, khi nhìn, tôi luôn cố tìm sự bình lặng.

Nhận là “truyện tôi,” tôi có ý khoanh những điều tôi đã sống, đã trải vào phạm vi cá nhân. Như thế tôi hy vọng sẽ tránh lên mặt “ta đây nạn nhân,” thân phận vốn dễ được đồng tình, bảo hộ. Và đồng thời tôi cũng không gây hận. Đôi lúc chợt nhẩn nha viết về cái đẹp của thiên nhiên, về cảm thụ riêng của bản thân là tôi muốn cho chính tôi rồi người đọc lảng đi được một thoáng những giây phút nặng nề bày ra trước đó. Một làn gió thoảng mơn trớn vết đau.

Tôi nhiều cái xấu. Như chậm mở mắt (trước cái Ác). Như hay sợ. Tôi đã viết trong Đèn Cù: “Nếu tát cạn được bụng mình thì tôi sẽ thấy vô số xác cái sợ ở đó.” Song có một cái xấu hình như lớn hơn mà tôi luôn cố lìa cho xa là thói không ngay thẳng với bản thân. Nhờ đó tôi đã không tự vẽ mình thành kẻ vừa nhận thấy cái xấu liền phủi nó sạch bong. (Tức là vừa mạnh mẽ lên án người dối trá vừa cho bản thân mạnh bạo bịa đặt, tự tô vẽ mình, điều mà khi cầm bút hình như ta để bỏ quên đi mất). Vâng, một thời gian tôi còn le lói hy vọng vào một thứ Cộng Sản có mặt người.

Mong được ngay thẳng, tôi dành một chương thú nhận lỗi lầm với vợ.

Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi. Nó không mang mục tiêu chính trị rõ rệt. Vâng, đúng vậy. Tôi đau, vợ tôi, anh ruột tôi, bố vợ tôi và các bạn bè thân thiết của tôi đau. Quốc tế Cộng Sản có câu ca tập hợp “hỡi những ai cực khổ bần hàn” nhưng chúng tôi, những chiến binh của quốc tế (Cộng Sản) đã bị đẩy vào biển khổ và bị gạt bỏ hết sức dửng dưng, không được hưởng qua cảnh tượng dù là kệch cỡm của pháp đình (Cộng Sản).

NV: Khi thấy đứa con tinh thần, Đèn Cù, ra mắt độc giả, ông có nguôi ngoai chút nào không, vì đã trút được những u uất chất chứa bao năm nay trong lòng?

Trần Đĩnh: Tôi không thấy rõ điều này. Vì tôi không bao giờ thấy đau khổ của mình là ghê gớm. Trong đất nước biết bao người còn khốn nạn hơn gấp bội. Tôi cố đánh giá đúng chỗ của mình ở vùng đất đẫm nước mắt này. Tôi không mượn cái khổ để tự nâng cấp. Tất nhiên tôi rất sung sướng khi nhiều người ái ngại, áy náy cho tôi. Còn gì bằng được nhiều người quan tâm, chia sẻ. Mà quan tâm là yêu, chia sẻ là yêu. Được trăm nghìn người yêu là hạnh phúc vô cùng. Viết “truyện tôi,” tôi mong được xã hội chìa ra cho tôi một bàn tay anh chị em, bạn bè. Từ đó cùng đứng bên nhau ngăn chặn tệ nạn dày xéo cuộc đời người khác để thực hiện cái lý tưởng chưa từng tỏ lộ hình thù nhưng được bảo là giải phóng nhân loại thiêng liêng lắm, huy hoàng lắm.

Tôi thích khái niệm người hiền. Hay người khôn ngoan. Vì khôn (ở trí tuệ sáng) và ngoan (ở lòng nhân ái từ bi). Viết Đèn Cù, tôi chỉ thấy hài lòng vì đã làm được một điều mình hằng tâm nguyện.

NV: Đèn Cù được xuất bản ngoài nước, nhưng cũng phổ biến rộng rãi trên mạng Internet và bản truyền tay cũng được đón nhận nồng nhiệt tại quê nhà; tâm trạng ông ra sao khi thấy mọi người đọc ông?

Trần Đĩnh: Được đông người ân cần đón nhận quyển sách mình viết về đời mình, cái cảm thụ ấy, cảm thụ bát ngát về một nhân quần thân thiện, bầu bạn, giao hòa, chính là một bù đắp, một nuôi dưỡng hết sức to lớn cho kẻ viết. Ở Đèn Cù, cái tôi Trần Đĩnh hiện ra nguyên vẹn, không chung vai diễn với bất kỳ ai.

NV: Một số người nhận định, Đèn Cù là liều thuốc “trục độc” chủ nghĩa Cộng Sản khỏi cơ thể Việt Nam; có người nói Đèn Cù là lời “giải thiêng” huyền thoại Hồ Chí Minh. Ông có tâm đắc với những cảm nhận này không?

Trần Đĩnh: Nhận xét này vượt khỏi ý định cầm bút viết Đèn Cù ở tôi. Ý định tôi là viết sự thật. Cho thấy nên xa lìa chủ nghĩa Cộng Sản coi thường con người. Cho thấy công cuộc thần thánh hóa một cá nhân là đòi hỏi phải dìm một số đông cá nhân khác vào trạng thái đầu óc mụ mị, thấp kém. Và phải nói dối, v.v... Còn ở tôi, những mục tiêu “trục độc” và “giải thiêng” chưa hình thành rõ như thế. Song các nhà văn, nhà báo đã nhận ra ý tại ngôn ngoại này. Tôi xin chịu tầm nhìn và sức cảm của các vị. Phóng cây lao đi, người viết có mấy khi biết nó sẽ lao bao xa. Giới phê bình đo cái đó.

NV: Đèn Cù toàn tập là một công trình nhiều năm; sau Đèn Cù, ông có dự tính gì không?

Trần Đĩnh: Tôi không quen báo trước sẽ viết cái gì. Rất dễ thành anh Cả Phiệu, viết bằng miệng. Dĩ nhiên anh viết nào cũng đều muốn viết liên tục nhưng trước tiên cần xem tâm tư đã đủ chứa chan chưa.

NV: Cảm ơn ông trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt nhân dịp Đèn Cù II ra mắt độc giả.
Đinh Quang Anh Thái/Người Việt (thực hiện)
_________________
Đèn Cù II của Trần Đĩnh do Người Việt Books xuất bản sẽ ra mắt độc giả ngày Thứ Sáu, 21 Tháng Mười Một.

Sửa bởi người viết 13/11/2014 lúc 06:20:36(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

phai  
#2 Đã gửi : 17/11/2014 lúc 06:35:45(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
'Ðèn Cù', một nỗ lực 'Trục Ðộc'

LTS: Nhà xuất bản Người Việt sẽ chính thức phát hành tác phẩm Ðèn Cù II của Trần Ðĩnh vào ngày Thứ Sáu, 21 Tháng Mười Một sắp tới. Nhân dịp này, Người Việt phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về Ðèn Cù I và Ðèn Cù II.
UserPostedImage
Hình bìa cuốn Ðèn Cù II của Trần Ðĩnh do Người Việt xuất bản.

Ðinh Quang Anh Thái (NV): Ông đã đọc cuốn Ðèn Cù I và đọc bản thảo của quyển hai, tác phẩm này trong mắt ông ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong cả ngàn cuốn sách mà người Việt Nam và ngoại quốc đã viết về hiện tượng Cộng Sản tại Việt Nam, cuốn Ðèn Cù của Trần Ðĩnh có một vị trí riêng. Ðó là sách thuộc loại bán chạy trong năm dù ở trong nước còn là bán chui và bị tịch thu. Và sau này, Ðèn Cù chắc chắn sẽ là tài liệu tham chiếu của rất nhiều người.

Ðọc hết quyển I cuốn Ðèn Cù, mỗi độc giả lại có một cách thẩm định. Chỉ riêng phản ứng “không thể đọc chơi rồi bỏ” của nhiều độc giả cũng đủ nói lên giá trị đặc biệt của tác phẩm. Chẳng những vậy, đọc rồi, không ít người đã viết ra và lưu truyền nhận xét của mình.

Trong số này, một số độc giả còn mau mắn... hài tội tác giả để nói về sự khôn ngoan tinh tế của họ. Nhẹ là “sao giờ này mới viết cái chuyện ai cũng biết?” Nặng hơn thì “có ý chạy tội cho Hồ Chí Minh.” Thậm chí còn chạy tội cho Trung Cộng. Hoặc cuốn sách ra đời trong một âm mưu mờ ám để cho thấy là so với các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam ở đầu nguồn thì thế hệ ngày nay đã đổi mới, v.v...

Ðôi ba người tinh quái lại xoáy vào nội tâm tác giả - hay của chính mình. Họ nói đến phản ứng tình dục lồng trong chính trị và táo tợn suy đoán rằng, biết đâu chừng, chính vì bản năng thâm sâu ấy nên một người bị kết tội “chống đảng” như Trần Ðĩnh mới chỉ bị đi cải tạo, thay vì bị tù đày như các “đội bạn” của nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm,” hoặc các nhân vật lãnh tội “xét lại chống đảng” ngày xưa.

Vẫn biết rằng khi đã xuất bản, tác phẩm hết còn là của tác giả, mọi người đều có quyền phán xét khen chê như vậy. Nhưng sự khen chê ấy cũng tùy trình độ - và cả giác độ - của người đọc. Ðược một cái là càng bị đây đó dị nghị thì cuốn sách lại bán càng chạy.
UserPostedImage\Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. (Hình: Trần Triết/Người Việt)

NV: Một số người đọc Ðèn Cù cho rằng, tác giả Trần Ðĩnh “phải lòng” văn hóa Trung Hoa và “mê” lý tưởng Cộng Sản; ông nghĩ sao ạ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin chỉ vạch ra hai tội của Trần Ðĩnh: một là mê văn hóa Trung Hoa, như nhiều người có học khác. Hai là mê lý tưởng Cộng Sản, ban đầu kết tinh vào Hồ Chí Minh hay Trường Chinh.

Là người uyên bác - làm không ít độc giả hụt hơi khi đọc và phải đọc lại - Trần Ðĩnh có biệt tài ngôn ngữ của một nhà văn lớn. Nhưng trước hết, ông hiển nhiên biết nhiều ý của chữ “mê.”

Ban đầu, ông chỉ là con mê, một loại nai, bị khớp đèn của các lãnh tụ trên rừng xanh khi họ chưa có dân trong tay để siết. Trong tuổi thanh xuân ấy, mê có thể là thích, ai chẳng biết vậy? Nhưng mê quá cũng làm ta mờ trí, chẳng mê tín thì mê thất là lạc đường, đầu óc mụ mị. Trong cõi mê hoang mờ mịt ấy, người ta khó thấy được thực hư và có khi là đồng lõa của tội ác.

Mê còn hàm ý mân mê sờ soạng - Lê Ðức Thọ hiểu cảm giác này ở trong tù. Sờ quá thì mất luôn cảm giác, như tê mê, hoặc mê như bị chất ether trên giường bệnh. Hay bê bết dơ dáy như “chân mình đầy cứt mê mê”...

Ðọc lại Ðèn Cù I và đọc qua quyển II, chúng ta sẽ thấy ra ngần ấy nét “mê”!

NV: Nhận xét như thế, ông có nói quá mà “vẽ rắn thêm chân” không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi không hề “vẽ rắn thêm chân.” Chỉ cần đọc chương 49 trong quyển II, chúng ta sẽ thấy ông Trần Ðĩnh luận bàn đầy tâm đắc với một người trong Nam, thuộc Việt Nam Cộng Hoà, về tiến trình phơi bày bản chất ô uế của đảng Cộng Sản Việt Nam như “mở nắp bô.”

Tôi xin trích: “Việt Cộng mải mê vùi cứt cho ông anh (là Trung Cộng) nên không dọn được cứt mình ngập hết bản thân mình và... - Và đang được nhân dân bới ra, vâng, chính xác, dân đang mở nắp bô đấy.”

Mê như [Trung] Cộng và [Việt] Cộng như vậy từ khi còn trai trẻ, cuối cùng thì Trần Ðĩnh đã tỉnh dần sau nhiều lần choáng váng. Mà không chỉ tỉnh lấy một mình. Từ hơn hai chục năm nay, ông muốn viết lại cả tiến trình giải thoát của bản thân và giải độc cho người khác.

NV: Xin ngắt lời ông, trong một chương trình “Giờ Giải Ảo” phát hình trên Người Việt TV, ông có nói Ðèn Cù là liều thuốc “trục độc” nhằm tống Chủ nghĩa Cộng Sản ra khỏi cơ thể Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ðúng vậy. Tôi đề nghị, để “trục độc,” những ai muốn hiểu ra cái ác tại đầu nguồn của đảng Cộng Sản Việt Nam, khởi đi từ Mao Trạch Ðông và Hồ Chí Minh cho tới mãi sau này, thì nên đọc - và đọc kỹ - bộ Ðèn Cù của Trần Ðĩnh.

Người sính văn chương có thể cất công xếp loại Ðèn Cù là tự truyện hay hồi ký, bút ký, v.v.... Qua quyển II, ta mới nhận ra nét chung là Trần Ðĩnh nhớ gì kể nấy, như người viết tùy bút. Khổ nỗi, đây không là tùy bút của Mai Thảo hay Nguyễn Tuân để giải trí mà nhằm giải độc.... Ông lần giở ký ức như con tầm nhả tơ vì cái nghiệp, những sợi tơ rướm máu bạn bè và người thân, hoặc đầy mùi xú uế của đảng.

Nếu quyển I của Ðèn Cù có những chương tập trung về các thủ phạm của cái ác, quyển II viết nhiều về các nạn nhân, trong đó có những người đáng kính trọng, ít ra là đáng được thông cảm. Trần Ðĩnh kể lại thế giới của ông qua cả trăm giai thoại, với nhiều nhân vật còn xa lạ cho những ai không sinh hoạt trong môi trường hắc ám đó. Nhưng nếu cứ tưởng ông rút ruột viết ra từng đoạn rã rời thì người đọc vẫn chưa thấy được công phu trục độc.

“Sợi chỉ xuyên suốt” những đoạn tùy bút u ám vẫn là cái gian và cái ác của “Việt Cộng.” Dùng từ này, Trần Ðĩnh trả lại ngữ nghĩa nguyên thủy và chính xác là Cộng Sản Việt Nam. Y như khi ông viết về Trung Cộng.

Nhưng nếu chỉ là về từng nhân vật ngẫu hứng nhớ lại thì tùy bút Ðèn Cù chưa đi tới tận cùng của trục độc - hay mở nắp bô để xả mùi xú uế.

Trần Ðĩnh đọc nhiều, thuộc sử đảng và không hề quên mối quan hệ với Liên Xô cùng Trung Cộng từ thời Ðệ Tam Quốc Tế cho đến ngày nay. Cho nên về từng người hay từng việc, ông đều nhắc lại dẫn chứng, nhất là trong báo đảng hay từ người trong cuộc.

Với nhiều độc giả thuộc thế hệ về sau, khung cảnh lịch sử ấy là một mê cung ngoắt ngoéo nên quyển II của Ðèn Cù còn bắt người đọc phải nhớ tới hoặc đọc lại lịch sử cận đại.

Trong từng mô tả về sự gian ác, đôi khi ông có cái lý “giảm khinh” là cái ngu của mấy kẻ trên chóp bu. Dù là ngu thì được cái gian bù lại. Xin đọc Trần Ðĩnh kể lại về hậu trường của “Cách mạng Tháng Tám” năm 1945 ở Chương 50.

Tôi xin trích: “Chỉ hai việc đầu não cách mạng Tân Trào mù tịt tin Hà Nội khởi nghĩa thành công và Việt Minh vũ trang phải được Nhật cho phép qua Cầu Ðuống mới vào được Hà Nội đã đủ cho thấy vận hội khách quan vô cùng tốt đẹp của đất nước. Nói lại: vận hội của toàn dân nhưng cuối cùng đã bị Việt Cộng ẵm gọn làm vốn liếng riêng của mình. (Chữ in nghiêng là của tác giả Trần Ðĩnh).

“Tân Trào ba ngày không biết Hà Nội đã khởi nghĩa thắng lợi và Quân Chiến Khu về phải xin Nhật cho qua Cầu Ðuống, chỉ hai việc ấy thôi đủ nói Việt Minh chả có đuổi Nhật gì hết. Và tuy ngày 23 tháng 8 mới vào Hà Nội, Cụ Hồ vẫn cảnh giác bắt đi vòng qua sông Hồng ở mạn cây đa làng Sọi có Vũ Ðình Huỳnh chờ đón Cụ lên xe hơi qua cầu Sông Cái rồi rẽ phố Hàng Khoai và thế là Cụ đã được ngắm thủ đô ở cái góc mang tên thứ lương thực tiêu biểu nhất của dân ta - đúng là nông thôn bao vây thành thị... Rồi Cụ hài lòng ra ngay chỉ thị tiếp tục hòa hoãn với Nhật, tha Bảo Ðại, một lần nữa mặc nhiên thừa nhận Quân lệnh số 1 yêu cầu tiến công Nhật, đàn áp chính quyền Trần Trọng Kim và tiêu diệt đảng phái phản động, là duy ý chí kiểu con ếch nằm trong đáy giếng.”

Từ những hồi tưởng đó, Trần Ðĩnh mới kết luận là theo Việt Cộng thì “bốn phương vô sản đều là anh em... ‘vô tổ quốc’ như thế!”

Ðầy dẫy trong Ðèn Cù, ta gặp nhiều chuyện cực khó tin mà chỉ người trong cuộc mới thấm được theo lối “nóng lạnh tự biết.” Trong mạch đó, độc giả có thể nhớ tới truyện giả tưởng “Ðỉnh Cao Toang Hoác” (Yawning Heights hay Les Hauteurs Béantes) của nhà văn bất đồng chính kiến Alexander Zinoviev khi ông ta chơi chữ và châm biếm xã hội Xô Viết. Nhưng Zinoviev còn phải dựng truyện giả tưởng, Trần Ðĩnh viết về người thật, việc thật. Và xuyên qua hơn ngàn trang sách của hai quyển, Ðèn Cù bổ dọc từ Marx tới Lenin, Staline, Mao Trạch Ðông và Hồ Chí Minh, cho chí Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ - và cả Nguyễn Văn Linh với thành tích bái Tầu để chặn Duẩn và ngăn Thọ. Còn kinh hãi hơn giả tưởng.

NV: Có người cho rằng Ðèn Cù có dụng tâm chạy tội cho Hồ Chí Minh, xin nghe ý kiến của ông?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Những ai cho rằng Ðèn Cù có dụng tâm chạy tội cho Hồ Chí Minh thì nên đọc quyển II để nắm lấy “tang vật.” Ðọc bản thảo Ðèn Cù II, tôi tìm được một kỳ thú của tác phẩm: Trần Ðĩnh lại viết về Hồ Chí Minh như một nạn nhân hàng đầu.

Dù là cán bộ trước sau đã qua sáu năm đào tạo của Ðệ Tam Quốc Tế, và sau này được quốc tế trao cho Trung Quốc dìu dắt, Hồ lần lượt là nạn nhân của Staline, rồi Mao và vì vậy mà từng có thời cũng là nạn nhân của Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ trong vụ tranh đoạt quyền bính nội bộ. Phần nào đó, ông Hồ của Trần Ðĩnh có thể là “vô can” trong nhiều chuyển động lớn chỉ vì cái tội vô tài.

Vậy mà ngày nay Việt Cộng còn nói mãi về thắng lợi của “Tư tưởng Hồ Chí Minh.” Cho nên Trần Ðĩnh mới phang thành tích họ Hồ. Tôi xin trích nguyên văn lời Trần Ðĩnh: “Bịa! Chính là thất bại! Vâng, thất bại đầu tay lập đảng và thất bại đầu tay lập nước!”

Rất đáng ngạc nhiên là nhận xét nêu trên là của một người mắc bệnh mê Hồ khi còn trẻ. Ðáng ngạc nhiên hơn nữa là Trần Ðĩnh không hết lời ngợi ca cụ Trần Trọng Kim. Từ đó, thế hệ ngày nay ở trong nước phải tìm hiểu xem Trần Trọng Kim là ai - và vì sao Cách Mạng Tháng Tám chỉ là một trò bịp...

NV: Ông cảm nhận ra sao khi tác giả đặt tựa quyển II của Ðèn Cù là “Vén Mây Giữa Trời”?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ðọc mãi tôi mới đoán ra Trần Ðĩnh có ý phân công lao động. “Bác Hồ” và “đảng ta” chỉ là những vì sao, còn lại, Mặt Trời là những lãnh tụ xa lạ của Liên Xô hay Trung Cộng, như Lenin, Staline hay Mao... Vén mây lên, Trần Ðĩnh bắn rụng cả mặt trời lẫn ngần ấy vì sao...

NV: Trần Ðĩnh đã vạch rõ cũng chỉ vì cái tội mê Trung [Cộng], mê Xô [Cộng] của ông Hồ và đám lãnh đạo Việt [Cộng] nên dân ta mới khổ như vậy. Ông có điều gì muốn nói thêm về Ðèn Cù của Trần Ðĩnh?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau khi cả dân tộc đã trả giá đắt đỏ, Trần Ðĩnh viết ra chuyện mê muội ấy. Theo tôi, những ai muốn thế giới nhìn ra sự lầm lạc của nhiều người ngoại quốc về Việt Nam thì nên phiên dịch Ðèn Cù ra ngoại ngữ. Nó cần xuất hiện bên những tác phẩm giải ảo lừng danh của thiên hạ.

NV: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
nga  
#3 Đã gửi : 21/11/2014 lúc 11:37:31(UTC)
nga

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,657

Cảm ơn: 1 lần
Hai ngàn cuốn “Đèn Cù II” phát hành ngày 22 tháng 11

WESTMINSTER (NV) – Cuốn “Đèn Cù II” của tác giả Trần Đĩnh sẽ chính thức được phát hành hôm Thứ Bảy, 22 Tháng 11, 2014. “Đèn Cù II” do Người Việt xuất bản, dầy 661 trang, bán giá 25 Mỹ kim tại nhật báo Người Việt và các nhà sách trong vùng cũng như trên nguoivietshop.com. Số lượng in đợt đầu là 2,000 cuốn.
Tối Thứ Năm, 20 Tháng 11, nhân viên nhà in đã phải làm việc tới nửa đêm để kịp giao “Đèn Cù II” cho Người Việt phát hành sớm vào sáng hôm nay.

UserPostedImage
Sách "Đèn Cù II" của tác giả Trần Đĩnh phát hành sáng Thứ Bảy, 22 Tháng 11, 2014 tại tòa soạn Người Việt và các nhà sách trong vùng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Vị khách đầu tiên có trong tay “Đèn Cù II” là ông Nguyễn Trọng Hiền, cựu phi công VNCH và là con trai của nhà thiết kế áo dài nổi tiếng Le Mur Cát Tường. Ông Hiền cho biết, “Với cuốn 'Đèn Cù I', tôi phải đọc nhín từng trang vì sợ nó hết.”

Ông Hiền còn đọc to câu nói của Trần Đĩnh mà ông rất tâm đắc, đó là, “Tôi vẫn mong rồi có một quyển sách thật sự của tôi, của chính tôi. Bởi vì, gần suốt cuộc đời viết, lách, tôi đã tự nguyện làm thủ phạm tàn phá trước hết vào chính ngay mình. Tôi vốn yêu viết. Nhưng đã không viết nổi. Đứa thủ phạm là tôi bắt tôi viết dưới bóng tối của Thù Hằn và Dối Trá.”

Về tác phẩm “Đèn Cù”, nhà văn Dương Thu Hương, tác giả “Những Thiên Đường Mù”, nhận xét:

“Có thể 'Đèn Cù' sẽ không hấp dẫn những độc giả khác như tôi bởi các nhân vật trong cuốn sách hoàn toàn xa lạ với họ hoặc vì họ không quan tâm đến chính trị. Nhưng với tôi, người coi việc chống Cộng sản Việt Nam như ý nghĩa chính của cuộc đời mình thì cuốn sách này vô cùng bổ ích. Thêm nữa, khá nhiều nhân vật xuất hiện trong đó đã có những lần gặp gỡ với tôi. Đọc 'Đèn Cù' là dịp gặp lại họ, cả người đã khuất núi lẫn những ai đang tồn tại. Một đoạn đường lịch sử của Việt nam được phản ánh qua các trang viết. Đọc, để thêm một lần nữa, khẳng định rằng con đường đấu tranh cho dân chủ là con đường duy nhất có thể thay đổi vận mạng của dân tộc, và con đường ấy phải đi qua nấm mồ chôn chủ nghĩa cộng sản cùng các di sản thối rữa của nó.”
UserPostedImage
Ông Nguyễn Trọng Hiền với cuốn 'Đèn Cù II' trên tay. (Hình: Thai Dinh/Người Việt)



Nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả “Đêm Giữa Ban Ngày”, nêu cảm nghĩ, “Trần Đĩnh là nhà văn cung đình, như ông tự nhận. Nhưng nhờ có ông, người may mắn được 'gần mặt trời' trong lịch sử Việt Nam cận đại nên mới thấy được những vết đen trên bề mặt nó, nay hào phóng kể lại cho bàn dân thiên hạ được biết trong đống rác cung đình nọ có cái gì. Dưới dạng đặc biệt của thể loại ký mà ông gọi là 'truyện tôi,' người đọc sẽ được biết nhiều sự kiện, đôi khi là động trời, với những con người, đôi khi được coi là thánh và á thánh, có hình thù ra sao. Tác giả dùng lối kể tếu táo của người chứng kiến, không cần đưa ra dữ liệu, ai tin thì tin, không tin thì thôi, mặc. Thế nhưng tác phẩm của ông lại rất đáp ứng nhu cầu của người đọc muốn biết những gì đã xảy ra trong một giai đoạn lịch sử không có lịch sử".

“Đèn Cù II” có bán tại tiệm sách Người Việt Shop trên Amazon.com, nguoivietshop.com, tại tòa soạn nhật báo Người Việt, hoặc các nhà sách trong vùng.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên lạc (714) 892-9414 hoặc email nvshopcares@nguoi-viet.com.
xuong  
#4 Đã gửi : 25/11/2014 lúc 05:56:58(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Đèn Cù tập 2: Bí ẩn cung đình đỏ và thân phận con người

UserPostedImage
Bích chương quảng cáo Đèn Cù tập 2 của Trần Đĩnh. Courtesy Người Việt Books

Tác phẩm Đèn cù phần 2 của nhà văn Trần Đĩnh sẽ ra mắt bạn đọc trong thời gian tới đây. Những dòng tự sự về thân phận con người trong chế độ cộng sản cũng như những bí ẩn chính trị bị che dấu tiếp tục được phơi bày. Sau đây là góc nhìn của một trong những độc giả đầu tiên của Đèn cù phần hai.
UserPostedImage
Nhà văn nhà báo Trần Đĩnh, ảnh chụp năm 1998. Hình do ông cung cấp.

Hồng cung bí sử
“Ông Lê Trọng Nghĩa xuất thân là một sinh viên khoa Luật, thông thạo nhiều thứ tiếng. Năm 23 tuổi (tức 1945) ông làm thuyết khách gặp gỡ Trần Trọng Kim, thuyết phục chỉ huy Nhật ở Trại Bảo an binh và tham gia đàm phán với Tổng chỉ huy quân đội Nhật ở Hà Nội. Chia sẻ về công việc của mình, ông nói: "Tôi theo dõi tất cả các vấn đề có quan hệ tới đối phương như Pháp, Mỹ, và các nước khác có liên quan đến cách mạng Việt Nam. Dựa vào những tin tức đó, Bộ Chính trị đưa ra chủ trương, quyết sách". Giai đoạn Cách mạng Tháng 8, ông Nghĩa đại diện chính quyền Việt Minh liên hệ với quân đội Nhật. Chủ trương lúc đó của Việt Nam là chỉ huy quân giải phóng đánh vào quân Nhật đang co cụm ở Thái Nguyên để mở đường Nam tiến.”

Đó là đoạn trích từ bài báo ngày 11/10/2014 trên báo mạng Vnexpress tại Việt nam. Bài báo này ghi nhận cảm nghĩ của ông Lê Trọng Nghĩa về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời cũng ghi vắn tắt tiểu sử của ông Nghĩa, một người từng đứng đầu ngành tình báo Việt nam và giữ vai trò quan trọng nhất trong cuộc cướp chính quyền tháng Tám năm 1945.

Điều mà báo này không nhắc đến là chuyện ông Nghĩa bị bắt, không án trong cái gọi là vụ án xét lại chống Đảng
Điều này lại được tác giả Trần Đĩnh ghi nhận rất chi tiết trong phần hai cuốn tự truyện Đèn Cù. “Nhưng thân phận cựu Đại tá tình báo Lê Trọng Nghĩa không quan trọng bằng tiết lộ của ông về cuộc cách mạng tháng tám mà Trần Đĩnh ghi lại”. Theo tiết lộ này thì trong tháng tám 1945 những người đứng đầu Việt minh, mà nòng cốt là đảng cộng sản đã ra quân lệnh số 1 tấn công quân đội Nhật bản đang chiếm đóng Đông dương lúc ấy. Trong khi đó thì bộ phận Việt minh ở Hà nội do ông Lê Trọng Nghĩa đứng đầu thương lượng thành công với quân đội Nhật để lên nắm chính quyền. Ông Hồ Chí Minh và các cố vấn của ông đều không biết việc này. Và khi những đội quân Việt minh đầu tiên tiến về Hà nội từ Việt bắc vẫn phải xin phép quân đội Nhật.

“Điều này có nghĩa là sự thành công của cách mạng tháng tám không phải là sự tổ chức sắc sảo từ đầu đến cuối của đảng cộng sản Việt nam mà là một khoảng trống về quyền lực lúc ấy trên bán đảo Đông Dương.”

Những tiết lộ lịch sử ấy ắt hẳn là điều mà nhiều người quan tâm đến lịch sử và chính trị Việt nam mong đợi từ quyển sách Đèn Cù tập 2 sắp xuất bản, cũng như họ đã mong đợi từ phần một quyển tự truyện này.

Một điều có lẽ cũng sẽ gây ngạc nhiên cho người đọc khi Đèn cù 2 tiết lộ rằng Lê Duẫn đã từng tiếp xúc với tình báo Mỹ, mặc dù sau đó tại đại hội trung ương đảng lần thứ 9 ông là người đứng đầu phái thân Mao chủ trương dùng bạo lực để tiến đánh miền Nam.
Cũng liên quan đến ông Lê Duẫn, những điều Trần Đĩnh ghi chép lại cho biết rằng sự “bất kính” của ông Duẫn đối với ông Hồ đã bắt đầu từ khi ông được huấn luyện bởi các bậc đàn anh như Trần Phú, Hà Huy Tập, những người được Quốc tế cộng sản công nhận chứ không phải là ông Hồ, một kẻ bị thất sủng, dù ông cũng là người được Đệ tam quốc tế đào tạo từ rất lâu.

Người ta cũng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Trần Đĩnh nghi ngờ nhân vật Trần Xuân Bách khi ông này đề ra những ý tưởng cải cách chính trị cởi mở hơn cho Việt nam.

Và những câu chuyện thâm cung bí sử về những nhân vật chính trị một thời của đảng cộng sản Việt nam tiếp tục được ghi lại qua ngòi bút dí dỏm của Trần Đĩnh, người chỉ khiêm tốn đặt tên cho quyển sách đầy ắp tư liệu lịch sử của ông là “Truyện tôi”.

Những chi tiết lịch sử ấy Trần Đĩnh gọi là “Hồng cung bí sử”.

Thân phận con người
Những sự kiện lịch sử dù bị che dấu, cũng sẽ dần dần lộ ra trong thời đại thông tin toàn cầu này, “điều mà Trần Đĩnh đem đến nhiều nhất cho người đọc chính là sự mô tả thân phận con người trong và dưới chế độ cộng sản.”

Những nhân vật trong guồng máy như các ông Lê Liêm, Bùi Công Trừng, Đặng Kim Giang, Ung Văn Khiêm,… những người có công gầy dựng nên đảng cộng sản bị đối xử một cách tàn khốc khi sa cơ thất thế, bị chính các đồng chí ngày hôm qua của họ giáng xuống những bản án nặng nề. Trần Đĩnh viết:
“Đất nước bị mắc phải một giống vi trùng có tên là tính đảng. Nó kháng lại mọi yêu cầu tử tế của con người.”

Ông viết thêm là ở nước Việt nam, nhờ có đảng mà cái gì cũng là hai mặt, hai mang. Và những tư tưởng giai cấp mà đảng cộng sản đem vào Việt nam đã để lại những sự đảo điên vô cùng nghiêm trọng cho xã hội Việt nam:

“Nó gây sốc đảo điên dân tộc, nó đem vào lập trường đấu tranh giai cấp, đi vào trong mọi quan hệ xã hội, họ hàng gia đình, bạn bè để đấu tố nhau, xin mạng nhau.”

Tuy nhiên cuộc đấu đá quyền lực của những người lãnh đạo cộng sản không làm họ xao nhãng việc cai trị. Trần Đĩnh viết tiếp:

“Tôi lạ là các bộ óc đầy hằn học, nghi ngờ nhau như vậy vẫn nhất trí được với nhau trong việc trị dân.”

Sự phản kháng của dân chúng trước sự toàn trị ngặt nghèo của đảng được Trần Đĩnh mô tả lại qua những buổi trò chuyện dài giữa ông và anh thanh niên vá xe đạp. Qua đó người đọc thấy sự phản ứng rất đặc biệt của người dân dưới chế độ cộng sản: Không có những cuộc biểu tình, những cuộc nổi dậy mà có sự châm biếm các giới lãnh đạo, sự biến thái của ngôn ngữ để chuyển tải những câu chuyện khôi hài đen.

Đọc Đèn cù tập 2 người ta cũng thấy một mối quan hệ đặc biệt giữa những người bất đồng chính kiến, những người bị chế độ lên án với những nhân viên an ninh theo dõi họ. Họ tồn tại song song nhau, khai thác nhau. Bộ máy an ninh dày đặt đã gieo rắc sự sợ hãi vào trong lòng dân chúng, và cả những người có cương vị trong xã hội. Trong xã hội ấy một khi người ta ngại tiếp xúc với các cơ cấu của bộ máy quyền lực chính là lúc người ta bắt đầu có biểu hiện của sự khủng hoảng tâm thần do bị đàn áp về tinh thần. Đó là nhận xét của Trần Đĩnh về những thân phận con người xung quanh mình và ông thường xuyên tự nhắc mình rằng trong cái sợ đó “phải ứng phó làm sao cho đúng cốt cách một con Người”.

Dù biết rằng bất cứ sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng câu chuyện về những nhân vật cộng sản Việt nam mà Trần Đĩnh ghi lại, không khỏi gợi cho độc giả nhớ đến cuốn tiểu thuyết chính trị của nhà văn Pháp Andre Malraux mang tựa đề “Thân phận con người”, mô tả cuộc nổi dậy của lực lượng cộng sản tại Thượng hải, Trung quốc vào những năm 1930. Người ta thấy nhiều âm mưu, nhiều sự bội phản, nhiều sự cơ hội, và trên hết là sự ảo tưởng mà Trần Đĩnh gọi là sự Mộng tưởng. Sự mộng tưởng vào chủ nghĩa cộng sản ám ảnh tác giả lớn đến mức mà ông lập lại đến hai lần trong phần hai của tác phẩm Đèn cù:

“Mộng tưởng không trọng lượng nhưng đè sập biết bao đời người.”
Theo RFA
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.223 giây.