Nếu bạn đang đọc bài này trên Internet, dừng lại một chút, suy nghĩ về nó, rồi kéo xuống cuối bài để đọc những lời bình. Nếu không thấy, thì mở những trang cho phép bình luận hiển thị, tìm đọc một bài đậm màu chính trị, rồi thử xem lại nhận thức của mình.
Nhận thức của bạn sẽ thay đổi, đặc biệt nếu bạn đọc hàng loạt những lời bình mang nặng tính sỉ nhục, lăng mạ, hay khích bác.
Cái thủa mà Internet là nơi chốn của văn minh, của những cuộc tranh luận mở, hình như đã qua rồi. Giờ đây, nó là diễn đàn không biên tập nơi xẩy ra những cuộc sỉ vả lẫn nhau không chút tiếc thương. Thích nó hay không, thì sự thực là như vậy.
Kinh nghiệm cho hay thông điệp của bài viết, của tác giả, của chủ đề được hình thành lên bởi những lời bình nặc danh trên mạng, đặc biệt là những lời bình lỗ mãng.
Một nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định: Những lời bình mất lịch sự không những làm người đọc bị phân cực, mà còn làm thay đổi cả cách nhận thức câu chuyện. Những phân tích điện toán của Atlantic Media cũng phát hiện ra những người đọc có lời bình thiếu lịch sự thì thường có khuynh hướng phán xử bài viết là kém phẩm chất bất kể nội dung và sự thực mà nó đăng tải.
Một vài tổ chức đã có phản ứng với những lời bình tiêu cực này. Twitter @AvoidComment thường xuyên nhắc nhở bạn đọc nên lờ đi những bài nặc danh. Nhưng không có gì ngăn cản được làn sóng của những lời bình lỗ mãng đang tràn ngập trên Facebook hay Twitter.
Nếu những bình luận rác rưởi này diễn ra một cách tự nhiên, thì đơn giản đó chỉ là hiện tượng tâm lý. Sự thực lại không phải như vậy. Một người bạn làm PR (public relation) cho một công ty ở Âu châu tiết lộ: Công ty đã trả tiền mướn người đóng vai khách hàng viết những lời tán tụng công ty, và hạ nhục những đối thủ đang cạnh tranh.
Nhiều đảng phái chính trị ở nhiều quốc gia cũng đang làm như vậy.
Năm ngoái, một nhà báo Nga đã thâm nhập vào một tổ chức ở St Petersburg để tìm hiểu. Tổ chức này đã bỏ tiền mướn người viết hàng trăm lời bình để tung lên mạng mỗi ngày. Dạo đầu năm nay, một bản điều tra khác phát hiện ra một đại gia có mối quan hệ xã hội rộng lớn đã trả tiền cho những tay ma cô mạng người Nga, thiết lập lên hàng chục tài khoản tại Twitter. Mỗi tài khoản lôi khéo khoảng 2000 cư dân mạng khác. Trong những ngày Nga xâm lược Ukraine, tờ Guardian of London đã vô cùng vất vả đển trung hoà cái gọi là “Giàn nhạc giao hưởng” này. Những cư dân mạng bất hảo người Nga đã bị theo dõi rất chặt. Nhưng còn nhiều những kẻ khác đang sẵn sàng ra nhập.
Ai cũng biết chính quyền Trung Quốc theo dõi hệ thống Internet trên lãnh thổ của họ bằng cách trả lương cho hàng trăm ngàn bloggers. Không đến nỗi quá lâu, Trung Quốc sẽ làm như vậy với tiếng Anh, tiếng Triều Tiên hay những ngôn ngữ khác.
Đây là một thách đố nghiêm trọng cho dân chủ. Những lời bình trên mạng khéo léo thay đổi cách suy nghĩ và cảm nhận của cử tri. Thậm chí nó làm tăng mức độ của kích thích, hoặc gây cho độc giả cảm giác rằng vấn đề còn đang bàn cãi, hay những sự kiện chính đang bị giấu đút.
Phần lớn, những ma cô mạng người Nga không dùng đến những phương pháp tuyên truyền cổ điển như đã từng khoa môi múa mép về sự huy hoàng của nền nông nghiệp Soviet.
Hai nhà báo Peter Pomerantsev và Michael Weiss đã phân tích những thủ đoạn mới nhằm bóp méo, nhào nặn thông tin. Mục đích là gieo rắc sự khó hiểu, hỗn loạn, lộn xộn bằng cách xử dụng học thuyết bí mật và khuyết tán sự gian dối. Nghĩa là ở nơi nào báo chí truyền thống yếu, thông tin bị nhiễu, thì công việc thao túng thông tin càng trở nên dễ dàng.
Chẳng có chính phủ Tây phương nào muốn kiểm duyệt Internet hay bỏ tiền ra để nghiên cứu hiện tượng này. Weiss và Pemerantsev từng tranh luận: Chúng ta cần những tổ chức dân sự hay những nhà hảo tâm giúp đỡ để vạch trần những thông tin giả mạo một cách có mục đích và đưa nó ra trước công luận.
Có lẽ nhà trường khi dậy học sinh về báo chí, giờ đây cần thiết phải dậy một bộ quy tắc ứng xử, làm thế nào nhận ra những bố già Internet, làm thế naò để phân biệt được sự thực trong bộ tiểu thuyến ly kỳ được nhà nước bảo lãnh.
Sớm muộn gì thì chúng ta cũng bị ép buộc phải kết thúc trò chơi nặc danh trên mạng, hoặc ít nhất mỗi người trên thế giới ảo phải liên kết với một người thực. Bất kể ai viết trên mạng đều phải chịu trách nhiệm trước lới nói của mình tựa như anh ta đang phát biểu to và rõ ràng trước đám đông.
Tôi biết! Có những ý kiến bênh vực cho quyền nặc danh, nhưng vì nhiều người lạm dụng đặc quyền này. Nhân quyền bao gồm quyền tự do biểu đạt chỉ dành cho con người thực, không dành cho những tên ma cô mạng.
(Lược dịch từ bài: Another reason to avoid reading the comments; của Anne Applebaum; The Washington Post.)
Anne Applebaum là nhà báo Mỹ gốc Ba Lan. Bà từng giành giải Pulitzer vì những bài viết về cộng sản và sự hình thành xã hội dân sự Đông Âu cả thời tiền và hậu cộng sản. Bà viết cho rất nhiều tờ báo lớn ở Mỹ và Anh. Bà từng trong bộ biên tập của The Washington Post và The Economist. Bà kết hôn với cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski. Lớn lên ở Ba Lan, bà am hiểu những thủ đoạn của chế độ cộng sản.
Trong bài này, bà không đề cập đến Việt Nam, nhưng chúng ta đều biết Việt Nam đã thuê một đội ngũ “dư luận viên” để đánh phá những tờ báo mạng ngoài luồng bằng nhiều thủ đoạn. Chúng tôi lược dịch bài này để bạn đọc có thêm thông tin.
Biên tập viên ĐCV
© Đàn Chim Việt