logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
nga  
#1 Đã gửi : 08/12/2014 lúc 12:57:45(UTC)
nga

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,657

Cảm ơn: 1 lần
Bạo loạn Ferguson – hồi một
Michael Brown là một thanh niên da đen 18 tuổi sống ở vùng ngoại ô Ferguson của thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri. Anh thiệt mạng sau khi bị cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn ít ra 6 phát đạn vào người hôm 9/08/2014.

Theo biên bản ghi lại lời khai của một số nhân chứng, và của sở cảnh sát Ferguson, cảnh sát viên Wilson ngừng xe tuần tiễu lại sát Brown đang cùng đi với một người bạn, ra lệnh cho cả hai rời mặt đường dành cho xe cộ, để bước lên lề. Một cuộc cãi lộn qua lại đã xảy ra qua khung cửa xe giữa Brown và cảnh sát viên Wilson đang ngồi trong xe, rồi một phát súng đã nổ từ trong xe bắn ra, làm hai thanh niên trên đường bỏ chạy. Wilson ra khỏi xe, đuổi theo, và bắn vào Brown. Các lời khai của những nhân chứng đã trái nghịch nhau về chi tiết cho rằng Brown đang đứng hai tay đưa lên trời khi bị cảnh sát bắn nhiều phát, hay súng nổ khi thanh niên Brown cao to khổng lồ đang tấn công nhân viên công lực.

Cảnh sát viên Wilson đã phục vụ suốt 4 năm cho sở cảnh sát Ferguson, sau khi từng trải qua 2 năm với một sở cảnh sát khác, và lý lịch cá nhân của Wilson chưa hề dính một vụ kỷ luật hay sai phạm lớn nhỏ nào.

Án mạng của Brown đã là khởi điểm xuất phát bất ổn tại Ferguson sau khi đã trải qua các vụ căng thẳng màu da tại một trong những địa phương vốn sóng gió về nạn kỳ thị chủng tộc trầm trọng nhất ở xứ Mỹ. Các cuộc xuống đường chống đối, kéo theo các hành động cố tình phá hoại và làm hư hỏng các công trình nghệ thuật cũng như tài sản công và tư, các vụ hôi của, song song với các hình thức bất ổn xã hội kéo dài hơn một tuần lễ, nhất là khi cảnh sát vũ trang bằng vũ khí cao cấp của quân đội, cộng thêm lệnh giới nghiêm, đã biến thành nhiên liệu cực mạnh tưới thêm vào ngọn lửa đang ngút ngàn bốc cao.

Ngay trong đêm sau khi vừa xảy ra án mạng, cư dân Ferguson dựng một đài tưởng niệm dã chiến để thắp nến và đặt hoa tại chỗ Brown bị giết. Một cảnh sát đã để một con chó trong đội quân khuyển của mình tiểu tiện lên đài tưởng niệm nầy, làm người qua đường nổi giận. Sang ngày 10, buổi thắp nến tưởng niệm đã mở màn một cách yên tĩnh, trước khi phía chính quyền phái tới 150 cảnh sát trang bị các dụng cụ chuyên dùng để chống bạo loạn, làm bạo loạn xảy ra thật: một số người đã đập phá xe cộ, 12 cửa tiệm bị hôi của, tiệm tạp hóa và cây xăng QuikTrip bị nổi lửa đốt dẫn tới việc bắt giữ hơn 30 người. Trong đêm bạo loạn đầu tiên nầy, phía cảnh sát đã can thiệp bằng cả trực thăng để giải tán đám đông.

Đêm 11/08, biểu tình tái diễn. Phía dân xuống đường dùng đá chọi vào đội hình cảnh sát, và cảnh sát phản công bằng lựu đạn cay và đạn cao su để giải tán đám đông – trong đó có mặt cả bà Maria Chappelle-Nadal là nghị sĩ của tiểu bang – đang tụ tập ở cây xăng bị đốt hôm trước. Ngày 12, hàng trăm người xuống đường tập họp ở quận đường Clayton để yêu cầu mang người cảnh sát trong vụ án mạng ra xét xử. Trong cuộc tụ tập nầy, một số người biểu tình đã dùng chai lọ chọi vào cảnh sát, để phía công lực lại dùng lựu đạn cay để giải tỏa, đặc biệt cô Mya Aaten-White bị trúng đạn vào đầu. Đêm 13, lại xuống đường, lần nầy, 70 cảnh sát dã chiến SWAT tới hiện trường yêu cầu dân giải tán, rồi xảy ra xung đột, cảnh sát dùng bom cay, đạn cao su, lựu đạn khói và hơi cay để giải tán đám đông và ra lệnh cho báo chí ngừng quay phim chụp ảnh hiện trường, sau khi phóng viên CNN quay được cảnh một cảnh sát quát tháo đám dân xuống đường bằng câu văng tục: “Cứ làm tới xem, đù má cả lũ súc sinh chúng mầy, làm tới nữa xem nào!” Trong khi tìm cách trấn áp đám đông tại tụ điểm tiệm ăn McDonald, cảnh sát đã bắt giữ nhà báo Wesley Lowery của tờ Washington Post và ký giả Ryan Reilley của tờ Huffington Post. Tại đây, cảnh sát đếm số ngược trong 45 giây đồng hồ để ra lệnh cho nhà báo phải tức khắc rời vị trí. Khi phóng viên chưa kịp định thần để biết phải tuân lệnh đi ra bằng cửa nào, cảnh sát đã xô giập Wesley Lowery vào máy bán nước ngọt – một hành động không đúng cả với thành phần côn đồ hay tội phạm, để phó tổng biên tập tờ Washington Post phải lên tiếng trên mặt báo rằng “việc bắt giữ và cách bắt giữ nhà báo Lowery hoàn toàn không thể biện giải, cũng như, tư cách của người cảnh sát hoàn toàn không thể bào chữa trước hành vi tấn công vào quyền tự do báo chí trong đó ký giả làm phận sự tường thuật của mình.” Ngoài ra, một đoạn video đã bất chợt ghi được hình ảnh một xe cảnh sát có hàng chữ “Đội SWAT quận St. Charles” quần quanh giàn quay của phóng viên Ash-har Quraishi thuộc đài truyền hình Al Jazeera và gỡ đèn chiếu sáng cùng máy quay xuống.

Qua hôm 14/08, cảnh sát địa phương đã đi xa hơn việc ngăn cản báo chí. Trong khi ông cò Tom Jackson của sở cảnh sát Ferguson chối bỏ tất cả các hành động của thuộc cấp nhằm lung lạc ký giả, và trong khi Tổng thống Obama lên tiếng về các vụ vi phạm, “Sẽ không có luật trừ nào khi cảnh sát dùng vũ lực để ngăn cản các cuộc xuống đường ôn hòa, hay bắt bớ người dân xuống đường theo quyền hiến định ghi trong Tu chính án Thứ Nhất, và tại nơi đây, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, cảnh sát không được phép bắt giữ các nhà báo đang tìm cánh làm phận sự của họ để tường thuật cho nhân dân Hoa Kỳ những gì họ chứng kiến đang xảy ra trên mặt đất” – thì ngay cả ông Antonio French ủy viên Hội đồng Phường 21 của thành phố St. Louis cũng đã bị cảnh sát hốt xác, vì tội “tụ tập bất hợp pháp”. Đêm ấy, ông French nhảy vào xe mình để tránh hơi cay và bom khói do cảnh sát bắn ra, thì bị cảnh sát kéo ra khỏi xe, đưa về đồn nhốt một đêm, đến sáng hôm sau mới được thả.

Sáng thứ Sáu, ngày 15/08, ông cò Tom Jackson công bố tên tuổi người cảnh sát liên quan đến vụ bắn chết Michael Brown, sau khi kể rằng một vụ cướp có vũ trang vừa xảy ra ở tiệm tạp hóa Ferguson Market & Liquor rất gần hiện trường chỉ ít phút trước khi Brown bị bắn, rồi vài tiếng đồng hồ sau, cũng chính cảnh sát trưởng Jackson tiết lộ rằng cảnh sát viên Wilson không biết gì tới vụ cướp gần đó khi nổ súng bắn vào Brown. Tới đêm, đoàn người xuống đường tụ tập ở gần tiệm QuikTrip đến khi cảnh sát xuất hiện lúc 11 giờ khuya. Qua tới 1:30 sáng thứ Bảy, bạo loạn đã nổ ra và đoàn người tràn vào hôi của tiệm tạp hóa Ferguson Market & Liquor. Với vụ xáo trộn mới nhất nầy, Thống đốc Nixon tuyên bố tình trạng khẩn trương và ra lệnh thiết quân luật tại Ferguson từ nửa đêm tới 5 giờ sáng, mặc dù cảnh sát cho hay sẽ không áp đặt giới nghiêm bằng xe tuần tiễu vũ trang và hơi cay, thay vào đó, sẽ nhắc nhở dân và cho họ thêm thì giờ để giải tán trước khi đến giờ thi hành lệnh. Trái với lời tuyên bố vừa kể, trong những giờ đầu tiên của ngày 17/08, cảnh sát đã dùng lựu đạn cay, và mang các đơn vị dã chiến tới.

Sau khi thất bại với lệnh giới nghiêm bị vi phạm và bạo động xảy ra, thống đốc tiểu bang đưa lính Vệ binh Quốc gia tới. Cảnh sát bắt giữ thêm phóng viên nhiếp ảnh Scott Olson. Sau khi được Tổng trưởng Tư pháp Eric Holder tường trình chi tiết diễn biến mới nhất, Tổng thống Obama cử ông bộ trưởng da đen nầy tới Ferguson để theo dõi sự việc.

Đêm 18/08, hàng trăm người xuống đường đan tay vào nhau tiến bước, đã đẩy lùi được bức tường cảnh sát dày năm hàng quân, dàn hàng ngang 60 tay súng. Trong trận đụng độ nầy, 78 người bị bắt, trong đó có ký giả Ryan Devereaux của tờ The Intercept cùng hai nhà báo Đức Ansgar Graw và Frank Hermann.

Các cuộc xuống đường sau đó tuy vẫn tiếp tục dai dẳng nhưng không khí bạo động đã lắng dịu, cho đến ngày 23/09, khi hàng trăm người kéo nhau tới cổng bộ chỉ huy cảnh sát, nơi đang được 50 cảnh sát bảo vệ, đòi ông cò Jackson phải từ chức. Ông Jackson xuất hiện, giải thích với dân rằng nhiều cải cách đang được tiến hành theo sau cái chết của Brown. Cách giải thích của ông nầy làm dân bất bình, đưa tới phản đối và lớn tiếng. Cảnh sát đã nhanh chóng can thiệp để bảo vệ thượng cấp của mình, đi kèm với việc bắt giữ nhiều người biểu tình, cũng như tuyên bố cuộc tụ tập nầy bất hợp pháp.

Đêm 28/09, một đám đông lớn lại kéo nhau xuống đường, đá và chai lọ được dùng để ném vào phía cảnh sát, kết quả có 8 người dân bị bắt giữ. Ngày hôm sau, dân lại tụ tập trước cổng tòa nhà cảnh sát, cùng với hàng chục giáo sĩ quỳ gối cầu nguyện trong bãi đậu xe của cảnh sát. Cảnh sát đã bắt một vị tu hành, và tuyên bố với dân rằng tất cả cũng sẽ vào khám, nếu không chịu giải tán trước 11 giờ đêm. Đến giờ ấy, cảnh sát dàn quân từ từ tiến tới, nhưng dân không chịu lùi bước. Khi hai bên hầu như mặt chạm mặt nhau, bỗng súng nổ, và cả hai bên đều dạt lui. Đại úy Ron Johnson của Lực lượng Tuần tra Xa lộ Tiểu bang – người vừa được cử đến xử lý thay cảnh sát Ferguson – nói với đám đông rằng “lệnh phải giải tán trong vòng 5 giây” sẽ không đem ra cưỡng buộc, và dân sẽ không bị bắt bao lâu họ chỉ phản đối trong ôn hòa.

Ngày 2/10, Cảnh sát Tuần tra Xa lộ Tiểu bang đã bắt hơn một chục người, trong đó có nữ phóng viên Mary Moore của đài CNN, vì bị cáo buộc tội không tuân lệnh nhân viên công lực, làm ồn, và chống lại lệnh bắt. Cảnh sát đã dẹp bỏ một khu cắm dùi kéo dài đã nhiều tuần trên đại lộ West Florissant. Ngày hôm sau, ông cò Thomas Jackson trao trách nhiệm giải quyết các vụ xuống đường cho sở cảnh sát quận St. Louis, sau khi con số nhân lực của đơn vị ông bị giảm, không còn đủ để công tác.

Đêm thứ Hai 6/10, sau trận thể thao giữa hai đội Cardinals của thành phố St. Louis và Dodgers của Los Angeles, phe ủng hộ và chống đối đã có một dịp để khẩu chiến với nhau bên ngoài vận động trường. Nhưng hai phe phải chờ thêm một tuần mới có dịp làm lớn chuyện. Hôm 13/10, đoàn người xuống đường tìm cách cắt ngang hàng rào người của cảnh sát, với kết quả hơn 50 người bị bắt. Thêm một tuần nữa trôi qua, dân lại xuống đường, lần nầy, một đại diện dân cử của tiểu bang, bà Jamilah Nasheed bị bắt ngay trước bộ chỉ huy cảnh sát vì tội cản trở lưu thông và không tuân lệnh cảnh sát. Những cuộc xuống đường nhùng nhằng như thế đã trở thành nhàm chán và không lôi kéo được đông đảo quần chúng. Tuy nhiên, ngày 17/11/2014, thống đốc tiểu bang Missouri tuyên bố tình trạng khẩn trương, cũng như chuẩn bị mang lính Vệ binh Quốc gia trở lại, để đối phó với các cuộc bạo động rất có khả năng xảy ra, sau khi công bố phán quyết của bồi thẩm đoàn về quyết định sẽ truy tố hay không truy tố cảnh sát viên Darren Wilson trong vụ bắn chết Michael Brown.

Bạo loạn Ferguson – hồi hai
Ngày 21/11, hai thành viên đảng Tân Báo Đen bị FBI bắt khi đang mua chất nổ dự định sẽ thừa cơ tình trạng xáo trộn trong các cuộc xuống đường sắp tới, tiếp theo kết quả tòa án không truy tố cảnh sát Darren Wilson, để đánh sập cổng vòm cung (Gateway Arch còn gọi là vòm cung môn) của thành phố St. Louis cũng như để ám sát công tố viên Robert McCulloch và cảnh sát trưởng Tom Jackson của thành phố Ferguson.

Cổng vòm cung cao 192 mét nầy trị giá $97.3 triệu nếu tính theo thời giá hôm nay, được khởi công xây dựng ngày 12/02/1963 và hoàn tất vào ngày 28/10/1965, nằm trên bờ tây sông Mississippi. Ông Robert McCulloch là công tố viên của quận St. Louis từ năm 1991 đến nay, còn ông Tom Jackson mới nhận chức ông cò của Ferguson từ năm 2010, sau khi phục vụ tại sở cảnh sát thành phố St. Louis hơn 30 năm, với các chức vụ trước đây gồm trưởng phòng Bài trừ Ma túy, tổ trưởng đặc nhiệm SWAT, huấn luyện viên máy bay cánh quạt và trực thăng, thương thuyết viên con tin, thám tử tư.

Tờ báo địa phương St. Louis Post-Dispatch cho hay nhân viên điều tra không chắc hai nghi can Brandon Orlando Baldwin và Olajuwon Ali Davis có đủ khả năng và trình độ để thực hiện các mưu toan của họ, mặc dù hai người nầy đã mua một dụng cụ gây nổ mà chúng tưởng là bom ống thật, do nhà chức trách Mỹ cài bẫy để bắt. Mua xong trái bom đầu tiên, hai người nầy hoan hỉ muốn mua thêm hai quả nữa, nhưng hết tiền, phải chờ bạn gái của một đứa chuyển thêm tiền vào thẻ nhựa ghi nợ (debit card). Hai người nầy đã sa lưới ba hôm trước khi công tố viên công bố quyết định của đoàn bồi thẩm. Lời công bố đã gây bất mãn để lại xảy ra xuống đường, bạo động, đốt tiệm buôn và hôi của đợt nhì ở Ferguson.

Trước vụ mua bom, trong hai tuần lễ đầu của tháng 11/2014, tại tiệm Cabela ở Hazelwood, Baldwin đã khai để mua cho mình hai khẩu súng lục loại 45 ly hiệu Hi-Point, nhưng thực ra là mua cho người khác dùng. Brandon Baldwin còn sử dụng một tên khác là Brandon Muhammad. Cả hai có thể bị cáo buộc tội trợ giúp và tiếp tay kẻ khác trong việc man khai lý lịch để mua vũ khí. Một trong các âm mưu của hai người nầy là cài trái bom vào bên trong đài quan sát nằm trên đỉnh cổng vòm cung, mặc dù cuộc điều tra không tiết lộ chúng sẽ làm thế nào để lọt qua được khâu kiểm soát an ninh tương tự như trước khi lên máy bay. Trình diện quan tòa lần đầu, cả hai đều không nhận tội, trước mặt nhân viên FBI với các video tang chứng, nhưng cả hai từ bỏ quyền xin tại ngoại hầu tra, nên phần điều trần đã không tiến hành.

Trong một cuộc tập họp của Tân Báo Đen tại nhà thờ Thánh Mark ở Ferguson trong tháng 10/2014, David là người đã phát biểu về vụ Brown bị giết, trong tư cách là tùy viên luật pháp của hội thánh. Hôm ấy David tuyên bố: “Đây không phải là vụ Mike Brown đầu tiên, cũng không cũng không là vụ cuối cùng, nếu chúng ta không đoàn kết lại. Chia rẽ, chúng ta sẽ đánh mất anh em, chị em. Nếu không đoàn kết, nếu không chịu gạt qua bên các dị biệt để đoàn kết với nhau, thì đừng mong đợi có thay đổi gì trong tương lai. Chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ, hệ thống của chúng ta, và cả bản thân chúng ta.”

Ngay sau khi David bị bắt, đảng Tân Báo Đen đã ra thông cáo gọi các lời cáo buộc về vụ mua bom để ám sát là “hoàn toàn vô căn cứ”, là “dựng đứng, và không có cơ sở”. Thông cáo cũng nói thêm đảng Tân Báo Đen “không dạy bảo, hậu thuẫn, hay cho phép thành viên của mình thực hiện những hành vi bạo lực chống lại bất cứ ai, bất cứ hoàn cảnh nào, trừ phi đó là mối nguy hiển nhiên để phải tự vệ đúng luật”.

Bồi thẩm đoàn là một tập hợp 12 công dân Hoa Kỳ được chọn lựa một cách tình cờ, khi ngồi vào phòng xử người ta thấy gồm sáu ông và ba bà da trắng, một ông và hai bà da đen. Để truy tố cảnh sát Wilson, luật buộc phải hội đủ 9 phiếu đồng thuận trên tổng số 12 phiếu của đoàn. Đoàn bồi thẩm nầy đã phải nghe tường thuật của 60 người chứng của cả hai bên trình bày liên tục mỗi tuần, kéo dài từ 20/08 đến nay, hết 70 tiếng đồng hồ. Riêng phần công tố viên Robert McCulloch, dư luận cho rằng ông có thể thiên vị vì bản thân cha ruột ông là một cảnh sát từng bị một người da đen giết hồi năm 1964 khi đang truy lùng một tên bắt cóc kẻ khác đang tẩu thoát, lúc McCulloch mới 12 tuổi. Ngoài ra, trong gia đình thân thích, ông công tố còn có anh ruột và cháu họ là cảnh sát, còn bà mẹ từng là một thư ký hồ sơ của cảnh sát địa phương suốt hai chục năm.

Đêm 24/11, ngay sau khi bồi thẩm đoàn cho công bố quyết định không truy tố cảnh sát Wilson trong vụ bắn chết Brown, bố dượng của Brown là Louis Head gầm lên với đoàn người xuống đường đang tụ tập bên trước bót cảnh sát: “Hãy nổi lửa đốt cái ổ chó nầy đi!” Còn bà Lesley McSpadden mẹ ruột của nạn nhân đang ngồi trên mui xe, đã òa lên khóc và la hét inh ỏi trước khi được đoàn người xuống đường chuyển đi nơi khác. Đám đông đã được cơn giận dữ châm mồi lửa căm hờn, xúm nhau lại để đẩy bật chướng ngại vật phía trước hàng rào cảnh sát đang đứng. Xô ngã được chướng ngại, đám đông ném như mưa đủ các thứ đá và chai lọ vào cảnh sát, nhưng phía cảnh sát vẫn bám trụ tại chỗ.

Trong bãi đậu xe sát nhà gia đình nạn nhân Brown, khoảng 60 người khác bu lại nghe thông báo do công tố đọc trên máy thu thanh của một chiếc xe. Khi biết cảnh sát Wilson được miễn truy tố, họ tức khắc giãn ra, bỏ đi, một số tuyên bố họ sẽ tới bót cảnh sát. Trong đêm nầy, các cuộc biểu tình phản đối có hai loại, vừa ôn hòa vừa bạo động. Đã có súng nổ, hôi của, phá hoại và đốt phá hai xe tuần tiễu của cảnh sát và một số xe cộ của dân. Cảnh sát Ferguson đã dùng lựu đan cay để ra lệnh cho dân giải tán. 61 người bị bắt vì tội xâm nhập gia cư và trộm cắp. Qua đêm kế, người ta tìm thấy xác một người đàn ông trong xe đang đậu cách nơi Brown bị bắn chết trước đây vài ngã tư đường phố. Đài CNN cho hay hàng ngàn người đã tập họp và biểu tình tại hơn 170 thị thành khắp nước Mỹ để phản đối quyết định của đoàn bồi thẩm.

Những người da màu có nhu cầu bày tỏ thái độ chính trị đã kéo nhau xuống đường, nhưng những kẻ gây rối, ăn không ngồi rồi, nóng mũi trước thành quả lao động tận tụy của người đến từ tứ xứ, cũng có một dịp nước đục bằng vàng, để ăn hôi và đập phá, khuân tài sản của người khác về nhà mình mà khỏi mất tiền mua – trong số nạn nhân đợt nhì nầy có một tiệm do người Việt làm chủ trị giá nửa triệu đô đã bị đốt cháy.

Trên toàn lãnh thổ Mỹ, thống kê cho thấy người Mỹ gốc châu Phi chiếm 26% tổng số nạn nhân ăn đạn cảnh sát, trong đó thành phần Mỹ đen loai choai mất mạng vì cảnh sát chiếm 4 lần rưỡi nhiều hơn bất cứ độ tuổi nào hay sắc dân nào. Kể từ sau án mạng của Michael Brown, đã có thêm 14 người nữa dưới tuổi bầu cử – trong đó phân nửa là da đen – được nối dài vào danh sách nạn nhân bị cảnh sát bắn chết – dù “lỡ tay” hay lạm quyền.

Làm thế nào để dập tắt lửa hận?
Ngoài tiệm buôn của người Việt Nam vô can bị đốt phá và hôi của, dân da đen còn kéo lây cuộc xuống đường thêm nhiều ngày, tới cả lễ Tạ Ơn, làm trở ngại sinh hoạt buôn bán và vui chơi trong dịp đại lễ. Họ đã tụ tập bên trước tiệm Wal-Mart và Target ở Brentwood, hai tiệm Wal-Mart khác ở St. Charles và một tiệm Wal-Mart thứ tư ở Manchester, để chờ chực cơ hội bày tỏ thái độ chính trị, rồi kết thúc bằng mồi lửa và hành vi côn đồ.

Tất cả các diễn tiến tóm gọn trong hai chữ “bạo loạn” ấy không là chuyện mới mẻ trên đất Mỹ. Từ cuộc binh biến Pennsylvania tháng 6/1783 do 400 quân nhân làm loạn đến nay, nước Mỹ đã trải qua một chuỗi bạo loạn, có năm như năm 1970 xảy ra những 23 trận, nhưng với người Việt tị nạn, có lẽ biến cố điển hình nhất là vụ 1992 tại Los Angeles, Cali, bắt nguồn từ quyết định tha bổng bốn cảnh sát đã đánh dã man Rodney King, công dân da đen. Mặc dù bạo loạn chỉ xảy ra trong 5 ngày, nhưng số người chết vượt quá 50 người, cộng với 2.000 người bị thương, hơn một ngàn cao ốc bị tàn phá hay hư hại, tổng cộng tiền thiệt hại hơn 1 tỉ đô la. Vụ nầy đã làm 9.800 lính Vệ binh Quốc gia phải được huy động tới hiện trường để duy trì trật tự, với cả thảy 12 ngàn người bị bắt. Trong vụ nầy, người làm loạn đã nhắm vào người gốc châu Á, với 2.280 cửa tiệm buôn do dân Nam Hàn làm chủ đã bị tấn công, hôi của và thiêu rụi. Do đó, chẳng có gì quá đáng nếu cho rằng bạo loạn Ferguson ở Missouri bất quá là một phần trong kinh nghiệm thường ngày ở huyện của người Mỹ, vì chuyện xuống đường một cách ôn hòa chẳng qua chỉ có trên sách vở, trong luật pháp, và là chuyện xa xỉ của giai cấp ngồi mát ăn bát vàng trong dòng chính của văn hóa Hoa Kỳ.

Khi một cảnh sát nổ súng vào một thanh niên da đen trẻ tuổi, không vũ khí, ở ngoài đường ngoài chợ, rồi không bị truy tố, chuyện cộng đồng phẫn uất là cố nhiên. Vấn đề là chúng ta giải quyết lý cơn giận dữ ấy như thế nào. Trong một tình huống như thế, nếu có xảy ra, liệu cơn bạo loạn ấy có quá đáng không?

Nữ ký giả truyền hình Darlena Cunha, một cây bút của Washington Post và Time, cho rằng “bạo loạn là một yếu tố cần thiết trong vận hành của xã hội, bởi chúng ta không đang sống trong một vũ trụ hoang tưởng, nơi mà các quyền con người cứ thế mà có. Do đó, trong tình trạng bị ngược đãi rồi bất mãn, pháp luật chỉ có trong tay kẻ giàu và kẻ có súng, ưu tư và đau nhức sẽ bị nung nấu, sôi sục, và trào ra đường phố. Khi người dân bình thường xem các hoạt cảnh của cảnh sát Ferguson chiếu trên màn ảnh, họ sẽ lắc đầu, sẽ thở hắt ra, sẽ chỉ tay vào kẻ khác, thay vì trầm tĩnh và cảnh giác trước những đổ vỡ có thể xảy đến. Rồi vì cứ tiếp tục phớt lờ các vấn đề có thực về màu da trên đất nước nầy, để lãi nhãi quảng bá cho một xã hội huyền hoặc, chính chúng ta cũng góp tay duy trì vấn nạn ấy, đã kéo dài hàng thế kỷ nay bằng các cuộc vận động hậu trường nhằm chống lại kẻ khác, trên nền tảng chỉ vì màu da của kẻ kia.”

Tối thứ Hai khi công tố viện thông báo cảnh sát Wilson sẽ không bị truy tố, cách đó vài dặm, một nhà thờ ở thành phố Ferguson đã bị đốt rụi. Đó là một nhà thờ đáng giá – ít nhất là trong khuôn khổ các biến động đang xảy ra, nơi mà trước khi bị giết, Michael Brown và thân nhân vẫn thường đến nguyện cầu. Trong đêm khi thành phố bị tấn công, bị hôi của bởi các người bạo động da đen, thì mục sư Carlton Lee nghĩ rằng nhà thờ Flood Christian Church bị thiêu rụi bởi lửa của người da trắng chủ trương cho màu da họ là thượng đẳng.

Mặc dù ngôi nhà thờ đã bị đốt cùng thời điểm với các cao ốc cơ sở khác trong Ferguson, nhưng nhà thờ nầy nằm biệt lập, trên con đường West Florissant Avenue, là nơi chỉ có nhà thờ bốc lửa, còn các căn nhà khác thì không một dấu vết của bạo loạn. Mục sư Lee nói thẳng với đài NBC rằng ông tin nhà thờ của ông bị đốt vì ông không ngớt kêu gọi chính quyền nên bắt giữ cảnh sát Darren Wilson. Ông Lee cũng cho hay ông đã 71 lần nhận điện thoại nặc danh gọi tới dọa sẽ lấy mạng.

Nếu kết quả cuộc điều tra của FBI chứng minh rằng nhà thờ bị người da trắng cực đoan đốt, thì đây là một thứ siêu tội ác, thay vì chỉ là một hành động cố chấp, như trường hợp cô hầu bàn da đen Toni Christina Jenkins của tiệm Red Lobster tố cáo khách hàng Devin Barnes kỳ thị, bằng cách lấy tờ biên nhận hôm 7/09/2013 ghi chữ “N” (không) ở phần tiền típ sửa thành “Nigger” (Đồ da đen) để buộc tội ông Barnes, và bị ông kia kiện ngược lại cả cô Jenkins lẫn chủ tiệm.

Các nhà phân tích thời sự cho rằng quyết định miễn tố Wilson của bồi thẩm đoàn chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Người đáng trách không phải là các vị bồi thẩm, mà là ông công tố McCulloch, vì chính ông là người chủ trì mọi thủ tục tố tụng, và có trách nhiệm với kết quả phiên tòa. Thoạt đầu, ông giàn xếp thủ tục tiến hành bồi thẩm đoàn, và tránh né việc hồi tỵ (to recuse, để một vị công tố khác ở vị trí vô tư hơn dễ làm việc). Hồi tỵ là một từ Hán Việt cổ, “hồi” là đi trở về; “tỵ” là lánh ra. Hồi tỵ nghĩa là tránh ra, hay tạm lánh đi. Phía đoàn bồi thẩm, họ chỉ việc phải tìm một “nguyên nhân khả dĩ” để kết tội Wilson, như một thủ tục sơ đẳng nhất trong hệ thống luật pháp Hoa Kỳ hiện nay. Quyết định của công tố viên McCulloch không truy tố Wilson trong một vụ làm chết người khác đã làm chấn động cả nước, và làm thiên hạ đặt vấn đề liệu thực tâm ông có muốn truy tố hay không.

Ngay sau án mạng, ông McCulloch tuyên bố “chúng tôi sẽ chuyển tất cả hồ sơ cho bồi thẩm đoàn”, nhưng suốt thời gian đoàn làm việc, ông chỉ trao tối thiểu. Bằng cách nầy, ông đã đánh lạc hướng được phán đoán của các vị bồi thẩm. Tệ hại hơn thế, ông đã không đề xuất bồi thẩm đoàn nên truy tố Wilson, vì nhiệm vụ của công tố viên là trình bày cho các vị bồi thẩm về tất cả kế hoạch cáo buộc bị cáo, cũng như đi sâu vào lập luận, tại sao tôi đề nghị giải pháp nầy, bản án kia. Thay vì thế, ông McCulloch để mặc cho bồi thẩm đoàn mơ hồ giữa các từ chuyên môn pháp luật như “cố sát” và “vô tình làm chết người”, nên họ đã xích gần với quyết định không truy tố hơn.

Ảnh hưởng của quyết định miễn tố đã vượt khỏi ranh giới địa phận Ferguson. Kết quả thăm dò của viện Gallup cho thấy người Mỹ gốc châu Phi có ít tin tưởng vào hệ thống pháp luật hơn người Mỹ trắng, và công ty thăm dò W.W. Kellogg thấy 68% người gốc La Tinh hiện băn khoăn về nạn bạo hành của cảnh sát. Việc Wilson quay đít bỏ đi một cách ung dung sẽ làm cho các cộng đồng da màu càng tin tưởng hơn về sự bất công của luật pháp Hoa Kỳ. Như thế, là người phục vụ luật pháp, nay ông McCulloch hẳn đã thấy bát quái trận đồ của ông trong vụ Wilson đã bịt mắt được nữ thần công lý. Đó đích thực là chiến thắng của một cá nhân trên bộ luật của quốc gia.

NgyThanh
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.187 giây.