Tôi đọc hai chữ rất thông thường Forgive và Forget trong một cái email trao đổi ngày mùng 4 tháng Chạp 2014 giữa hai
người tù khổ sai cải tạo ngày trước; người thứ nhất -tên A- gửi cho B -người thứ nhì bài viết “Bệnh Tật Trong Trại Cải
Tạo” của bác sĩ Trần Mộng Lâm.
Ông Lâm cũng là một tù nhân khổ sai của Việt Cộng, ông viết lại nhiều chuyện ký ức có thật, và khiếp đảm đến rợn
người.
Xin đăng lại nguyên văn câu chuyện “Bệnh Tật Trong Trại Cải Tạo” do một người tù viết, được hai người tù khác trao đổi
với nhau.
bác sĩ Trần Mộng Lâm
Cố Bác Sỹ Trần Vỹ, cựu bộ trưởng Bộ Y Tế thời Đệ nhất Cộng Hòa, người thầy rất đáng kính của tôi, viết trong cuốn hồi
ký Tù Nhân Chính Trị của ông về cái chết của một người bạn đồng đội, chết trong trại tập trung 52-A ngoài Bắc: Đại Tá
Đỗ Kiến N., cựu quận trưởng một quận Saigon (đại tá Đỗ Kiến Nâu). Người khá vạm vỡ, anh ấy thuộc thành phần những
người chịu đựng rất khó khăn việc ăn uống thiếu thốn. Anh ấy phì ra, bị phù tất cả người và đi đứng khó khăn.
Cán bộ y tế ngây thơ cứ tưởng rằng chỉ cần kiêng muối cho cơ thể là làm biến mất bệnh phù, đã cho anh ăn đường. Điều
này đã làm cho anh suy yếu thêm. Một buổi sáng, sau một đêm lạnh hơn thường lệ trong mùa, không thấy anh cử động
khi tới giờ thức dậy, nhiều bạn bè nằm gần đến đánh thức anh nhưng anh không trả lời, dù còn thở một cách yếu ớt! Đại
Tá Đỗ Kiến N. đã chết sau đó.
Thầy Trần Vỹ viết tiếp: Vì sao N chết? Vì đói, Tất cả các bạn tù thì thầm. Vì bệnh phù thủng, cán bộ công an tuyên bố.
Ba chục năm đã qua đi kể từ cái chết đó. Ngày hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại giai đoạn bi thảm này để suy nghĩ về
những bệnh tật trong trại cải tạo.
Người tù cải tạo suy yếu từ thể xác đến tinh thần nên rất dễ mắc bệnh. Sức đề kháng của cơ thể họ xuống thấp một cách
trầm trọng nên một cơn gió, một sự thay đổi thời tiết tầm thường cũng là một lý do đủ để làm người tù bỏ mạng hay liệt
giường liệt chiếu nhiều tháng trời. Một cách tổng quát, ta có thể chia ra những bệnh tật trong tù ra làm ba nhóm bệnh
chính:
1) Nhóm bệnh thứ nhất gây ra bởi sự thiếu dinh dưỡng.
Tôi đã ở trong trại cải tạo nhiều năm trời nên đã hiểu một cách rất rõ thế nào là cái đói trong những ngày tháng đen tối đó.
Hãy nghe BS Trần Vỹ kể chuyện tù tội của ông: Một buổi xế trưa, khi đến bệnh xá để lấy thuốc cho các bạn tôi, tôi đã thấy
cách một vài thước trước cửa vào, một người thường phạm đã suy mòn, ngồi ngay dưới đất bụi bậm, năn nỉ không
ngừng với giọng rên rỉ:
-Ối ông cán bộ ơi, xin hãy thương sót tôi, hãy cho tôi ngay bây giờ chén cơm và cái trứng mà ông sẽ để lên quan tài khi
tôi chết. Tôi đói quá, tôi không cần chúng sau khi tôi chết.
Quả đúng là như vậy, cái đói đưa tới cái chết một cách dễ dàng. Người Y Sỹ nào cũng biết được là sự thiếu sinh tố B1
có thể làm người ta chết. Một sự thiếu sinh tố A có thể làm người ta mù, thiếu sinh tố B12 sinh ra thiếu máu, vân vân và
vân vân. Nếu sự thiếu thốn đó ngắn hạn, người ta có thể chịu đựng được nhưng nếu bị cải tạo năm này qua năm khác,
làm sao tránh được những cái chết thê thảm như cái chết của Đại Tá Đỗ Kiến N. như đã mô tả ở trên.
2) Nhóm bệnh thứ nhì cũng rất quan trọng là những bệnh nhiễm trùng:
Khi bị đưa vào U Minh để cưỡng bách lao động vào năm 1976, hai chân tôi nổi đầy những vết ghẻ lở. Vết thương này
chưa lành thì lại có các vết thương khác nổi lên. Cho đến nay những vết thẹo vẫn còn đầy nơi hai cẳng chân của tôi.
Cuối năm 1976, tôi được chỉ định làm y sỹ cho những người tù đồng bọn. Một đàn anh của tôi, cựu dân biểu của một tỉnh
mà tôi quên mất tên, Kiến Phong thì phải, hai mắt và da bỗng trở nên vàng khè, nước đái sậm đen như nước mắm. Tôi
biết anh bị đau gan nặng mà đề nghị gửi đi bệnh viện cán bộ không cho, nên cứ phải nhìn anh thoi thóp giữa đồng không
mông quạnh của rừng núi Cà Mau. Không hiểu vì sao mà anh ta không chết, và bệnh đau gan cũng không gây nên một
cơn dịch đau gan như tôi sợ. Có lẽ vì đa số chúng tôi đã có được kháng thể trong người từ lâu rồi mà không hay, không
biết.
Thầy Trần Vỹ kể lại trong sách đã nêu: Trong số những bệnh nhân có một cựu thiếu tá đã làm việc tại phủ Thủ Tướng.
Anh ấy đã sốt nhiều ngày và bị đau ở ngực. Tôi đã áp tai vào lưng anh. Lúc bấy giờ tôi nghe rõ những dấu hiệu của
chứng viêm phổi nhưng người ta nói không có gì trầm trọng và chích cho anh sinh tố B1. Tôi khuyên anh nên hỏi xin các
bạn tù vài viên thuốc kháng sinh. Tôi không bao giờ biết được anh ta có tìm được kháng sinh hay không nhưng anh ta
tiếp tục đi tới cái chòi nhỏ « bệnh xá » và vài ngày sau anh ta qua đời.
Thật sanh mạng một người tù cải tạo rẻ như bèo.
Người chỉ huy cũ của tôi, cựu Trung Tá Y Sỹ chỉ huy trưởng Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ trong thời gian bị cải
tạo ngoài bắc đã phải mổ gấp một trường hợp sưng ruột dư, cấp tánh cho một bạn tù trong những điều kiện rất là trung
cổ, khi nghe kể lại trong lần anh ghé Montréal thăm chúng tôi, tôi còn rợn tóc gáy, nổi da gà. Nghĩa là chẳng có dao mổ,
chẳng có khử trùng gì cả. Biết làm sao hơn, không mổ thì cầm chắc cái chết. Ông thầy của tôi mát tay nên đã cứu được
bệnh nhân tuy anh khiêm nhường nói là: Thằng ấy số nó chưa chết .
3) Nhóm bệnh thứ ba là nhóm bệnh thuộc về tâm thần.
Sự tuyệt vọng gây nên những chứng bệnh mà chúng tôi gọi là Depression majeure. Người bệnh không còn thiết sống
nữa. Những trường hợp tự tử tôi nghe kể lại rất nhiều tuy không chứng kiến, lý do là thời gian cải tạo của tôi tương đối
ngắn, chỉ không bằng một phần nhỏ thời gian tù tội của những người khác.
Tuy nhiên có một trường hợp mà tôi là nhân chứng đàng hoàng. Một cựu đại úy được đưa vào cưỡng bách lao động với
tôi tại Kim Quy, Đá Bạc thuộc tỉnh Cà Mau. Anh ta vốn là lính kiểng, con nhà giàu, học xong bị động viên và vào quân đội
mà thôi chứ tôi nghĩ cũng chưa từng giết ai bao giờ. Vào tù được ít lâu thì vợ bỏ theo cán bộ CS, trung úy công an gì đó.
Cha mẹ già yếu lo buồn sau đó cũng qua đời. Ít lâu sau anh lại nhận được tin đứa con trai 5 tuổi cũng chết luôn không
hiểu tại sao.
Một đêm cuối tháng 12 chúng tôi đang nằm ngủ trong những cái chòi dựng tạm bợ giữa núi rừng Cà Mâu thì bỗng thấy
tiếng ai gào lên trong đêm trường tịch mịch « ĐM HCM, ĐM HCM »
Anh bạn đồng tù của tôi đã phát điên lên vì đau khổ.
Ba mươi năm đã qua đi từ những kỷ niệm đau thương đó. Lòng tôi bây giờ giá lạnh. Tôi không còn hận thù gì những
người đã từng làm cán bộ quản giáo của tôi. Tôi biết là họ cũng như tôi chỉ là những phần tử thụ động .Tôi sẵn sàng tha
thứ cho những khuôn mặt một thời hét ra lửa mửa ra khói đó nhưng làm sao quên được những người bất hạnh? Sinh ra
không đúng thời, sống không đúng chỗ.
BS Trần Mộng Lâm
A hỏi B "Có thể forget hay forgive được không?"
B trả lời "Tôi đã chứng kiến quá nhiều cái chết của anh em đồng cảnh tội tù; cái chết nào cũng thê thảm, cái chết nào
cũng đau thương. Đã gần 40 năm mà thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ thấy mình còn ở trong tù. Thật khiếp đảm.
Lý trí đưa ra nhiều lập luận bảo mình quên đi, và chính bản thân tôi cũng mong là mình quên đi được, tha thứ đám mọi rợ
đó được. Nhưng làm cách nào để forget, để forgive? Khó trên sức tôi.
Tôi không có tài như bác sĩ Lâm viết lại những việc làm khốn nạn của bọn mặt người dạ thú, nhưng trong suốt 17 năm
dài, tôi chứng kiến tận mắt những thảm cảnh địa ngục đó. Đang ngủ, giật mình là hốt hoảng, nhìn thấy những khuôn mặt
độc ác của chúng nó câng câng, thích thú trong lúc hành hạ anh em mình.
Tôi không quên những hành động độc ác được, cũng không tha chúng nó được, dù tôi không đủ sức làm gì chúng nó.
Xin kể lại cuộc thảo luận của 3 người tù khổ sai: bác sĩ Lâm, anh A, và anh B.
NGUYỄN ĐẠT THỊNH
Sửa bởi người viết 09/12/2014 lúc 07:23:10(UTC)
| Lý do: Chưa rõ