Thực hư chuyện chiến hạm Việt Nam và Trung Cộng đối đầu tại Trường SaNguồn tin trang Want China Times của Đài Loan, ngày 13 tháng 12 vừa qua đã công bố bức ảnh được mô tả là sự đối đầu giữa hai chiến hạm của Trung Cộng và Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa.
Bài viết trên Want China Times có tên “PLA deploys frigate to S China Sea” (Quân đội Trung Cộng triển khai hộ tống hạm tới Biển Nam Trung Hoa). Một chiếc hộ tống hạm lớp 053 có hỏa tiễn dẫn đường, đã được triển khai tới vùng biển xung quanh đảo Gạc Ma từ cuối tháng trước để bảo vệ cho dự án cải tạo các bãi đá xâm chiếm của Việt Nam thành đảo nhân tạo hoặc phi đạo. Bên cạnh đó, Want China Times cũng đưa ra một bức hình được công bố ngày 11.12 trên Diễn đàn nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa – có trụ sở tại Trung Quốc Đại Lục.
Bức hình được mô tả là sự đối đầu giữa chiến hạm Trung Cộng và Việt Nam gần đảo Gạc Ma. Chiến hạm của Trung Cộng trong bức hình được cho là tàu Thương Châu –một hộ tống hạm lớp 053, được điều đến vùng biển tranh chấp, để đối đầu với chiến hạm HQ-011, Đinh Tiên Hoàng -hộ tống hạm tàng hình lớp Gepard của Việt Nam trong vùng biển của đảo Gạc Ma.
Chiến hạm HQ-011 Đinh Tiên Hoàng được mô tả là đã được cử đến vùng biển quanh đảo Gạc Ma để theo dõi các hoạt động xây cất của Trung Cộng trong khu vực. TàuThương Châu được giải thích là đến đảo Gạc Ma để bảo vệ công việc xây cất của Trung Cộng.
Đảo Gạc Ma là một trong những đảo đá bị Trung Cộng chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1988, và đang được rốt ráo bồi đắp, mở rộng để có thể biến thành một tiền đồn quân sự của Trung Cộng tại Quần đảo Trường Sa, với phi đạo cho phi cơ quân sự và bến cảng cho các chiến hạm.
Báo Want China Times nhận định, một khi Trung Cộng xây dựng xong phi đạo dài 2 km trên đá Gạc Ma, các chiến đấu cơ Su-30, J-10 và J-11 của Trung Cộng có xuất phát từ đây đi tấn công mọi mục tiêu trong khu vực eo biển Malacca. Khi Trung Cộng hoàn tất các công trình xây cất tại Gạc Ma cũng như là tại Đá Ga Ven, Đá Châu Viên, và Đá Tư Nghĩa, tất cả sẽ tạo thành một căn cứ có phạm vi tác chiến bao trùm khu vực Đông Nam Á. Căn cứ mới này của Trung Cộng chỉ cách Sài Gòn 830 km.
Tàu Đinh Tiên Hoàng là một trong hai chiến hạm hiện đại nhất của CSVN, vào tháng trước đã ghé thăm Brunei, Indonesia và Philippines. Bài báo của Want China Times viết: Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ cũng đã ghé đảo Song Tử Đông thuộc phần Quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang kiểm soát để thăm hỏi binh linh Việt Nam đồn trú tại đấy. Một số quan chức CSVN nói rằng chuyến thăm không nhằm mục đích khiêu khích Trung Cộng.
Tuy nhiên, căn cứ theo bức hình mà Want China Times nói là của Diễn đàn nghiên cứu biển Nam Trung Hoa công bố, thì chỉ thấy xuất hiện hộ tống hạm Thương Châu của Trung Cộng, chứ không có bóng dáng hộ tống hạm Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam. Do vậy, chưa thể khẳng định rằng có sự đối đầu giữa chiến hạm của Trung Cộng và Việt Nam, bởi hình ảnh không xác thực. Mặt khác, Chính quyền Trung Cộng và CSVN chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Thông tin mà báo Want China Times đưa ra trong lúc Trung Cộng và CSVN đang “lời qua tiếng lại” về những yêu sách và các hành động của Trung Cộng trên Biển Đông. Mục đích của thông tin này có thể là tạo dư luận về một sự căng thẳng, đối đầu quân sự trong khu vực Quần đảo Trường Sa. Mà thực tế chưa diễn ra, cho dù Trung Cộng đang thực hiện hàng loạt hành động leo thang, thay đổi hiện trạng khu vực đang tranh chấp. Thêm vào đó, bài báo có thể có ngầm ý khẳng định các hoạt động quân sự của Trung Cộng tại Quần đảo Trường Sa là thường xuyên, liên tục – một biểu hiện cho thấy Trung Cộng sẵn sàng sử dụng vũ lực để chiếm hữu Biển Đông.
Nhật Nam / SBTN