Đại tá Trần Đăng Thanh: "Đã ngu lại còn tỏ ra nguy hiểm"Biếm hoạ của Nguyễn Tâm Thiện (Kỳ Văn Cục)Từ vài hôm nay trên Internet lan truyền rộng rãi bài giảng về Biển Đông của Trần Đăng Thanh, đại tá, phó gíáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, giảng viên Học viện Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng. Bài giảng này được ông Thanh truyền giảng cho lãnh đạo các Đảng ủy khối, lãnh đạo Đảng, Tuyên giáo, Công tác chính trị, Quản lý sinh viên, Đoàn, Hội thanh niên các trường Đại học-Cao đẳng Hà Nội.
Tôi chợt nhớ đến hình ảnh trong cuốn phim nổi tiếng đoạt nhiều giải Oscar "Zorba the Greek" (1964), trong đó có một goá phụ phạm luật Sharia của đạo Hồi bị ném đá đến chết.
Ông Trần Đăng Thanh, tuy không bị cục đá thật nào ném trúng vào thân thể, nhưng loạt "đá dư luận" xem ra còn dữ dội hơn trận ném đá thật trong phim "Zorba the Greek". "Lời nói đọi máu", có câu tục ngữ như thế.
Tuy nhiên trường hợp bị "ném đá" của ông đại tá và của goá phụ trong phim khác nhau.
Vì tình yêu và vì luật lệ hà khắc của đạo Hồi, cái chết bi thảm của người goá phụ trẻ đẹp làm mọi người thấy đáng tiếc, đáng thương tâm, còn với ông đại tá Trần đăng Thanh thì đáng kiếp!
Không tính tới những lời phê phán, chỉ trích nặng nề của vô số người ẩn danh trên Internet, tôi chỉ chọn lọc vài đoạn của những người với tên tuổi thật sống trong nước, tuyệt nhiên không phải của "thế lực thù địch" nào.
Ông Hà Văn Thịnh, giảng viên sử học tại đại học Huế viết:
"Cái sự dốt ngút ngàn, trùng điệp của quan chức ta lâu nay giống như mùa rươi, nhiều đến nỗi chán đến mức không thể đếm và không muốn bàn thêm nữa... Thế nhưng, đọc bài giảng của ông Trần Đăng Thanh thì quả là quá sức chịu đựng – thần kinh căng thẳng gần như sắp bị đột quỵ vì không thể nào tưởng tượng nổi một người kém cỏi và u mê đến thế vẫn có thể giảng bài cho những “siêu nhân” của nghệ thuật giảng bài? Mọi giới hạn của lòng tự trọng và tính khiêm tốn, sự đúng mực của hiểu biết đều bị biến thành trò hề chính trị thích bỡn cợt với nỗi đau của 90 triệu con người"...
Trong bài "Điếm vườn bàn ân nghĩa", Blogger Dong Phung Viet, sau khi liệt kê các loại điếm trong xã hội, đã ám chỉ Trần Đăng Thanh như một thứ "điếm vườn":
"Dân Nam bộ còn một từ khác để chỉ thứ “điếm” mạt hạng, ai cũng biết là “điếm”, “điếm” mà chẳng gạt được ai, đó là… “điếm vườn”.
Blogger Minh Diện, khi mô tả "thái độ hách dịch, bề trên, thái độ trịch thượng võ biền" của Trần Đăng Thanh, đã đập lại những lý luận chướng tai, gai mắt trong bài giảng và cho rằng, "nếu có ai làm nhục đảng, làm mất niềm tin vào đảng, thì đó chính là đại tá Đăng Thanh".
"Đại tá Trần Đăng Thanh ba hoa để giấu giếm sự nông cạn, hay cố tình áp đặt tính định hướng chính trị vào bài giảng của mình khiến gượng ép, không trung thực, phô ra một thứ kiến thức tạp nham xà bần nát, như rắc tấm vãi cám cho gà con... Một cách nhìn thiển cận, phi logic. Một bộ óc u mê, một tâm hồn què quặt, cái đầu kém nơ-ron thần kinh. Nói bừa nói ẩu, làm chính trị mà ăn nói mách qué, hồ đồ..." - là một số nhận định tìm thấy trong bài (đã nêu) của Minh Diện.
Quan hệ giữa Trung Cộng và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đặt trên nền tảng mang ơn Trung Cộng, còn với Mỹ thì "tội ác trời không dung, đất không tha" trong bài giảng của ông Trần Đăng Thanh, là những chủ đề gây tranh cãi sôi động nhất.
Những lập luận phải trái về "ân oán" sòng phẳng với Trung Cộng, vạch ra sự u tối về kiến thức, ngu xuẩn trong tư duy đối ngoại của ông đại tá Trần Đăng Thanh, thiết nghĩ đã quá đủ trong các phân tích, phản biện của nhiều tác giả, các bài đã dẫn ở trên và có thể bổ sung thêm tiếng nói của những người am hiểu Trung Quốc, như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh từ năm 1974 đến năm 1987 và nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc trong bài phỏng vấn của RFA ngày 19/12/2012.
Vì thế, tôi không có ý định tham gia thêm vào cuộc "ném đá" nữa, bởi vì danh tiếng và danh dự (nếu có) của ông đại tá, đã trở thành mớ giẻ rách vô dụng, sau bài giảng của ông ta.
Tôi chỉ muốn nói thêm về chuyện "sổ hưu", cái thứ mà ông đại tá kêu gọi mọi người bằng mọi giá giữ vững chế độ, bởi vì, theo ông ta, mất chế độ là mất hết, trước nhất là mất... sổ hưu, nhằm mục đích hù doạ giới công nhân viên chức nhà nước trong bộ máy hiện thời!
"Sổ hưu" của ông đại tá cũng đã thành đề tài cho nhiều chuyện tiếu lâm, giễu cợt, mỉa mai trên Internet.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết (trên Facebook):
"Bảo vệ chế độ là bảo vệ cái… sổ lương hưu (đã lĩnh và sắp lĩnh). Chưa bao giờ những lời rao giảng về lý tưởng XHCN lại “thực dụng” đến như thế và cũng… thảm thiết đến như thế!".
Giảng viên đại học Huế Hà Văn Thịnh chỉ rõ:
"Nói cái nội dung sổ hưu thì chẳng phải ông đang tầm thường hóa, trần tục hóa, tiền hóa, thực dụng hóa CNXH đó sao? Lý tưởng sổ hưu là “tư tưởng sáng tạo” của “Tổ quốc thời XHCN”? Ngay đến Tổ quốc cũng chỉ là món hàng có thời hoặc lỗi thời thì quả thật, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã trở thành cái đáy tận cùng của sỉ nhục" (bài dã dẫn).
Tuy nhiên, trong một xã hội bị bịt miệng, lời đe dọa mất sổ hưu của ông đại tá rất dễ làm nhiều người cả tin và ngộ nhận.
Trong bài giảng, ông đại tá lấy sắc lệnh cắt bỏ lương hưu trí của Boris Jeltsin đối với công chức làm việc thời cộng sản sau khi Liên Xô bị sụp đổ, như là một ví dụ, hoàn toàn không có căn cứ. Công chức, thậm chí các đảng viên của đảng cộng sản (CS) Liên Xô cũ, vẫn được hưởng lương hưu trí bình thường.
Hơn thế, hai năm sau khi Liên Xô tan vỡ, năm 1993, Đảng CS Liên Bang Nga thành lập, được xem là sự nối tiếp của ĐCS Liên Xô, đứng đầu là Germady Ziuganov, liên tiếp tham gia tranh cử và là một đảng đối lập trong quốc hội Nga (hiện chiếm xấp xỉ 20% số ghế).
Trong thực tế, lấy nước Nga như là một ví dụ để chứng minh cho những gì diễn ra thời hậu cộng sản tại châu Âu là không đầy đủ và sai lầm. Trong bảng xếp loại chỉ số dân chủ (democracy index) toàn cầu của các tổ chức quốc tế, từ nhiều năm nay chưa bao giờ nước Nga được xem là quốc gia dân chủ, mà là một chế độ chuyên chế (authoritarian regimes), thậm chí báo chí còn xem như một nhà nước mafia.
Để hiểu rõ hơn những giá trị của xã hội dân chủ trong tiến trình chuyển hoá từ chế độ cộng sản, cần tham chiếu các quốc gia đang xây dựng một nền dân chủ đúng nghĩa, như Ba Lan, CH Czech, Hunganry, Latvia, Lithuania, Estonia, v.v..., cho dù đây cũng mới chỉ là những nền dân chủ non trẻ, được gọi là dân chủ chưa hoàn thiện (flawed democracy).
Sau khi xoá bỏ chế độ CS, ví dụ, nhà nước dân chủ Ba Lan vẫn bảo đảm và duy trì quyền lợi hưu trí và an sinh xã hội cho tất cả công chức đã làm việc trong bộ máy nhà nước CS, thời gian làm việc vẫn được tính vào mốc được nghỉ hưu, 20 năm làm việc cho phụ nữ, hoặc 25 năm cho nam giới.
Chỉ những người trực tiếp gây nợ máu với nhân dân mới bị đưa ra tòa án xét xử, còn Luật Thanh Lọc hạn chế việc tham gia vào các vị trí quan trong của nhà nước và xã hội, chỉ đối với cựu công chức an ninh, mật vụ.
Luật Thanh Lọc của Ba Lan xác quyết rằng, "công việc hoặc sự phục vụ trong các cơ quan an ninh của nhà nước CS, hoặc sự hỗ trợ của những cá nhân đối với các cơ quan đó trong việc cung cấp các thông tin chống lại phe đối lập dân chủ, công đoàn, hiệp hội, nhà thờ và các hiệp hội tôn giáo, vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp, vi phạm quyền sống, tự do, sở hữu tài sản và sự an toàn của công dân, đã liên đới chặt chẽ với sự vi phạm nhân quyền và quyền của công dân, nhằm bảo vệ quyền lợi của chế độ cộng sản toàn trị”.
Vì thế, Luật Thanh Lọc bắt buộc những ai làm việc trong bộ máy nhà nước ở vị trí lãnh đạo từ trung ương tới địa phương, phải tự khai báo và sau đó được Tòa án Thanh Lọc thẩm tra, phán quyết xem có hợp tác với an ninh CS hay không. Bất cứ ai, không có ngoại lệ, nếu bị phát hiện đều phải từ nhiệm.
Mãi 20 năm sau, vào năm 2010, trên cơ sở phán quyết của Toà án Hiến pháp, Ba Lan mới thực hiện luật cắt giảm lương hưu trí đối với các cựu nhân viên an ninh CS, vì luật này cho rằng, họ đã thực hiện các nhiệm vụ của mình để “bảo vệ một hệ thống quyền lực vô nhân đạo", "đã được hưởng nhiều đặc ân về pháp lý và vật chất. Chế độ đã cho phép họ gây tội ác mà không hề bị quy kết trách nhiệm và bị trừng phạt bởi pháp luật".
Duy trì những ưu đãi từ thời CS, giới cựu công chức an ninh CS Ba Lan trong suốt hai thâp niên vẫn được hưởng tỷ lệ cao gấp đôi, 2,6% cho một năm làm việc, so với mức bình thường 1,3%, từ năm 2010, theo luật mới giảm xuống còn 0,7%.
Tuy nhiên, luật cắt giảm lương hưu trí không áp dụng cho những cựu nhân viên an ninh CS đã từng giúp đỡ phe đối lập dân chủ, nếu họ được xác nhận hoặc chứng minh được như vậy.
Lech Walesa, cựu lãnh đạo của Công đoàn Đoàn kết đã viết xác nhận cho một số người và nói "Chúng ta không nên đối xử tệ với họ. Nếu không có những người này từ phía bên kia, chúng ta sẽ còn phải chịu đựng chế độ cộng sản lâu thêm”.
Mặc dù hiến pháp Ba Lan cấm chủ nghĩa CS, nhưng vẫn tạo cơ hội bình đẳng cho những người cựu CS Ba Lan.
Từ bỏ ý thức hệ CS, những người cựu CS Ba Lan đã đã thành lập Liên Minh Cảnh tả Dân chủ, đứng đầu là ông A. Kwasniewski, một cựu Bộ trường thời CS, hoạt động theo khuynh hướng dân chủ-xã hội đang phổ biến tại châu Âu, trở thành một lực lượng quan trọng trên sân khấu chính trị Ba Lan. Bản thân ông Kwasniewski, đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử tự do, làm Tổng thống Ba Lan hai nhiệm kỳ (1995- 2005).
Một chứng minh cho giá trị của xã hội dân chủ nữa gần đây có thể kể đến bà Park Geun-hye, con gái của nhà cựu độc tài Park Chung-hee, đã giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống, trở thành nữ tổng thống đầu tiên ở Hàn Quốc, một quốc gia với xã hội bảo thủ, trọng nam khinh nữ truyền thống.
Những nguyên tắc và định chế dân chủ phổ quát đã buộc các nhà nước dân chủ hậu CS thực thi các chính sách nhân đạo, công bằng và hợp lòng người đối với mọi công nhân viên chức trong chế độ CS cũ.
Các nhà nước dân chủ ở Đông Âu đã không bắt bỏ tù cải tạo hàng loạt công chức cũ, không quốc hữu hoá tài sản, cũng không đổi tiền kiểu cướp trắng của công dân, như ĐCSVN đã tiến hành sau năm 1954 tại miền Bắc và sau 1975 tại miền Nam.
Kẻ ác thường có tật giật mình, nên ông đại tá Trần Đăng Thanh đã hồ đồ doạ mất sổ hưu nhằm lung lạc tinh thần của hàng triệu người đã và đang phục vụ cho nhà nước CSVN, có khát vọng hướng tới một Việt Nam dân chủ tự do, văn minh và nhân bản.
Kết luận Trong năm 2012 có hai hiện tượng trong ngành giáo dục bị "ném đá" vì hỗng hụt kiến thức. Đó là trường hợp bài văn về "món" canh gà Thọ Xương của cô giáo Hà Thị Thu Thủy và bài giảng của đại tá Trần Đăng Thanh.
Trước sự phê phán, mỉa mai của dư luận, không chịu nổi áp lực, cô giáo Thuỷ bị suy sụp tinh thần, đã phải vào nằm viện và sau đó xin nghỉ dạy.
Một cô giáo bình thường, bị giới hạn về sự hiểu biết văn học không là điều gì ghê gớm quá mức, nhất là trong bối cảnh chất lượng của giáo dục bị suy thoái nghiệm trọng, nhưng cô giáo Thuỷ đã xử sự, như một người có lòng tự trọng và danh dự.
Một đại tá với học hàm cao, mang danh hiệu nhà giáo ưu tú, không chỉ hỗng hụt về kiến thức mà còn cả đạo đức, bị dư luận lên án đồng khắp như mấy ngay qua, thiết nghĩ, nếu còn chút liêm sỉ, hãy ngay lập tức lột bỏ bỏ áo quan, trả lại học vị và danh hiệu cao quý của nhà giáo, để về đuổi gà cho vợ.
Và song song, ông đại tá nên xin cấp ngay... sổ hưu (non), cất kỹ nó và có thể ăn ngon, ngủ yên với nó trong một nhà nước Việt Nam dân chủ tương lai.
Ngược lại, từ nay sự có mặt của ông ở bất cứ đâu, khi bị nhận diện, sẽ bị nhìn nhận như một thằng hề, ngu dốt và dối trá.
© 2012 Lê Diễn Đức -RFA Blog