Nói tóm lại, những chi tiết trong bài hát cho ta hình dung ra được vài điểm sau: (1) Cô gái lúc yêu chàng trai đã là một cô gái trưởng thành, biết suy nghĩ cho tương lai, (2) hai người xa nhau không liên lạc nhau trong một khoảng thời gian khá dài, có thể lên đến 6-9 tháng hoặc một năm; và (3) trong khoảng thời gian xa nhau, hai người hầu như không có liên lạc. Cô gái có vẻ không muốn cho người yêu biết dự tính gia nhập nữ quân nhân. Những điểm này sẽ được nhắc lại trong phần sau.
Trở lại câu chuyện, anh lính biết được người yêu mình đã gia nhập quân đội và hiện đang là nữ cứu thương trên chiến trường. Anh biết cuộc sống trên sa trường sóng gió như thế nào. Người nữ cứu thương là người giúp các bác sĩ quân y hoặc làm việc trợ giúp y tế cho quân nhân, có một trách nhiệm nặng nề. Anh tự hỏi không biết nàng có vui trong công việc của nàng ("Dặm ngàn sóng gió, biết sao nàng vui dấn thân trên bước đường.")
Hẳn nhiên tin đó làm anh sững sờ. Anh đứng trong cơn gió lạnh màn đêm, mà lòng thương yêu nàng xé nát tim anh ("Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm, thương xé nát con tim.") Phản ứng "xé nát con tim" dường như xảy ra chậm chạp, vì nó xảy ra sau khi anh lo lắng không biết nàng có vui không, và trong lúc anh đang đứng trong gió lạnh màn đêm, như thể anh đang suy nghĩ nhiều. Tác giả không nói rõ lý do tại sao nghe tin đó mà anh lính có nỗi đau thương thống thiết như vậy. Nhưng ta có thể suy diễn ra trong hai câu sau. Thực ra, theo tôi nghĩ, câu này là cực điểm của bài hát vì nó gói ghém những ý nghĩ của chàng trai về cô gái và cuộc tình của hai người như sẽ được thảo luận sau.
Chàng biết là cơ hội gặp lại nàng rất mong manh, nhưng với niềm tin mãnh liệt, chàng vẫn tin hai người sẽ gặp lại nhau ("Em ơi, trái đất vẫn tròn/ Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau!") Nhóm chữ "trái đất vẫn tròn" thường dùng chỉ cuộc tái ngộ sẽ xảy ra, dù không có gì là chắc chắn. Và đó là điều chàng mong ước.
Câu chuyện chỉ có vậy. Anh Bằng có vẻ kể lại một chuyện tình trong thời chinh chiến như bao chuyện tình khác: hai người yêu nhau, chàng tòng quân, trở về tìm nàng thì nàng đã đi xa, và chàng hy vọng sẽ gặp lại nàng. Câu chuyện không có nhiều tình tiết éo le, nếu không muốn nói là khá đơn giản. Kết cục cũng không có gì thê lương hoặc vui vẻ.
Tuy nhiên, có một ý nghĩa thật cao cả và vĩ đại hơn mà Anh Bằng tinh tế dàn xếp ở phần cuối bài. Đó là khi anh lính chợt hiểu lý do tại sao người yêu mình gia nhập quân đội.
Tuy chuyện tình, mới thoạt nghe, có vẻ là về một mối tình bình thường, thực ra là một mối tình cao cả biểu lộ lòng hy sinh vĩ đại của một cô gái trong tinh thần yêu thương những chiến sĩ đang xả thân nơi chiến trường.
Ta nên hiểu rõ mối tình giữa hai người như thế nào.
Nhạc sĩ Anh Bằng khôn khéo kể câu chuyện dưới quan điểm của chàng trai, từ đầu đến cuối. Khán gỉả không biết tâm tư cô gái thế nào. Nhưng qua lời chàng, và phản ứng chàng khi biết nàng là nữ cứu thương nơi chiến trường, khán giả, cũng như chàng trai, bừng hiểu ra.
Trước hết, hai người là hai bạn thân, có thể qua trường học, có thể do hàng xóm qua lại. Tình bạn đó ắt là ngây thơ trong trắng, vì hai người thường vui đùa với nhau hái hoa trong vườn, cười đùa suốt đêm. Thế rồi, từ tình bạn, chàng trai nẩy sinh lòng yêu thương cô gái, và ngỏ lời yêu thương. Tuy bài hát không nói rõ, ta hiểu nàng chấp nhận tinh yêu đó một cách dễ dàng, không có gì khó khăn.
Câu hỏi là: nàng có yêu chàng thực sự không? hay chỉ vì "lịch sự" hoặc không muốn chàng buồn mà nhận lời?
Ai cũng biết phái nam và phái nữ khác nhau, nhất là về phương diện tình cảm. Đã có nhiều nghiên cứu về đề tài này và tôi không có ý định duyệt lại mọi lý thuyết về tình yêu trai gái. Tuy nhiên, có một nghiên cứu trình bày vài kết quả khá ngạc nhiên. Nghiên cứu này cho thấy cả phái nam và nữ biểu lộ tình yêu qua hành động trìu mến (affectionate) như nhau, nhưng phái nữ biểu lộ tình yêu qua sự chiều ý (accommodating) hơn phái nam (Schoenfeld, Bredow, và Huston. 2012, 1, 9). Tuy nghiên cứu này chú trọng đến tình yêu trong hôn nhân, tâm lý phái nam và phái nữ giống nhau trong hoặc ngoài hôn nhân. Ngoài ra, văn hóa cũng có ảnh hưởng đến cách diễn tả tình yêu. Trong văn hóa Á Châu, phái nữ thường đóng vai trò thụ động hơn trong tình yêu, và hỗ trợ kết luận của nghiên cứu này.
Trở về "Căn nhà ngoại ô," ta có thể hiểu cô gái thực sự yêu chàng trai, và sự nhận lời của cô là cách biểu lộ tình yêu qua hành động "chiều ý" của mình. Nếu cô không yêu chàng, cô sẽ có cách từ chối tế nhị, hoặc cô có thể có cách biểu lộ có giới hạn để chàng trai không có dịp nẩy nở ra tình yêu. Cô gái ở tuổi trưởng thành, xa nhà, do đó ắt là phải có đầu óc khôn ngoan, biết lo cho tương lai. Tuy đây có thể là mối tình đầu, cô vẫn biết dùng lý trí để kiểm soát tình cảm. Việc cô gái qua nhà chàng trai và cười đùa hái hoa suốt đêm có vẻ như là cô gái đang khuyến khích chàng trai ngỏ lời yêu thương. Cô có thể cho những gợi ý khiến chàng trai có can đảm để ngỏ lời mà không sợ bị từ chối. Như đã trình bày ở trên, chàng trai phải suy nghĩ đắn đo lắm trước khi mở lời vì nếu nàng từ chối, hai người sẽ rơi vào tình trạng khó xử. Nhờ có những gợi ý và khuyến khích của cô, chàng trai mới có can đảm tiến tới. Ngoài ra, với hành động gia nhập quân đội sau này của cô, ta hiểu cô là một người có ý chí mạnh mẽ dứt khoát, và không phải là người sợ chàng trai buồn mà phải nhận lời yêu. Vì những lý do này, ta hiểu cô gái thực sự yêu chàng trai.
Nếu nàng yêu chàng thực sự, tại sao nàng không chờ đợi chàng trở về, mà lại gia nhập nữ quân nhân để trở thành nữ cứu thương trên chiến trường?
Ta biết nàng là người chăm chỉ học hành và không có lệnh động viên cho phái nữ trong miền Nam. Tại sao nàng bỏ học, có thể làm nghịch ý gia đình đã gửi nàng lên gần đô thị học hành, và tình nguyện gia nhập nữ quân nhân? Một cách sâu sắc hơn, nàng gia nhập ngành phụ tá quân y để làm y tá nơi chiến trường. Tại sao?
Tới đây, một hình ảnh cao cả hiện ra và một mối tình thiêng liêng nổi bật, như hiển hiện trong trí óc chàng lính trẻ đang lặng người trong cơn gió lạnh về đêm, suy nghĩ về lý do tại sao nàng bỏ học và gia nhập nữ quân nhân. Cái ý thức về hình ảnh cao cả và mối tình thiêng liêng đó dần dần hiện ra trong óc chàng, xé nát con tim chàng.
Đúng vậy. Nàng không muốn chỉ là một người em hậu phương khuyến khích người yêu ngoài trận mạc qua tinh thần. Vì quá yêu chàng, nàng muốn tham gia vào cuộc chiến đề cùng chàng bảo vệ non sông, cùng sát cánh với chàng (một cách biểu tượng) trong cuộc chiến bảo vệ tự do dân chủ cho đất nước, và nàng muốn hiểu rõ cuộc đời chinh chiến của chàng như thế nào để có thể chia sẻ buồn vui và những nỗi nhọc nhằn khó khăn trong nghiệp lính. Nàng không cho chàng biết chuyện này vì nàng biết chàng sẽ ngăn cản nàng, và nàng không muốn phải thảo luận tranh cãi với chàng về quyết định mình.
Một cách thiêng liêng, nàng trừu tượng/ tổng quát hóa cuộc đời chinh chiến của chàng cho đến mọi chiến sĩ đang hy sinh ngoài sa trường. Chàng không còn là một người xương thịt mà biến thành một biểu tượng, một khái niệm trừu tượng mà nàng có bổn phận chăm sóc, bảo tồn. Vì vậy, đối với nàng, hình ảnh chàng ở khắp nơi, biểu hiện là các chiến sĩ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nàng không cần để lại nơi liên lạc vì chuyện đó không cần thiết. Với nàng, chàng ở khắp nơi ngoài chiến tuyến và lúc nào nàng cũng gặp chàng. Nàng không coi tình yêu nàng cho chàng là một tình yêu vị kỷ giữa hai người, mà là một nhiệm vụ nàng phải thi hành cho tấ̀t cả mọi chiến sĩ.
Do đó nàng trở thành nữ cứu thương, thay vì làm việc trong quân nhu, hoặc là trợ tá xã hội. Nàng muốn bàn tay nàng trực tiếp săn sóc chàng, qua những chiến sĩ, và cùng xông pha với chàng nơi trận địa.
Nếu hành động hy sinh tình yêu vị kỷ cho một tình yêu vĩ đại hơn của nàng là một hành động cao quý, phản ứng của chàng lại còn làm tăng giá trị mối tình cao thượng đó.
Anh lính có hiểu chuyện đó không?
Đương nhiên. Anh hiểu rất rõ, sau một lúc đứng trong gió lạnh giữa đêm. Và đó là tại sao anh cảm thấy lòng thương yêu "xé nát con tim." Nhóm chữ "xé nát con tim" nói lên một nỗi niềm thống thiết, đau nhói, xót xa. Nó không phản ảnh một phản ứng buồn bã vì xa nhau, mà phản ảnh một xúc động mãnh liệt, một lòng thương yêu vô bờ, và sự ngưỡng mộ mênh mông cho mối tình bao la mà nàng dành cho chàng. Ngoài ra, anh biết anh sẽ khó gặp lại nàng, vì nàng không để lại chi tiết liên lạc. Và anh hiểu lý do tại sao, vì với nàng, anh ở khắp nơi.
Khi chàng nghĩ ra được lý do tại sao nàng gia nhập làm nữ cứu thương, chàng đau buồn vô cùng. Nhưng chàng tôn trọng quyết định của nàng, và lại càng yêu quý nàng hơn vì mối tình cao cả đó. Ngay tại lúc đó là cực điểm của bài hát.
Chuyện tình của hai người là chuyện tình có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý, nói lên lòng hy sinh vô bờ của cả hai.
Ngoài ra, bài hát là lời tuyên dương mạnh mẽ cho các nữ quân nhân VNCH. Họ là những người thực sự đóng vai trò hỗ trợ trực tiếp các chiến sĩ. Tuy không tham gia tác chiến, họ hoạt động trợ giúp gia đình vợ con binh sĩ để đem lại niềm an tâm cho các chiến sĩ xông pha trận mạc. Họ còn trực tiếp săn sóc thương binh, hoặc đóng vai trò phụ giúp trong các hoạt động quân sự. Những nỗ lực của họ, tuy nhiên, thường không được biết đến.
C. Bài hát có lối diễn tả bình dị nhưng có hiệu quả và kỹ thuật táo bạo dàn xếp cực đỉnh và kết cục:Anh Bằng có lối diễn tả bình dị nhưng có tác dụng mạnh. Ta thấy ông gói ghém một ý tưởng cao quý, đề cao một hình ảnh cao thượng một cách điêu luyện.
Ông dùng từ ngữ cụ thể, đơn giản nhưng tượng hình như "hoa thơm," "trái hiền," "sớm hôm," "hái hoa," "chung tiếng cười," "bước theo," "trăng vàng," "gió lạnh," "xé nát." Một cách tài tình, ông sắp xếp những từ ngữ cụ thể tượng hình này bên cạnh những từ ngữ trừu tượng để diễn tả ý tưởng hoặc tình cảm mạnh mẽ. Thí dụ, "thức giấc ngỡ ngàng" cho thấy một phát giác tạo kinh ngạc. Tại sao kinh ngạc? Chàng trai kinh ngạc vì chàng không ngờ chàng đã yêu nàng từ lâu mà chàng không biết. Một thí dụ khác, "bước theo tiếng gọi" diễn tả một hành động tự nguyện, không phải vì bị bó buộc. Một thí dụ nữa, câu "thương xé nát con tim" là một diễn tả tuyệt vời, như tôi đã trình bày ở trên.
Cả bài hát rải rác nhiều mỹ từ và từ ngữ mạnh, tạo nên những nét chấm phá linh động cho ý tưởng hoặc hình ảnh. Thí dụ, "trái hiền," "tắm trăng vàng," "dấn thân trên bước đường," "trái đất vẫn tròn."
Đặc biệt nhất, Anh Bằng dùng một kỹ thuật độc đáo trong cách thức dàn xếp cốt truyện và tạo dựng cực điểm và kết cục.
Ông thiết lập cốt truyện không bằng tình tiết hoặc sự kiện, tuy bề ngoài có vẻ như vậy. Ông tạo dựng cốt truyện dựa vào nhân vật. Ta thấy ông tả nhân vật với các gợi ý trực tiếp hoặc gián tiếp cho cốt truyện. Thí dụ, ông tả cô gái là người học hành chăm chỉ, chàng trai và cô gái là hai người trẻ trong trắng trong tình bạn, chàng trai là người có lý tưởng, và có niềm tin mạnh mẽ, cô gái là người quả quyết. Bằng cách cho thấy những đặc tính của hai nhân vật, ông giúp khán giả hình dung rõ rệt cốt truyện. Quan trọng hơn, ông dùng cá tính của hai nhân vật để đưa đến một cực điểm mạnh mẽ, khiến khán giả bàng hoàng.
Cực điểm (climax) có ý nghĩa tùy vào thể loại của một tác phầm văn chương. Với tiểu thuyết, đó là điểm mà mọi chuyện trong câu chuyện cuối cùng xảy ra. Với thơ, đó là ý chính của cả bài, thường được diễn tả một cách gián tiếp hoặc qua các ẩn dụ tinh tế. Với ca khúc, đó vừa là ý chính vừa là nơi mọi chuyện cuối cùng xảy ra.
Cực điểm của bài hát này ở đâu?
Như đã trình bày ở trên, đó là câu "Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm, thương xé nát con tim." Câu này cho thấy chàng trai bàng hoàng sau khi biết tin người yêu là nữ cứu thương nơi chiến trường qua câu "Nàng nay là Nữ Cứu Thương trên chiến trường." Tác giả cho chàng trai một khoảnh khắc lo lắng không biết nàng có vui với quyết định đó không qua câu "Dặm ngàn sóng gió, biết sao nàng vui dấn thân trên bước đường." Bằng cách dùng hai câu này, tác giả đưa khán giả dần dần tới cực đỉnh, khi chàng chợt nhận ra lý do tại sao nàng gia nhập nữ quân nhân và là nữ cứu thương. Tác giả để chàng đứng giữa màn đêm (một hình ảnh suy tư), và sau đó, như một tiếng sét đánh vào đầu, chàng bừng hiểu và lòng yêu thương nàng "xé nát con tim" chàng.
Cái táo bạo của Anh Bằng là ông để cực điểm ở gần chót, lúc đoạn kết. Cái liều lĩnh của cách xếp đặt này là khán giả có thể bị chưng hửng, vì đoạn kết đến quá nhanh, khiến nhiều người có thể không có dịp để ý tưởng thấm dần trong óc. Tuy nhiên, Anh Bằng khéo léo đánh tan cái tác dụng bất lợi đó nhờ hai việc.
Thứ nhất, khác với một cuốn phim hoặc một tiểu thuyết, một bài hát thường ngắn hơn nhiều và có thể được nghe đi nghe lại nhiều lần. Do đó, cho dù cảm giác chưng hửng có xảy ra trong lượt nghe đầu tiên, các lượt nghe sau sẽ làm giảm đi cảm giác đó, và người nghe càng thấm khi nghe lại nhiều lần.
Thứ nhì, phần kết kuận có tác dụng hữu hiệu với câu "Em ơi, trái đất vẫn tròn," và "Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau!" Câu "Em ơi, trái đất vẫn tròn" hàm ý chấp nhận, chịu thua. Chàng lính trẻ hiểu được ý người yêu và đành chấp nhận chuyện đó. Chàng không oán trách nàng đã bỏ đi đột ngột hoặc có một quyết định cực đoan (theo ý chàng). Câu "Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau!" nói lên nỗi hy vọng, niềm tin mạnh mẽ. Khán giả sẽ vui vì kết cục này. Tuy hai người không được xum họp, nhưng họ hiểu nhau, và họ cùng bỏ qua mối tình vị kỷ sang một bên để hướng đến một mục tiêu cao thượng hơn.
Chấp nhận và hy vọng. Còn gì tuyệt diệu bằng?
D. Kết Luận:
Ca khúc "Căn nhà ngoại ô" là một bài hát kể chuyện tình trong thời chinh chiến giữa một chàng trai sống trong căn nhà ngoại ô và một cô bạn hàng xóm trẻ. Qua lối diễn tả bình dị nhưng hữu hiệu và kỹ thuật táo bạo xếp đặt cực đỉnh và kết cục, nhạc sĩ Anh Bằng gói ghém một ý tưởng kín đáo nhưng mạnh mẽ cho một mối tình cao cả và lòng hy sinh vĩ đại của cô gái.
Bài hát ca ngợi sự đóng góp ít được biết đến của những nữ quân nhân phục vụ trong QLVNCH. Cộng với những hy sinh dũng cảm của người lính VNCH, sự đóng góp này nói lên tinh thần đoàn kết, oai hùng, và cao quý của miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống cộng sản, giành tự do dân chủ cho quê hương xứ sở.
CẢM TẠTôi xin có lời cảm tạ các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn mythanh.
Cao Đắc-Tuấn
__________
Tài Liệu Tham Khảo:
Hickson, Anna-Sofie. 2013. How to Turn Friendship Into Love. 18-12-2013.
http://www.livestrong.co...rn-friendship-into-love/ (truy cập 24-12-2014).
Hồ Thị Vẽ. Không rõ Ngày. Nữ Quân Nhân Quân Lực VNCH.
http://femmes-guerres.en...n.fr/spip.php?rubrique89 (truy cập 23-12-2014).
Nguyen, Nathalie Huynh Chau. 2009. Memory is Another Country: Women of the Vietnamese Diaspora. ABC-CLIO, Santa Barbara, California, U.S.A
Nhạc Việt trước 75. Không rõ ngày. Căn nhà ngoại ô (Anh Bằng - T.H.).
http://amnhacmiennam.blo...ngoai-o-anh-bang-th.html (truy cập 23-12-2014).
OVV. 2009. Nữ Quân Nhân Quân Lực VNCH. 18-6-2009.
https://ongvove.wordpres...n-quan-l%E1%BB%B1c-vnch/ (truy cập 23-12-2014).
Schoenfeld, Elizabeth A., Bredow, Carrie A., and Huston, Ted L. 2012. Do Men and Women Show Love Differently in Marriage? Personality and Social Psychology Bulletin, XX (X) 1-14.
Thạch Thảo. 2014. Vì sao tôi là Nữ Quân Nhân QL VNCH OAI HÙNG. 18-10-2014.
http://www.thegioinguoiv...t/showthread.php?t=31172 (truy cập 24-12-2014).
VNAF. Không rõ Ngày. Women in Uniform of ARVN.
http://www.vnafmamn.com/women_inARVN.html (truy cập 23-12-2014).
Wikipedia. 2014. Anh Bằng. Thay đổi chót: 7-12-2014.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Anh_B%E1%BA%B1ng (truy cập 23-12-2014).