Ngày 30/12/2014, Thủ tướng CSVN – ông Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12. Tại phiên họp, về dự án Luật Biểu tình, một số ý kiến đề nghị rút ra khỏi chương trình xây dựng luật năm 2015.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên chính phủ, Ông Dũng nói, hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình, đồng thời việc hạn chế quyền của người dân cũng phải do luật định. Vì thế, ông Dũng chỉ đạo Bộ Công an soạn thảo dự án Luật biểu tình, cần hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình. Có nghĩa rằng, ông Dũng bác bỏ việc xin rút dự luật biểu tình khỏi chương trình làm luật trong năm 2015 – năm cuối của nhiệm kỳ Quốc hội CSVN khóa 13.
Biểu tình vốn bị CSVN xem là “nhạy cảm”, và luôn ra sức ngăn chặn người dân thực hiện quyền biểu tình. Chính quyền đã sử dụng các điều luật về “cấm tụ tập trái phép nơi công cộng” hay “gây rối trật tự công cộng” để trấn áp các cuộc biểu tình, cho dù là ôn hòa. Mặt khác, những người tham gia biểu tình thường bị cho là “bị các thế lực thù địch, phản động, lưu vong giật dây, xúi dục, kích động” nhằm “tạo bất ổn về an ninh, chính trị”. CSVN sau khi tuyên truyền bôi nhọ về những người tham gia biểu tình, gây khó khăn cho cuộc sống của họ, như về việc làm, chỗ ở, áp lực gia đình...
Bất chấp quyền biểu tình đã được hiến pháp ghi nhận, CSVN lấy cớ chưa có luật điều chỉnh, và “biểu tình phải theo quy định của pháp luật” để ngăn cản, trấn áp việc người dân biểu tình. Nếu đúng nguyên tắc luật pháp, thì khi chưa có luật điều chỉnh, người dân vẫn có quyền thực hiện theo hiến pháp – đạo luật cao nhất của 1 quốc gia. Nhưng dường như CSVN coi Hiến pháp không phải là pháp luật, quyền của người dân trong đó chỉ là ghi cho có lệ!
Chính quyền CSVN luôn cho rằng người dân phải “xin phép” biểu tình, chứ không được tự do biểu tình. CSVN đã “chơi chữ” trong Hiến pháp: người dân “được quyền biểu tình”, nhưng “theo quy định của pháp luật”. Biểu tình như sự ban phát của chính quyền dành cho người dân, chứ không phải quyền tự do căn bản của người dân. Chính quyền cho phép thì được biểu tình, còn nếu không cho phép thì là “trái phép” và sẽ bị trấn áp mạnh tay. Đó là ý kiến để xây dựng dự luật biểu tình trước đây, và là luận điệu phía công an CSVN vẫn đang sử dụng, vốn bị nhiều nhà hoạt động chỉ trích.
Áp lực của việc phải xây dựng luật biểu tình xuất phát từ chuỗi 11 cuộc biểu tình phản đối các hành vi ngang ngược Trung Cộng trên Biển Đông trong năm 2014. Áp lực này xuất phát từ người dân, cộng đồng quốc tế, và thực tế CSVN cũng muốn có luật biểu tình để ngăn chặn biểu tình một cách tinh vi hơn.
Việc xây dựng dự luật về biểu tình đã bị trì hoãn nhiều lần. Đến phiên họp chính phủ ngày 30/12/2014, ý kiến trì hoãn vẫn còn. Người dân nhìn nhận rằng, dường như Chính quyền CSVN muốn “câu giờ” việc ban hành luật biểu tình, bởi đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Ban hành thì dễ lung lay chế độ, không ban hành thì bị áp lực nhiều phía. Và quan trọng là nội dung trong luật đó sẽ phải quy định làm sao.
Điều trớ trêu là Bộ Công an lại được giao chủ trì xây dựng dự luật Biểu tình. Bởi ngành này luôn muốn ngăn chặn và cấm đoán biểu tình, sách nhiễu những người đã từng tham gia các cuộc biểu tình, đặc biệt là những người biểu tình chống Trung Cộng!
Chính quyền CSVN nói việc xây dựng dự luật biểu tình phải “nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác”. Không hiểu rằng CSVN sẽ nghiên cứu, học tập các nước dân chủ, tự do như Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc Châu, … hay học tập của các nước độc tài như Trung Cộng, Nga, Belarus... ?!
Người dân đang chờ đợi dự luật biểu tình trong năm 2015. Nhưng không mấy ai tin rằng nó sẽ đem lại quyền biểu tình thực sự cho người Việt Nam.
Nhật Nam / SBTN