Le Figaro cũng nhìn sang một nước thù nghịch với Mỹ nhưng đã có một bước xích lại gần nhau ngoạn mục : « Cuba, tuy làm tan băng với Washington nhưng vẫn tiếp tục khóa miệng giới ly khai », tít lớn bài viết trang Quốc tế.
Bài báo nêu bật phương thức kiểm duyệt, bóp nghẹt tự do ngôn luân mới ở Cuba, cho phép giữ được bộ mặt tốt đối với quốc tế, đồng thời làm nản chí những người muốn chỉ trich chế độ.
Le Figaro nêu ví dụ vào tuần qua, nghệ sĩ Tanía Bruguera muốn tổ chức một buổi nói chuyện ngoài trời ở La Habana, đặt một micro ở Quảng trường Cách Mạng để người dân phát biểu, cho ý kiến.
Nghệ sĩ đã xin phép chính quyền nhưng bị buộc tổ chức sự kiện bên trong viện bảo tàng Nghệ thuật, chứ không được ở bên ngoài. Lý do rất đơn giản, theo nghệ sĩ Tania, bên trong thì chính quyền dễ dàng kiểm soát.
Không đuợc phép, nhưng vẫn tập hợp, cho nên 60 người đã bị bắt ngày 30/12. Cái khác với trước đây là thời gian bị cầm giữ rất ngắn : một số người được trả tự do sau vài tiếng đồng hồ, một số ở lại hai, ba ngày trong tay công an văn hóa. Theo Le Figaro, trong tháng 12 vừa qua có đến 500 nhà ly khai bị bắt và chỉ bị giam giữ trong thời gian ngắn nói trên.
Phương thức mới này theo các nhà ly khai, rất là độc hại, vì vừa tập hợp là bị câu lưu dễ gây nản lòng, giam cầm không lâu lại tránh được chỉ trích, chính quyền tạo được bộ mặt "đúng đắn".
Theo Le Figaro, cho dù Washignton tiếp tục hỗ trợ giới ly khai Cuba qua quỹ của USAID, nhưng không cho là họ có khả năng thay thế chính quyền cộng sản Cuba. Các nhà ngoại giao Mỹ, như các tài liệu của WikiLeaks cho thấy, đánh giá là giới ly khai không có "tiếng vang" lớn trong dân chúng. Chính người trong guồng máy mới có thể thay thế lớp lãnh đạo gia đi, và làm cho Cuba thay đổi.
Le Figaro còn nhận thấy ngay cả Giáo hội Công giáo Cuba cũng không tin vào vai trò của giới ly khai, cho nên đã chọn thảo luận với chính quyền về cải tổ kinh tế, thúc đẩy việc xích lại gần nhau với Washington.
Fidel Castro ở đâu ?
Về sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Cuba nói trên, Le Figaro ghi nhận một yếu tố làm cho người Cuba thắc mắc : « Sự im lặng của Fidel Castro », một tựa trang quốc tế.
Bài viết của Hector Lemieux bắt đầu bằng câu hỏi "Fidel Castro ở đâu ?". Đây là câu mà người dân Cuba đang tự hỏi từ khi La Habana và Washington thông báo việc làm lành với nhau ngày 17/12.
Fidel Castro biệt tăm hơi, không thấy cho đăng "suy nghĩ" trên tờ Granma hay Juventud Rebelde, hai nhật báo lớn Cuba. Tháng 7 vừa qua Fidel còn tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng đã biến mất từ khi ấy.
Theo bài báo chưa thấy Fidel Castro lên tiếng về vụ quan hệ Cuba-Hoa Kỳ, cũng không lạ lắm vị cựu chủ tịch Cuba thường dành bất ngờ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là việc xích lại gần nhau Cuba-Hoa Kỳ được thực hiện lúc Fidel vẫn còn tồn tại.
Đối với giới chuyên gia, không có gì quan trọng diễn ra ở Cuba mà không có sự chấp thuận của Fidel Castro, nhất là trong bang giao với kẻ thù Hoa Kỳ. Có người không tin là nếu Fidel Castro còn tỉnh táo mà chấp nhận việc nối lại bang giao.
Le Figaro nhắc lại là trong phát biểu loan báo tin hệ trọng ngày 17/12, chủ tịch Raul Castro đã cám ơn Vatican và Canada, nhưng không một lời nói đến người anh Fidel trong vụ này. Sự im lặng của Fidel rất gây thắc mắc, dẫn đến nhiều tin đồn điên rồ : ông qua đời rồi chăng ? Quá yếu để đưa ra quyết định ? Để đọc báo ?
Trong phần kết luận, Le Figaro trích lời một nhà ngoại giao ở La Habana, cho là « sức khỏe của Fidel là bí mật quốc gia. Chỉ người thân cận mới biết được. Nhưng sẽ không có ai tiết lộ gì cả. » Tất cả những tin khác là điều đồn nhảm
Theo RFI