Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2009. Courtesy mod.gov.vn
trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh mới đây cho biết Việt Nam có kế hoạch công bố sách trắng quốc phòng mới trong thời gian tới. Sách trắng quốc phòng mới của Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh nào và những điểm gì sẽ được lưu ý trong cuốn sách lần này?
Biển Đông sẽ đóng vai trò quan trọngViệt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Australia về sách trắng này. Trước hết nói về hoàn cảnh ra đời của sách trắng quốc phòng lần này, giáo sư Carl Thayer cho biết:
GS Carl Thayer: Chúng ta cần nhìn lại hai sách trắng quốc phòng trước thì thấy là vấn đề biển Đông giống như một giàn hợp ca đang ngày càng to lên và vấn đề này sẽ đóng một vai trò quan trọng. Họ sẽ không nêu cụ thể nước nào như lần trước họ cũng không nêu một nước cụ thể nào nhưng họ sẽ nói đến các điểm nóng ở biển Đông, tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông vốn là một nỗi bận tâm chính của Việt Nam… Trong video giới thiệu mà tôi xem về quốc phòng của Việt Nam bằng tiếng Việt mà chắc là họ cũng chiếu ở khắp nơi trên thế giới (có phụ đề tiếng Anh), họ có nhấn mạnh đến việc hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ bộ binh đến phòng không, không quân, hải quân… Tôi được xem hình của một số thiết bị quốc phòng thực sự hiện đại, hệ thống phòng không rất hiện đại do Nga chế tạo, tàu phóng tên lửa. Họ cho thấy sự hiện đại hóa quốc phòng và hoạt động đào tạo nhân sự…
Cho nên sách trắng cho thấy tất cả các chức năng của quân đội bao gồm cả tuần tra biển. Nhìn chung sách trắng sẽ luôn chỉ nêu thông tin một cách tổng quát . Nếu so với sách trắng lần trước khi chúng ta thấy những thay đổi hiển nhiên vào năm 2009 khi Trung Quốc đưa ra yêu sách đường 9 đoạn chính thức, và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong đòi hỏi này từ đó đến nay, nhất là sau vụ Trung Quốc đặt giàn khoan dầu ngoài khơi, thì tất cả đã khiến Việt Nam phải xem xét cách thức làm thế nào để bảo vệ chủ quyền trên biển của mình. Cho nên theo tôi, điểm này cũng sẽ được nhấn mạnh trong sách trắng lần này.
Việt Hà: Kể từ lần công bố sách trắng quốc phòng gần đây nhất vào năm 2009, Việt Nam đã liên tục thực hiện hiện đại hóa quốc phòng, gửi nhân sự đi đào tạo ở nước ngoài. Theo ông thì đâu là những cải thiện đáng kể và đâu là những khó khăn mà quốc phòng Việt Nam đang có?
GS Carl Thayer: Họ sẽ luôn có các thiết bị quân sự mới nhưng làm thế nào để kết hợp các vũ khí này, mục tiêu nhắm đến là gì. Nếu họ nhắm vào mục tiêu trên biển, nói ví dụ như tàu của Trung Quốc chẳng hạn, thì làm thế nào tàu ngầm định vị được, làm thế nào để bắn vào tàu, và làm thế nào để các thiết bị này kết hợp với nhau… Điểm đáng chú ý cho Việt Nam đối với một quân đội hiện đại là việc kết hợp các hoạt động chung của các nhánh trong quân đội. Điểm mạnh là họ có những thiết bị hiện đại. Người ta đã cố gắng đưa ra giả thiết về đụng độ khó có thể xảy ra và chỉ mang tính lý thuyết cao giữa Trung Quốc và Việt Nam, đó là tình huống xấu nhất. Điều này rất khó xảy ra. Nhưng nếu đúng là có cuộc chiến như vậy giữa hai nước thì Trung Quốc sẽ thắng…
Về hải quân, họ có tàu ngầm hiện đại nhưng việc mua tàu là một chuyện, việc duy trì đội tàu, cải tiến đội tàu, và đào tạo đội ngũ điều khiển tàu thì rất đắt. Và khi bạn để tất cả tiền vào đội tàu thì sẽ làm tăng chi phí quốc phòng trong khi kinh tế Việt Nam thì phát triển không như mong muốn… cho nên đó là bất lợi… Ngoài tàu ngầm, Việt Nam có tàu chiến hạng Gepard, Việt Nam có máy bay tấn công nhanh, họ cũng nhận thêm máy bay SU 30 mà Trung Quốc có hơn 100 chiếc trong khi Việt Nam chỉ có khoảng 50 cái, đây là máy bay phóng tên lửa chống tàu. Họ cũng có hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển rất di động, và có tầm bắn 200 km và có thể khiến Trung Quốc phải ngưng tấn công… Về bộ binh thì họ có xe tăng. Tất cả cho thấy khả năng phòng thủ của Việt Nam. Nhưng để đánh chặn Trung Quốc thì học thuyết của họ là gì, làm thế nào để kết hợp các các thiết bị này? Và đó là một bất lợi. Việt Nam đã không có một xung đột nào trong một thời gian dài, họ không tập trận nhiều, họ cũng không tham gia tập trận với các hải quân những nước khác vì lo ngại gây tranh cãi.
Cho nên nó giống như mình mua chiếc ô tô mới mà không làm chủ được nó. Bạn cần phải sử dụng nó liên tục. Tóm lại bất lợi đối với Việt Nam là làm sao có thể phối hợp các thiết bị này, các thiết bị hiện đại, và duy trì chúng… Nói ví dụ như với đội tàu ngầm, chuyên gia của Nga phải ở trên đó ít nhất là trong vòng 5 năm đầu, nếu có vấn đề gì xảy ra với Trung Quốc và Nga rút người khỏi tàu thì Việt Nam sẽ không có chuyên gia. Vấn đề khác nữa là việc bổ xung đạn dược trong xung đột. Bạn bắn đi nhiều vào các tàu thì bạn phải có lượng bổ xung. Hãy lấy ví dụ vào năm 1972 khi Mỹ dùng B52 dội bom Hà Nội, sau đó cả hai bên cùng rút vì Mỹ thì mất B52 và không tiếp tục sản xuất dạng này nữa trong khi Hà Nội cũng hết đạn dược. Cho nên một vấn đề nữa mà Việt Nam cần chú ý là họ phải duy trì được khả năng sản xuất trong nước... cho nên bây giờ câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể sản xuất được bao nhiêu để cung cấp cho một cuộc chiến nếu có…
Sẽ nhấn mạnh 3 khôngViệt Hà: Trong sách trắng quốc phòng lần trước, Việt Nam nhấn mạnh đến quốc phòng hòa bình, tự vệ, tập trung vào việc xây dựng quốc phòng toàn dân. Với những thay đổi gần đây trong khu vực, tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc, liệu họ có tiếp tục duy trì chính sách này hay không? đâu là những thuận lợi và bất lợi của chính sách này trong thời kỳ mới?
GS Carl Thayer: Chính sách quốc phòng toàn dân là căn cứ mà họ dựa vào và và một sĩ quan cấp cao của quân đội Việt Nam có nói với tôi là nó đã cũ nhưng chúng ta vẫn chưa thấy sự di chuyển nguồn lực từ quân trên bộ sang hải quân và không quân. Ta nói là chiến tranh nhân dân đã quá cũ vì trong quá khứ Việt Nam vẫn còn kém phát triển. Khi quân đội nước ngoài xâm lược thì tất cả mọi người bao gồm cả phụ nữ cũng tham gia chiến đấu. Bây giờ đã khác, chúng ta không thể nào muốn có một quân đội nước ngoài vào xâm lược Việt Nam khi đời sống đã khác, mọi người có điện, có máy vi sóng, tủ lạnh…
Nếu chiến tranh xảy ra phá hủy Hà Nội thì mọi người sẽ không thể sống được, và cả nước sẽ trong một mớ hỗn loạn, nó khác xa thời chiến tranh Việt Nam. Do vậy Việt Nam cần phải giữ kẻ thù ở rất xa. Cho nên thứ nhất là làm thế nào để họ có thể chia sẻ lại nguồn lực từ quân trên bộ sang hải quân và không quân… đã có một số thay đổi nhưng rất nhỏ… Việt Nam sẽ không thay đổi chính sách này… Họ không thể hoàn toàn vứt bỏ hết chính sách này ngay. Nếu đọc báo quân đội nhân dân, chúng ta sẽ vẫn thấy những gì liên quan đến cuộc chiến trên bộ mà theo tôi là rất ít khả năng xảy ra với Việt Nam. Những đụng độ hải quân có lẽ là có nhiều khả năng xảy ra hơn và điều này cũng là điều mà Việt Nam quan ngại…
Sách trắng quốc phòng của Việt Nam trước hết sẽ nhấn mạnh 3 không vốn đã có từ sách trắng trước tức là không có căn cứ quân sự nước ngoài, không liên minh với nước nào và không liên minh để chống lại nước thứ ba. Họ sẽ đè nén những suy nghĩ thực của mình, nhưng sẽ nói về quốc phòng hòa bình. Họ cũng phải duy trì chiến tranh nhân dân vì họ cần phải huy động người dân khi cần, điều này tôi cũng thấy trong tranh luận ở quốc hội về việc tuyển quân. Họ vẫn muốn tuyển nhiều quân… Cho nên đây là một vấn đề với Việt Nam, liệu ai dám đề nghị cắt giảm quân số để tăng cường hiện đại hóa quốc phòng trong khi ngân sách quốc phòng hạn chế.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Theo RFA