Sau tết Mậu Thân năm 1968, Ba tôi được sang Mỹ tham dự học khóa tiếng Anh và trở về năm 1970. Từ Mỹ trở về Ba tôi
mua rất nhiều quà trong đó có một cây viết Parker rất đẹp, hai anh em tôi rất vui vì có nhiều đồ chơi. Gia đình tôi lúc đó
thật là hạnh phúc và ấm cúng. Ba tôi trở lại đơn vị trình diện, và làm việc tại Trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ.
Vài tháng sau Ba tôi đưa gia đình tôi ra Dục Mỹ và ở tại khu Gia binh Nguyễn Thành Nguyên.
Năm 1974 tôi đang học lớp nhất, tôi nhớ lúc ấy đi học mang theo cây bút ngòi lá tre hay ngòi bầu và một bình mực. Con
gái thường thích mực tím còn con trai thích mực xanh. Lúc nào đi học về tay tôi cũng dính đầy mực, có khi mực còn
vương đầy trên áo. Một hôm tôi đang học môn toán, Ba tôi đến nói với tôi "Nếu con thi đậu vào trường Trung Học Ninh
Hòa Ba sẽ cho con cây viết Parker này để đi học". Rồi Ba tôi mở tủ lấy ra một cái hộp nhìn rất đẹp đưa cho tôi xem, bên
trong cái hộp tôi thấy một cây viết Parker và một cây viết chì. Tôi nhìn là thấy mê liền, tôi muốn cầm nó đi học ngay nhưng
Ba tôi nói "Con sẽ được đem cây viết này đi học ngày đầu tiên ở trường Ninh hòa". Sau khi nghe Ba tôi nói lòng tôi cảm
thấy vui và lâng lâng, tự dốc lòng cố gắng học hành chăm chỉ để thi đậu vào trường Trung Học Ninh Hòa.
Nhưng thời thế đổi thay, và ước mơ của tôi đã không bao giờ đến. Khoảng giữa tháng Ba năm1975, gia đình tôi hòa trong
dòng người chạy loạn. Sau 10 ngày vất vả đi xe, chạy bộ, đi tàu thủy gia đình tôi mới tới trại tạm định cư Thủ Đức. Trong
lúc chạy loạn tôi thương nhất là đứa em út của tôi lúc đó mới sáu tháng tuổi. Vì không có nước nóng pha sữa nên em tôi
phải uống sữa pha bằng nước lạnh. Em đau bụng rồi bị sốt nhìn rất thương tâm. Lúc đó Ba tôi đang đóng quân ở căn cứ
Long Bình, chiều 29 tháng 4, Ba tôi đến chỗ gia đình tôi tạm định cư cùng với chiếc xe lam và đưa gia đình tôi về Sàigòn ở
tạm nhà bà Cô. Lúc đó tôi nhìn thấy Sàigòn rất là hỗn độn, người dân thì hoang mang lo lắng. Sáng sớm ngày 30 tháng 4
tôi nghe Má tôi khóc, má tôi nói với tôi "Em con chết rồi".
Tôi thương em tôi nhiều lắm nhưng tôi không biết phải làm gì, cả nhà tôi buồn và xót thương em tôi. Trong lúc đó Saigòn
hoảng loạn người người hối hả tìm đường di tản. Ba tôi đứng ngồi không yên, đắn đo lo lắng vì không biết nên đi hay ở
lại. Em tôi chết còn nằm trên võng treo trên giường Ba tôi lúc đó thật sự bối rối vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Ba tôi đã quyết định ở lại và đi mua ván về đóng hòm chôn em tôi trong khu vườn nhỏ bên cạnh nhà bà cô. Ba tôi đoán
biết gia đình tôi và nhất là Ba tôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi quyết định ở lại nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Sau
đó ba tôi đi tù cải tạo, gia đình tôi càng ngày càng khó khăn. Má tôi muôn phần lo lắng, không biết phải làm gì để lo cho
cuộc sống gia đình. Gánh nặng bây giờ đè trên vai má tôi, Má tôi đã phải cực khổ làm việc để mưu sinh, chỉ mong sao
cho con cái sớm có cuộc sống ổn định. Nhưng mà làm sao có được khi Má tôi không biết gì về ruộng rẫy và không biết
bắt đầu từ đâu.
Những đồ quí giá nhất lần lượt ra đi. Phần lo cho Ba tôi trong tù cải tạo, phần lo làm sao có tiền cho anh em tôi sinh sống.
Một hôm Má tôi nói với tôi Má muốn bán cây viết Parker “của tôi” vì trong nhà không còn gì để bán nữa. Má muốn gom
góp lại một số vốn nho nhỏ để theo người ta đi buôn bán may ra nhà mình có cuộc sống khá hơn. Tôi thấy Má tôi nói mà
nước mắt rưng rưng. Má tôi tư lự suy nghỉ rất nhiều trước khi nói điều này với tôi vì sự tôi buồn và tiếc cây bút. Tôi nói cho
Má tôi yên tâm “Má cứ bán đi con đâu có học Trường Ninh hòa đâu nên con không cần cây bút nữa”. Tôi nói vậy nhưng
trong lòng rất buồn tiếc, tôi nhìn cây bút Parker rất đẹp nằm trong hộp lần cuối. Tôi rất thích nó - cây bút mà tôi hằng mong
chờ có ngày được cầm đi học - nhưng vì hoàn cảnh gia đình tôi không thể giữ lại được. Khi Má tôi đem cây bút đi bán, tôi
thấy mình như mất đi một cái gì đó thật qúi giá và tương lai của tôi cũng bềnh bồng như mây gió biến tan…
Má tôi bắt đầu đi buôn bán. Sáng sớm Má tôi ra khỏi nhà đi tới tối đêm mới về. Có những lúc kẹt xe thì ngày hôm sau Má
tôi mới về đến nhà. Thời gian đó bốn anh em tôi ở nhà quanh quẩn bên nhau. Tôi thương nhất là đứa em gái út của tôi, nó
cứ hỏi tôi khi nào má về, không có Má em sợ lắm. Tối đến ba đứa em tôi theo tôi như bóng với hình. Tôi biết chúng nó sợ,
tôi cũng sợ nhưng bày đặt làm gan, tôi thắp cây đèn dầu nhỏ để trên bàn rồi bốn anh em tôi ngồi trên giừơng chờ Má về.
Bữa nào có mấy người anh họ qua chơi và ngủ lại thì anh em tôi bớt sợ. Sau thời gian kham khổ và lận đận, nhờ Má tôi
biết làm ăn buôn bán nên anh em tôi bớt đi một phần nào cực khổ. Má tôi cho anh em tôi đi học lại, vừa học ở trường vừa
học ở nhà. Má tôi nhờ Cha Thầy và mấy Phe Lasan dạy kèm thêm cho mấy anh em tôi. Gia đình tôi bắt đầu làm lại và cố
gắng đi lên mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn. Anh em tôi luôn nhớ đến Ba nhất là trong những dịp lễ Giáng sinh lễ
Tết. Gia đình người ta đầy đủ, gia đình mình thiếu vắng Ba vì Ba đang ở tù cải tạo.
Cũng nhờ số vốn ít ỏi của cây viết mà Ba tôi mua từ Mỹ đem về. Qua bao nhiêu công sức của Má tôi đã đưa gia đình tôi
qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống. Cho đến ngày hôm nay dù tôi chưa cầm cây viết đó bao giờ. Nhưng
cây viết đã tự ghi lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên và đã giúp cho gia đình tôi cơ hội vượt qua chặng
đường gian khổ.
Tháng Tư về gợi lại trong tôi những kỷ niệm buồn, Má tôi đã về Việt Nam cải táng mộ em tôi, đứa em mất cùng ngày với
Miền Nam. Và Má tôi cũng đã về Dục Mỹ để cải táng mộ một đứa em khác mất năm 1973 về Hố Nai nằm cạnh ông bà nội
tôi.
Tôi luôn cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria đã luôn nâng đỡ và đồng hành với gia đình tôi. Đã ban nhiều hồng ân
và may mắn đến gia đình tôi và anh em chúng tôi.
Phan Phước Huy (RFA)