Đèo Bảo Lộc
Mùa hè năm 1978, thất bại trong một chuyến vượt biên lừa đảo, tôi bị bắt giam tại trại tù Phan Đăng Lưu rồi chuyển qua
khám Chí Hòa. Khi đó vượt biên bị quy là tội phản quốc. Tuy nhiên Công An nắm rõ lý lịch từng người, nên sau tám tháng
tôi được tạm tha khoảng đầu năm 1979 (với chính quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bất cứ cái gì cũng chỉ là tạm: tạm
giam, tạm tha, tạm cấp...).
Mười lăm (15) cây vàng nạp mạng hết cho chuyến vượt biên ảo, vì thế gia đình tôi hoàn toàn trắng tay trong khi không có
công ăn việc làm.
Bất đắc dĩ tôi phải nghĩ đến chuyện cầu viện họ hàng ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Di chuyển từ Saigon đến Bảo Lộc lại là một vấn đề, vì muốn mua được vé xe đò, dù chỉ là xe chạy than, phải có Giấy Phép
Đi Đường. Mới được tạm tha tôi đâu được cấp giấy đó.
Tuy nhiên, vì nhu cầu bó buộc tôi quyết chí vượt quãng đường trường 190 cây số bằng chiếc xe đạp cà tàng, với hành lý là
vài bộ quần áo, một lít dầu tràm, một cái chõ nấu xôi để làm quà.
Bốn (4) giờ sáng tôi khởi hành từ Saigon. Gần trưa đến Định Quán và phải dắt xe leo con dốc 45 độ khoảng hai cây số.
Vừa đi vừa nghỉ, sáu (6) giờ chiều tôi tới chân đèo Bảo Lộc.
Buổi chiều tà, cảnh vùng rừng núi cao nguyên buồn thê lương. Không một bóng người, chim cú đã ra đường cất tiếng kêu
thật buồn thảm. Tôi vừa mệt vừa sợ, muốn nghỉ lại nhưng không có nhà nào để xin trú chân, đành phải dắt xe leo dốc đèo
Bảo Lộc khoảng mười cây số. Quá mệt, tôi nằm bên vệ đường và ngủ thiếp đi lúc nào cũng chẳng biết.
Tỉnh dậy, tôi cố gắng đi tiếp. Dưới thung lũng sâu, động vật rừng, không biết cọp beo, heo rừng hay nai hoẵng chạy rào rào
làm tôi sợ hết hồn vía.
Tới chùa Ba Cô (cách đầu đèo khoảng 3 km), tôi vào chùa xin tá túc. Nhưng chùa lúc này lại là trạm đóng quân của của một
tiểu đội bộ đội. Tôi xin trú qua đêm, nhưng bị từ chối. Nài nỉ mãi, anh bộ đội trưởng đồn yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ. Không
có giấy gì khác, tôi đành đưa Lệnh tạm tha. Anh trưởng đồn phán ngay một câu : “Hóa ra anh lên bảo Lộc để vượt biên."
Đúng là một suy luận vô lý ! Lên vùng cao nguyên để vượt biên !
Anh ta ra lệnh trói tôi lại.
Tôi trình bày lý do, nhưng anh ta nói, để sáng mai giải quyết và cho tôi ngủ trên một chiếc giường bố. Tay bị trói và lạnh tôi
vẫn đánh một giấc ngon do quá mệt.
Sáng hôm sau, tôi được ăn một suất ăn của bộ đội là mấy miếng bột mì luộc chấm muối mè (khẩu phần trong tù cho tù
nhân cũng y chang nhưng ít hơn). Phải công nhận lính Cụ Hồ ăn khổ thật. Vậy mà sao lại thắng được quân đội Mỹ ?!!! Đúng
là bộ đội đã quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng quang vinh đồng thời sống và làm việc theo gương bác
Hồ vĩ đại.
Sau bữa điểm tâm, tôi xin anh cho về lại Saigon để xin giấy đi đường. Nhưng anh ta bắt tôi phải để lại xe đạp và toàn bộ
hành lý. Tôi nghĩ, cả cơ nghiệp của mình chỉ còn mỗi chiếc xe đạp, mất sao đành. Tôi không đồng ý. Thế là anh ta đeo
súng, dẫn tôi xuống đường đón xe đò lên Bảo Lộ̣c giải giao cho Công An.
Tôi rất lo vì trong thời gian tranh sáng tranh tối này mà bị giam vào đồn công an thì coi như bị toi mạng : Không có tội cũng
thành có tội. (Thí dụ hai trường hợp : 1- Người anh họ xa của tôi chỉ vì để tóc dài, vậy mà cũng bị bắt, biệt tích. 2- Tôi ra xóm
Hải Đăng, Vũng Tầu thăm bà con, nhưng vì mang kính cận cũng bị du kích làm khó dễ vì bị quy là Tiểu tư sản, người Bắc
gọi là Tạch sạch sè).
Vì thế, tôi nghĩ cách phải thoát thân. Quá may mắn : không biết nghĩ sao, anh bộ đội lên đồn cất khẩu súng. Tôi ngồi bên vệ
đường, giả vờ sửa chiếc xe đạp và cho đầu xe quay hướng Saigon.
Thừa lúc anh ta không để ý, tôi nhảy phóc lên xe vừa thả dốc vừa đạp 40 km/giờ.
Nghi anh ta sẽ đón xe đò đuổi theo, nên chạy qua tượng Đức Mẹ, cách chùa Ba Cô khoảng 3 km, tôi tấp vào rừng nằm
chờ. Khoảng 2 giờ chiều, sau khi giấu cái chõ xôi, thay quần áo khác, tôi đạp xe xuống chân đèo rồi đón xe về Saigon bằng
an. Tôi đã được Đức Mẹ Maria cứu.
Cách hai năm sau, tôi lên Bảo Lộc. Trong bữa ăn tôi kể lại chuyện chạy trốn anh bộ đội thì một thanh niên lại chính là một
bộ đội viên của đồn Ba Cô, kể : “Hôm đó, anh trưởng đồn đón xe xuống chân đèo phối hợp với du kích tìm bắt chú nhưng
không thấy”.
Cám ơn Chúa và Đức Mẹ.
Nguyễn Sơn Tùng (RFA)