Điều thứ ba. ĐCSVN thực tế là một đảng độc tài toàn trị, phản dân chủ. Ngay từ sau khi cướp được chính quyền, để củng cố quyền lực độc tài toàn trị Đảng đã ra sức tiêu diệt mọi đảng phái yêu nước có thể tranh chấp quyền lực với ĐCS hoặc đánh quỵ mọi thành phần có tiềm năng chống đối để bảo đảm cái mà Lenin gọi là гегемония пролетариата, tiếng Pháp là hégémonie du prolétariat, tức là địa vị độc tôn của giai cấp vô sản, thực ra là của ĐCS (Hà Nội dịch là độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản). Để bảo đảm cái địa vị độc tôn đó thì trong tất cả các cơ quan nhà nước – lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong tất cả các cơ quan chuyên môn, như bệnh viện, trường học, bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu bóng, v.v…, trong tất cả các đoàn thể xã hội, trong tất cả các cơ quan truyền thông, tất cả các báo chí của Đảng… đều phải do các đảng viên CS nắm giữ địa vị chủ chốt. Dù rằng ở một số bộ và cơ quan nhà nước có thể có người ngoài đảng trên danh nghĩa là bộ trưởng, vụ trưởng, giám đốc, v.v… nhưng đảng viên CS hay đảng đoàn CS những nơi đó vẫn là người có thực quyền quyết định, còn các vị ngoài đảng chỉ “làm vì”. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của Đảng. Đối với các lực lượng có tiềm năng chống đối Đảng, tính ra chỉ còn giới trí thức và giai cấp tư sản thì ĐCS chủ trương phải “cải tạo” họ. Ở nông thôn, từng lớp phú nông đã bị đánh gục trong CCRĐ rồi, nên Đảng không lo. Học theo Trung Cộng, ĐCSVN chủ trương cải tạo trí thức bằng cách “chỉnh huấn”, rập khuôn theo bài bản “chỉnh phong” của Mao Trạch Đông. Trong “chỉnh huấn”, buộc những người trí thức phải tự bộc lộ, tự kiểm điểm, tự xỉ vả những thói hư tật xấu của mình, họ còn phải khai báo về xuất thân của mình, nếu thuộc về những giai cấp gọi là “đối tượng của cách mạng” như địa chủ, tư sản… thì họ phải tố cáo, xỉ vả và căm thù ngay cả bố mẹ, ông bà mình. Tất nhiên, đây là điều sỉ nhục lớn đối với người trí thức biết tự trọng, nhưng nếu anh ta chịu đựng được thì tỏ ra rằng anh ta đã khuất phục giai cấp vô sản, tức là ĐCS, và anh ta sẽ được Đảng sử dụng. Tuy vậy, Đảng vẫn không hoàn toàn tin anh ta, còn những điều anh ta đã bộc lộ với Đảng thì Đảng ghi vào hồ sơ lý lịch và theo dõi anh ta suốt đời. Hơn nữa, dù được Đảng sử dụng, nhưng bao giờ Đảng cũng kỳ thị, phân biệt đối xử với trí thức. Cái đó gọi là “chủ nghĩa thành phần”. Cái “chủ nghĩa” quái gở này áp dụng không chỉ cho cán bộ, nhân viên, sĩ quan và binh lính, mà cả cho học sinh, sinh viên, nhất là khi xét duyệt cho họ vào đại học hay đi nước ngoài. Cái “chủ nghĩa” này đã hủy diệt biết bao tài năng của tuổi trẻ! Giáo sư Tạ Quang Bửu bị thất sủng chính vì đã phản đối cái “chủ nghĩa” này.
Còn nếu người trí thức có thái độ ngang bướng, không phục tùng Đảng, hoặc lời ăn tiếng nói không vừa ý lãnh đạo thì Đảng sẽ mở trận đấu tranh không khoan nhượng. Đó là trường hợp đối với các văn nghệ sĩ, các giáo sư trong vụ án “Nhân Văn-Giai Phẩm” hồi giữa những năm 50 thế kỷ trước. Hậu quả của việc ĐCSVN đánh “Nhân Văn-Giai Phẩm” là cả một nền văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật miền Bắc bị lụn bại, méo mó, què quặt trong mấy chục năm ròng, và cả một lớp tinh hoa của dân tộc tiêu biểu cho trí tuệ và sức sáng tạo đã bị đánh gục, bị vùi dập, bị dìm xuống bùn đen trong nỗi sợ triền miên làm cho sự tiết tháo, nhân cách của giới trí thức miền Bắc Việt Nam bị sa sút nặng nề. Đó là một tội ác của ĐCSVN đối với trí tuệ của dân tộc.
Còn việc cải tạo công thương nghiệp, chủ yếu là để tước đoạt (từ ngữ của Marx) phương tiện sản xuất, cơ sở kinh doanh của giai cấp tư sản, lại là một đòn chí tử nữa ĐCS đã giáng xuống những mầm mống đang lên của nền kinh tế non yếu của Đất nước làm cho nó càng thêm suy bại.
Mặc dù ĐCS đã độc quyền thao túng bộ máy cai trị gồm cả chính quyền lẫn các tổ chức và đoàn thể xã hội, đã nắm chắc hệ thống chuyên chính vô sản, nhưng sau những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ, sau những sai lầm và thất bại nặng nề về kinh tế, xã hội, đã làm cho đời sống người dân cực kỳ khó khăn, thua kém rất nhiều so với thời còn dưới chế độ cũ, thì uy tín của ĐCSVN ngày càng sa sút trầm trọng. Vì thế, tập đoàn cầm quyền CSVN thấy cần phải bắt chước ĐCSLX dưới thời trì trệ của TBT Brezhnev đã đưa điều 6 vào HP LX 1977, thì họ cũng đã đưa điều 4 vào HP CHXHCNVN 1980. Và sau này họ vẫn giữ nguyên cả trong HP 1992 và 2013. Đây là âm mưu dùng HP để thể chế hóa sự độc quyền cai trị và địa vị độc tôn của ĐCSVN, siết chặt hơn nữa chế độ độc tài toàn trị của một nhúm nhỏ mấy người trong BCT TƯ Đảng, nhằm chặn đứng con đường dân chủ hóa xã hội, con đường đa nguyên, đa đảng và tam quyền phân lập. Cho nên đòi hỏi của dân chúng, nhất là các nhà trí thức và các chiến sĩ dân chủ phải xóa bỏ điều 4 HP là điều rất hợp lý và rất chính đáng, vì điều 4 chi phối phần lớn những điều khác trong HP, chi phối toàn bộ sinh hoạt của xã hội Việt Nam. Gần đây, Khối 8406 vận động cuộc biểu tình trên mạng đòi xóa bỏ điều 4 HP cũng là một việc làm rất có ý nghĩa.
Cũng nên thấy rằng một khi ĐCS cầm quyền buộc phải ghi điều đó vào HP thì chứng tỏ là chế độ thống trị CS đã rệu rã, rung rinh và có cơ sụp đổ, vì thế tập đoàn thống trị phải dùng điều đó để siết chặt hơn nữa nền thống trị CS. Trước đây, khi mới cầm quyền, dân chúng còn hy vọng, còn tin tưởng vào ĐCS, họ không cần đưa điều đó vào HP mà vẫn chuyên chính được. Bây giờ, hy vọng và tin tưởng đã mất hết, nên điều đó là tối cần thiết cho kẻ thống trị. Cho nên TBT Nguyễn Phú Trọng và các ủy viên BCT khác đều nói: “Bỏ điều 4 HP là tự sát!”. Nhưng đó cũng chính là tiên triệu báo trước sự sụp đổ không xa của chế độ độc tài. Đấy, năm 1977, ĐCSLX đưa điều 6 vào HP thì 13 năm sau, Liên Xô sụp đổ và ĐCSLX tan tành! Vì thế, ngày nay, các quan chức CSVN phải tính chuyện đường dài, họ bắt chước các lãnh tụ CS họ Kim ở Bắc Triều Tiên, hay họ Castro ở Cuba, dần dần cài người thân trong gia đình vào bộ máy lãnh đạo từ tỉnh lên đến TƯ để dùng lối cha truyền con nối mà đảm bảo sự độc quyền thống trị của họ. Còn một cách nữa: chuyện mới xảy ra gần đây thôi. Theo báo Nhân Dân ngày 29.1.2015, tại hội nghị cán bộ do Ban Tổ chức TƯ triệu tập ngày 27.1.2015, ông Tô Huy Rứa, ủy viên BCT, trưởng Ban Tổ chức TƯ đã cho biết cuộc họp Ban Chấp hành TƯ lần thứ 10 vừa qua đã thông qua danh sách gồm 290 ủy viên TƯ chính thức và dự khuyết cho Đại hội XII, và danh sách 22 ủy viên BCT và ủy viên Ban Bí thư (BBT) cho khóa XII. Đây quả là một “sáng kiến tân kỳ”, chưa từng thấy của ĐCSVN: bất chấp Điều lệ Đảng, toàn bộ nhân sự của ĐCSVN khóa XII sắp tới đã được hội nghị TƯ Đảng lần thứ 10 khóa XI, gồm 197 ủy viên TƯ chính thức và dự khuyết khóa XI quyết định xong xuôi. Toàn bộ danh sách các vị ủy viên trong BCT và trong BBT khóa XII cũng quyết định xong. Như thế là hội nghị TƯ lần thứ 10 đã làm thay cho toàn bộ quá trình đại hội từ cơ sở đến Đại hội toàn quốc lần thứ XII cả trong việc ứng cử, lựa chọn, bầu cử các cấp ủy từ dưới lên trên cho đến Ban Chấp hành TƯ, BCT và BBT khóa XII. Tập đoàn thống trị hiện nay cố đấm ăn xôi, quyết bảo đảm cho kỳ được là tập đoàn cầm quyền sắp tới phải theo ý chí của họ. Quả là một sự độc tài, chuyên quyền trắng trợn không thể tưởng tượng nổi.
Điều thứ tư. Hãy nhìn lại trong 85 năm qua, ĐCSVN đã làm được gì cho dân, cho nước.
ĐCSVN rất thích kể công về thời trước. Mà nhiều khi cái “công” đó chưa hẳn là công thật. Đảng thường tự hào là Đảng đã cướp được chính quyền từ tay Nhật, Pháp, về sau gọi đó là Cách mạng tháng Tám. Nhưng lịch sử chứng minh rõ ràng đó là sự dối trá: Việt Minh (tức là ĐCS) đã cướp chính quyền không phải từ tay Nhật, Pháp, mà là từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim. Chính phủ Trần Trọng Kim là ai? Thực ra, họ không phải là “chính phủ bù nhìn” cho Nhật như Việt Minh và tờ Cờ Giải Phóng của ĐCS đã vu cáo họ, mà là một chính phủ do vua Bảo Đại lập ra sau khi Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) gồm nhiều trí thức yêu nước nổi tiếng trong cả nước, chẳng những họ có trí tuệ, có tư tưởng, mà còn có đức hạnh đứng ra gánh vác việc nước vì mục đích giành độc lập thật sự cho Việt Nam. Vì điều kiện phức tạp hồi bấy giờ, Chính phủ đó chỉ tồn tại trong bốn tháng thôi. Nhưng trong thời gian ngắn ngủi đó họ đã làm được nhiều việc lớn: đã cố thu hồi đất Nam Kỳ và các nhượng địa đã dành cho Pháp, như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng nhằm giữ được toàn vẹn lãnh thổ; đã tổ chức việc cứu đói cho dân miền Bắc; đã Việt hóa nền giáo dục, và việc này đã có ảnh hưởng lâu dài cho cả những thời kỳ và nhiều thế hệ sau này; đã cải tổ thuế má, tư pháp; đã vận động và tổ chức thanh niên, sinh viên (tổ chức Thanh niên Tiền tiến) đưa thanh nên vào sinh hoạt chính trị, xã hội… Đại diện của Chính phủ Trần Trọng Kim đã năm lần gặp đại diện của Việt Minh (ĐCS) để bày tỏ lòng mong mỏi hợp tác với Việt Minh để cùng lo việc nước, nhưng đại diện của Việt Minh đã khước từ vì chủ trương của ĐCS là: ĐCS phải là đảng cầm quyền, duy nhất cầm quyền.
ĐCS thường kể công và tự hào đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Nhưng cũng có lắm ý kiến bác lại rằng: nếu ĐCS có chính sách mềm dẻo hơn thì chưa chắc đã cần phải đổ máu kháng chiến chống Pháp trong gần 10 năm. Nếu cứ tiếp tục đứng trong Khối Liên hiệp Pháp (theo Hiệp định sơ bộ – 6.3.1946) mà đấu tranh thì cuối cùng Pháp cũng phải trả lại độc lập cho ta, giống như các nước thuộc địa khác đã được Pháp trả lại độc lập, chẳng phải tốn máu xương mà còn được độc lập sớm hơn ta nhiều. Đấy, cái “công” đó cũng chưa hẳn là công thật. ĐCS còn tự hào đã lãnh đạo chiến tranh chống Mỹ giải phóng miền Nam. Nhưng cuộc chiến Bắc – Nam, thực chất là cuộc nội chiến, mà những người lãnh đạo thân Mao hồi đó, như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu… đã phát động, do sự xúi giục và mưu đồ của Mao Trạch Đông: “Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ”. ĐCSVN phải chịu trách nhiệm trước Dân tộc về cái tội đã phát động cuộc nội chiến này gây ra biết bao đau thương, tang tóc, tốn biết bao máu xương của Dân tộc: trên sáu triệu người đã bỏ mạng. Cái “công” này không phải là công mà chính là tội, tội ác.
Về đối ngoại, từ chỗ suy tôn “Mao Trạch Đông là Lenin của thời đại ba dòng thác cách mạng Á-Phi-La”, chửi Liên Xô là “xét lại hiện đại”, rồi lại kình địch với Trung Quốc, chửi Mao, tiến hành chiến tranh với Campuchia Pol Pot, chiếm đóng Campuchia; Lê Duẩn và ĐCSVN lại quay ngoắt chạy theo LX, tuyên bố coi LX là Tổ quốc thứ hai (nhưng, thực ra trong nội bộ CSVN vẫn coi LX là “xét lại hiện đại”) cốt để xin viện trợ nhằm tiếp tục chiến tranh, rồi ký kết Hiệp ước Tương Trợ với LX. Đến khi bị Trung Cộng tung 300 nghìn quân đánh một trận trên suốt đường biên giới phía Bắc, ĐCS lại chửi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, ghi hẳn điều đó vào HP. Còn khi Liên Xô và các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Mông Cổ sụp đổ, ĐCSVN bơ vơ, bị cô lập hoàn toàn, thì nhóm chóp bu CSVN là Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng lại muối mặt bay đến Thành Đô (3-4.9.1990) hạ mình khuất phục Trung Cộng, chui đầu vào dây thòng lọng của Trung Cộng. Sau đó, CSVN lại tự nguyện quàng thêm vào đầu “vòng kim cô” “mười hai chữ vàng” của Giang Trạch Dân ban, mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc mới. Sở dĩ nhóm chóp bu của ĐCSVN phải quy phục như vậy là vì muốn cứu cái chế độ độc tài toàn trị của chúng, cứu cái địa vị thống trị của chúng trên đầu trên cổ người dân. Từ đó đến nay, nhóm cầm đầu ĐCSVN tiếp tục tự biến mình thành những tên “thái thú” nhượng đất, nhượng biển cho TQ; mặc cho Trung Cộng làm mưa là gió trên Biển Đông, cấm đoán, săn đuổi, đánh chìm tàu thuyền của ngư dân, bắn giết ngư dân; mặc cho Trung Cộng làm sân bay, củng cố công sự trên các đảo Việt Nam đã bị chúng chiếm; mặc cho chúng làm thêm những đảo nhân tạo… Còn trên đất liền thì sao? Bất chấp sự phản đối của các nhà trí thức và nhân dân, ĐCSVN cho Trung Quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, nơi xung yếu nhất của Tổ quốc, trên diện tích hàng chục nghìn hec-ta rừng, với hai nhà máy Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng và Nhân Cơ, tỉnh Đak-Nông, với hàng nghìn công nhân, lao động Trung Quốc đang chiếm cứ ở đó. Gần 80% các công trình quan trọng trên cả nước Việt Nam đều do Trung Quốc trúng thầu xây dựng. Các tỉnh miền biên giới đã cho Trung Quốc thuê trên 300 nghìn hec-ta rừng đầu nguồn của 18 tỉnh phía Bắc trong 50 năm. Trung Quốc được phép lập nhiều khu dân cư nhiều nơi trên đất Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam bị Trung Quốc lũng đoạn nặng nề. Văn hóa Trung Quốc cũng xâm nhập sâu vào Việt Nam. Viện Khổng tử cũng đã khai trương tại Đại học Việt Nam. Một điều đáng chú ý nữa là gần đây một đoàn cán bộ cao trung cấp của Đảng đã đưa sang đào tạo ở Trung Quốc. Đó là chưa nói tới việc Trung Cộng còn tác động đến quyết định chọn lựa các nhân vật quan trọng trong cơ cấu Việt Nam mà nhiều người đã biết. Như vậy là với đường lối đối ngoại hiện nay, rõ ràng là nhóm cầm quyền trong ĐCSVN đã phản bội lại quyền lợi của Đất nước và Dân tộc Việt Nam.
Về đối nội cần nói rõ rằng, trong lúc khuất phục Trung Cộng thì nhóm cấm quyền ĐCSVN lại ra sức đàn áp những người yêu nước Việt Nam đứng lên đấu tranh đòi Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; đàn áp các cuộc biểu tình tố cáo và phản đối những vi phạm bờ cõi và biển đảo Việt Nam, phản đối việc đưa giàn khoan dầu vào lãnh hải Việt Nam. Thậm chí việc đồng bào kính viếng các tử sĩ Việt Nam trong cuộc chiến Việt Trung 1979 cũng bị cấm cản, xua đuổi. Bộ mặt phản nước hại dân của nhóm cấm quyền ĐCSVN ngày càng rõ rệt.
Về đối nội, trong 40 năm kể từ khi cuộc chiến tranh Bắc – Nam chấm dứt, một thời gian dài với đường lối phiêu lưu, duy ý chí của tập đoàn Lê Duẩn, Đất nước đã phải trải qua những năm tháng vô cùng khốn khổ, dù Lê Duẩn luôn luôn huênh hoang hứa hẹn mọi điều tốt đẹp. Đến thời “đổi mới” có dễ chịu hơn một chút, kinh tế bắt đầu phát triển, nhưng ban lãnh đạo ĐCSVN vẫn bảo thủ, cứ khư khư giữ chặt địa vị của mình, chỉ đổi mới về kinh tế, mà nhất định không đổi mới về chính trị. Hơn nữa, đổi mới kinh tế mà Đảng lại cứ kiên trì cái phương châm trái khoáy: “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, cho nên dù có nhưng tiến bộ về kinh tế nhưng đà phát triển không mạnh làm cho sụ tụt hậu so với các nước láng giềng trong khu vực, như Singapore,Thái Lan, Indonesia, Malaysia, v.v… ngày càng lớn. Phải nói rằng ở Việt Nam chưa bao giờ nạn tham nhũng, cửa quyền trầm trọng và tràn lan như bây giờ. Từ trên xuống dưới hiện tượng tham nhũng rất phổ biến, nó làm cho nền kinh tế phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề, đồng thời làm cho cuộc sống người dân càng thêm khó khăn. Đám cầm quyền luôn miệng nói tham nhũng đã trở thành quốc nạn, làm ra vẻ hò hét chống tham nhũng, dọa sẽ “hốt, hốt hết”, nhưng tham nhũng vẫn không hết mà càng nặng nề thêm. Vì sao? Vì cái chế độ cực quyền toàn trị không cho người dân cất tiếng nói, không cho báo chí được tự do ngôn luận, cho nên cái gọi là quyền lực thứ tư không thể nào phát huy tác dụng. Hơn nữa, dưới chế độ độc tài đảng trị, không có tam quyền phân lập, không có tư pháp độc lập nên không thể trừng phạt được những cán bộ đảng viên tham nhũng nắm giữ các địa vị cao. Biết bao nhiêu vụ bị tố cáo đều đã “chìm xuồng”, mà có nhiều trường hợp các nhà báo dũng cảm tố cáo thì lại vô tù.
Dưới chế độ toàn trị của ĐCS, quyền công dân cũng như quyền con người không hề được tôn trọng, người dân không cảm thấy mình là người chủ của Đất nước, trong lúc đó ĐCS lại o bế công an, cảnh sát, lại sử dụng bọn côn đồ trong việc đàn áp dân lành, biến công an, cảnh sát thành những kiêu binh, tha hồ nhũng nhiễu, hành hạ, đánh đập, tra tấn, thậm chí đánh chết người dân. Số người bị công an đánh chết, bị tật nguyền không phải là ít. Trong khi đó, tệ nạn xã hội, rượu chè, cờ bạc, xì ke ma túy, đĩ điếm lan rộng, chẳng những ở thành thị mà tràn lan đến cả vùng nông thôn. Đạo đức xã hội ngày càng băng hoại đến nỗi tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã phải kêu lên: “Hãy nhìn vào thực tiễn xã hội: Có bao giờ người Việt Nam lại thờ ơ trước nguy cơ vong quốc, nguy cơ bị đồng hóa như bây giờ? Có bao giờ sự thờ ơ trước đau khổ của đồng loại, sự đâm chém, băm chặt nhau dễ dàng như cơm bữa, sự nhố nhăng mất gốc, sự phô bày thú tính, sự vênh váo rởm đời, sự hành hạ người yêu nước một cách ngang nhiên, sự nịnh bợ kẻ nội xâm và ngoại xâm… lại được tôn vinh trước thanh thiên bạch nhật như bây giờ? Có bao giờ sự thành thật thua sự giả dối, người lương thiện lại sợ kẻ gian manh, người yêu nước lại bị lép vế, bậc thức giả lại bị cười khinh, công lý lại bị nhạo báng một cách thảm hại như bây giờ?” Đấy, kết quả nhãn tiền của “đạo đức cộng sản” và việc “xây dựng con người mới, xã hội chủ nghĩa” của Hồ Chí Minh và ĐCSVN như thế đó.
Điểm thứ năm. ĐCSVN là một đảng rất bảo thủ, thủ cựu, muôn năm vẫn nhìn thế giới, nhìn Đất nước và Dân tộc qua cái lăng kính Marx-Lenin quá cũ kỹ và lệch lạc. Chủ nghĩa Marx-Lenin mà loài người đã vứt vào sọt rác hàng mấy chục năm rồi, dân ở các nước vốn là nôi của chủ nghĩa đó đã vĩnh biệt nó từ lâu rồi, thế mà cho đến ngày nay, từ đại hội Đảng kỳ này qua kỳ khác vẫn lặp đi lặp lại mãi “phải kiên trì chủ nghĩa Marx-Lenin”. Nghe quá nhàm tai đến nỗi dân phải kêu lên “mãi mãi cái loa rè”, “già rồi đâm lú”. Buồn cười nhất là dưới thời TBT Đỗ Mười, ông ta vẫn nhai đi nhai lại “hai phe, bốn mâu thuẫn”, cái công thức từ đời xửa đời xưa CS dùng để nhận định tình hình thế giới. Nhóm cầm quyền trong Đảng cứ khư khư ôm cái cũ, không dám, và cũng không đủ trí tuệ, để nhận ra cái mới, cái năng động của mầm non, cái tương lai, để dám đi những bước sáng tạo. Cái thói quen của họ là bắt chước “hai ông anh”, cứ LX, TQ làm gì thì rập khuôn làm theo. Ban lãnh đạo, nhất là BCT, BBT già cả không có sức sống của tuổi trẻ để vươn tới trí tuệ, văn minh và tiến bộ, nên ĐCS mãi mãi lạc hậu, dù họ vênh vang tự cho mình là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”. Nhìn vào thực tế thì thấy rõ ĐCSVN chống lại văn minh và tiến bộ, chống lại chế độ dân chủ đích thực. Thế mà có ai đề xuất cái mới thì BCT đã vội kêu lên “đổi mới, nhưng không được đổi mầu”. Đã thế, nội bộ ban lãnh đạo chóp bu luôn luôn gầm ghè lục đục nhau, cấu xé nhau, và mỗi người đều lợi dụng chức, quyền để trục lợi và tham nhũng!
Chỉ nêu lên năm điểm như thế thôi cũng đủ để mỗi người đảng viên còn có tấm lòng trong sáng vì nước vì dân, có tinh thần tự trọng hãy tự mình lựa chọn: ánh sáng hay bóng đêm, đức hạnh hay tội ác, dân chủ hay độc tài, văn minh, tiến bộ hay dã man, lạc hậu, vì Tổ quốc và Dân tộc hay vì một đảng, thậm chí một nhúm độc tài… Mỗi người sẽ tự hỏi và tự quyết định: có nên tiếp tục ở trong cái ĐCS này nữa không hay rời bỏ nó? Cái đảng khủng bố, gây chiến. Cái đảng phạm tội diệt chủng, phạm tội ác với loài người và với Dân tộc. Cái đảng gian dối, lừa gạt, lật lọng. Cái đảng trong 85 năm qua đã gieo rắc bao đau thương, tang tóc, khổ cực, tủi nhục cho mấy chục triệu con người. Cái đảng đang tham quyền cố vị, bám vào quyền lực để thống trị Dân tộc và Đất nước. Cái đảng đang thuần phục và rước kẻ thù vào nhà.
Ngày nay, ĐCSVN đang là khối u ác tính bám vào cơ thể Dân tộc, cơ thể Đất nước. Nếu không dũng cảm làm một cuộc phẫu thuật để vứt bỏ khối u đó đi mà để nó di căn thì Dân tộc và Đất nước chắc chắn sẽ mất vào tay Trung Cộng đầy tham vọng bành trướng. Lẽ nào người đảng viên còn có tấm lòng trong sáng yêu nước thương dân, có tinh thần tự trọng mà không dám rời bỏ cái đảng tội ác đã phản lại cuộc cách mạng ĐCS từng rêu rao và hứa hẹn?
Chính lúc này là lúc phải quyết định! Rời bỏ cái đảng mang tội ác với dân, với nước này sớm được ngày nào càng tốt ngày đó. Đừng có hy vọng là những kiến nghị hay ho, những đề nghị sáng suốt, những yêu cầu thiết tha của các trí thức, các cán bộ, đảng viên, các lão thành cách mạng, cũng như của nhân dân có thể chuyển hóa được được những cái đầu đã bê-tông hóa của đám cầm quyền vì cái đít của chúng quen ngồi ghế cao bao giờ cũng thích leo cao hơn nữa và bám chắc hơn nữa vào cái ghế của chúng. Đừng có hy vọng đại hội Đảng kỳ tới sẽ có thay đổi gì tốt đâu. Câu nói dân gian khi xem tuồng chèo: “Vô ra vẫn thằng cha lúc nãy!” Đại hội Đảng cũng chỉ là một lớp tuồng chèo, “vô ra vẫn thằng cha lúc nãy” thôi.
Chúng tôi rất thông cảm có nhiều bạn đang phân vân, ngập ngừng, do dự. Đó là điều rất tự nhiên trước một quyết định quan trọng. Nhưng khi đã dám quyết định bước ra khỏi cái đảng độc tài, dối trá, tham nhũng này rồi, thì các bạn sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhõm, thoải mái lạ thường. “Vòng kim cô” trên đầu bạn sẽ biến mất lúc nào không hay. Việc đó sẽ mở ra một chân trời mới để bạn có thể cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho những công việc có ích cho Tổ quốc và Dân tộc. Tin chắc rằng những người dũng cảm, như các anh Nguyễn Chí Đức, Phạm Đình Trọng và nhiều người khác… đã ra khỏi ĐCSVN cảm thấy thấy nhẹ nhàng, rất thoải mái, vì bây giờ các anh đã thực sự là những con người tự do.
Nguyễn Minh Cần