Thông điệp năm mới của CEO Facebook bằng tiếng Quan Thoại được nhiều triệu lượt xem và hơn 36 nghìn lần chia sẻ nhưng lại không đến được nhiều người ở Trung Quốc vì Facebook bị chặn tại nước này từ 2009.
Người ta tin rằng nỗ lực học tiếng Quan Thoại của Mark Zuckerberg có thể là một phần của kế hoạch muốn Bắc Kinh thay đổi chính sách chặn trang Facebook tại đây.
Vào tháng 10 năm ngoái, anh đã làm hội trường tại một đại học ở Bắc Kinh sửng sốt vì thực hiện phần hỏi đáp 30 phút bằng tiếng Trung sau bài nói chuyện về công nghệ toàn cầu với mức độ “gần như lưu loát”.
Zuckerberg nói anh học tiếng Trung để giao tiếp tốt hơn với gia đình vợ và hiểu biết hơn về văn hóa Trung Quốc.
Các bạn có khỏe không? Chúc Mừng Năm Mới! Trên Facebook, chúng tôi có các hoạt động lớn kỷ niệm lễ hội xuân. Chúng tôi có múa lân và ẩm thực từ mọi nơi ở Trung Quốc. Chúc các bạn dịp nghỉ xuân vui vẻ và chúc gia đình bạn hạnh phúc. Tôi hy vọng năm con dê sẽ mang lại cho bạn điều tốt lành. Mark Zuckerberg
Thế nhưng chưa rõ liệu 'kỹ năng mềm' của ông chủ Facebook sẽ giúp thay đổi chủ trương của Bắc Kinh với Facebook hay không, đặc biệt trong bối cảnh các công ty công nghệ đang khó hoạt động tại nước này.
Trong vòng vài tuần qua, có bằng chứng cho thấy hệ thống kiểm duyệt qua tường lửa của Bắc Kinh được tăng cường bằng việc hạn chế việc sử dụng mạng tư nhân ảo, hay còn được gọi là VPNs, là phần mềm mà cư dân mạng có thể truy cập các trang web bị chặn tại Trung Quốc.
Facebook, Twitter và YouTube bị chặn tại Trung Quốc và việc thiếu sự hiện diện các trang mạng xã hội này dẫn tới sự bùng nổ các trang mạng xã hội của Trung Quốc vốn được chính quyền theo dõi chặt chẽ.
Các chuyên gia công nghệ nói rằng việc khống chế VPNs mới nhất của nhà chức trách Trung Quốc là nỗ lực áp dụng điều được gọi là "chủ quyền mạng" theo đó Bắc Kinh nỗ lực kiểm soát và kiểm duyệt tất cả thông tin qua mạng trong phạm vi biên giới Trung Quốc.
Mark Zuckerberg từng hội trường tại một đại học ở Bắc Kinh sửng sốt vì thực hiện phần hỏi đáp 30 phút bằng tiếng Trung.
Với khoảng 650 triệu người sử dụng, Trung Quốc là nước có nhiều người dùng internet nhất thế giới nhưng là dùng các mạng riêng của nước này.
Có ý kiến nói về lâu dài chủ quyền mạng không phải để loại bỏ các trang như Facebook mà nhằm đảm bảo rằng nếu các công ty từ bên ngoài hoạt động ở Trung Quốc thì họ phải tuân theo các qui định và cơ chế kiểm duyệt hà khắc của Bắc Kinh.
Vào lúc này thì kỹ năng Quan Thoại của Mark Zuckerberg chưa được đánh giá cao trong cư dân mạng ở Trung Quốc.
Thông điệp năm mới của anh chỉ được nhắn lại khá ít trên trang Weibo, một dạng dịch vụ giống Twitter ở Trung Quốc.
Theo BBC