Căm thù chính là vũ khí bí mật của chủ nghĩa toàn trị: nhiễm độc toàn bộ cấu trúc tinh thần của con người bằng căm thù, và như
thế cướp mất nhân phẩm của họ. Chính tôi bị hủy diệt vì cơn cuồng nộ hủy diệt của mình. Nhân phẩm của tôi bị mất đi trong tự
mãn và ngây thơ của mình; sự gắn bó cá nhân của tôi cũng như mối liên lạc và đoàn kết với những người khác theo đó cũng
biến mất. Căm thù chẳng có gì giống đoàn kết; những người căm thù không trở thành bằng hữu vì họ có chung kẻ thù bị căm
ghét. Ngoại trừ trong những lúc đánh nhau trực tiếp, họ vẫn còn xa lạ và thù hằn lẫn nhau. Hầu như không có xã hội nào sôi sục
căm thù bí mật lẫn công khai và ganh tị bằng những xã hội cố gắng lấy căm thù làm nền tảng cho sự đoàn kết và hứa hẹn thể
chế hóa tình huynh đệ...
Giái thưởng danh dự này xếp tôi vào những người mà tự nhiên tôi tự hào được ở trong nhóm họ, tuy nhiên đồng thời tôi cũng
cảm thấy lo lắng. Trong những người này là những nhân vật rất nổi tiếng, những người chúng ta đặc biệt phải biết ơn vì sự
hướng dẫn tinh thần của họ: Albert Schweitzer, Martin Buber, Karl Jaspers, Sarvepalli Radharkrishnan, Janus Korczak- chỉ nhắc
tên vài người đã khuất. Chúng ta biết ơn họ đặc biệt vì họ dạy chúng ta cách lánh xa căm thù mà không tránh xung đột và cách
không dùng đến ngôn ngữ căm thù. Và tôi muốn có đôi lời bàn đến chủ đề căm thù.
Ước gì thế giới không có căm thù là lời tuyên bố hầu như vô nghĩa vì rõ ràng không ai mà không đồng ý. Không may, bản thân
điều ấy chứng tỏ rằng, nếu không có lời giải thích gì thêm, riêng câu nói này thôi sẽ chỉ có giá trị tượng trưng. Nhưng ta chắc
chắn đừng tưởng hiển nhiên rằng một thế giới như thế, nếu may mắn thành hình được, sẽ chỉ có thể thành hình qua cuộc đấu
tranh không có căm thù: nói một cách khác, càng ít căm thù ảnh hưởng đến các cuộc xung đột ngày nay, thế giới ấy càng có
thể ra đời. Dù sao, hầu như tất cả những hình thức tuyên truyền căm thù đều được dùng làm phương tiện thiết lập cộng đồng
thế giới huynh đệ, và căm thù cái ác (hay bất kỳ điều gì bị quy là ác) khiến những ai căm thù tất nhiên trở thành thánh thiện, như
thể đây là trường hợp của luật phủ định kép hợp lý: Ai căm thù kẻ căm thù thánh thiện chính mình là thánh thiện. Tưởng chừng
càng vô lý hơn khi nói căm thù gây ra cái ác bất luận mục tiêu căm thù nào. Ai nhớ lại lời giản dị của Spinoza, “căm thù không
bao giờ có thể tốt”, hay nhắc lại lời giáo huấn cô đọng của Thánh Phaolô trong kinh Romans 12:21, “Hãy lấy thiện mà thắng ác”,
dễ bị chế nhạo là kẻ giảng đạo ngây thơ hay còn bị căm thù như là kẻ thù của thế giới tốt đẹp hơn.
Trong phạm vi vấn đề này, tôi sẽ nhắc lại những nguyên tắc mà chúng ta có thể coi là những chắt lọc từ những lời giảng dạy
đạo đức không chỉ cao đẹp nhất mà còn cốt yếu nhất và bất biến nhất của nhiều đấng tiên tri tôn giáo vĩ đại và nhiều triết gia vĩ
đại:
Bất luận hoàn cảnh nào ta cũng không có quyền căm thù.
Thật là phi lý khi nói ai đáng căm thù.
Chúng ta có thể sống không có căm thù.
Từ bỏ căm thù hoàn toàn không có nghĩa là từ bỏ cuộc đấu tranh.
Chính biến thành tà nếu nhờ căm thù mà chính bắt đầu có ảnh hưởng; hay- tương tư như thế-chính tự hủy diệt khi dùng căm thù
để đạt đến công lý.
Đây là những tư tưởng đã được biết đến từ lâu, trong đó nhiều tư tưởng rõ ràng là những phán xét giá trị, ngược lại những tư
tưởng khác liên quan đến những sự thật thực nghiệm. Nhưng ta có thể đưa ra những lý lẽ đạo đức cũng như xác thật để bác lại
những tư tưởng trên. Những lý lẽ này có thể được tóm tắt trong ba ý chính: thứ nhất, căm thù là tự nhiên và vì thế không thể
tránh được; thứ hai, căm thù hiệu quả trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, vì thế cũng hiệu quả trong cuộc đấu tranh cho công lý;
thứ ba, căm thù có thể được biện minh về mặt đạo đức, vì có những người và những điều đáng căm thù.
Những lý lẽ này cần phải đáp lại.
Chắc chắn căm thù có thể là tự nhiên tương tự như tất cả những cảm xúc mạnh mẽ cơ bản khác. Nhưng nếu điều này hàm
nghĩa là không ai có thể sống mà không có căm thù, thì sự khẳng định này chắc chắn sai lầm về mặt thực nghiệm, vì số người
có thể không để cho căm thù dẫn dắt mình tuy rất ít, nhưng họ đã tồn tại và đang thực sự tồn tại trong thế giới chúng ta. Tuy
nhiên, trong trường hợp sự khẳng định này ám chỉ rằng đa số chúng ta, và ngay cả với tuyệt đại đa số, đều quá yếu đuối nên
không thể nào thoát ra khỏi căm thù, thì sự khẳng định này có thể đúng, tuy nhiên điều này không liên quan đến sự đánh giá
căm thù về mặt đạo đức, và nó hoàn toàn không chứng tỏ lời dạy về sống không căm thù là sai lầm. Tất cả những lời dạy về
đạo đức phần nào đều không tự nhiên; những lời dạy này thật ra sẽ không cần thiết nếu như bản năng thực hiện đúng hoàn
toàn mục đích những lời dạy này. Mặt khác, vì chắc chắn chúng ta có thể chế ngự được những cảm xúc mạnh mẽ tự nhiên của
mình, cho nên chuyện rất nhiều người trong chúng ta sống trong cảnh ác không làm cho bất kỳ một cá nhân nào ít ác hơn.
Chúng ta chắc chắn sẽ lâm vào tình cảnh tệ hại hơn nếu chúng ta đồng ý với ý tưởng của Luther rằng Chúa đặt ra những điều
răn chúng ta không thể nào làm theo được - rằng Chúa rõ ràng yêu cầu chúng ta thực hiện những kỳ tích không thể nào đạt
được. Ngay khi chúng ta xác định rằng những lời dạy đạo đức nói chung vượt quá khả năng của chúng ta, tất cả những sự phân
biệt về đạo đức giữa người và người với nhau hầu như phải biến mất, bất luận chúng ta có thể trông mong bao nhiêu chăng
nữa vào lòng từ bi của Chúa.
Để đối chiếu với sự tuyệt vọng của Luther tôi muốn đưa ra nguyên tắc của Kant: nếu theo những lời dạy đạo đức chúng ta biết
điều chúng ta nên làm, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta có thể làm được điều ấy; quả thật chỉ chính từ chuyện chúng ta nên
làm điều ấy chúng ta mới biết chúng ta có thể làm được điều ấy, mặc dù chúng ta không nhất thiết biết vào lúc thử thách liệu
chúng ta sẽ thực hiện được bổn phận của chúng ta hay không. Chúng ta không biết chắc chắn thế giới không có căm thù rốt
cuộc có thể tồn tại chăng, hay có những nguyên nhân tự nhiên khiến thế giới ấy không thể nào ra đời được chăng. Nhưng cho
dù chúng ta không coi trọng sự kỳ vọng vào thế giới như thế-nếu chúng ta tin chắc rằng căm thù sẽ không bao giờ bị xóa bỏ
hoàn toàn ra khỏi thế giới này-thì điều này vẫn không biện minh căm thù sôi sục trong lòng ta. Ác phải thuộc về bản chất của thế
giới này, nhưng đau khổ thay cho những ai nuôi dưỡng cái ác trong lòng: lời răn đe này là một trong những viên gạch vững bền
nhất dựng nên nền văn minh Thiên Chúa giáo. Không có viên gạch này, tức không có sự xác tín rằng liệt kê ra cái ác không
biện minh cái ác trong chính lòng ta, ý tưởng về trách nhiệm sẽ là vô ích và cũng bằng thừa.
Vì thế, nếu ta không thể nào phủ nhận rằng căm thù sẽ sinh ra căm thù, thì đấy chỉ là điều tự nhiên, chứ không phải là định
mệnh chúng ta có thể chống lại được cũng giống như chúng ta hoàn toàn không thể ngăn cản một vật được buông ra không rớt
xuống đất thay vì bay lên. Nếu ai hỏi, “Liệu hợp lý chăng khi mong chờ những nạn nhân của Himler hay Beria không nên căm
thù những kẻ hành hình họ, những người đang bị tra tấn, bị sỉ nhục, bị cướp đoạt tự do, nhân phẩm, và các quyền cơ bản của
họ có thể nên bắt chước Jesus Christ?” Tôi sẽ trả lời, “Không, chúng ta không thể mong chờ những chuyện như thế.” Tuy
nhiên vấn đề còn lại là phải chăng chúng ta có quyền căm thù ngay cả trong hoàn cảnh rất vô nhân đạo và tàn ác; phải chăng
lòng căm thù của chúng ta, mặc dù nó có thể là tự nhiên và bình thường, là chính đáng về mặt đạo đức; tóm lại, phải chăng có
những kẻ đáng căm thù.
Nói một cách chính xác, dường như căm thù cũng có thể xứng đáng không kém gì tình yêu. Ta không thể nào lấy công lý mà
suy ra tình yêu lẫn căm thù. Điều gì đấy có thể được xứng đáng chỉ qua sức mạnh của luật pháp; nhưng không luật pháp nào
có thể yêu cầu, áp đặt, hay cưỡng ép tình yêu; do vậy, luật pháp cũng không thể yêu cầu căm thù. Cả hai đều được cho không,
mà không có lý do pháp lý.
Nhưng ta có thể hỏi phải chăng không có những người, những điều, những phong trào và những chế độ đáng phải hủy diệt
hoàn toàn, và phải chăng căm thù không đồng nghĩa với nỗ lực đạt đến sự hủy diệt toàn bộ? Tôi sẽ trả lời rằng chắc chắn có
những tổ chức của con người, thể chế, phong tục, hoạt động, phong trào, chế độ chính trị, niềm tin, có lẽ cả con người đáng
hủy diệt. Tuy nhiên, căm thù không giống như ước muốn hủy diệt (không nói gì về niềm xác tín rằng điều gì đấy đáng hủy diệt).
Lòng căm thù của chúng ta hướng vào những con người và những nhóm người-vào quốc gia, chủng tộc, giai cấp, đảng phái,
vào giàu và nghèo, vào đen và trắng- chứ không vào những điều trừu tượng như chế độ chính trị hay tư tưởng. Odium peccati,
căm thù tội lỗi, là một ẩn dụ: chúng ta chỉ có thể căm thù những kẻ có tội, mà trong đó có lẽ có chính chúng ta. Căm thù còn
hơn cả ao ước hủy diệt; tựa như tình yêu, căm thù bao hàm gần như sự vô cùng, tức là, sự không bao giờ thỏa mãn. Căm thù
không chỉ cố gắng để hủy diệt, mà cố gắng để gây ra đau đớn vô tận, để trở thành Satan; vì chính bản chất của quỷ là không
bao giờ có thể đạt đến sự thỏa mãn về thành quả hủy diệt.
Cùng với điều này chúng tôi cũng trả lời phần nào câu hỏi thứ hai: Phải chăng căm thù có thể luôn luôn tốt cho chính nghĩa, phải
chăng căm thù có thể thánh thiện theo cách hiểu này? Khi chúng ta hỏi câu hỏi phụ, hiển nhiên một tiếng không rõ ràng hàm
nghĩa câu trả lời: Tại sao tất cả các chế độ toàn trị đều luôn luôn cần căm thù như một công cụ không thể thay thế được? Họ
cần nó không chỉ để duy trì sự động viên sẵn sàng như mong muốn và càng không chủ yếu để hướng dẫn sự thất vọng, tuyệt
vọng, và sự hung hăng dồn nén của con người đối với những kẻ khác và qua đấy biến chúng thành vũ khí của chính họ. Không,
khao khát căm thù được giải thích từ sự thật rằng căm thù hủy diệt tinh thần những ai căm thù. Căm thù khiến họ về mặt đạo
đức không thể nào chống lại Nhà nước; căm thù giống như tự hủy diệt, hay tự tử tinh thần, và do vậy căm thù hủy diệt tận gốc
rễ sự đoàn kết giữa những người căm thù. Câu nói “căm thù mù quáng” là thừa từ; trong căm thù đã có mù quáng. Vì, ít nhất
trong hình thức tuyệt đối của nó, căm thù chiếm lĩnh toàn bộ phạm vi tinh thần của con người ở chỗ rằng căm thù cũng tương tự
như tình yêu, căm thù có thể dường như là phương tiện hợp nhất nhân cách. Nhưng ngược lại mới đúng, mà một mặt chỉ ra sự
bất xứng giữa tình yêu và căm thù, và mặt khác chỉ ra lý do tại sao không nhà nước toàn trị nào có thể từ bỏ giáo dục căm thù.
Quan điểm tiêu cực hoàn toàn của căm thù, mà làm tê liệt tất cả giao tiếp của con người, cũng hủy diệt sự hợp nhất tinh thần
của nhân cách, và vì lý do này căm thù là phương tiện không thể thay thế được để tước đoạt sự kháng cự của tâm hồn con
người.
Sự hợp nhất tinh thần của chúng ta là kết quả của sự giao du với những người khác, của lòng tin và tình thân; sự hợp nhất ấy
không phải là kết quả của tâm trạng trống rỗng mất mát của thực thể bản ngã cô độc và hoàn toàn chỉ biết mình.Sức mạnh sôi
sục của căm thù khiến cho mọi trao đổi ý tưởng lẫn nhau đều bất khả; và như thế căm thù làm cho tôi tan rã về tinh thần, ngay
cả trước khi tôi có thể làm cho kẻ thù của tôi tan rã. Theo cách hiểu này, ta có thể nói rằng sống trong căm thù là sống mà như
chết, và căm thù, không ngừng thống trị tâm hồn, trở thành dục vọng tự giao hoan với tử thi mà càng đồi trụy hơn nhiều. Các
chế độ toàn trị và các phong trào thuộc bất kỳ khuynh hướng nào cần căm thù để chống lại chính xã hội của họ hơn để chống
lại những kẻ thù và các mối đe dọa từ bên ngoài, và để làm cho những người mà họ giáo dục và khích động căm thù trở nên
trống rỗng về tâm hồn và bất lực về tinh thần, khiến cho những người này không thể nào kháng cự hơn để duy trì sự hăng say
đấu tranh. Thông điệp liên tục nhưng thầm lặng của chủ nghĩa toàn trị khẳng định, “Bạn rất tốt, còn họ rất xấu. Lẽ ra bạn đã
sống ở thiên đường từ lâu rồi nếu kẻ thù độc ác của bạn không cản trở điều này.” Chức năng của giáo dục này là để tạo ra sự
tự mãn ở học trò của mình và khiến họ bất lực về đạo đức và trí tuệ hơn là để tạo ra sự đoàn kết giữa những người căm thù.
Tự mãn của căm thù ban cho tôi cảm giác tôi là người sở hữu hạnh phúc những giá trị tuyệt đối. Do vậy căm thù cuối cùng đưa
đến sự tự tôn thờ hóa kỳ quặc, mà, như ở những thiên thần sa ngã, chỉ là bề trái của tuyệt vọng.
Nếu chúng ta thật sự yêu, chúng ta không phê bình đối tượng tình yêu của chúng ta. Nếu chúng ta thật sự căm thù, chúng ta
không phê bình bản thân mình cũng như đối tượng căm thù của chúng ta; vì phê bình có nghĩa là có thể phân biệt, nhưng căm
thù làm chúng ta không thể nào phân biệt. Căm thù đưa sự chính trực hoàn toàn và tuyệt đối của chúng ta ra đọ sức với sự đê
tiện hoàn toàn, tuyệt đối, và không thể nào chữa được của những kẻ khác.
Cho nên đây chính là vũ khí bí mật của chủ nghĩa toàn trị: nhiễm độc toàn bộ cấu trúc tinh thần của con người bằng căm thù, và
như thế cướp mất nhân phẩm của họ. Chính tôi bị hủy diệt vì cơn cuồng nộ hủy diệt của mình. Nhân phẩm của tôi bị mất đi
trong tự mãn và ngây thơ của mình; sự gắn bó cá nhân của tôi cũng như mối liên lạc và đoàn kết với những người khác theo đó
cũng biến mất. Căm thù chẳng có gì giống đoàn kết; những người căm thù không trở thành bằng hữu vì họ có chung kẻ thù bị
căm ghét. Ngoại trừ trong những lúc đánh nhau trực tiếp, họ vẫn còn xa lạ và thù hằn lẫn nhau. Hầu như không có xã hội nào sôi
sục căm thù bí mật lẫn công khai và ganh tị bằng những xã hội cố gắng lấy căm thù làm nền tảng cho sự đoàn kết và hứa hẹn
thể chế hóa tình huynh đệ.
Hoàn toàn vô lý khi cho rằng nếu không có căm thù chúng ta bất lực trong cuộc tranh đấu; sức mạnh tranh đấu được tạo ra từ
sự hèn nhát của kẻ thù hơn từ lòng căm thù của chúng ta. Sự hèn nhát của chúng ta mới chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của
chúng ta; từ bỏ căm thù và cuồng tín hoàn toàn không có nghĩa là rút lui ra khỏi cuộc đấu tranh. Có thể đúng là nhiều người
trong chúng ta không thể vượt qua hèn nhát ngoại trừ nhờ vào cuồng tín và mù quáng tự hại mình. Nhưng nếu vì thế chúng ta
kết luận chúng ta phải động viên căm thù để thành công trong cuộc đấu tranh, thì chúng ta ngay lập tức làm thương tổn giá trị
của chính cuộc đấu tranh.
Giáo dục dân chủ là giáo dục nhân phẩm, và điều ấy giả định trước hai điều: sẵn sàng tranh đấu kết hợp với không căm thù.
Không căm thù mà đạt đến chỉ bằng cách tránh các cuộc xung đột là đức tánh không có thật, giống như trinh tiết của hoạn
quan. Tuy nhiên, điểm chung cho tất cả các cuộc xung đột của con người là quá trình tự thúc đẩy và tự tích tụ tự nhiên. Không
có gì phổ biến bằng cuộc xung đột mà thực ra chẳng quan trọng nhưng tăng lên thành mối thù hận không đội trời chung, do
cách giải quyết xung đột càng tạo ra những xung đột mới và lớn hơn. Hòa giải và sẵn sàng thỏa hiệp không hèn nhát, không lợi
dụng bất chánh, và không từ bỏ điều ta coi là cốt lõi của vấn đề - điều ấy chắc chắn là nghệ thuật không phải ai cũng được thiên
phú. Nhưng số phận của trật tự dân chủ của thế giới phụ thuộc vào khả năng chúng ta nắm vững được nghệ thuật này.
Đi trên đất đầm lầy không chắc chắn, đi lạc, đi trở lại, đôi lúc đi vòng, chúng ta có vài điểm định hướng đáng tin cậy tùy ta sử
dụng, mà có thể rút lại thành vài điều răn và điều nên tránh đơn giản đã biết từ lâu, gồm có những điều như sau: Muốn đấu tranh
không có căm thù; nuôi dưỡng tinh thần hòa giải mà không nhượng bộ những điều cốt yếu.
Trong thế giới chất chứa đầy căm thù, oán hận, và ganh tỵ, mà đối với chúng ta dường như càng ngày càng hẹp lại hơn - do sự
tham lam vô độ của chúng ta hơn do thiên nhiên nghèo đi, căm thù là một trong những cái ác này, ta dường như có thể nói,
căm thù sẽ không bị loại bỏ qua bất kỳ hành động thể chế nào. Trong trường hợp ấy, chúng ta có thể tin mà không sợ người ta
cười rằng mỗi người trong chúng ta có thể góp phần hạn chế căm thù trong xã hội bằng cách hạn chế căm thù trong chính lòng
minh; nhờ thế mỗi người trong chúng ta có thể đạt được cho mình sự kỳ vọng bấp bênh và mỏng manh về cuộc đời bền vững
hơn trên chuyến tàu kiếp người u mê vô định (1) của chúng ta.
Leszek Kolakowski
Bản tiếng Việt: Trần Quốc Việt
____________
Nguồn: Trích dịch từ bài diễn văn của Leszek Kolakowski đọc ở Frankfurt vào ngày 16 tháng Mười 1977 nhân dịp nhận giải hòa
bình của các nhà xuất bản Đức. Tựa đề bản tiếng Anh “Education to Hatred, Education to Dignity”.
Dịch từ tác phẩm “Modernity on Endless Trial”của Leszek Kolakowski, nhà xuất bản The University of Chicago Press, 1990,
trang 255-261.
Chú thích:
Một ẩn dụ của Plato, Ship of Fools. (chú thích của người dịch).
Leszek Kolakowski (1927-2009) là triết gia Ba Lan, người đã khai tử về trí thức chủ nghĩa Marx trong tác phẩm Main Currents
of Marxism: Its Rise, Growth and Dissolution (1976). Ông còn được coi là Socrates của Ba Lan trong thế kỷ hai mươi.