Một góc khu tưởng niệm các thuyền nhân vượt biển trên đảo Pulau Bidong. Photo courtesy: visit-terengganu.net
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mới chỉ là một cậu bé 10 tuổi. Sài Gòn hoảng loạn, người hối hả tìm đường ra đi, kẻ bàng hoàng trước một sự kiện không tưởng.
Sài Gòn đổi tên nhưng chẳng bao giờ mất tên vì trong tâm tư của mỗi con người Sài Gòn thì Sài Gòn vẫn tồn tại. Người Sài Gòn cho ra đời những câu châm biếm phản ảnh những sự thay đổi này như "Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý, Đồng khởi vùng lên mất Tự Do!" ...
Một buổi sáng trước khi vào lớp, đá banh cùng bè bạn chẳng may tôi bị gãy tay. Gia đình báo tin cho mẹ tôi hay nơi bà đang làm việc thì bà được trả lời rằng : con chị bị gãy tay chứ đâu phải chị mà phải về .... lãng phí lao động !
Anh cả của ba tôi, Nguyễn Huỳnh Phước, một sĩ quan cảnh sát quốc gia và cũng là soạn giả của vở cải lương nổi tiếng Tướng cướp Bạch Hải Đường, sau ngày mất nước đã bị những tên "ba mươi" chỉ điểm bắt ông với tội danh làm việc cho CIA. Đến thăm ông tại khám lớn Biên Hòa, tôi đã chứng kiến cảnh ông gần như lết từ buồng giam ra đến nơi thăm nuôi. Ông được "cách mạng khoan hồng" cho về một thời gian sau đó để rồi đúng 1 tuần lễ sau ông đã ra người thiên cổ. Ông hộc máu ra mà chết trên chiếc xích lô đạp đưa ông đi cấp cứu.
Dưới chiêu bài "nhân dân làm chủ" và "công bằng xã hội", nhà cầm quyền đã tiến hành những cuộc "đánh tư sản mại bản mà thực ra ai cũng đều biết đó chỉ là một hình thức ăn cướp. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ! Không những 1 mà tới 2 lần bị "đánh" bởi nhà cầm quyền bốn chữ V (vào vơ vét về).
Năm 79 khi phòng trào vượt biên bán chính thức được tổ chức 1 cách gần như công khai, tôi cũng được mẹ tôi lo cho đi cùng 1 số thành viên khác trong gia đình nhưng không may cho chúng tôi là chúng tôi đã bị công an gài bẫy bắt để đòi tiền chuộc. Một tháng trời bị giam giữ tại trại giam Rạch Giá tôi lại chứng kiến thêm những hình ảnh khó quên. Trại giam quá đông không còn đủ chỗ nhốt tù, chúng tôi những tù vô sau được cho ở "khách sạn 5 sao" có nghĩa là trong suốt thời gian bị bắt chúng đã nhốt chúng tôi ngoài trời không một mái che.
Tù nhân làm nhiệm vụ rửa tô chén sau các buổi ăn nếu lỡ tay làm bể thì cứ cộng thêm thời gian tù. Chiếc đồng hồ seiko "không người lái, 5 cửa sổ" của tôi bị tịch thu không biên nhận khi bị bắt thì khi đi cung tôi đã thấy nó đã được nhà cách mạng quản giáo "quản lý" dùm trên cổ tay của ông ta. Bị bắt và ở tù cùng tôi khi ấy còn có mấy đứa em họ khi đó chỉ mới 6,7,8 tuổi.
Cuối cùng rồi năm 1980 tôi cũng thoát được khỏi "thiên đường xã hội chủ nghĩa". Lênh đênh trên biển 7 ngày đêm, tàu chết máy, không lương thực, phải thay phiên nhau tát nước 24/24 vì máy bơm không hoạt động đến ngày thứ 7 của cuộc vượt biển thì tàu chúng tôi gặp 1 con tàu đánh cá. Tàu chúng tôi cũng bị họ cướp nhưng may mắn cho chúng tôi là họ không phải là cướp biển chuyên nghiệp. Họ lấy những gì họ nhìn thấy và tìm kiếm được, không xâm phạm phụ nữ trên tàu và sau đó còn cho chúng tôi nước uống rồi kéo tàu chúng tôi đến khu vực giàn khoan Hoa Lan. Hơn 90 sinh mạng đã được cứu sống! Sau gần 5 tháng trải qua các trại tỵ nạn từ Bidong, Galang, Singapore...cuối cùng rồi tôi cũng đến được Hoa Kỳ.
"Nhìn lại quá khứ để tiến tới tương lai" tôi chỉ mong muốn rằng các con cháu của tôi là những thế hệ sinh ra và lớn lên trên xứ sở tự do Hoa Kỳ này hãy nhìn quá khứ của những thế hệ đi trước mà sống cho xứng đáng. Kim chỉ nam cho tương lai của chúng không gì quan trọng hơn là xây dựng một đất nước Việt Nam thật sự tự do - dân chủ - phú cường và luôn nhớ rằng đừng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!
Một thuyền nhân Bidong (RFA)