Thủ đô là bộ mặt của mỗi quốc gia, nhà cầm quyền nào cũng muốn nó luôn sạch, đẹp, có nhiều công trình „hơn người” để phô trương trước thế giới về tài năng quản trị, điều hành của mình. Nhưng không phải cứ muốn là được. Đối với các chế độ độc tài cộng sản, họ rất coi trọng thủ đô, họ xây dựng những công trình „kỷ lục” tại thủ đô, vượt quá khả năng tài chính và bất chấp những hậu quả xấu về kinh tế, chính trị và môi trường của nó.
Chế độ độ độc tài cộng sản Nicolae Ceausescu của Rumania, một trong những nước nghèo nhất trong các nước cộng sản đông Âu, đã xây dựng tòa lâu đài mang tên Điện Quốc Hội tại thủ đô Bucharest. Nó đã trở thành công trình hành chính dân sự lớn và đắt nhất thế giới (khoảng 3,3 tỷ euro), được xây dựng năm 1984, theo kiến trúc tân cổ điển với 3.100 phòng, diện tích tổng cộng 330.000 m2. Để xây dựng tòa lâu đài này, 1/5 khu trung tâm Bucharest với 30 nhà thờ và giáo đường Do Thái bị xóa khói bản đồ. Công trình đã phá hủy 30.000 ngôi nhà cùng nhiều các di tích lịch sử, nghệ thuật vô giá, nó đã để lại món nợ nước ngoài khổng lồ sau khi chế độ cộng sản Ceausescu bị cáo chung.
Thủ đô Bình Nhưỡng
Nhìn những công trình kiến trúc ở thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên, không ai có thể tin được đó là thủ đô của một quốc gia luôn thiếu đói, người dân ở các vùng quê phải ăn thứ mì sợi trộn lá cây rừng. Khách sạn Ryu-Gyong tại Bình Nhưỡng được khởi công xây dựng vào năm 1987. Theo thiết kế, khách sạn là một khối bê tông hình kim tự tháp Ai Cập, 105 tầng với 3.000 phòng, cao 105m. Trong lúc chưa hoàn thành được một nửa khối lượng công việc, thì ảnh của nó đã được in trên các con tem và các tài liệu tuyên truyền, một khách sạn hình kim tự tháp với 7 nhà hàng quay, lung linh dưới ánh đèn màu trong đêm. Theo kế hoạch, khách sạn sẽ hoàn thành vào tháng 06-1989 để đón trào Đại Hội Thanh Niên và Sinh Viên Thế Giới. Nhưng mãi năm 1992 khách sạn vẫn không hoàn thành, do thiếu kinh phí, thiếu lương thực, thiếu điện … công trình đã bị ngừng. Hiện nay công trình vẫn dang dở, khối bê tông vẫn nằm bất động, không có cửa sổ, nội thất vẫn không được xây dựng. Người ta ước tính, công trình này tiêu tốn khoảng 750 triệu đô la, chiếm 2% GDP của Bắc Triều Tiên. Theo Emporis (công ty dữ liệu bất động sản của Đức) có trụ sở tại Darmstadt , tòa nhà sẽ không thể mở cửa trong tình trạng như hiện nay (18 năm sau ngày khới công xây dựng) do chất lượng bê tông trong thi công kém. Hiện nay Bắc Triều Tiên đang kêu gọi đầu tư nước ngoài khoảng 300 triệu USD để hoàn thành công trình.
Còn rất nhiều những công trình được sinh ra do tính thích phô trương, độc đoán của các chế độ cộng sản trên thế giới kể từ khi chế độ cộng sản đầu tiên được thiết lập tại nước Nga năm 1917, thật khó mà kể hết! Chúng ta hãy trở về với Hà Nội, nơi từ 1954 đã nằm dưới quyền cai quản của chính quyền cộng sản, trở thành thủ đô của nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam. Từ tháng 08-2008, chính quyền Việt Nam đã mở rộng Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành một trong những thủ đô rộng lớn nhất thế giới với diện tích 3.324,92 km2, dân số 6.561.000 người. Để so sánh, có thể dẫn ra đây một vài thủ đô của các nước : Tokyo diện tích 2.188 km2, dân số 13.350.000 người; Moskova diện tích 2.511 km2, dân số 12.108.257 người.
Hà Nội với 12 quận, 17 huyện ngoại thành. Phải chăng chính quyền ngoài mục đích muốn biến Hà Nội thành một trong những thủ đô rộng lớn nhất thế giới, họ còn muốn có thêm đất đai để buôn bán, đổi chác…. Cũng có thể tách, nhập các đơn vị hành chính là ”sở trường” của các chính quyền cộng sản. Mở rộng thủ đô, tiếp thu một khối cư dân nông nghiệp nhiều hơn cả dân số nội thành, đòi hỏi bộ máy của chính quyền có năng lực, trong sạch , hiệu quả, trong khi các vấn đề cấp thiết của thành phố như xây dựng, giao thông đi lại, cấp thoát nước, vệ sinh , y tế giáo dục…đều đang bê bối, tệ nạn tham nhũng tràn lan. Hà Nội có lẽ là thủ đô hiếm hoi trên thế giới có diện tích canh tác nhiều hơn diện tích đường phố, dân làm nông nghiệp đông hơn dân thị thành.
Cây bị chặt trên một tuyến phố
Sự kiện chặt hàng ngàn cây xanh đang làm cho người dân Hà Nội và cả nước phẫn nộ. Có những phố, các hàng cây đang xanh tốt đã bị chặt hết, thay bằng các cây mới mà phải sau hàng chục năm mới cho bóng mát. Tất nhiên đây là một việc làm vi phạm lợi ích của người dân thành phố, nhưng tại sao người ta nó có thể tiến hành một cách công khai mà không gặp bất cứ một phản ứng nào của dân chúng, chỉ đến khi họ đốn hạ tất cả mấy trăm cây của một con phố mới có những ý kiến phản đối qua thư ngỏ. Thật dễ dàng tìm ra câu trả lời, người dân Hà nội đội quen cách sống cam chịu, chính quyền có thể làm bất cứ việc gì mà họ muốn. Ông phó ban tuyên huấn thành ủy đã nói thẳng ra rằng, chặt cây trên đường phố không cần hỏi dân. Ở những nước theo thể chế dân chủ, chính quyền chỉ được làm những việc gì mà người dân cho phép, chính quyền bị kiểm soát bởi các đảng đối lập, báo chí tự do và các tổ chức dân sự, họ sẵn sàng huy động người dân xuống đường để phản đối và ngăn cản những việc làm sai trái của chính quyền. Tôi còn nhớ, cách đây 8 năm, để xây dựng tuyến đường cao tốc ở phía nam Ba Lan, bộ giao thông đã cắm tuyến của con đường qua những khu rừng và thung lũng có nhiều sinh vật cổ rất giá trị, các tình nguyện viên của tổ chức Hòa Bình Xanh (Greepeace) của Ba Lan đã treo mình trên cây rừng cả ngày đêm để phản đối, chính quyền đã phải điều chỉnh tuyến đường, khu rừng cùng những thung lũng nguyên sinh đã được bảo vệ.
Sau sự kiện chặt cây tại Hà Nội, báo chí lề trái, lề phải thảo luận, ai là người chịu trách nhiệm chính. Tôi rất ngạc nhiên thấy không ý kiến nào nói đến trách nhiệm trực tiếp của ông Nguyễn Thế Thảo. Theo tôi, ông Nguyễn Thế Thảo là chủ tịch thành phố, lại là một kiến trúc sư , kế hoạch chặt 6.700 cây trên các đường phố Hà Nội là một việc ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và bộ mặt của thủ đô, phải được sự phê duyệt của ông, vì vậy ông là người phải chịu trách nhiệm trước hết. Nếu vụ việc đòi hỏi phải có người từ chức, ngưới đó phải là ông. Thật đáng xấu hổ, một kiến trúc sư lãnh đạo một thành phố, đã tàn sát cây xanh, phá hoại môi trường như thế.
Dư luận trong và ngoài nước còn đang bức xúc trong vụ chặt cây xanh của chính quyền Hà Nội do ông kiến trúc sư là chủ tịch, thì dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới sẽ được xây dựng tại Hà Nội được báo chí đưa tin. Đối với một nước nghèo như Việt Nam, đầu tư khoảng một tỷ đô la vào một công trình, đó phải là công trình được ưu tiên hàng đầu cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Ông Nguyễn Văn Nên , chủ nhiệm văn phòng chính phủ nói bừa rằng:”Chủ trương xây tháp truyền hình là phù hợp và nhiều người sẽ rất mừng khi Việt Nam sở hữu tháp truyền hình cao nhất thế giới”. Lẽ ra trước khi nói, ông nên để một tổ chức độc lập tiến hành thăm dò ý kiến của người dân thủ đô, để „nói có sách, mách có chứng”. Còn ông Nguyễn Thành Lương, phó giám đốc VTV, trưởng ban chuẩn bị dự án xây tháp truyền hình nói:”Tháp truyền hình Việt Nam có được xây dựng thì cũng hướng tới phục vụ mục đích kinh tế là chính, hơn là phục vụ mục đích thu phát sóng cho truyền hình vì truyền hình ngày nay phủ sóng vệ tinh hết rồi…Ý nghĩa của tháp truyền hình Việt Nam sẽ là giá trị biểu tượng phát triển kinh tế đất nước, thu hút du lịch…”. Chẳng lẽ kinh tế Việt Nam tụt hậu so với Singapore hơn 100 năm, Thái Lan hơn 90 năm, không những chúng ta tụt hậu so với thế giới mà ngay cả đối với các nước trong vùng, lại cần một biểu tượng là ngọn tháp truyền hình cao nhất thế giới? Với cơ sở hạ tầng như của Hà Nội, phố xá mất vệ sinh, giao thông đi lại lộn xộn thiếu an toàn, trời mưa là biến thành „Hà lội”, giá cả phục vụ du lịch tùy tiện lại cần một tháp truyền hình cao nhất thế giới để thu hút khách du lịch?
Phô trương, hình thức là đặc tính chung của các chế độ cộng sản, nó được nuôi dưỡng bởi các quan chức độc đoán và tham nhũng, có người gọi đó là bệnh „kiêu căng cộng sản”. Gần như tất cả các quan chức của các chế độ cộng sản đều mắc „chứng bệnh” này. Vì sao lại như vậy? Bởi vì chế độ cộng sản bưng bít sự thật, đàn áp những người đối lập, tạo ra được một nhân dân ngoan ngoãn như những đàn cừu. Những người cộng sản tự nhận mình là những người duy nhất có khả năng dẫn dắt nhân dân đến CNXH ấm no hạnh phúc, họ giữ chính quyền bằng công an và nhà tù.
Để chữa căn bệnh đã và đang hủy hoại xã hội nói trên, chỉ có liều thuốc hữu hiệu là thay thế chế độ độc tài bằng chế độ tự do dân chủ, các đảng phái chính trị được tự do hoạt động, người dân có quyền được lựa chọn các đảng cầm quyền thông qua bầu cử tự do. Những quốc gia giầu có, người dân được sống trong tự do, ấm no hạnh phúc đều theo thể chế tự do dân chủ, lẽ nào người dân Việt Nam cứ mãi phải sống dưới chế độ độc tài cộng sản.
Warsaw 02-04-2015
© Đinh Minh Đạo (Danlambao)
Đinh Minh Đạo
Sửa bởi người viết 05/04/2015 lúc 11:02:02(UTC)
| Lý do: Chưa rõ