VIDEO Tóm lược: Nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác ca khúc "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" nói về cuộc đời một người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đi khắp bốn vùng chiến thuật của miền Nam Việt Nam tham gia các trận dữ dội đánh quân cộng sản trong việc giữ gìn quê hương và bảo vệ dân lành. Với cách dùng chữ độc đáo và lối diễn tả hữu hiệu, Trúc Phương vẽ ra hình ảnh linh động của một chiến sĩ chấp nhận cuộc đời binh lính cô đơn cực khổ, nhưng có được tình thương yêu với đồng đội và dân địa phương. Nhạc sĩ Trúc Phương viết ca khúc "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" trong thập niên 1960. Không rõ Trúc Phương viết bài hát này vào năm nào, nhưng hầu như chắc chắn là trước hoặc vào năm 1970 vì năm đó các "vùng chiến thuật" (tactical zone) được đổi thành "quân khu" (military region, or MR), và sau hoặc vào năm 1964, vì vùng 4 chiến thuật mới được lập năm 1964. Bài hát nói về cuộc đời của một anh lính VNCH lê chân trên khắp bốn vùng chiến thuật trong miền Nam tham gia các trận đánh kinh hồn với giặc cộng. Với giai điệu chậm buồn, lời ca đơn giản nhưng có lối dùng chữ độc đáo, bài hát diễn tả tâm trạng anh lính hữu hiệu, nói lên sự hy sinh của anh phải sống nhọc nhằn cô đơn nơi chiến địa, và tình thương yêu đồng đội và dân chúng địa phương cho anh nỗi cảm xúc lai láng. Trong bài "24 Giờ Phép" (Cao-Đắc 2015), tôi đã trình bày vắn tắt tiểu sử nhạc sĩ Trúc Phương nên sẽ không nhắc lại nữa. Nguyên văn lời bài hát "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" như sau (Nhạc Việt trước 75). Tôi thường đi đó đây Bùn đen in dấu giày Lửa thù no đôi mắt Chân nghe lạ từng khu chiến thuật, áo đường xa không ấm gió phương xa, nghìn đêm vắng nhà. Mây mù che núi cao Rừng sương che lối vào Đồng ruộng mông mênh nước Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù Áo nhà binh thương lính lính thương quê Vì đời mà đi Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá Pleime gió mưa mùa Tây Ninh nắng nung người, mà trận địa thì loang máu tươi Đồng Tháp vắng bóng hồng, hỏi rằng tôi yêu ai? Ân tình theo gót chân, bọn đi xa đánh trận. Gặp gỡ trong cơn lốc Xưng tao gọi mày nghe quá gần. Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng, của vạn người thân. Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật." Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.A. Bốn vùng chiến thuật của miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960. Trước khi đi sâu vào chi tiết nội dung bài hát, ta nên có một chút khái niệm về bối cảnh địa lý của bài. Đó là chi tiết địa lý của bốn vùng chiến thuật. Theo Wikipedia (Wikipedia 2015a), về mặt quân sự, năm 1961, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thành lập các vùng chiến thuật, đến tháng 7, 1970 đổi tên là Quân khu. Lúc đầu có 3 vùng chiến thuật được đánh số 1, 2, 3, đến năm 1964 lập thêm vùng chiến thuật 4. Mỗi vùng chiến thuật do 1 quân đoàn phụ trách. Dưới vùng chiến thuật là các khu chiến thuật do 1 sư đoàn phụ trách. Bộ tư lệnh quân đoàn đồng thời là Bộ tư lệnh vùng chiến thuật (trừ quân đoàn 2), còn Bộ tư lệnh sư đoàn đồng thời là Bộ tư lệnh khu chiến thuật. Các vùng chiến thuật có địa giới như sau: Vùng 1 chiến thuật, Bộ chỉ huy ở Đà Nẵng, gồm 5 tỉnh: Khu 11 chiến thuật, gồm 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên; Khu 12 chiến thuật, gồm 2 tỉnh Quảng Tín, Quảng Ngãi; và Đặc khu Quảng Nam, gồm tỉnh Quảng Nam và thị xã Đà Nẵng. Vùng 2 chiến thuật, Bộ tư lệnh vùng 2 chiến thuật ở Nha Trang, nhưng Bộ tư lệnh quân đoàn 2 ở Pleiku (từ giữa tháng 3 năm 1975 phải chuyển vể Nha Trang), gồm 12 tỉnh: Khu 22 chiến thuật, gồm 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn; Khu 23 chiến thuật, gồm 7 tỉnh Darlac, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, Quảng Đức, Lâm Đồng, và thị xã Cam Ranh; và Biệt khu 24, gồm 2 tỉnh Kon Tum, Pleiku. Vùng 3 chiến thuật, Bộ chỉ huy ở Biên Hòa, gồm 10 tỉnh: Khu 31 chiến thuật, gồm 3 tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An; Khu 32 chiến thuật, gồm 3 tỉnh Phước Long, Bình Long, Bình Dương; và Khu 33 chiến thuật, gồm 4 tỉnh Bình Tuy, Phước Tuy, Long Khánh, Biên Hòa và thị xã Vũng Tàu. Vùng 4 chiến thuật, Bộ chỉ huy ở Cần Thơ, gồm 15 tỉnh: Khu chiến thuật Định Tường, gồm 4 tỉnh Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Kiến Hòa; Khu 41 chiến thuật, gồm 6 tỉnh Kiến Phong, Châu Đốc, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, An Giang, Kiên Giang; sau thêm Sa Đéc; và Khu 42 chiến thuật, gồm 5 tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên. Vào năm 1970, khi 4 vùng chiến thuật chuyển thành 4 Quân khu, chính phủ VNCH bỏ cấp khu chiến thuật và thay đổi chút đỉnh thành phần mỗi vùng. Quân khu 1 gồm ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng. Quân khu 2 với diện tích 78.841 km vuông, chiếm gần phân nửa lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa nhưng chỉ có gần 3 triệu dân sinh sống trong 12 tỉnh. Quân khu 3 có thêm tỉnh Gia Định và Biệt khu Thủ đô (do Quân khu Thủ đô đổi thành), tổng cộng 11 tỉnh. Quân khu 4 có 16 tỉnh. Sự khác biệt về giới hạn địa lý giữa Vùng Chiến Thuật và Quân Khu do đó không đáng kể.B. Ca khúc nói lên nỗi nhọc nhằn của anh lính qua các trận đánh dữ dội quanh bốn vùng chiến thuật. Với "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật," Trúc Phương kể chuyện anh lính VNCH đi khắp bốn vùng chiến thuật tại miền Nam đánh giặc cộng. Cuộc đời anh lính đơn giản và anh thi hành nhiệm vụ mình qua những trận đánh tàn khốc với những địa danh oai hùng ghi vào chiến sử. Trúc Phương mượn lời lẽ anh lính, có thể thuộc binh chủng Nhảy Dù, để cho thấy cuộc đời tiêu biểu của người lính VNCH phòng thủ quê hương, bảo vệ xóm làng, quên đi những nhọc nhằn khó khăn đối phó với rừng sâu nước độc, khí hậu cực độ, nỗi cô đơn xa gia đình. Với người lính VNCH đi đánh trận, họ chỉ có tình thương yêu đồng đội và người dân địa phương là nguồn sống trong những tháng năm nơi chiến tuyến. 1. Bài hát nói lên nỗi nhoc nhằn của người lính VNCH trong việc gìn giữ quê hương và bảo vệ dân chúng trong khắp bốn vùng chiến thuật: Anh lính thường phải đi đánh trận khắp nơi, vết giày anh hằn lên bùn, sình lầy ("Tôi thường đi đó đây/ Bùn đen in dấu giày"). Như sẽ trình bày sau, với câu "tôi thường đi đó đây," Trúc Phương thể hiện cách dùng chữ độc đáo vì nhóm chữ "đi đó đây" hàm ý các chuyến đi nhàn nhã. Điều này cho thấy anh lính đã phải đi khắp nơi ra chiến tuyến khá thường xuyên, và không còn là những chuyến đi căng thẳng. Tại mỗi nơi anh đến, tuy có những khu chiến thuật xa lạ, nhưng cảnh tượng chiến tranh đều như nhau, với khói lửa và quân thù nhìn đã quá quen thuộc ("Lửa thù no đôi mắt/ Chân nghe lạ từng khu chiến thuật"). Quân phục anh không đủ che ấm anh trong những đêm anh xa nhà nơi xa xôi ("áo đường xa không ấm gió phương xa, nghìn đêm vắng nhà"). Chi tiết "nghìn đêm vắng nhà" cho thấy nỗi chịu đựng của anh lính, xa nhà trong suốt ba năm. Trong cuộc chiến khốc liệt trong thập niên 1960, các đơn vị lưu động thường được điều động đến chiến trường. Sau đó, nghỉ ngơi không được bao lâu lại phải di chuyển tiếp tới vùng khói lửa khác. Có những khi được phép về thăm nhà thì ngày nghỉ không có bao nhiêu mà đường xá xa xôi không bõ thời gian đi lại, nên nhiều khi các chiến sĩ chỉ nghỉ xả hơi nơi đóng quân tạm, và do đó có những khoảng thời gian xa gia đình rất lâu. Vợ người lính VNCH thường phải hy sinh xa chồng lâu. Với chồng là lính tác chiến, người vợ thường xa chồng hai ba tháng. Khi chồng về phép chỉ được vài ngày hoặc một tuần rồi lại lên đường tiếp (Thôn 2013). Việc những người vợ lính xa chồng là chuyện thông thường, thí dụ như "người chiến binh Biệt Động, muốn trở về thăm nhà, sống vui vẻ với vợ, với con, mỗi năm một hai tuần là chuyện hiếm có" (Nguyễn Ngọc Châu). Ba năm vắng nhà quả là một thời gian dài, nhưng con số "nghìn đêm" không phải là bất thường. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng ghi nhận ngàn đêm xa nhà trong ca khúc "Tình Thư Của Lính" ("Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây"). Bốn vùng chiến thuật bao phủ toàn thể đất nước miền Nam với đủ loại ̣địa hình, từ vùng cao nguyên tới đồng bằng sông Cửu Long. Những nơi anh đến là rừng núi cheo leo, mây mù che phủ, hoặc đồng ruộng mênh mông ngập nước ("Mây mù che núi cao/ Rừng sương che lối vào/ Đồng ruộng mông mênh nước"). Hằng đêm anh nằm bên đường phòng thủ đơn vị, áo lính che ấm anh và anh thương quê hương, đi lính để bảo vệ quê nhà ("Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù/ Áo nhà binh thương lính lính thương quê/ Vì đời mà đi"). Bước chân anh đi khắp bốn vùng chiến thuật. Anh đã đánh trận khốc liệt ở Gio Linh trong vùng 1 chiến thuật khi xác giặc rữa làm phân cho xanh cây cối ("Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá"), trận Pleime trên vùng cao nguyên gió mùa trong vùng 2 chiến thuật ("Pleime gió mưa mùa"), trận Tây Ninh nơi nóng nung người trong vùng 3 chiến thuật ("Tây Ninh nắng nung người, mà trận địa thì loang máu tươi"), và trận trong vùng Đồng Tháp nơi ít bóng dáng những cô gái trong vùng 4 chiến thuật ("Đồng Tháp vắng bóng hồng, hỏi rằng tôi yêu ai"). Câu "đón thây giặc về làm phân xanh cây lá" là một câu độc đáo, nhất là vào thập niên 1960. Lúc bấy giờ, ít ai nghĩ đến xác người có thể được dùng làm phân bón cho cây cối. Tuy nhiên, việc dùng xác người làm phân bón không có gì lạ hiện nay. Một công ty Thụy Điển, Promessa Organic, phát triển cách chôn người có ích lợi cho môi trường. Thể thức phân tán này mất khoảng 6-12 tháng để biến một xác chết thành phân bón có nhiều chất dinh dưỡng (Nelson 2011). Tiến trình này như sau: xác chết được đông lạnh ở -18 độ C (0 độ F) và ngâm vào nitrogen lỏng. Sau đó, xác đông lạnh dễ tan này được đánh nhẹ bằng sóng âm thanh khiến nó trở thành bột trắng mịn. Bột đó được đi qua phòng chân không để hút sạch nước (sđd.). Bột đó có thể được đặt vào trong một hộp có thể tiêu hóa sinh (biodegradable) như bột ngô bắp và chôn vào một hố nông. Hợp chất đó sẽ tạo ra đất có chất dinh dưỡng cao và màu mỡ, hoàn hảo để trồng cây, cỏ hay vườn (sđd.). Phương thức dùng đông lạnh và ngâm trong nitrogen lỏng này có vẻ cầu kỳ vì mục đích là chôn người chết một cách sạch sẽ gọn gàng. Trên thực tế, xác người, như mọi động vật khác, có nhiều chất hữu cơ giúp cho đất đai màu mỡ. Trở về với bài hát, như sẽ được trình bày sau, anh lính rất có thể thuộc binh chủng Nhảy Dù. Với tinh thần huynh đệ chi binh, nhất là trong binh chủng Nhảy Dù thường phải đánh những trận ác liệt và phải di chuyển mau lẹ tới và rời chiến trường xa xôi, các chiến sĩ ND thường nặng ân tình với nhau ("Ân tình theo gót chân, bọn đi xa đánh trận"). Tuy gọi là nhảy dù, lính Nhảy Dù không còn nhảy dù ra khỏi phản lực cơ chuyên chở bay cao bắt đầu từ giữa thập niên 1960 mà thường được di chuyển qua trực thăng vận. Do đó, họ thường gặp nhau trong lúc trực thăng chuẩn bị cất cánh với các cánh quạt quay mạnh bốc cát mù mịt như trong cơn lốc ("Gặp gỡ trong cơn lốc"). Trong tình chiến hữu vào sinh ra tử, họ rất thân thiện với nhau, kể cả lối xưng hô "mày tao" ("Xưng tao gọi mày nghe quá gần"). Người lính trong "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" đi đánh trận trên khắp nơi, nhưng tới mỗi nơi, anh đều có, hoặc để lại, nỗi niềm lưu luyến bâng khuâng, vì chiến hữu cùng đánh trận với anh và đồng bào dân chúng mà anh bảo vệ đều là những người coi như là người thân thuộc ("Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng/ của vạn người thân"). Trúc Phương khéo léo trình bày lời anh lính một cách mộc mạc, không cầu kỳ màu mè, biểu lộ bản chất thật thà hiền lành của anh lính. Ta còn nhận ra một cái gì nhẫn nhục, đầy tự trọng khi anh lính nói đến cảnh gió sương, đêm lạnh cô đơn xa nhà, mà không trách móc thở than, chỉ buông ra lời đơn sơ, "lính thương quê, vì đời mà đi." Khi nhắc đến các trận đánh kinh hồn, anh lính chỉ mô tả một cách khách quan, không khoe khoang thành tích, không phách lối làm le, mà lại còn dường như tự chế giễu cảnh cô đơn của mình với câu, "hỏi rằng tôi yêu ai?" "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" là lời kể của một người chiến sĩ VNCH về cuộc đời quân ngũ của anh đi đánh trận khắp nơi chống quân xâm lăng và bảo vệ dân lành. Anh chấp nhận cuộc sống cực khổ, đi tới vùng xa xôi hiểm trở, núi cao, rừng sâu, gió lạnh về đêm, áo lính không đủ ấm, và xa nhà hàng tháng hàng năm. Anh vào sinh ra tử, tham gia những trận đánh khốc liệt đầy khói lửa, trên khắp bốn vùng chiến thuật. Nhưng anh không một lời thở than, vì đó là bổn phận của anh, bổn phận của người chiến sĩ thương yêu quê hương, ra đi để bảo vệ đất nước. Cuộc đời anh gắn bó với bạn đồng đội và những người dân nơi anh đến trong tình thương yêu thân thuộc. 2. Anh lính trong bài hát hầu như chắc chắn thuộc Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù qua các địa danh Gio Linh, Pleime, Tây Ninh, và Đồng Tháp: Câu hỏi ai cũng đặt ra khi nghe xong bài hát là có người lính VNCH nào thực sự đi khắp bốn vùng chiến thuật trong cuộc đời chiến binh của mình. Câu hỏi không phải chỉ là một câu hỏi tò mò, mà còn có tính cách tìm hiểu thêm về cuộc đời binh lính trong QLVNCH. Muốn biết câu trả lời, ta phải cố tìm ra gốc gác của anh lính trong bài hát. May thay, các chi tiết về địa danh và bốn vùng chiến thuật có thể giúp ta "điều tra" ra được tông tích anh lính. Tuy một nhạc sĩ không nhất thiết phải viết nhạc theo đúng sự thật, ít nhất ông cũng không đi xa quá sự thật. Ngoài ra, thông thường, một nhạc sĩ thường có cảm hứng viết nhạc dựa vào sự kiện hoặc nhân vật có thật. Không có gì khác thường nếu Trúc Phương có bạn đi đánh trận trên khắp bốn vùng chiến thuật, nghe những câu chuyện người bạn kể về những nơi anh đi qua hoặc các trận đánh, và có cảm xúc để viết bài "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật." Khán giả không cần phải biết rõ chi tiết về người lính, dù có thật hay không, để thưởng thức bài hát. Tuy nhiên, những chi tiết đặc thù sẽ giúp khán giả quý trọng hình ảnh miêu tả trong bài hát khi họ hiểu nhân vật trong bài hát không hoàn toàn là nhân vật tưởng tượng. Quan trọng hơn, những chi tiết đặc thù này có giá trị lịch sử và địa lý vì chúng ghi nhận những sự kiện thật xảy ra tại những địa điểm có thật trong cuộc chiến tranh chống cộng sản của miền Nam Việt Nam. Trước hết, bài hát có một đầu mối quan trọng chỉ mốc thời gian. Đó là danh từ "bốn vùng chiến thuật" (thay vì "bốn quân khu") cho biết các trận đánh hoặc địa danh xảy ra trước hoặc vào năm 1970 (khi "vùng chiến thuật" được đổi thành "quân khu") và sau hoặc vào năm 1964 (khi vùng 4 chiến thuật mới được thiết lập để hoàn thành bốn vùng chiến thuật). Một chi tiết quan trọng nữa là anh lính đi đánh trận trên khắp bốn vùng chiến thuật, cho thấy anh thuộc binh chủng Tổng trừ bị, lưu động. Các đơn vị bộ binh cũng có một phần lưu động nhưng rất giới hạn và thường trong vùng chiến thuật được phân công. Các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân thì luôn luôn hoạt động trong địa phương sinh sống của mình. Trong bài "Giã Từ Sài Gòn" (Cao-Đắc 2014), tôi đã thảo luận về các đơn vị lưu động, chính yếu gồm có Nhảy Dù (ND), Biệt Động Quân (BĐQ), và Thủy Quân Lục Chiến (TQLC). TQLC thường hoạt động quanh vùng sông ngòi, duyên hải, và các thành thị ven biển, nhưng cũng có đơn vị trú đóng vùng cao nguyên (thí dụ trận Đức Cơ gần Pleiku năm 1965) và tham gia các cuộc hành quân lớn qua Hạ Lào (Lam Sơn 719) và Kampuchea. BĐQ và ND là hai đơn vị lưu động khá nhiều để đáp ứng nhu cầu chiến tranh cho những trận cần đánh nhanh, mạnh, yểm trợ đơn vị bạn, và tại các địa điểm xa xôi, khó có liên lạc hậu cần. Ta hãy đi qua các địa danh Gio Linh, Pleime, Tây Ninh, và Đồng Tháp (đề cập đến trong bài hát) trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970 để điều tra anh lính thuộc binh chủng nào trong ba binh chủng ND, BĐQ, và TQLC. Thực ra, chỉ với địa danh Gio Linh, ta biết được ngay anh thuộc binh chủng Nhảy Dù, như cho biết ngay sau đây. Vào cuối năm 1967 cho tới 1969, Gio Linh là căn cứ quân sự đồn trú bởi Thủy Quân Lục Chiến (Marines) Hoa Kỳ và Trung đoàn 2, Sư đoàn 1 Bộ Binh VNCH (Wikipedia 2015a). Vào tháng 1, 1972, sư đoàn 3 BB VNCH lãnh trách nhiệm vùng bắc quốc lộ 9. Trong mùa hè đỏ lửa, Gio Linh rơi vào tay quân cộng sản Bắc Việt vào tháng 4, 1972 cho đến hết chiến tranh (Wikipedia 2015a). Trước năm 1970, trận đánh lớn quanh vùng Gio Linh xảy ra vào năm 1967 trong cuộc hành quân Lam Sơn 54 với sự tham gia của Trung đoàn 1/ Sư đoàn 1 BB và Chiến đoàn Nhảy Dù gồm có Tiểu đoàn 3, 5, 9 (Võ và Nguyễn 2010, 244-245). Không có trận đánh nào giữa BĐQ và TQLC xảy ra tại Gio Linh trước năm 1970. Do đó, ta có thể kết luận ngay anh lính thuộc binh chủng ND. Nhưng ta hãy xem tiếp ba địa danh còn lại để xem ND có tham gia các trận đó không, và để xác nhận chi tiết này có thể là do ngẫu nhiên hay không. Trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970, trận đánh lớn gần Pleime, tại thung lũng Ia-Drang, xảy ra vào tháng 10-11, 1965, với sự tham dự của Chiến đoàn đặc nhiệm Nhảy Dù (Tiểu đoàn 3, 5, 6, 7, 8) và Sư đoàn Hoa Kỳ Không Kỵ (1st Cavalry Division) (Võ và Nguyễn 2010, 199; Vương 2012). Ta cũng nên ghi nhận là Pleime sau này thuộc phạm vi hoạt động của Tiểu Đoàn 82 BĐQ. Trận đánh lớn khác ở Pleime xảy ra năm 1974 giữa Tiểu đoàn 82 BĐQ và quân cộng sản (Vương 2012). Trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970, trận đánh lớn quanh Tây Ninh, trận Gò Nổi, xảy ra vào tháng 5, 1969 giữa Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù và cộng quân (Võ và Nguyễn 2010, 309-314). Vùng Tây Ninh không hẳn là vùng nóng nhất trong miền Nam Việt Nam, nhưng vào những tháng đầu hè nhiệt độ có thể lên tới 37oC (98oF) và ánh nắng có thể gay gắt đến nung người. Trận đánh tại Xóm Cây Chỏ, Tây Ninh vào ngày 19-5-1969 xảy ra ác liệt giữa TĐ 3 ND và hai Trung đoàn 271 và 272 thuộc Công Trường 7 cộng sản Bắc Việt. Cuộc tấn công biển người của quân cộng sản quả thật đã khiến "trận địa thì loang máu tươi" với 161 xác giặc cộng bỏ tại chiến trường đổi lấy 3 chiến sĩ Dù hy sinh và 13 bị thương (Võ và Nguyễn, 314). Trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970, trận đánh lớn xảy ra quanh vùng Đồng Tháp là trận Hồng Ngự vào năm 1964. Trận này có sự tham gia của TĐ 1 và 8 ND (Võ và Nguyễn 2010, 157). Ta nên hiểu Đồng Tháp đây không phải là tên tỉnh mà là vùng Đồng Tháp Mười, bao gồm vùng cao và vùng trũng (Sơn 2014). Dưới thời VNCH, vùng Đồng Tháp có tỉnh Kiến Phong, Sa Đéc, Kiến Tường, Định Tường. Tỉnh Kiến Phong có các quận Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh (Tôn 2013). Sau năm 1975, Kiến Phong và Sa Đéc được xáp nhập thành tỉnh Đồng Tháp hiện nay. Qua những chi tiết trên về các đơn vị tham dự bốn trận Gio Linh, Pleime, Tây Ninh, và Đồng Tháp trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970, ta có thể suy diễn khá chính xác anh lính thuộc đơn vị nào. Trong ba binh chủng Tổng Trừ Bị lưu động (Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến), chỉ có Nhảy Dù tham gia cả bốn trận trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970. Đặc biệt, Tiểu đoàn (TĐ) 3 Nhảy Dù tham dự ba trận Gio Linh, Pleime, và Tây Ninh. Do đó, anh lính trong bài hát "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" hầu như chắc chắn là lính Nhảy Dù thuộc TĐ 3. Tuy TĐ 3 ND không tham gia trận Hồng Ngự, chuyện lính, nhất là sĩ quan chỉ huy, chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác không có gì là bất thường. Theo thứ tự thời gian thì các trận đánh được diễn ra như sau: Đồng Tháp (1964), Pleime (1965), Gio Linh (1967), và Tây Ninh (1969). Ta để ý là TĐ 3 tham gia trận Pleime, Gio Linh, và Tây Ninh liên tiếp. Do đó, cũng hợp lý mà giả sử rằng anh lính trước đó thuộc TĐ 1 hoặc 8 đánh trận Đồng Tháp năm 1964 rồi sau đó thuyên chuyển qua TĐ 3. Nhạc sĩ Trúc Phương có thể viết ca khúc "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" dựa vào một nhân vật giả tưởng, và ông dùng các địa danh một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên, xác suất cho sự lựa chọn ngẫu nhiên phù hợp với đơn vị ND, nhất là ba trận có sự tham dự của cùng TĐ 3, rất thấp. Ta có thể giả sử với sự chắc chắn khá cao rằng Trúc Phương viết bài hát dựa vào một nhân vật trong TĐ 3 ND. Ngoài ra, qua chi tiết trận Tây Ninh, ta cũng có thể phỏng đoán Trúc Phương viết bài hát này vào cuối năm 1969 hoặc đầu năm 1970. Chi tiết anh lính thuộc binh chủng ND giúp ta hình dung được người lính trong bài hát không hoàn toàn là nhân vật tưởng tượng và quả thật là có những người lính thực sự đi khắp nơi trên bốn vùng chiến thuật trong miền Nam để bảo vệ non sông và dân chúng. Ngoài ra, chi tiết này cũng giúp ta hiểu rõ thêm về các khía cạnh khác của bài hát như tình chiến hữu, cảnh gặp nhau trong cơn lốc, và nghìn đêm vắng nhà. Tóm lại, ca khúc "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" ghi nhận cảm nghĩ của một người lính VNCH đi đánh trận trên khắp miền quê hương miền Nam. Tuy anh lính trong bài hát dường như thuộc binh chủng Nhảy Dù, anh đại diện cho tất cả những người lính của QLVNCH tận tụy bảo vệ đất nước và đồng bào trong cảnh chiến tranh điêu tàn do sự xâm lăng tàn bạo cộng sản thúc đẩy bởi nhóm cầm quyền Bắc Việt. Bài hát có lời ca đơn giản, kể những kinh nghiệm anh lính trên bốn vùng chiến thuật nơi xảy ra những trận đánh khốc liệt với các địa danh, tình chiến hữu với bạn đồng đội, và người dân trong vùng.