logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 05/04/2015 lúc 11:07:29(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết

Tóm lược: Nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác ca khúc "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" nói về cuộc đời một người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đi khắp bốn vùng chiến thuật của miền Nam Việt Nam tham gia các trận dữ dội đánh quân cộng sản trong việc giữ gìn quê hương và bảo vệ dân lành. Với cách dùng chữ độc đáo và lối diễn tả hữu hiệu, Trúc Phương vẽ ra hình ảnh linh động của một chiến sĩ chấp nhận cuộc đời binh lính cô đơn cực khổ, nhưng có được tình thương yêu với đồng đội và dân địa phương.


Nhạc sĩ Trúc Phương viết ca khúc "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" trong thập niên 1960. Không rõ Trúc Phương viết bài hát này vào năm nào, nhưng hầu như chắc chắn là trước hoặc vào năm 1970 vì năm đó các "vùng chiến thuật" (tactical zone) được đổi thành "quân khu" (military region, or MR), và sau hoặc vào năm 1964, vì vùng 4 chiến thuật mới được lập năm 1964.


Bài hát nói về cuộc đời của một anh lính VNCH lê chân trên khắp bốn vùng chiến thuật trong miền Nam tham gia các trận đánh kinh hồn với giặc cộng. Với giai điệu chậm buồn, lời ca đơn giản nhưng có lối dùng chữ độc đáo, bài hát diễn tả tâm trạng anh lính hữu hiệu, nói lên sự hy sinh của anh phải sống nhọc nhằn cô đơn nơi chiến địa, và tình thương yêu đồng đội và dân chúng địa phương cho anh nỗi cảm xúc lai láng.


Trong bài "24 Giờ Phép" (Cao-Đắc 2015), tôi đã trình bày vắn tắt tiểu sử nhạc sĩ Trúc Phương nên sẽ không nhắc lại nữa.


Nguyên văn lời bài hát "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" như sau (Nhạc Việt trước 75).


Tôi thường đi đó đây
Bùn đen in dấu giày
Lửa thù no đôi mắt
Chân nghe lạ từng khu chiến thuật,
áo đường xa không ấm gió phương xa,
nghìn đêm vắng nhà.


Mây mù che núi cao
Rừng sương che lối vào
Đồng ruộng mông mênh nước
Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù
Áo nhà binh thương lính lính thương quê
Vì đời mà đi


Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá
Pleime gió mưa mùa
Tây Ninh nắng nung người, mà trận địa thì loang máu tươi
Đồng Tháp vắng bóng hồng, hỏi rằng tôi yêu ai?


Ân tình theo gót chân, bọn đi xa đánh trận.
Gặp gỡ trong cơn lốc
Xưng tao gọi mày nghe quá gần.
Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng,
của vạn người thân.


Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật." Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.


A. Bốn vùng chiến thuật của miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960.


Trước khi đi sâu vào chi tiết nội dung bài hát, ta nên có một chút khái niệm về bối cảnh địa lý của bài. Đó là chi tiết địa lý của bốn vùng chiến thuật.


Theo Wikipedia (Wikipedia 2015a), về mặt quân sự, năm 1961, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thành lập các vùng chiến thuật, đến tháng 7, 1970 đổi tên là Quân khu. Lúc đầu có 3 vùng chiến thuật được đánh số 1, 2, 3, đến năm 1964 lập thêm vùng chiến thuật 4. Mỗi vùng chiến thuật do 1 quân đoàn phụ trách. Dưới vùng chiến thuật là các khu chiến thuật do 1 sư đoàn phụ trách. Bộ tư lệnh quân đoàn đồng thời là Bộ tư lệnh vùng chiến thuật (trừ quân đoàn 2), còn Bộ tư lệnh sư đoàn đồng thời là Bộ tư lệnh khu chiến thuật. Các vùng chiến thuật có địa giới như sau:


Vùng 1 chiến thuật, Bộ chỉ huy ở Đà Nẵng, gồm 5 tỉnh: Khu 11 chiến thuật, gồm 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên; Khu 12 chiến thuật, gồm 2 tỉnh Quảng Tín, Quảng Ngãi; và Đặc khu Quảng Nam, gồm tỉnh Quảng Nam và thị xã Đà Nẵng.


Vùng 2 chiến thuật, Bộ tư lệnh vùng 2 chiến thuật ở Nha Trang, nhưng Bộ tư lệnh quân đoàn 2 ở Pleiku (từ giữa tháng 3 năm 1975 phải chuyển vể Nha Trang), gồm 12 tỉnh: Khu 22 chiến thuật, gồm 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn; Khu 23 chiến thuật, gồm 7 tỉnh Darlac, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, Quảng Đức, Lâm Đồng, và thị xã Cam Ranh; và Biệt khu 24, gồm 2 tỉnh Kon Tum, Pleiku.


Vùng 3 chiến thuật, Bộ chỉ huy ở Biên Hòa, gồm 10 tỉnh: Khu 31 chiến thuật, gồm 3 tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An; Khu 32 chiến thuật, gồm 3 tỉnh Phước Long, Bình Long, Bình Dương; và Khu 33 chiến thuật, gồm 4 tỉnh Bình Tuy, Phước Tuy, Long Khánh, Biên Hòa và thị xã Vũng Tàu.


Vùng 4 chiến thuật, Bộ chỉ huy ở Cần Thơ, gồm 15 tỉnh: Khu chiến thuật Định Tường, gồm 4 tỉnh Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Kiến Hòa; Khu 41 chiến thuật, gồm 6 tỉnh Kiến Phong, Châu Đốc, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, An Giang, Kiên Giang; sau thêm Sa Đéc; và Khu 42 chiến thuật, gồm 5 tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên.


Vào năm 1970, khi 4 vùng chiến thuật chuyển thành 4 Quân khu, chính phủ VNCH bỏ cấp khu chiến thuật và thay đổi chút đỉnh thành phần mỗi vùng. Quân khu 1 gồm ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng. Quân khu 2 với diện tích 78.841 km vuông, chiếm gần phân nửa lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa nhưng chỉ có gần 3 triệu dân sinh sống trong 12 tỉnh. Quân khu 3 có thêm tỉnh Gia Định và Biệt khu Thủ đô (do Quân khu Thủ đô đổi thành), tổng cộng 11 tỉnh. Quân khu 4 có 16 tỉnh. Sự khác biệt về giới hạn địa lý giữa Vùng Chiến Thuật và Quân Khu do đó không đáng kể.

B. Ca khúc nói lên nỗi nhọc nhằn của anh lính qua các trận đánh dữ dội quanh bốn vùng chiến thuật.


Với "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật," Trúc Phương kể chuyện anh lính VNCH đi khắp bốn vùng chiến thuật tại miền Nam đánh giặc cộng. Cuộc đời anh lính đơn giản và anh thi hành nhiệm vụ mình qua những trận đánh tàn khốc với những địa danh oai hùng ghi vào chiến sử. Trúc Phương mượn lời lẽ anh lính, có thể thuộc binh chủng Nhảy Dù, để cho thấy cuộc đời tiêu biểu của người lính VNCH phòng thủ quê hương, bảo vệ xóm làng, quên đi những nhọc nhằn khó khăn đối phó với rừng sâu nước độc, khí hậu cực độ, nỗi cô đơn xa gia đình. Với người lính VNCH đi đánh trận, họ chỉ có tình thương yêu đồng đội và người dân địa phương là nguồn sống trong những tháng năm nơi chiến tuyến.


1. Bài hát nói lên nỗi nhoc nhằn của người lính VNCH trong việc gìn giữ quê hương và bảo vệ dân chúng trong khắp bốn vùng chiến thuật:


Anh lính thường phải đi đánh trận khắp nơi, vết giày anh hằn lên bùn, sình lầy ("Tôi thường đi đó đây/ Bùn đen in dấu giày"). Như sẽ trình bày sau, với câu "tôi thường đi đó đây," Trúc Phương thể hiện cách dùng chữ độc đáo vì nhóm chữ "đi đó đây" hàm ý các chuyến đi nhàn nhã. Điều này cho thấy anh lính đã phải đi khắp nơi ra chiến tuyến khá thường xuyên, và không còn là những chuyến đi căng thẳng. Tại mỗi nơi anh đến, tuy có những khu chiến thuật xa lạ, nhưng cảnh tượng chiến tranh đều như nhau, với khói lửa và quân thù nhìn đã quá quen thuộc ("Lửa thù no đôi mắt/ Chân nghe lạ từng khu chiến thuật").


Quân phục anh không đủ che ấm anh trong những đêm anh xa nhà nơi xa xôi ("áo đường xa không ấm gió phương xa, nghìn đêm vắng nhà"). Chi tiết "nghìn đêm vắng nhà" cho thấy nỗi chịu đựng của anh lính, xa nhà trong suốt ba năm. Trong cuộc chiến khốc liệt trong thập niên 1960, các đơn vị lưu động thường được điều động đến chiến trường. Sau đó, nghỉ ngơi không được bao lâu lại phải di chuyển tiếp tới vùng khói lửa khác. Có những khi được phép về thăm nhà thì ngày nghỉ không có bao nhiêu mà đường xá xa xôi không bõ thời gian đi lại, nên nhiều khi các chiến sĩ chỉ nghỉ xả hơi nơi đóng quân tạm, và do đó có những khoảng thời gian xa gia đình rất lâu. Vợ người lính VNCH thường phải hy sinh xa chồng lâu. Với chồng là lính tác chiến, người vợ thường xa chồng hai ba tháng. Khi chồng về phép chỉ được vài ngày hoặc một tuần rồi lại lên đường tiếp (Thôn 2013). Việc những người vợ lính xa chồng là chuyện thông thường, thí dụ như "người chiến binh Biệt Động, muốn trở về thăm nhà, sống vui vẻ với vợ, với con, mỗi năm một hai tuần là chuyện hiếm có" (Nguyễn Ngọc Châu). Ba năm vắng nhà quả là một thời gian dài, nhưng con số "nghìn đêm" không phải là bất thường. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng ghi nhận ngàn đêm xa nhà trong ca khúc "Tình Thư Của Lính" ("Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây").


Bốn vùng chiến thuật bao phủ toàn thể đất nước miền Nam với đủ loại ̣địa hình, từ vùng cao nguyên tới đồng bằng sông Cửu Long. Những nơi anh đến là rừng núi cheo leo, mây mù che phủ, hoặc đồng ruộng mênh mông ngập nước ("Mây mù che núi cao/ Rừng sương che lối vào/ Đồng ruộng mông mênh nước"). Hằng đêm anh nằm bên đường phòng thủ đơn vị, áo lính che ấm anh và anh thương quê hương, đi lính để bảo vệ quê nhà ("Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù/ Áo nhà binh thương lính lính thương quê/ Vì đời mà đi").


Bước chân anh đi khắp bốn vùng chiến thuật. Anh đã đánh trận khốc liệt ở Gio Linh trong vùng 1 chiến thuật khi xác giặc rữa làm phân cho xanh cây cối ("Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá"), trận Pleime trên vùng cao nguyên gió mùa trong vùng 2 chiến thuật ("Pleime gió mưa mùa"), trận Tây Ninh nơi nóng nung người trong vùng 3 chiến thuật ("Tây Ninh nắng nung người, mà trận địa thì loang máu tươi"), và trận trong vùng Đồng Tháp nơi ít bóng dáng những cô gái trong vùng 4 chiến thuật ("Đồng Tháp vắng bóng hồng, hỏi rằng tôi yêu ai").


Câu "đón thây giặc về làm phân xanh cây lá" là một câu độc đáo, nhất là vào thập niên 1960. Lúc bấy giờ, ít ai nghĩ đến xác người có thể được dùng làm phân bón cho cây cối. Tuy nhiên, việc dùng xác người làm phân bón không có gì lạ hiện nay. Một công ty Thụy Điển, Promessa Organic, phát triển cách chôn người có ích lợi cho môi trường. Thể thức phân tán này mất khoảng 6-12 tháng để biến một xác chết thành phân bón có nhiều chất dinh dưỡng (Nelson 2011). Tiến trình này như sau: xác chết được đông lạnh ở -18 độ C (0 độ F) và ngâm vào nitrogen lỏng. Sau đó, xác đông lạnh dễ tan này được đánh nhẹ bằng sóng âm thanh khiến nó trở thành bột trắng mịn. Bột đó được đi qua phòng chân không để hút sạch nước (sđd.). Bột đó có thể được đặt vào trong một hộp có thể tiêu hóa sinh (biodegradable) như bột ngô bắp và chôn vào một hố nông. Hợp chất đó sẽ tạo ra đất có chất dinh dưỡng cao và màu mỡ, hoàn hảo để trồng cây, cỏ hay vườn (sđd.). Phương thức dùng đông lạnh và ngâm trong nitrogen lỏng này có vẻ cầu kỳ vì mục đích là chôn người chết một cách sạch sẽ gọn gàng. Trên thực tế, xác người, như mọi động vật khác, có nhiều chất hữu cơ giúp cho đất đai màu mỡ.


Trở về với bài hát, như sẽ được trình bày sau, anh lính rất có thể thuộc binh chủng Nhảy Dù. Với tinh thần huynh đệ chi binh, nhất là trong binh chủng Nhảy Dù thường phải đánh những trận ác liệt và phải di chuyển mau lẹ tới và rời chiến trường xa xôi, các chiến sĩ ND thường nặng ân tình với nhau ("Ân tình theo gót chân, bọn đi xa đánh trận").


Tuy gọi là nhảy dù, lính Nhảy Dù không còn nhảy dù ra khỏi phản lực cơ chuyên chở bay cao bắt đầu từ giữa thập niên 1960 mà thường được di chuyển qua trực thăng vận. Do đó, họ thường gặp nhau trong lúc trực thăng chuẩn bị cất cánh với các cánh quạt quay mạnh bốc cát mù mịt như trong cơn lốc ("Gặp gỡ trong cơn lốc"). Trong tình chiến hữu vào sinh ra tử, họ rất thân thiện với nhau, kể cả lối xưng hô "mày tao" ("Xưng tao gọi mày nghe quá gần").


Người lính trong "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" đi đánh trận trên khắp nơi, nhưng tới mỗi nơi, anh đều có, hoặc để lại, nỗi niềm lưu luyến bâng khuâng, vì chiến hữu cùng đánh trận với anh và đồng bào dân chúng mà anh bảo vệ đều là những người coi như là người thân thuộc ("Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng/ của vạn người thân").


Trúc Phương khéo léo trình bày lời anh lính một cách mộc mạc, không cầu kỳ màu mè, biểu lộ bản chất thật thà hiền lành của anh lính. Ta còn nhận ra một cái gì nhẫn nhục, đầy tự trọng khi anh lính nói đến cảnh gió sương, đêm lạnh cô đơn xa nhà, mà không trách móc thở than, chỉ buông ra lời đơn sơ, "lính thương quê, vì đời mà đi." Khi nhắc đến các trận đánh kinh hồn, anh lính chỉ mô tả một cách khách quan, không khoe khoang thành tích, không phách lối làm le, mà lại còn dường như tự chế giễu cảnh cô đơn của mình với câu, "hỏi rằng tôi yêu ai?"


"Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" là lời kể của một người chiến sĩ VNCH về cuộc đời quân ngũ của anh đi đánh trận khắp nơi chống quân xâm lăng và bảo vệ dân lành. Anh chấp nhận cuộc sống cực khổ, đi tới vùng xa xôi hiểm trở, núi cao, rừng sâu, gió lạnh về đêm, áo lính không đủ ấm, và xa nhà hàng tháng hàng năm. Anh vào sinh ra tử, tham gia những trận đánh khốc liệt đầy khói lửa, trên khắp bốn vùng chiến thuật. Nhưng anh không một lời thở than, vì đó là bổn phận của anh, bổn phận của người chiến sĩ thương yêu quê hương, ra đi để bảo vệ đất nước. Cuộc đời anh gắn bó với bạn đồng đội và những người dân nơi anh đến trong tình thương yêu thân thuộc.


2. Anh lính trong bài hát hầu như chắc chắn thuộc Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù qua các địa danh Gio Linh, Pleime, Tây Ninh, và Đồng Tháp:


Câu hỏi ai cũng đặt ra khi nghe xong bài hát là có người lính VNCH nào thực sự đi khắp bốn vùng chiến thuật trong cuộc đời chiến binh của mình. Câu hỏi không phải chỉ là một câu hỏi tò mò, mà còn có tính cách tìm hiểu thêm về cuộc đời binh lính trong QLVNCH. Muốn biết câu trả lời, ta phải cố tìm ra gốc gác của anh lính trong bài hát. May thay, các chi tiết về địa danh và bốn vùng chiến thuật có thể giúp ta "điều tra" ra được tông tích anh lính. Tuy một nhạc sĩ không nhất thiết phải viết nhạc theo đúng sự thật, ít nhất ông cũng không đi xa quá sự thật. Ngoài ra, thông thường, một nhạc sĩ thường có cảm hứng viết nhạc dựa vào sự kiện hoặc nhân vật có thật. Không có gì khác thường nếu Trúc Phương có bạn đi đánh trận trên khắp bốn vùng chiến thuật, nghe những câu chuyện người bạn kể về những nơi anh đi qua hoặc các trận đánh, và có cảm xúc để viết bài "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật."


Khán giả không cần phải biết rõ chi tiết về người lính, dù có thật hay không, để thưởng thức bài hát. Tuy nhiên, những chi tiết đặc thù sẽ giúp khán giả quý trọng hình ảnh miêu tả trong bài hát khi họ hiểu nhân vật trong bài hát không hoàn toàn là nhân vật tưởng tượng. Quan trọng hơn, những chi tiết đặc thù này có giá trị lịch sử và địa lý vì chúng ghi nhận những sự kiện thật xảy ra tại những địa điểm có thật trong cuộc chiến tranh chống cộng sản của miền Nam Việt Nam.


Trước hết, bài hát có một đầu mối quan trọng chỉ mốc thời gian. Đó là danh từ "bốn vùng chiến thuật" (thay vì "bốn quân khu") cho biết các trận đánh hoặc địa danh xảy ra trước hoặc vào năm 1970 (khi "vùng chiến thuật" được đổi thành "quân khu") và sau hoặc vào năm 1964 (khi vùng 4 chiến thuật mới được thiết lập để hoàn thành bốn vùng chiến thuật). Một chi tiết quan trọng nữa là anh lính đi đánh trận trên khắp bốn vùng chiến thuật, cho thấy anh thuộc binh chủng Tổng trừ bị, lưu động. Các đơn vị bộ binh cũng có một phần lưu động nhưng rất giới hạn và thường trong vùng chiến thuật được phân công. Các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân thì luôn luôn hoạt động trong địa phương sinh sống của mình.


Trong bài "Giã Từ Sài Gòn" (Cao-Đắc 2014), tôi đã thảo luận về các đơn vị lưu động, chính yếu gồm có Nhảy Dù (ND), Biệt Động Quân (BĐQ), và Thủy Quân Lục Chiến (TQLC). TQLC thường hoạt động quanh vùng sông ngòi, duyên hải, và các thành thị ven biển, nhưng cũng có đơn vị trú đóng vùng cao nguyên (thí dụ trận Đức Cơ gần Pleiku năm 1965) và tham gia các cuộc hành quân lớn qua Hạ Lào (Lam Sơn 719) và Kampuchea. BĐQ và ND là hai đơn vị lưu động khá nhiều để đáp ứng nhu cầu chiến tranh cho những trận cần đánh nhanh, mạnh, yểm trợ đơn vị bạn, và tại các địa điểm xa xôi, khó có liên lạc hậu cần.


Ta hãy đi qua các địa danh Gio Linh, Pleime, Tây Ninh, và Đồng Tháp (đề cập đến trong bài hát) trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970 để điều tra anh lính thuộc binh chủng nào trong ba binh chủng ND, BĐQ, và TQLC. Thực ra, chỉ với địa danh Gio Linh, ta biết được ngay anh thuộc binh chủng Nhảy Dù, như cho biết ngay sau đây.


Vào cuối năm 1967 cho tới 1969, Gio Linh là căn cứ quân sự đồn trú bởi Thủy Quân Lục Chiến (Marines) Hoa Kỳ và Trung đoàn 2, Sư đoàn 1 Bộ Binh VNCH (Wikipedia 2015a). Vào tháng 1, 1972, sư đoàn 3 BB VNCH lãnh trách nhiệm vùng bắc quốc lộ 9. Trong mùa hè đỏ lửa, Gio Linh rơi vào tay quân cộng sản Bắc Việt vào tháng 4, 1972 cho đến hết chiến tranh (Wikipedia 2015a). Trước năm 1970, trận đánh lớn quanh vùng Gio Linh xảy ra vào năm 1967 trong cuộc hành quân Lam Sơn 54 với sự tham gia của Trung đoàn 1/ Sư đoàn 1 BB và Chiến đoàn Nhảy Dù gồm có Tiểu đoàn 3, 5, 9 (Võ và Nguyễn 2010, 244-245). Không có trận đánh nào giữa BĐQ và TQLC xảy ra tại Gio Linh trước năm 1970. Do đó, ta có thể kết luận ngay anh lính thuộc binh chủng ND. Nhưng ta hãy xem tiếp ba địa danh còn lại để xem ND có tham gia các trận đó không, và để xác nhận chi tiết này có thể là do ngẫu nhiên hay không.


Trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970, trận đánh lớn gần Pleime, tại thung lũng Ia-Drang, xảy ra vào tháng 10-11, 1965, với sự tham dự của Chiến đoàn đặc nhiệm Nhảy Dù (Tiểu đoàn 3, 5, 6, 7, 8) và Sư đoàn Hoa Kỳ Không Kỵ (1st Cavalry Division) (Võ và Nguyễn 2010, 199; Vương 2012). Ta cũng nên ghi nhận là Pleime sau này thuộc phạm vi hoạt động của Tiểu Đoàn 82 BĐQ. Trận đánh lớn khác ở Pleime xảy ra năm 1974 giữa Tiểu đoàn 82 BĐQ và quân cộng sản (Vương 2012).


Trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970, trận đánh lớn quanh Tây Ninh, trận Gò Nổi, xảy ra vào tháng 5, 1969 giữa Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù và cộng quân (Võ và Nguyễn 2010, 309-314). Vùng Tây Ninh không hẳn là vùng nóng nhất trong miền Nam Việt Nam, nhưng vào những tháng đầu hè nhiệt độ có thể lên tới 37oC (98oF) và ánh nắng có thể gay gắt đến nung người. Trận đánh tại Xóm Cây Chỏ, Tây Ninh vào ngày 19-5-1969 xảy ra ác liệt giữa TĐ 3 ND và hai Trung đoàn 271 và 272 thuộc Công Trường 7 cộng sản Bắc Việt. Cuộc tấn công biển người của quân cộng sản quả thật đã khiến "trận địa thì loang máu tươi" với 161 xác giặc cộng bỏ tại chiến trường đổi lấy 3 chiến sĩ Dù hy sinh và 13 bị thương (Võ và Nguyễn, 314).


Trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970, trận đánh lớn xảy ra quanh vùng Đồng Tháp là trận Hồng Ngự vào năm 1964. Trận này có sự tham gia của TĐ 1 và 8 ND (Võ và Nguyễn 2010, 157). Ta nên hiểu Đồng Tháp đây không phải là tên tỉnh mà là vùng Đồng Tháp Mười, bao gồm vùng cao và vùng trũng (Sơn 2014). Dưới thời VNCH, vùng Đồng Tháp có tỉnh Kiến Phong, Sa Đéc, Kiến Tường, Định Tường. Tỉnh Kiến Phong có các quận Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh (Tôn 2013). Sau năm 1975, Kiến Phong và Sa Đéc được xáp nhập thành tỉnh Đồng Tháp hiện nay.


Qua những chi tiết trên về các đơn vị tham dự bốn trận Gio Linh, Pleime, Tây Ninh, và Đồng Tháp trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970, ta có thể suy diễn khá chính xác anh lính thuộc đơn vị nào. Trong ba binh chủng Tổng Trừ Bị lưu động (Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến), chỉ có Nhảy Dù tham gia cả bốn trận trong khoảng thời gian từ 1964 tới 1970. Đặc biệt, Tiểu đoàn (TĐ) 3 Nhảy Dù tham dự ba trận Gio Linh, Pleime, và Tây Ninh. Do đó, anh lính trong bài hát "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" hầu như chắc chắn là lính Nhảy Dù thuộc TĐ 3. Tuy TĐ 3 ND không tham gia trận Hồng Ngự, chuyện lính, nhất là sĩ quan chỉ huy, chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác không có gì là bất thường. Theo thứ tự thời gian thì các trận đánh được diễn ra như sau: Đồng Tháp (1964), Pleime (1965), Gio Linh (1967), và Tây Ninh (1969). Ta để ý là TĐ 3 tham gia trận Pleime, Gio Linh, và Tây Ninh liên tiếp. Do đó, cũng hợp lý mà giả sử rằng anh lính trước đó thuộc TĐ 1 hoặc 8 đánh trận Đồng Tháp năm 1964 rồi sau đó thuyên chuyển qua TĐ 3.


Nhạc sĩ Trúc Phương có thể viết ca khúc "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" dựa vào một nhân vật giả tưởng, và ông dùng các địa danh một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên, xác suất cho sự lựa chọn ngẫu nhiên phù hợp với đơn vị ND, nhất là ba trận có sự tham dự của cùng TĐ 3, rất thấp. Ta có thể giả sử với sự chắc chắn khá cao rằng Trúc Phương viết bài hát dựa vào một nhân vật trong TĐ 3 ND. Ngoài ra, qua chi tiết trận Tây Ninh, ta cũng có thể phỏng đoán Trúc Phương viết bài hát này vào cuối năm 1969 hoặc đầu năm 1970.


Chi tiết anh lính thuộc binh chủng ND giúp ta hình dung được người lính trong bài hát không hoàn toàn là nhân vật tưởng tượng và quả thật là có những người lính thực sự đi khắp nơi trên bốn vùng chiến thuật trong miền Nam để bảo vệ non sông và dân chúng. Ngoài ra, chi tiết này cũng giúp ta hiểu rõ thêm về các khía cạnh khác của bài hát như tình chiến hữu, cảnh gặp nhau trong cơn lốc, và nghìn đêm vắng nhà.


Tóm lại, ca khúc "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" ghi nhận cảm nghĩ của một người lính VNCH đi đánh trận trên khắp miền quê hương miền Nam. Tuy anh lính trong bài hát dường như thuộc binh chủng Nhảy Dù, anh đại diện cho tất cả những người lính của QLVNCH tận tụy bảo vệ đất nước và đồng bào trong cảnh chiến tranh điêu tàn do sự xâm lăng tàn bạo cộng sản thúc đẩy bởi nhóm cầm quyền Bắc Việt. Bài hát có lời ca đơn giản, kể những kinh nghiệm anh lính trên bốn vùng chiến thuật nơi xảy ra những trận đánh khốc liệt với các địa danh, tình chiến hữu với bạn đồng đội, và người dân trong vùng.
xuong  
#2 Đã gửi : 05/04/2015 lúc 11:08:45(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
C. Bài hát có lối dùng chữ độc đáo và kỹ thuật diễn tả lôi cuốn biểu hiện nỗi nhọc nhằn của người lính VNCH:

Trong bài "24 Giờ Phép" (Cao-Đắc 2015), tôi đã trình bày tài năng dùng chữ độc đáo của Trúc Phương. Do đó, trong bài này tôi sẽ không nhắc lại những khía cạnh đó mà chỉ vạch ra những câu trong bài hát cho thấy cách dùng chữ độc đáo này.


1. Những nhóm chữ độc đáo gây chú ý và tạo ấn tượng mạnh trên khán giả:


So với các ca khúc khác của ông, có lẽ "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" có khá nhiều chữ dùng độc đáo và với cường độ mạnh.


Có hai loại dùng chữ độc đáo: hình thức và nội dung. Loại độc đáo hình thức dùng từ ngữ khác thường để diễn tả một ý bình thường. Thí dụ, "giấc ngủ cô đơn" như thảo luận trong bài "24 Giờ Phép," "cỏ suy tư," "một nửa ba năm." Loại độc đáo hình thức thường có tác dụng mạnh và nhanh trên khán giả, nhưng không có ấn tượng sâu xa, lâu dài. Loại độc đáo nội dung dùng từ ngữ bình thường để diễn tả một ý khác thường. Thí dụ, "tôi thường đi đó đây" như thảo luận sau đây. Loại độc đáo nội dung thường tạo ấn tượng sâu đậm lâu dài trên khán giả nhưng nhiều khi khán giả không để ý và có thể không nhận ra.


Câu "Tôi thường đi đó đây" có lối diễn tả khác thường cho người lính đi đánh trận. Nhóm chữ "đi đó đây" dùng từ ngữ bình thường dễ hiểu, có vẻ nói đến một chuyến đi du lịch, thăm viếng, ngắm cảnh, và thường không có chủ đích rõ rệt. Khi nhóm chữ này dùng trong bối cảnh người lính đi đánh trận, nó diễn tả một ý tưởng thật sâu sắc. Ý nghĩa của nhóm chữ này gợi ra hình ảnh thưởng thức và không chuẩn bị. Dưới bối cảnh chiến tranh, ý nghĩa của nó nổi bật lên vì nó cho thấy đối với anh lính nhảy dù, việc đi đánh trận lưu động nơi này nơi kia là chuyện bình thường. Anh đã quá quen với những trận đánh ác liệt và lúc nào cũng ở tình trạng sẵn sàng đi tới chiến tuyến mau lẹ. Anh không coi đó là chuyện khó nhọc mà dường như còn thưởng thức việc đó. Thưởng thức đây không hàm ý là anh thích bắn giết quân thù, nhưng anh muốn làm tròn bổn phận người lính giữ gìn quê hương và bảo vệ dân lành.


Câu "Lửa thù no đôi mắt" độc đáo về hình thức. Nhóm chữ "no đôi mắt" hàm ý nhìn/thấy thật nhiều, thật "đã" mắt, và thường ngụ ý thích thú, thỏa mãn ("no"), nhưng cũng có ý nhàm chán, ghê tởm (khi quá "no"). Trong câu này, "lửa thù" nói đến cảnh khói lửa, chiến tranh, súng ̣đạn nổ. Không ai thích thú nhìn những cảnh súng đạn chém giết nhau; do đó ta phải hiểu "no đôi mắt" hàm ý ghê tởm và chán ghét vì thấy quá nhiều cảnh binh đao khói lửa với quân thù.


Câu "Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá" rất độc đáo cả về hình thức lẫn nội dung như trình bày ở trên về ý tưởng xác người làm màu mỡ đất làm xanh cây cỏ. Chữ "đón" có nét độc đáo riêng và vẽ ra hình ảnh đám quân cộng sản lao đầu vào trận địa như những con thiêu thân lao vào chỗ chết. Khi đọc về trận Gio Linh ngày 18-5-1967, ta nhận ra chữ "đón" thật thích đáng. Cuộc hành quân Lam Sơn 54 là để đánh đuổi quân cộng sản đã lén lút xâm nhập vượt qua vùng phi quân sự bên sông Bến Hải. Các trung đoàn của Sư đoàn 341 và 325B của cộng sản Bắc Việt được Chiến đoàn 2 ND nghênh đón nhiệt liệt. Sau trận này, 342 xác cộng quân bỏ tại trận và 30 làm tù binh, đổi lại 22 chiến sĩ Dù hy sinh và 116 bị thương (Võ và Nguyễn 2010, 244-246). Quả thật Gio Linh đã đón thây giặc để làm phân bón cho cây cỏ xanh tươi.


Câu "Vì đời mà đi" là một câu độc đáo về nội dung ở cách dùng chữ "đời" là lý do cho việc đi đánh trận của anh lính. Trong tiếng Việt, chữ "đời" có hai nghĩa: cuộc đời và thiên hạ (người ta, dân chúng). Nét độc đáo trong câu này là chữ "đời" được dùng với nghĩa nào cũng được. Vì cuộc đời anh đưa đẩy, anh đến tuổi tòng quân và chiến tranh nên anh ra đi ngăn chận quân thù. Vì dân lành bị giặc giết hại, nhà cửa bị tàn phá nên anh ra đi để bảo vệ dân.


Ngoài những câu độc đáo trên, có nhiều câu, nhóm chữ, hoặc từ ngữ dùng rất hiệu quả trong việc tạo tác dụng cảm xúc trên khán giả. Chữ "bọn" trong "bọn đi xa đánh trận" nói lên mối liên hệ thân thiết bạn bè của chiến sĩ đồng đội. Câu "Xưng tao gọi mày nghe quá gần" không có gì khác thường, nhưng trong bối cảnh gặp nhau nơi chiến tuyến thể hiện tình đồng đội chí tình. Nhóm chữ "vạn người thân" nói lên tình thương yêu giữa dân và lính trong thời chinh chiến. Tuy họ là những người xa lạ, nhưng khi quân cộng sản tới, dân và quân VNCH luôn luôn coi nhau như người thân và đùm bọc bảo vệ lẫn nhau.


Tất cả những từ ngữ, nhóm chữ, và các câu độc đáo này đem sắc thái đặc sắc cho bài hát và tạo ấn tượng mạnh trên khán giả. Nhiều khi chỉ cần một câu hoặc nhóm chữ độc đáo cũng đủ làm cho bài hát trở thành bất hủ. Ta thấy những bài hát bất hủ của miền Nam trước 1975 có đặc tính này: chứa đựng một vài câu hoặc từ ngữ độc đáo, có ý nghĩa mạnh mẽ, khiến khán giả nhớ mãi. Thí dụ, "Hồn lỡ sa vào đôi mắt em" ("Về đâu mái tóc người thương"), "Ôi sạch nợ sông núi rồi" ("Một Mai Giã Từ Vũ Khí"), "Tóc liễu vờn gió ru buồn" ("Sương Trắng Miền Quê Ngoại"),"phải yêu thương núi rừng mới là người trai hiên ngang" ("Giã Từ Sài Gòn"), "Ôi sóng thiêng em về Trời" ("Tám Điệp Khúc"), "Bao hồn oan đó" ("Tám Nẻo Đường Thành"), "Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam" ("Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ"), "Nhiều lần chàng mộng liêu trai" ("Tình thiên thu"), "Phai tàn một thời liệt oanh" ("Tiếng Xưa"), "quân Nam về Thăng Long" ("Chuyến Đò Vĩ Tuyến"), "thương xé nát con tim" ("Căn Nhà Ngoại Ô"), "Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa" ("Ly Rượu Mừng"), "Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi" ("24 Giờ Phép"). Trong bài này, tôi nghĩ câu "Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá" là câu độc đáo nhất. Tuy câu đó không nói hết ý nghĩa của toàn bài, nhưng nó tạo một ấn tượng mạnh trên người nghe và khiến họ không thể nào quên được.


2. Cách diễn tả rõ rệt, chi tiết, và "cho thấy, đừng kể" mô tả cuộc đời lính chiến rất linh động và lôi cuốn:


Ngoài tài năng dùng chữ độc đáo, Trúc Phương có lối diễn tả điêu luyện, áp dụng triệt để kỹ thuật "cho thấy, đừng kể" tạo nên hình ảnh linh động và lôi cuốn khán giả. Ngay khúc mở đầu, câu "Bùn đen in dấu giày" vẽ ra hình ảnh rõ rệt với chi tiết người lính vác ba lô súng đạn nặng nề bước qua vũng bùn lầy trong lúc hành quân. Các câu "Mây mù che núi cao," "Rừng sương che lối vào," và "Đồng ruộng mông mênh nước" mô tả cảnh tượng rõ rệt những nơi anh lính đi qua trên khắp bốn vùng chiến thuật với hình ảnh khác nhau của núi cao nơi vùng cao nguyên, rừng sâu, và đồng ruộng mênh mông của vùng đồng bằng và trũng quanh sông Cửu Long.


Các địa danh còn được gắn bó với chi tiết về khí hậu thời tiết giúp khán giả cảm thấy gần gũi với cảnh tượng, như "gió mưa mùa" và "nắng nung người." Vài nét đặc thù tăng thêm thực trạng của vùng, như cảnh "chân nghe lạ," "gió phương xa," và "vắng bóng hồng" cho thấy nỗi cực khổ và cô đơn của anh lính. Như trong những bài nhạc khác, Trúc Phương dùng từ ngữ mạnh và tượng hình, như "lửa thù," "mây mù," "nằm đường," "nung người," "loang máu tươi," "cơn lốc," khiến hình ảnh trong bài hát trở nên sống động, lôi cuốn khán giả.


Câu chuyện kể trong ca khúc "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" không có gì đặc biệt, chỉ gổm những chi tiết đánh trận và địa danh. Nhưng cách diễn tả câu chuyện thật đặc sắc và tạo ấn tượng mạnh trên khán giả qua cách dùng chữ độc đáo và kỹ thuật mô tả hữu hiệu.


A. Kết Luận:


Ca khúc "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" kể cuộc đời của một người lính tiêu biểu cho những chiến sĩ trong QLVNCH phục vụ trên khắp bốn vùng chiến thuật trong miền Nam Việt Nam. Bài hát nói lên nỗi khó nhọc và cô đơn của người lính xa nhà phải đi đánh trận khắp nơi để bảo vệ quê hương và đồng bào. Với cách dùng chữ độc đáo và lối diễn tả hữu hiệu, Trúc Phương biến một câu chuyện bình thường thành một ca khúc bất hủ về cuộc đời chinh chiến.


Như hầu hết các ca khúc của miền Nam trước 1975, ca khúc "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" không có lời lẽ hận thù, kêu gọi chém giết quân thù, hoặc ca ngợi lãnh đạo, như những bài hát cộng sản cùng thời. Tính chất nhân bản của xã hội miền Nam trước 1975 được thể hiện qua lời kể lể chân tình của một người lính tác chiến về cuộc đời anh và về tình thương yêu đồng đội và dân chúng địa phương.


CẢM TẠ


Tôi xin có lời cảm tạ các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn Xe Hủ Lô và bạn bức xúc.

© 2015 Cao-Đắc Tuấn
_______________
Tài Liệu Tham Khảo:


1. Cao-Đắc Tuấn. 2014. "Giã Từ Sài Gòn". 27-11-2014.
http://danlambaovn.blogs...4/11/gia-tu-sai-gon.html (truy cập 4-4-2015).


2. _________. 2015. "24 Giờ Phép". 17-3-2015. http://danlambaovn.blogs...2015/03/24-gio-phep.html (truy cập 4-4-2015).


3. Nelson, Bryan. 2011. Green burial: How to turn a human body into compost. 8-3-2011. http://www.mnn.com/money...-human-body-into-compost (truy cập 1-4-2015).


4. Nguyễn Ngọc Châu. Không rõ ngày. Những người vợ Biệt Động Quân. Không rõ ngày. http://www.bietdongquan....chi/munau/so13/vobdq.htm (truy cập 4-4-2015).


5. Nhạc Việt trước 75. Không rõ ngày. Trên bốn vùng chiến thuật (Trúc Phương). http://amnhacmiennam.blo...n-thuat-truc-phuong.html (truy cập 4-4-2015).


6. Sơn Nam. 2014. Đồng Tháp Mười xa xưa. 12-8-2014. http://tanphuoc.tiengian...a--Nha-van-Son-Nam-.aspx (truy cập 3-4-2015).


7. Thôn Nữ Bàu Trai. 2013. Vợ Lính Thời Chinh Chiến… 22-6-2013. http://vnchtoday.blogspo...nh-thoi-chinh-chien.html (truy cập 4-4-2015).


7. Tôn Thất Trình. 2013. Tỉnh Đồng Tháp, nơi các thị trấn Sa Đéc và Cao Lảnh thay nhau làm tỉnh lỵ. 18-7-2013. http://khoahocnet.com/20...h-thay-nhau-lam-tinh-ly/ (truy cập 3-4-2015).


8. Võ Trung Tín và Nguyễn Hữu Viên. 2010. Binh Chủng Nhảy Dù - 20 Năm Chiến Sự. In tại Hương Quê, San José, California, U.S.A.


9. Vương Hồng Anh. 2012. Pleime: Trận Tử Chiến Của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân Biên Phòng. 15-3-2012. https://ongvove.wordpres...BB%99ng-quan-bien-phong/ (truy cập 3-4-2015).


10. Wikipedia. 2015a. Firebase Gio Linh. Thay đổi chót: 18-2-2015. http://en.wikipedia.org/wiki/Firebase_Gio_Linh (truy cập 1-4-2015).


11. _________. 2015b. Việt Nam Cộng hòa. Thay đổi chót: 16-3-2015. http://vi.wikipedia.org/...am_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a (truy cập 4-4-2015)

Sửa bởi người viết 05/04/2015 lúc 11:09:29(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.457 giây.