VRNs (10.04.2015) – Báo chí trong nước cho biết, chỉ trong một tuần từ ngày 2 đến ngày 8/4 đã có 2 trường hợp tử vong sau khi đến trụ sở công quyền ở Hà Nội và Hưng Yên.
Trong cùng thời điểm này, tại Phú Yên diễn ra phiên xét xử 5 công an ‘dùng nhục hình’ đánh chết nghi can Ngô Thanh Kiều.
Trường hợp thứ nhất do tờ Tuổi Trẻ đưa tin, bà Nguyễn Hồng Lương (62 tuổi, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) hôm 2/4 tử vong vì “sốc bỏng không hồi phục” sau khi đến trụ sở UBND phường Điện Biên hôm 1/4.
Gia đình cho rằng bà Lương bị sát hại, trong khi chủ tịch UBND phường Điện Biên cho rằng bà Lương gây hỏa hoạn tự thương.
Giấy chứng tử bà Nguyễn Hồng Lương. Ảnh Tuổi trẻ
Kết quả khám nghiệm sơ bộ đọc cho biết bà Lương bị gãy năm xương sườn, tay chân bầm tím, bỏng tay chân và nửa người trên, đỉnh đầu bị rạn, phù nề mặt. Giấy chứng tử của bà Lương ghi nguyên nhân chết là “sốc bỏng không hồi phục”.
Ông Trần Mạnh Quân, chủ tịch UBND phường Điện Biên được Tuổi Trẻ dẫn lời nói, bà Lương hôm 1/4 đến UBND đòi gặp chủ tịch nhưng không gặp được. Sau đó bà xin vào nhà vệ sinh và “dùng xăng đổ xuống nền nhà đốt”.
Ông Quân nói tiếp: “Khi được [cán bộ] đưa ra ngoài, bà Lương lại vùng chạy vào nhà vệ sinh và đập đầu vào bồn vệ sinh, đó là lý do vì sao có vết thương trên đầu”.
Trường hợp thứ hai do báo Pháp Luật đưa tin, bị can Nguyễn Đức Duân (33 tuổi, trú tại thôn Tân Tiến, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) tử vong tại nơi tạm giam là trụ sở công an huyện Khoái Châu vào trưa ngày 8/4.
Bị can này đang bị tạm giam khoảng một tháng nay vì liên quan đến vụ “cố ý gây thương tích” tại địa phương.
Gia đình anh Duân cho biết thi thể anh Duân có nhiều vết tím bất thường giống như bị đánh đập.
Trong khi đó, Đại tá Đỗ Ngọc Cự, Trưởng Công an huyện Khoái Châu nói Duân không có bất cứ biểu hiện nào bất thường trong thời gian tạm giam.
Ông Cự khẳng định “không có sự đánh đập, tra tấn đối với Duân” và cho biết, Dân tử vong hôm 8/4 khi đang trên đường được cán bố đưa đến trung tâm y tế, sau khi ăn cơm.
Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Khoái Châu, Hưng Yên cho biết, nạn nhân được xác định đã tử vong trước khi đưa đến bệnh viện.
Cả hai vụ việc trên đang được điều tra làm rõ.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, “tại sao thời gian gần đây dân chúng lại hay vào cơ quan công quyền tự tử là sao? Có phải vào cơ quan công quyền vì tình thương mến thương?”
Trung tướng Trần Trọng Lượng thuộc Bộ Công an hôm 19/3 vừa qua cho biết, trong 3 năm từ 2011 đến 2014, đã có 226 phạm nhân chết tại nơi tạm giữ, trại tạm giam; nguyên nhân chủ yếu do bị bệnh, tự sát.=
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cùng ngày cho biết, số người tử vong trong nhà tạm giữ, trại tạm giam gia tăng nhiều hơn trước. Tuy nhiên, ông nghi ngờ về ‘nguyên nhân chủ yếu được cho là do bị ốm.’
Pv.VRNs tổng hợp