30/4, nhiều chuyện còn nhớ, nhưng một chuyện tôi không quên….
Tính đến năm nay 2015 là vừa tròn 40 năm vì cột mốc lịch sử xảy ra bắt đầu từ ngày 30/4/75. Ngược dòng thời gian, trôi vào quá khứ, câu chuyện tuy xa xưa nhưng mà không một người Việt Nam nào có thể quên. Không nhắc thì thôi, mà mỗi lần có điều gì gợi nhớ lại, lòng tôi không khỏi bâng khuâng, tôi vẫn tưởng câu chuyện mới xảy ra hôm nào…
Ngày 30/4/75, sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì đất nước Việt Nam đã trải qua những biến đổi kinh hoàng.
Ngày 30/4/75 là ngày định mệnh của dân tộc và đau thương của đất nước, là ngày uất hận của người Việt tự do. Cộng Sản miền Bắc thôn tính được miền Nam Việt Nam và chỉ một thời gian ngắn, đã làm cho toàn quốc đói rách và sa đọa hơn bao giờ hết.
Sự thất bại của cả nước, sự sụp đổ của cả chế độ đã kéo theo sự ly tán của mọi gia đình vô phương cứu chữa. Đó là những tháng ngày u ám. Bầu trời đất nước trong tâm khảm mọi người, bao trùm một màu đen tối, khi mà vợ phải buộc xa chồng, cha mẹ ứa lệ phải xa con, anh em tan tác, song thân qua đời không thấy mặt… có nỗi niềm thống khổ, tang thương nào dưới thế gian, trong cuộc đời vượt qua những điều kể trên mà dân Việt chúng ta phải chịu đòn thù hiểm độc của kẻ thù? Những lúc đó, nào mấy ai biết trước được dã tâm của bạo quyền Cộng Sản mới có cảnh…
Sau khi chiếm và vơ vét tài sản của Chính Phủ VNCH và của nhân dân, thì Cộng Sản miền Bắc tính đến chuyện khủng bố tinh thần và hành hạ người dân miền Nam.
Tại thủ đô Saigon, hàng trăm ngàn viên chức và quân nhân làm dưới chế độ cũ, bắt đầu bị gọi trình diện học tập cải tạo vào tháng 5 và tháng 6/75. Địa điểm tâp trung tại các trường trung học Saigon.
Thông cáo của Ủy ban Quân quản VC là phải mang theo tiền ăn, 30 ngày cho sĩ quan cấp Tá và 10 ngày cho cấp Úy, nhưng đây chỉ là cách nói lường gạt để cho mọi người tưởng rằng đóng tiền học tập trong thời gian trên là được trở về nhà.
Tôi và một số sĩ quan khác bị chỉ định trình diện tại Trường Đại Học Kỹ Thuật Phú Thọ (Trường Đại Học Bách khoa). Sau ba ngày ở tại trường “lên lớp” nghe cán bộ, phần lớn là quê của HCM, hài tội, hăm dọa và sỉ vả đủ điều… Đến đêm ngày thứ ba, chúng tôi được lùa lên xe Molôtôva bít bùng, chở đi lòng vòng suốt mấy tiếng đồng hồ. Đến 5 giờ sáng thì tới Hóc Môn vô thành Ông Năm (Liên Đoàn Công Binh Kiến Tạo) và từng tốp vào ở trong nhà của đơn vị này. May thì được ở trong nhà trại gia binh, văn phòng, kho; rủi thì vào nhà sửa xe, garage, chuồng heo, chuồng bò…
Mỗi tốp 10 người thành một Tổ sinh hoạt chung với nhau, ba Tổ thành một Khối. Khối Trưởng, Tổ Trưởng đều do cán bộ quản giáo chỉ định. Mỗi Tổ có Tổ trưởng và Tổ phó hậu cần.
Tổ tôi có 10 người đều cấp bậc Thiếu Tá gồm nhiều binh chủng: Tổng Cục Tiếp Vận, Quân Cụ, Quân Y, Địa Phương Quân, Không Quân Trường Tổng Quản Trị, Trường Sinh Ngữ Quân Đội, Tâm Lý Chiến Biệt khu Thủ Đô.
Ngày trình diện nhập trại, cải tạo viên đã viết “lý lịch trích ngang” đơn giản chỉ có: Tên Họ, Cấp bậc, Số quân và Đơn vi sau cùng.
Giai đoạn kế tiếp là nghe phổ biến 7 điểm chánh sách khoan hồng của “Mặt trận giải phóng miền Nam”. Nguyên văn 7 điểm chánh sách Đảng, nhà nước cách mạng đại lượng khoan hồng tha tội chết cho những kẻ lầm đường lạc lối chống lại Đảng và nhà nước cách mạng và nhân dân. Đồng thời ưu đãi cho những người có công với Đảng, nhà nước cách mạng thì sớm được về sum họp với gia đình lập lại cuộc đời mới sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa… Còn ai có tội với Đảng, nhà nước, cách mạng tùy theo bản tự khai mà ấn định thời gian lâu hay mau của mỗi cá nhân.
Mới nghe qua rất nhân đạo nhưng luôn luôn chúng có nhiều thủ đoạn thâm độc, đó là chủ nghĩa của cộng sản.
Rồi kế tiếp tập trung lên hội trường để nghe cán bộ khối chiến tranh chánh trị nói về cách thức viết bản tự khai của từng cá nhân cho đúng yêu cầu. Ai có thắc mắc điều gì cứ hỏi, để trả lời… Các anh đã hiểu thì phát cho mỗi người một tập vở 100 trang, nếu ai viết không đủ thì lên trại lấy về viết thêm cho đầy đủ. Ngoài bìa các anh ghi tên họ rõ ràng để khỏi lộn với người khác. Các anh phải khai cho thật đúng để cấp trên nghiên cứu từng hồ sơ cá nhân mà ấn định thời gian lâu hay mau…
Các anh thật thà khai báo, cách mạng biết hết tội lỗi của từng anh, vì khi chúng tôi vào tiếp quản, các anh đã để lại đầy đủ hồ sơ không kịp thiêu hủy, nên nếu các anh không thật thà khai hết tội lỗi mình và đồng bọn, nhất là những phần tử còn đang trốn tránh cải tạo, thời gian cải tạo của các anh còn kéo dài… Cái điệp khúc đó được lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần cho từng người….
Nhiều anh em không biết khai làm sao, một anh hỏi:
– “Thưa cán bộ, tôi làm việc tại Trung Tâm huấn luyện chỉ dạy lính chứ đâu có ra trận bắn Cách mạng thì tôi khai tội gì bây giờ?”
Tên Quản giáo người ốm tong teo, mắt lé mại, răng hơi hô trả lời:
– “Vậy mà anh bảo không có tội à? Anh dậy cho lính Ngụy nó ra trận cầm súng bắn Cách mạng thì tội nặng lắm, nếu anh không dậy chúng thì làm sao chúng có thể bắn Cách mạng được”.
Một anh khác lại hỏi:
– “Tôi là bác sĩ Quân Y chỉ chữa cho binh sĩ bị thương, tôi chỉ cứu người chứ có hại ai đâu, vậy tôi phải khai tội gỉ?”.
Cũng tên VC đó trả lời:
– “Lính Ngụy nó bị thương đáng lẽ nó chết, anh lại cứu nó, nó khỏe lại rồi lại ra chiến trường bắn Cách mạng thì tội anh còn nặng hơn anh kia nữa”.
Tóm lại, ai cũng có tội cả, không có thì cứ bịa ra mà khai.
Bọn VC chưa có phương án giải quyết nên anh em cải tạo nằm chờ tại thành Ông Năm đúng một năm mà chỉ học 7, 8 bài chính trị về cái xấu xa của đế quốc Mỹ.
Thời gian ở đây chỉ là tạm bợ và chờ đợi cho một chính sách của VC đối với tù cải tạo, ngoài các công việc lao động lặt vặt và việc đi đổ thùng tiêu. Chính yếu trong thời gian này là làm bản khai lý lịch.
Hơn một năm nay, tuy chưa lao động nặng, nhưng vì chế độ ẩm thực hạn chế và tinh thần bị ức chế, bệnh kiết lỵ hoành hành, thể chất của anh em bắt đầu có dấu hiệu sa sút.
Trong tổ của tôi có một anh người Bắc ở ngành CTCT/BKTĐ, trọng tuổi, cao lớn xương xẩu, thầm lặng, ít tiếp xúc với các anh em ở trong tổ. Một hôm anh bị bệnh được lên bệnh xá trong trại nằm hai bữa thì anh hết bệnh được về lại tổ. Tôi hỏi thăm qua loa với anh vì trước đó có lần anh nói với tôi là thấy tôi hiền hòa không như các anh khác. Lần này từ khi anh ở bệnh xá về, tôi thấy anh có khác hơn lúc trước, bớt suy tư.
Một hôm anh nói với tôi là khi anh nằm ở bệnh xá, các anh cán bộ và y tá rất tử tế chăm sóc anh tận tình và nói với anh là các anh thật thà khai báo thì cách mạng sớm cứu xét cho về sum họp với gia đình. Tôi tin tưởng và hôm nay tôi phải viết lại bản tự khai và anh hỏi tôi có cần khai lại thì anh đưa giấy… Tôi nói không cần vì tôi đã khai đầy đủ rồi….
Và hôm sau, anh cho tôi coi bản tự khai lại trong đó anh viết: “Trong tờ bản tự khai trước, tôi có ghi là vì có con đông và vợ thì không buôn bán gì nên đồng lương chỉ đủ nuôi gia đình không dư dả tiền bạc vòng vàng chi hết. Nay tôi nhớ lại, tôi quên khai là nhà tôi còn cất giữ 15 lạng vàng. Tôi xin thành thật khai báo.”
Coi xong tôi nói với anh sao anh khai làm chi anh còn vàng ở nhà, anh đâu có biết trong thời gian bị ở đây cũng đã lâu, chị ở nhà không làm ăn buôn bán gì làm sao sinh sống nuôi con nên phải bán bớt một số vàng, mà nay anh lại khai như vậy khi địa phương đến nhà anh kiểm kê thấy không đủ số thì vợ con anh phải gặp khó khăn. Anh cười cười nói, anh khỏi lo cho nhà tôi, tôi chỉ khai một ít thôi mà.
Khi anh đưa bản tự khai lại thì dường như đã giải toả bớt một phần áp lực đã đè nặng tâm trí của anh từ lâu.
Rồi kế tiếp là viết “Tổng Kiểm Thảo” kê khai 4 đời của cải tạo viên, từ Ông Bà, Cha Mẹ hai bên, chú bác cô dì và con cái… Phải ghi đầy đủ: địa chỉ, xu hướng chính trị, gia sản, đảng phái của từng người… Cán bộ phát cho mỗi người 15 tờ giấy hay 1 tập vở 100 trang để viết trong một tuần lễ. Thời gian này không đi lao động….
Qua một tuần lễ, cán bộ quản giáo thu các tập “Tổng Kiểm Thảo” để nghiên “kiếu” và thỉnh thoảng vài ba ngày lững thững cầm vài tập kêu tên trả lại, nói viết lại, thiếu sót không đầy đủ. Cầm tập “Tổng Kiểm Thảo” giở ra lật từ tờ không thấy có ghi phần nào phải viết lại….
Đây là VC chơi trò hú tim để hù dọa anh nào yếu bóng vía viết sửa lung tung là mắc mưu thâm độc của chúng. Có nhiều anh cảnh giác không cần viết thêm bớt gì cứ để y như vậy đến khi chúng đến thu về rồi cũng không thấy kêu hỏi gì nữa.
Sau khi ăn cái Tết đầu tiên ở trong tù, thì qua sau Tết mấy ngày là đến đêm các tù nhân được lệnh thu gom đồ đạc để chuẩn bị hành quân. Tất cả đều được dồn lên xe Môlôtôva như lần trước, 30 người chật cứng và bít bùng chạy đến 12 giờ đêm là xe dừng lại.
Khi được cho xuống xe, có anh biết đây là “Trại giam tù phiến cộng” rất rộng lớn chia ra nhiều khu có hàng rào kiên cố cao 3 mét với 3 lớp rào kẽm gai. Mỗi khu có một cửa nhỏ bề ngang 1 mét và lối đi vào khu từ đường xe theo chữ chi và đi từng người một. Đối diện với mỗi khu bên kia đường là một lô cốt có bố trí một đại liên chĩa nòng súng ngay cửa cái khu.
Mỗi khu có 20 nhà cho cải tạo bề ngang 5 mét có cửa giữa 1 mét và bề dài 20 mét chứa được 60 người. Đường đi ở giữa suốt chiều dài và tù nằm hai bên 2 mét. Trước đây mỗi nhà có sạp ván gỗ cho tù phiến cộng nay thì không còn, tù cải tạo phải nằm đất. Mái nhà lợp tôn rất nóng ban ngày, ban đêm thì rất lạnh bị gió thổi vào vì không có vách chắn gió. Có mấy dãy nhà kích cỡ cũng y như vậy để làm nhà bếp và nhà cho vệ binh và cán bộ. Toàn khu có một cái giếng nước dành cho nấu ăn và tắm rửa cho hơn 1200 người. Phía sau của dãy nhà chót trong cùng khu là một dãy cầu hố tiêu. Đây là một tai họa cho những anh em vô phước phải ở trong những nhà trong cùng bị cát trộn lẫn với phân bay vào nhà dính vào thức ăn bị nhiễm bệnh kiết lỵ không có thuốc men cầm tiêu chảy đi cầu suốt đêm trên 10 lần hết nước trong người phải chết trong tuần lễ đầu tiên hết 7 người.
Lên khu trại này, tổ của tôi vẫn ở chung với nhau và may mắn được ở nhà dãy ngoài gần giếng nước và nhà bếp nên tương đối sạch sẽ và ít lo sợ bị kiết lỵ nhưng cũng cẩn thận trong việc ăn uống. Anh bạn già khi lên đây được cán bộ trại đặc biệt cho nhiệm vụ kiểm tra vệ sinh toàn khu. Mồi ngày khi các toán đi lao động thì anh tà tà cầm cây tre nhỏ dài 1 mét đi vòng các nhà coi có rác rưởi dơ bẩn thì anh nhắc nhở anh em dọn dẹp. Công tác này anh phấn khởi lắm nên có một hôm buổi sáng, anh vòng ra phía cầu tiêu thấy một anh đi cầu không đúng ở hố tiêu mà đi ở ngoài. Anh hỏi sao anh không đi tiêu ở trong mà đi ở ngoài, anh kia nói ở trong phân đầy tràn không vô được nên tôi bắt buộc đi ở ngoài. Anh không nói gì lấy cây cầm ở tay nhúng vào đống phân và gí vào người anh ấy, anh ấy phản ứng lại và xảy ra xô xát. Nội vụ đem lên quản giáo xét xử và thấy anh có hành động quá đáng làm mất trật tự trong khu, nên thôi không cho anh làm nữa và điều anh làm công việc khác.
Rồi khoảng tháng 6/76, lúc 5 giờ chiều khi cơm nước xong, thì có lệnh tập hợp. Tất cả cải tạo đều ngồi tại chỗ, phía ngoài chung quanh các nhà đều có các vệ binh dầy đặc cầm súng chạy đi chạy lại, rồi mỗi nhà có một cán bộ quản giáo cầm một tập vở. Anh nói khi tôi kêu tên người nào thì lập tức lên tiếng “có mặt” và nhanh chóng thu gom đồ đạc vào bao bị trong vòng 10 phút và ra đứng ngoài nhà. Thật là đứng tim, mỗi người có số thứ tự trong nhà. Bắt đầu kêu từ số nhỏ, khi kêu một số có khi số tiếp liền theo, rồi lại nhảy qua vài số rất hồi hộp. Việc kêu tiếp tục cho đến gần cuối là đến số 50 thì nhảy qua số của tôi và kêu đến số của anh bạn già. Khi nghe kêu tên anh thì anh run lẩy bẩy chết cứng ngồi im không động đậy. Cán bộ thấy vậy kêu anh sao ngồi đó không lo gom đồ đạc. Anh giật mình đứng dậy và cũng không biết phải làm gì luống cuống, thấy tội nghiệp tôi phụ anh gom góp đồ đạc dồn vào bao bị của anh. Lúc này anh hoàn hồn và anh ôm tôi và nói ở lại mạnh giỏi và không biết bao giờ gặp lại. Tôi cũng xúc động và chúc anh đi bình an, rồi anh được đưa ra ngoài nhà.
Xong xuôi hết thì các anh được đưa lên xe Môlôtôva và chở đi trong đêm tối và sau này tôi mới biết là ra Bắc.
Rồi vài tháng sau tôi và những anh còn lại được đưa đi lao động khổ sai nơi rừng thiêng nước độc tại Bù Gia Mập tỉnh Phước Long.
Anh đi cải tạo miền Bắc là do anh thuộc ngành Tâm Lý Chiến (CTCT) cùng các binh chủng như Tình báo, An ninh, Phủ Đặc Ủy T.U, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Đông Quân, Tuyên Úy… nhưng cái trọng tội nhất của anh có thể phần lớn nằm trong tập “Tổng Kiểm Thảo”.…
Trong ngày tổng kết các tập “Tổng Kiểm Thảo” tại thành Ông Năm, trước hàng ngàn tù cải tạo, Trưởng Trại đưa ra một số tập “Tổng Kiểm Thảo” tiêu biểu và gọi một anh Thiếu Tá Pháo binh và hỏi:
– “Theo lời anh khai là thời gian anh là Pháo Đội Trưởng đã bắn biết bao nhiêu là đạn vào các làng mạc dân cư mà anh nói là không biết đã giết bao nhiêu cách mạng và dân chúng là nghĩa nàm sao? Trong khi đó cũng một anh khác là Chi Khu Trưởng đóng quân tại nơi cùng thời gian với anh lại khai là do pháo binh bắn vào nên đã giết nhiều chiến sĩ cách mạng và dân chúng.
Anh trả lời là “đơn vị pháo binh yểm trợ hỏa lực, họ yêu cầu tác xạ ở đâu, tôi bắn ở đó. Kết quả do đơn vị bộ binh tham gia họ ghi nhận và báo cáo, chúng tôi đâu có tham dự”.
Do trả lời có lý nên thông qua. Rồi Trưởng trại lại giơ cao một tập “Tổng Kiểm Thảo” nói đây là lời khai thành khẩn nhất và tiêu biểu nhất. Tôi nhìn thấy mực viết bằng bút bi màu đỏ là tôi biết ngay là của anh bạn già trong tổ vì tôi đã thấy qua khi anh viết, tôi có hỏi sao anh lại viết mực đỏ, anh nói để phân biệt.
Anh được kêu lên và Trưởng Trại trao tập “Tổng Kiểm Thảo” cho anh và yêu cầu anh đọc lớn lên cho mọi người nghe.
Anh bắt đầu đọc, mới vô câu đầu là cả hội trường im phăng phắc và muốn đứng tim, anh nói, “tên tôi hiện nay là tên giả, tên thật của tôi là L.Đ.N. Sở dĩ tôi phải đổi tên là trước đó vào năm…… còn ở ngoài Bắc tôi đã theo cách mạng vào chiến khu chống Pháp một thời gian cũng lâu. Sau tôi thấy không hợp và bất đồng chánh kiến và đụng chạm với cấp lãnh đạo trong chiến khu, tôi trốn về thành Hànội và thay đổi tên họ để tránh sự theo dõi. Vì thay đổi tên họ nên không sử dụng được bằng cấp, tôi phải đi làm phu khuân vác ở bến tàu, lúc đó còn Quân đội Pháp chiếm đóng ở Bắc. Tôi gặp một Đại Úy người Pháp thấy tôi nói tiếng Pháp trôi chảy nên hỏi tôi có muốn đi lính không thì tôi gật đầu và theo vị Đại Úy nhập ngũ. Tôi được cấp bực hạ sĩ ngay… và chỉ trong 6 tháng kế tiếp là thăng lên trung sĩ do làm việc năng động của tôi.
Rồi chiến sự bộc phát, nhu cầu cấp sĩ quan để thành lập nhiều đơn vị cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, tôi được đề bạt theo học khóa đào tạo Sĩ quan đặc biệt cấp tốc tại Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt trong 6 tháng tốt nghiệp ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy.
Sau khi ra trường, tôi được điều về Phòng Tâm Lý Chiến Biệt Khu Thủ đô. Ở đây tôi lần lượt lên tới cấp bậc Thiếu Tá và làm Trưởng Phòng.
Hồi Tết Mậu Thân, một Tiểu Đoàn VC bị quân đội VN bao vây tại Đồng Ông Cộ – Gò Vấp tử thủ không chịu đầu hàng mà chung quanh vùng này có rất nhiều nhà dân, nếu xảy ra giao tranh thì thiệt hại rất lớn về tài sản và sinh mạng dân chúng. Do đó Bộ TTM và BKTĐ họp lại bàn kế hoạch làm sao chiêu hồi Tiểu Đoàn VC này. Sau khi thống nhất kế hoạch, Bộ Tư lệnh BKTĐ giao cho Phòng Tâm Lý Chiến thảo ngay một mẫu truyền đơn để in rải vào nơi tử thủ của Tiểu Đoàn VC. Trong một ngày là tôi đã thảo xong mẫu truyền đơn trình Bộ Tư Lệnh và được chấp thuận và giao cho tôi tìm giao dịch nhà in, in gấp một số lớn truyền đơn chiêu hồi để dùng cho toàn quốc.
Việc in ấn truyền đơn này, tôi được hưởng tiền hoa hồng 10% rất nhiều do nhà in tặng cho tôi. Truyền đơn này được đem rải vào nơi tử thủ của Tiểu Đoàn thì một thời gian ngắn, Tiểu Đoàn kéo cờ đầu hàng QLVNCH. Dịp này tôi được ban thưởng huy chương và tưởng lục. Kế đó, tôi có tham gia trận Ấp Bắc ở Bến Tre, có công trạng tôi được ban thưởng huy chương Ngôi Sao Bạc (Silver Star) của Quân Đội Mỹ do Phó Tổng Thống Nixon gắn lên ngực tôi và bắt tay khen ngợi. Thật là vinh dự cho tôi lúc bấy giờ. Đời binh nghiệp của tôi như diều gặp gió.
Nhưng than ôi! Trong khi tôi đã đem hết năng lực phục vụ cho QLVNCH và nước Mỹ vĩ đại, thì mẹ tôi ở Khu Khâm Thiên – Hà Nội bị Quân đội Mỹ dùng máy bay B52 dội bom làm cho mẹ tôi chết…” Đọc tới đây thì anh khóc lớn nước mắt chảy dầm dề, anh giơ cánh tay cao lên và la lớn:
“Ta căm thù mi Nixon, nước Mỹ đế quốc xâm lược, mi đã giết mẹ ta, Ta căm thù mi Nixon”. Anh vừa nói và đi vòng vòng như một kịch sĩ tài ba đang diễn trên sân khấu. Tất cả hội trường im lặng đang lo lắng cho số phận sắp tới của anh. Đến đây dường như anh quá xúc động và kiệt sức, anh ngồi gục đầu một hồi lâu. Xong rồi Trưởng Trại khen ngợi anh là thông suốt chánh sách khoan hồng của “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” đã thành khẩn khai báo và ra lệnh giải tán tất cả về nhà.
Từ đó nhiều anh em trong trại nhìn anh thương hại và cũng dè dặt tiếp xúc với anh.
Thật thà khai báo là thước đo sự cải tạo của mỗi người. Vì càng thật thà khai báo thì thời gian cải tạo càng lâu. Anh L.Đ.N đã nghe lời dụ dỗ, hứa hẹn những lời tốt đẹp cho anh. Có lẽ anh nôn nóng được sớm trở về sum họp gia đình nên anh đã lầm vào tay bọn cướp và cái lầm thứ hai là thật thà khai báo anh đã giao sinh mạng cho bọn sát nhân.
Lời nói của chúng như những bó cỏ treo trước đầu ngựa đang kéo xe, cỏ thì nhìn thấy đó, nhưng con ngựa có bao giờ ăn được đâu?
Từ ngày đó đến nay đã 40 năm rồi, tôi không gặp lại anh và cũng không nghe tin về anh. Có lẽ anh đã yên phận rồi và trả giá rất đắt về thành thật khai báo của anh. Cộng Sản đã cho anh về nơi sinh quán thay vì trả anh về với gia đình.
Để kết thúc bài viết này, câu nói tôi không bao giờ quên là:
“Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”.
Nguyễn Văn Đặng