Những ngày tháng cũ
(Bài viết cho mục Hồi Ức 30 Tháng Tư và Đời Tị Nạn)
Ngày mới qua Mỹ, mỗi lần lễ Giáng Sinh và Tết Tây sắp đến là tôi cảm thấy buồn da diết vì nhớ quê nhà quá đi thôi. Trời mùa Đông mau tối, mới hơn năm giờ chiều trời đã tắt nắng.
Nhìn cảnh xe cộ chạy nối đuôi nhau, đèn xe chiếu sáng như một dải sao băng kéo dài bất tận và người người đang lo đi mua sắm mà tim tôi thắt lại, lòng tôi chùng xuống với bao nỗi đắng cay, xót thương nhớ về ngày Tết ở quê nhà. Tôi nhớ căn nhà xưa, nhớ cha mẹ, nhớ anh chị em sum vầy mỗi khi Tết đến. Đời sống bên này, lúc đó thật cô quạnh và tẻ nhạt, mặc dù bên cạnh tôi còn có các con nhưng chúng còn quá nhỏ. Các con tôi đâu đã hiểu biết sâu xa để chia xẻ nỗi buồn này.
Không ai bảo ai mà hầu như mọi người ai cũng coi ngày Giáng Sinh như một ngày lễ hội chung cho người Việt Nam nhất là người công giáo. Gia đình tôi theo đạo Phật nhưng cũng coi ngày Giáng Sinh như một ngày lễ vui để gia đình họp mặt đông đủ vào tuần lễ cuối năm dương lịch. Bây giờ nó đã trở thành một tập tục khó bỏ. Các con của tôi cũng háo hức mong đợi đến ngày này để được mẹ mua cho những món quà xinh đẹp đúng như ý mong ước và cũng bày vẽ nấu nướng món gà tây theo phong tục nơi đây. Có lẽ lúc đó ai cũng dùng ngày vui của người làm của mình cho đỡ nhớ quê nhà, nay nó đã trở thành một tập tục mới không thể thiếu vì “nhập gia tùy tục.”
Những năm đầu còn ở Concord, tôi phải lái xe lên tận Oakland để tìm mua thực phẩm Việt Nam ở chợ tàu và hỏi xem ngày nào là Mùng Một Tết Âm lịch. Về đến nhà là tôi ghi ngay vào tờ lịch để ghi nhớ.
Một ngày vào chiều 30 Tết, tôi nấu một mâm cơm cúng ông bà và những người thân trong gia tộc đã khuất theo lễ nghi truyền thống mà tôi thấy mẹ tôi hay làm khi xưa ở quê nhà. Tôi vừa khấn lạy vừa khóc vì buồn nhớ nhà quá. Trong lúc chờ nhang tàn, tôi vào trong phòng nằm khóc rấm rứt. Con bé út mới tám tuổi thấy tôi nằm khóc, nó hỏi:
- Ai chọc cho mẹ khóc vậy?
Tôi nói:
- Mẹ nhớ nhà quá con à!
Con bé nói:
- Nhà mình đây mà, tại sao mẹ lại nhớ hở mẹ? Tôi ôm con vào lòng và bật khóc nức nở vì tủi thân và thương con còn nhỏ dại, chưa hiểu nỗi đau thương trong lòng tôi. Nó không biết là mình cũng có quê hương, cội nguồn, có nhà cửa gia đình, nhưng nay bỗng dưng mất tất cả, mất hết thật rồi! Căn nhà ở thuê này đâu đủ ấm cúng bằng căn nhà mà tôi cùng gia đình sum họp nơi quê nhà. Khi qua Mỹ năm 1975, con tôi đâu có biết hình ảnh quê hương Việt Nam như thế nào vì nó mới có ba tuổi rưỡi. Tôi nhớ lúc vào trại tị nạn ở Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas, không có sửa cho con uống vì khi qua cửa khám xét an ninh ở đảo Wake, họ bỏ hết thuốc men và mấy hộp sữa Guigoz tôi mang theo cho con bú.
Lúc đó tôi muốn xin giữ lại nhưng không biết nói tiếng Anh thông thạo để giải thích rằng đây là hộp sữa bột rất cần cho con tôi bú. Không có sữa, nó nhịn bú bình vì sữa tươi của Mỹ lạt quá và mùi vị khác lạ, tôi tưởng con tôi sẽ chết dần vì không bú, không ăn và quá ốm. May mắn sao, có người cho biết là trong trại có PX (Post Exchange = cửa hàng bán lẻ cho quân đội), họ cho người tị nạn được vào mua. Tôi mua mì gói về, xả nước nóng trong bồn rửa mặt đến khi nước thật nóng mới hứng để đổ vào tô mì gói làm canh cho con ăn. Trong trại tị nạn lúc đó, khi nào nghe nói bữa ăn có thịt gà là ai cũng xếp hàng đi ăn; còn hôm nào có cá là ít người đến vì người Mỹ họ không dùng gia vị đậm đà như người Việt nên mùi cá tanh lắm, rất khó ăn. Bữa ăn nào cũng có một quả táo hay một quả cam và một hộp sữa tươi nhỏ kèm theo khẩu phần ăn. Còn chỗ ở thì cứ hai lần một tuần thay tấm trải giường, mền, áo gối.
Chính phủ Mỹ đã cung cấp và phục vụ nơi ăn chốn ở cho người tị nạn thật là chu đáo và đầy tình nhân ái. Tôi nhớ một chuyện có thật mà ai nghe qua cũng không thể nhịn cười được:
- Có một bà cụ đi ngoài đường (trong trại tị nạn) vừa nhai trầu vừa nhổ nước trầu xuống đất, gặp lúc xe quân cảnh (QC) Mỹ chạy ngang qua trông thấy, họ tưởng bà cụ ói ra máu nên hai người quân cảnh nhảy vội xuống xe bế xốc bà cụ đưa lên xe, bà cụ la ơi ới nhưng QC vẫn cứ chở đi vì họ biết chắc có hỏi gì thì bà cụ cũng chẳng hiểu. QC chở bà cụ vào bệnh viện trong trại. Đến lúc nhờ người thông dịch nói giùm là bà cụ ăn trầu chứ không phải ói ra máu, bấy giờ họ mới cho bà cụ về.
Hàng tuần cứ đến chiều tối đều có ca nhạc do các nhạc sĩ như Phạm Duy và Khánh Ly hát, còn thêm các ca sĩ amateur ở trong trại lên hát giúp vui. Những người di tản có đầy đủ gia đình trông họ thật hạnh phúc và vui vẻ. Riêng tôi thì buồn quá, ở trong căn trại với đàn con thui thủi chẳng biết gì. Chỉ nghe người ta đi xem Khánh Ly và Phạm Duy hát hò rồi về kể lại cho nghe.
Buổi sáng cũng như buổi chiều, mỗi góc trại đều có xe “van” to ngừng ở đó cho cà phê và bánh ngọt ăn không phải trả tiền. Riêng cà rem là phải mua hai mươi lăm xu một cây. Lúc đó khi mua cho các con tôi ăn, tôi tính nhẩm qua tiền Việt Nam:
- Trời ơi, một cây cà rem trị giá đến một ngàn hai trăm năm mươi đồng tiền Việt Nam vì trước khi di tản tôi đổi năm ngàn đồng tiền Việt Nam mới được một dollar.
Tôi tội nghiệp cho các con tôi còn cha mà chẳng khác nào mồ côi. Nhìn đàn con còn ngây thơ, vô tư chỉ biết hiện tại được vui chơi với nhau mà nước mắt tôi lăn dài theo tiếng cười đùa của các con vang lại. Chúng đâu có hiểu nỗi khổ tâm lẫn sự lo sợ của tôi vì không biết được tương lai sẽ đi về đâu. Lúc rời bỏ quê hương tôi mới có ba mươi lăm tuổi, một mình với đàn con dại năm đứa, lớn nhất 14, 12,10, 7 và nhỏ nhất là 3 tuổi rưỡi. Chồng tôi là quân nhân VNCH đã kẹt lại vào ngày cuối cùng.
Tôi và năm con nhỏ được di tản đi ngày 28 tháng 4 năm 1975 tại phi trường Tân Sơn Nhất cùng với rất nhiều gia đình khác theo chương trình của Mỹ cho vợ con quân nhân di tản đi trước nhưng tôi đâu có biết giờ phút đó lại là chuyến sau cùng. Cũng do những người qua sau kể lại tôi mới được biết thêm tin tức: phi trường Tân Sơn Nhất đã bị pháo kích lúc 3 giờ 30 phút chiều ngày 28 tháng 4. Nghe xong tin này, tôi thầm cám ơn Trời Phật đã cho mẹ con tôi ra đi được bình an vì chiếc C130 US. Air Force vừa cất cánh vào khoảng 3 giờ chiều là nửa giờ sau VC pháo kích vào phi trường TSN. Có lẽ tin tình báo biết trước là VC đã vào đến Sài Gòn nên khi xe bus qua khỏi trạm kiểm soát ở phi trường là xe đi thẳng vào đuôi máy bay C130 đã mở sẵn và mọi người trên xe bus đều lần lượt vào bên trong khoang máy bay rất thứ tự. Mọi người đều ngồi dưới sàn máy bay vì C130 là loại máy bay vận tải cho nên không có ghế ngồi, chỉ có hai dãy ghế hai bên thôi, nhờ vậy mới di tản được nhiều người. Sau khi ổn định chỗ ngồi xong là máy bay cất cánh ngay.
Chiếc C130 bay thẳng đến đảo Wake vì đảo Guam quá đông người rồi. Ở đảo Wake đúng một tuần, chúng tôi được chuyển đến trại Fort Chaffee.
Ở trong trại Fort Chaffee được hơn một tháng, tôi nghe người ta kể có tàu Việt Nam Thương Tín đang chuẩn bị trở về Việt Nam, ai muốn về thì đến văn phòng cao ủy tị nạn làm thủ tục giấy tờ cho về. Tôi đi tìm để ghi tên về vì nghĩ rằng tuy đất nước bị Cộng Sản cai trị nhưng không lẽ họ giết hết người miền Nam thì họ sống với ai? Chẳng lẽ họ muốn diệt chủng dân miền Nam khi đất nước đã nằm trong tay của chính họ? Tôi cố tưởng tượng và suy đoán như vậy để yên tâm và tin tưởng ngày trở về được an toàn và được sống trong sự bảo bọc của gia đình, cha mẹ và anh chị em. Với cái tuổi ba mươi lăm, một nách năm đứa con dại lại không giỏi Anh văn vì với trình độ tú tài ở Việt Nam, tôi chọn Pháp văn là sinh ngữ chính, còn Anh văn là sinh ngữ phụ, chỉ có 4 giờ một tuần trong hai buổi học thì làm sao có đủ khả năng để nói và viết thông thạo được. Dù sau này tôi có đi làm nhưng chỉ là người bán sỉ thuốc tây duy nhất ăn hoa hồng của Unix Dược Cuộc. Các demi-gross tại Saigon và những người đi tỉnh mua thuốc qua tôi; họ chỉ cần đặt hàng qua điện thoại rồi tôi lên hãng mua thuốc qua đơn đặt hàng qua tên Pharmacy của cháu tôi rồi họ đến nhà tôi lấy thuốc. Công việc buôn bán thuốc tây của tôi cũng không vất vả nhiều. Tất cả giấy tờ hợp đồng mua bán đều dùng chữ Việt hoặc chữ Pháp là chính. Tôi bán thuốc tây từ năm 1971 cho đến ngày mất nước.
Những người bạn của chồng tôi biết được ý định muốn trở về Việt Nam của tôi, họ đã khuyên tôi nên ở lại để lo tương lai cho đàn con hơn là trở về vì chồng tôi là quân nhân, chưa chắc có còn được ở nhà hay đã bị giết hoặc bị cầm tù rồi. Họ dặn những người quen làm cách nào ngăn cản đừng cho tôi ghi tên đi về. Cuối cùng tôi thấy cũng có nhiều người cùng hoàn cảnh như tôi nên tôi đành phải can đảm đương đầu và chấp nhận hoàn cảnh. Sau này tôi có nghe tin những người trở về trên tàu VNTT đã bị chính phủ CSVN bắt ở tù hết và những quân nhân VNCH đều bị đưa đi học tập cải tạo. Thật là một chọn lựa sai lầm.Tôi may mắn đã đổi ý nên thoát được cảnh sống trong địa ngục trần gian dười bàn tay máu của Đảng CSVN cai trị.
Sau này tôi được biết ông Trung Tá Nguyễn Xuân Trân làm cùng chỗ với chồng tôi trong Bộ Tổng Tham Mưu cũng bị kẹt lại. Bà vợ của ông Trân ở chung với tôi cùng một building số #1687, nhờ qua tin tức này nên chúng tôi mới biết nhau. Bà Trân hơn tôi trên 10 tuổi nên các con của bà cũng lớn tuổi hơn các con tôi. Bà Trân khuyên tôi nên ở lại và theo gia đình bà ghi tên đi định cư cùng một nhà thờ Catholic bảo trợ cho có bạn đồng hành và đỡ lo sợ. Bà Trân kể rằng chồng bà có căn dặn là nếu ông không đi được thì ráng ở lại nuôi con cho chúng ăn học nên người. Nếu có cơ hội may mắn thoát được, ông sẽ qua sau và sẽ đi tìm gặp lại gia đình. Nhưng cuối cùng không có tin tức gì về ông Trân cho đến bây giờ. Theo lời bà Trân kể lại, ông bà và gia đình di cư vào Nam năm 1954 vì thấy rõ bản chất người Cộng Sản là tàn ác và vô nhân đạo qua những cuộc đấu tố cải cách ruộng đất. Với những kinh nghiệm này, bà Trân đã an ủi và khuyên tôi phải can đảm sống để nuôi con chứ trở về Việt Nam thì không thể thoát khỏi cảnh trả thù của Cộng Sản.
Tôi xem bà Trân như người chị cả và tôi yên tâm đi theo gia đình bà, sau này có thêm một gia đình bà bạn nữa, chồng cũng bị kẹt lại. Thế là ba gia đình cùng hoàn cảnh xuất trại ngày 8 Tháng Bảy năm 1975. Chúng tôi đến cùng một sponsor là nhà thờ họ đạo Catholic (USCC) ở Marceline, một quận nhỏ (town) có khoảng 200 cư dân, đa số là nông trại, thuộc Kansas City, tiểu bang Missouri. Họ đạo rất tốt, họ cấp cho mỗi gia đình ở một căn nhà nhỏ có đầy đủ tiện nghi. Chúng tôi ở cách xa nhau chỉ một block đường, đi bộ khoảng năm, mười phút là đến.
Tháng 7 trời vào Thu, lá vàng rụng tả tơi ngập đầy sân, tỉnh nhỏ buồn hiu hắt, nhà cửa đóng im ỉm chẳng thấy một bóng người; trong khi ở Việt Nam thì nhà nào cũng mở cửa, người qua kẻ lại nhộn nhịp. Hai cảnh sống khác hẳn nhau và cuộc đổi đời cũng quá nhanh làm tôi không kịp định thần để chấp nhận nó một cách dễ dàng. Tôi gần như quẫn trí vì lo sợ cho tương lai không biết sẽ như thế nào nếu phải sống ở đây, một cái town quá nhỏ, tuy dân chúng hiền lành nhưng có vẻ quê mùa.
Thỉnh thoảng tôi trông thấy mấy ông bà già ngồi đong đưa trên chiếc ghế xích đu trước hiên nhà. Ôi, nhìn cảnh này làm tôi càng buồn và nhớ quê nhà quá đỗi, tôi bật khóc ngon lành làm các con tôi nhìn ngơ ngác, chúng chẳng hiểu vì sao mà tôi khóc. Mùa Đông nơi đây tuyết ngập ngang cổ chân nếu đi bộ ra đường. Cả ba gia đình chúng tôi được nhà thờ và dân chúng trong cái town nhỏ bé tiếp nhận thật là nồng hậu. Mỗi buổi sáng mở cửa trước ra là thấy một thùng quà, khi thì cả một thùng táo, khi thì rau trái đủ loại họ trồng ở farm đem đến, đôi lúc có cả thùng quần áo cũ nhưng trông vẫn còn đẹp và tốt như mới. Người Mỹ họ thẳng thắn và thực tế nhưng với cảm tính của người Việt Nam, tôi lại cảm thấy tủi thân khi đối diện với hoàn cảnh giống như mình chỉ là cây tầm gởi, bơ vơ, ăn nhờ ở đậu trên xứ người, không thân nhân và họ hàng.
Các thầy cô giáo rất là dễ thương và tốt. Không biết họ xin ở đâu được toàn giầy “ba ta” còn trong hộp mới nguyên vừa đúng với chân của từng đứa học trò Việt Nam mới nhập học. Những ngày nghỉ học, cô giáo đem xe đến từng nhà đón mấy đứa nhỏ đi pinic hoặc đi xem movie.
Lần đầu tiên nhìn thấy tuyết rơi thật là đẹp, giống như những sợi tơ trời bay lất phất phủ trắng xóa cả vạn vật. Sáng nào trước khi đi học, các con tôi cũng ra hốt tuyết làm snow man đứng sừng sững trước nhà. Nhìn các con vẫn vô tư ăn học, chẳng thấy đứa nào nhắc đến chuyện nhớ quê nhà. Điều này làm tôi cảm nhận thấy rõ là người mẹ chính là nguồn sống bình an của con, là tàng cây bóng mát che chở cho chúng không thấy sợ hãi và lo âu tuy vắng bóng người cha là rường cột gia đình.
Chỉ trong vòng hai tuần lễ định cư, ông cha đã đưa người đến phỏng vấn tôi và hai bà bạn đi chung để đi làm ở một xưởng may nón cũng trong một town. Cậu con trai lớn của bà Trân làm thông dịch. Lúc cậu ấy nói đến làm giờ phụ trội sẽ được thêm tiền, tôi buộc miệng nói: Overtime phải không? Thế là hôm sau tôi là người đi làm trước, trong lúc con gái út của tôi còn nhỏ mới 4 tuổi, sáng nào cũng phải đánh thức nó dậy sớm để đem gởi cho bà cụ già người Mỹ hàng xóm trông giùm. Vừa thương con vừa thương cho cái thân mình sáng nào cũng phải lội tuyết đi đến nhà bà Mỹ làm chung hãng may để đi xe nhờ. Cái rét lạnh của tuyết làm ruột gan tôi thắt lại. Buổi chiều đi làm về tôi ghé đón con, thấy nó nằm co ro trên thảm xem TV, bên cạnh có một ly sữa tươi và một đĩa bánh mì hot dog, tất cả còn nguyên có nghĩa là con tôi không chịu ăn uống gì.
Trong lúc làm việc, đôi lúc bà supervisor đứng đằng xa gọi tôi bằng cách dùng ngón trỏ ngoắc ngoắc, tôi ghét cái cử chỉ này lắm vì nghĩ họ coi thường mình nên tôi tỏ vẻ không vui khi đến gặp. Sau này, tôi thấy ai cũng dùng lối gọi nhau như vậy nếu đứng từ xa, thế mới biết mỗi chủng tộc có một phong tục, tập quán của riêng họ. Một tháng sau họ thấy tôi làm việc có vẻ được, thế là bà bạn đi chung cũng bị đưa vào làm luôn. Riêng bà Trân có lẽ họ thấy lớn tuổi lại có các cậu con trai lớn vừa đi học vừa đi làm nên họ để bà ở nhà.
Sống ở đây gần sáu tháng mà tôi cứ tưởng như thời gian dài cả thiên thu. Tôi suy nghĩ rất nhiều về vấn đề học vấn và tương lai của các con tôi. Đây chỉ là một cái town nhỏ, người dân đa số sống về nông trại, nếu các con tôi lớn lên ra khỏi bậc trung học rồi làm sao lên đại học nếu không có người dẫn dắt, đưa đường chỉ lối? Và còn thân tôi nữa, không lẽ chỉ làm nghề thợ may trong xưởng may nón nơi đây suốt đời? Nghĩ như vậy tôi buồn quá. Tôi phải tìm con đường sống tốt đẹp hơn cho các con tôi và tôi nữa. Muốn được như vậy, chính tôi phải là người có khả năng, có đầy đủ bản lĩnh và tháo vát. Tôi không thể vì sợ hãi mà nhụt chí, không thể để nước mắt lúc nào cũng rơi làm tôi yếu lòng. Nghĩ như vậy, tôi liền gởi thơ liên lạc với cô em họ ở thành phố Concord miền Bắc California, nhờ cô giúp cho tôi qua bên đó. Tôi biết được địa chỉ của cô Mai là nhờ ba tôi ở bên Việt Nam gởi thơ cho cô Mai. Thơ ba tôi gởi sang Pháp qua địa chỉ của các cháu con bà chị của tôi đi du học trước năm 1975, rồi nhờ các cháu chuyển qua Mỹ. Ba tôi báo tin cho cô Mai biết là tôi đã qua Mỹ, nhờ cô tìm mẹ con tôi để giúp đỡ vì tôi ra đi có một mình với 5 đứa con dại và chồng tôi đã bị kẹt lại, đã bị đi học tập cải tạo không biết ngày nào về.
Khi viết thơ cho cô Mai tôi phải nói thật với cô là tôi có đem theo được một số tiền dollars và một số vàng nếu bán đi chắc sẽ đủ để thuê nhà ở khoảng một năm vì nghe nói nhà cửa bên đó thuê khoảng hai trăm dollars một tháng tùy theo nhà nhỏ hay lớn. Giá vàng ngày còn ở trong trại Fort Chaffee bán ra cho ngân hàng DEAK ... CO. (Washington) INC. giá chỉ có 170 dollars/ một lượng. Tôi còn giữ tất cả giấy tờ bán vàng, vé máy bay và giấy tờ xuất trại để làm kỷ niệm ngày đổi đời của tôi. Như vậy một tháng tiền thuê nhà bằng hơn một lượng vàng. Tôi phải nói liều lĩnh như vậy để cô ấy không lo ngại phải nuôi mẹ con tôi và tôi hứa khi qua được bên đó tôi sẽ tìm việc đi làm ngay, bất cứ nghề gì hợp với sức khỏe và khả năng. Lúc đó tôi không biết gì về vấn đề tiền trợ cấp an sinh xã hội của chính phủ, cứ nghĩ là mình phải tự túc lo cho cuộc sống. Tuy lo sợ lắm nhưng tôi phải liều để tìm cho mình và các con một con đường sống có tương lai hơn.
Cám ơn Trời Phật, vào những ngày cuối khi Saigon còn đang hấp hối thở, phải nói là tôi rất may mắn đã lấy tiền từ từ hằng ngày trong suốt gần một tuần thì vài ngày sau ngân hàng Việt Nam Thương Tín đóng cửa. Tôi đem số tiền vừa lãnh ra trả cho chị tôi vì lúc trước tôi mượn làm vốn để mua thuốc, chị tôi không nhận, bà nói đem gởi lại trong ngân hàng vì bây giờ số tiền này chỉ là tiền giấy, giá vàng lên quá cao gấp 10 lần khi tôi mượn. Nhưng cuối cùng bà chị tôi cũng phải nhận vì sau khi tôi vừa rút được hết số tiền thì vài ngày sau ngân hàng Việt Nam Thương Tín đóng cửa vì hết tiền. Mỗi lần lấy tiền ra là tôi mua vàng ngay, vàng lên giá hằng ngày đến giữa Tháng Tư là hoàn toàn không còn vàng để mua nữa. Nhờ có chút ít vốn mang theo nên tôi mới có nhiều cơ may để tính toán cho cuộc đổi đời này.