Tố cáo tham nhũng bị đưa vào trại tâm thầnAnh Lê Anh Hùng, một người từng có 70 đơn tố cáo các trường hợp tham nhũng cấp cỡ tại Việt Nam, vừa bị bắt đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hà Nội, nơi giam giữ những bệnh nhân tâm thần thể nhẹ.
Photo courtesy of Nguyễn Lân Thắng's facebook. Anh Lê Anh Hùng (áo trắng, đi giữa) trong một lần biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội.Khỏe mạnh, minh mẫnBà Trần Thị Niệm, hiện nay đã 70 tuổi, mẹ của anh Lê Anh Hùng là người viết đơn nhờ công an đưa con trai bà đi khám bệnh dù rằng bà thừa nhận con bà là người từ nhỏ có tư chất thông minh, và hiện tại về mặt thể lý hoàn toàn bình thường, mạnh khỏe.
Vào trưa ngày 26 tháng giêng, qua cuộc nói chuyện với chúng tôi bà Trần Thị Niệm nhắc lại điều đó:
“Thằng Hùng nhà tôi thông minh từ nhỏ, ba tuổi đã biết xếp hình mọi thứ. Nó đang khỏe mạnh, sức khỏe bình thường, tốt, thông minh làm được mọi thứ chứ không phải mất sức lao động.”
Anh Từ Anh Tú, hiện làm việc tại công ty sơn tư nhân ở Hưng Yên với anh Lê Anh Hùng cũng nói về tình trạng sức khỏe và tinh thần của anh này:
“Tại công ty làm việc, thấy anh cũng bình thường, không có vấn đề gì.”
Một người quen với ông Lê Anh Hùng là anh Lã Việt Dũng cho biết trường hợp quen với ông Hùng, và nhận xét về tình hình sức khỏe thể xác, cũng như tinh thần của ông này như sau:
“Trước đây anh Hùng có đơn tố cáo chống tham nhũng, sau này anh Hùng tham gia biểu tình phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, và có sinh hoạt câu lạc bộ bóng đá của chúng tôi. Khi sinh hoạt chung với chúng tôi anh hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh; thậm chí đá bóng còn hay nữa…”
Mẹ của ông Lê Anh Hùng, bà Trần Thị Niệm, cho biết lý do vì sao phải làm đơn nhờ cơ quan chức năng đưa con bà đi khám bệnh:
“Đúng là tôi làm đơn, vì không biết con làm việc gì. Trước đây là trong cơ quan Nhà nước mà bỏ. Nó lên mạng nói những điều gì, đúng sai tôi không biết; nhưng nhà cửa bán hết. Vợ con đi vào trong kia cũng ‘lằng nhằng’. Nó như có ‘hoang tưởng’ gì đó làm tôi rất buồn. Tôi không biết làm thế nào, và nghĩ hay là con mình bị tâm thần. Tôi viết đơn đề nghị thế này: không biết việc làm thế nào, nhờ đưa vào bệnh viện để khám bệnh. Nếu bị bệnh thì điều trị, còn nếu không thì xử theo pháp luật. Tôi không biết vì con đã lớn, 40 tuổi, ngoài vòng tay của mẹ rồi. Tôi viết đơn xin khám điều trị, chứ nay họ lại đưa vào nơi bảo trợ xã hội.
Tôi thương nó vì nó hiền lành, khỏe mạnh, hiếu thảo với mẹ từ hồi nào đến giờ; không hề nói ‘này, nọ’ với mẹ. Không biết nó đi nghe ở ngoài thế nào, nói ‘linh tinh, lung tung’, công an đến suốt nên tôi phải nói như vậy thôi.”
Anh Lê Anh Hùng. Photo courtesy of Lê Anh Hùng's blog.Gặp gỡVào ngày 25 tháng giêng vừa qua, bà Trần Thị Niệm vào thăm con trai tại Trung Tâm Bảo trợ Xã Hội. Bà cho biết lại cuộc gặp:
“Hôm qua tôi vào, họ rất chặt chẽ. Vào được một hồi họ đuổi ra như phạm nhân. Nó buồn và khóc nói sao mẹ đem con vào những nơi như thế này. Tôi nói mẹ không đem. Mẹ viết giấy như vậy vì con không lo làm việc, mà cứ lên mạng nói lung tung. Đúng sai mẹ không biết, nhưng công an cứ đến ‘làm tội’ mẹ suốt ngày, làm sao mẹ chịu được.”
Và ý kiến của bà sau khi chứng kiến thực tế tại trại đó:
“Sáng nay tôi gọi điện cho ông xuống điều tra và bắt nó là trước đây tôi viết đơn vì tôi già rồi, không có điều kiện nên đề nghị nếu nghi cháu tâm thần thì đưa đi khám tại bệnh viện tâm thần. Chứ đưa vào trại bảo trợ toàn những người không thể lao động, sa sút như vậy thì làm sao cháu khỏi được bệnh mà về; trong khi nó đang làm việc bình thường, có thể chỉ có hoang tưởng nhẹ. Nếu điều trị như thế sẽ thành người bệnh luôn.
Vào thăm không cho thoải mái và đối xử như phạm nhân thế là không được. Nếu không giải quyết thì tôi xin con về. Tôi sẽ vay mượn anh em, họ hàng để đưa đi khám, điều trị cho con. Nếu đúng bệnh hay không thì tôi chịu.
Nó làm ở ngoài tôi đâu có biết, mà ‘pháp luật’ cứ đến điều tra nên tôi phải làm thế.”
Nhóm bạn bè trong đội bóng NoU FC cũng đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hà Nội và có cuộc trao đổi với giám đốc và phó giám đốc trung tâm này. Nội dung được anh Lã Việt Dũng thuật lại như sau:
“Khi chúng tôi đặt vấn đề thì họ nói làm theo yêu cầu của gia đình, bà mẹ 70 tuổi, và của Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội Quận Thanh Xuân.
Tôi đặt vấn đề, khi đưa anh Hùng vào anh có biểu hiện gì về tâm thần không, có biểu hiện gì gây nguy hại cho xã hội không. Họ bảo không, anh Hùng tương đối bình thường, chỉ có một chút biểu hiện bất ổn về tinh thần. Tôi nói bị bắt vào đây thì ai cũng có biểu hiện đó cả; nhưng có bệnh gì không, họ nói không có bệnh gì. Tôi hỏi họ có cho thuốc uống hay thuốc tiêm gì không; họ nói không. Tôi cũng lập luận vấn đề : qui trình thủ tục như thế không hợp lý bởi vì một người đang lao động bình thường bị bắt đưa vào trại tâm thần theo yêu cầu của bà mẹ 70 tuổi. Vậy ai là người ‘minh mẫn’ và ‘không minh mẫn’ trong trường hợp này. Tại sao không giám định bà mẹ, mà lại nghe bà để đưa một người bình thường vào trại tâm thần. Họ nói không biết chỉ làm theo yêu cầu của Phòng Lao động thôi.”
Bệnh nhân tâm thần tại Trung Tâm Bảo trợ Xã Hội. Photo courtesy of Nguyễn Lân Thắng'sfacebookCác đồng nghiệp tại công ty sơn ở Hưng Yên cũng mang áo quần đến trung tâm cho anh Lê Anh Hùng, nhưng nơi này không cho nhận. Anh Từ Anh Tú kể lại chuyến đi thăm vào ngày 25 tháng giêng như sau:
“Lúc anh Hùng bị đưa đi chỉ mặc bộ đồ bảo hộ thôi, không có quần áo ấm gì. Chúng tôi gửi những đồ dùng cá nhân của anh vào để họ đưa cho anh nhưng họ không nhận. Khi đến trong giờ hành chính thì họ bảo ngồi chờ để làm việc với giám đốc, khi đến 5 giờ thì họ nói hết giờ. Có một số công an khu vực cũng đến hỏi thăm.”
Chị Bùi Thị Minh Hằng và anh Lê Anh Hùng trên sân bóng. Photo courtesy of Nguyễn Tường Thụy's blog.Tố cáoTừ năm 2007 đến nay, trên mạng Internet và sau đó trên trang blog cá nhân, anh Lê Anh Hùng có những thư tố cáo trực tiếp những quan chức hàng đầu của Việt Nam. Anh này đã nhờ đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc chuyển đơn tố cáo đến chủ tịch quốc hội.
Source: RFA