Phỏng vấn tù nhân lương tâm Phạm Thị Lộc vừa được tự do
Vào ngày 10 tháng 05 năm 2015, tù nhân lương tâm Phạm Thị Lộc (sinh năm 1958), quê ở huyện Lạng Sơn, tỉnh Bắc Giang đã được tự do, sau 42 tháng tù giam sau khi thi hành án ở K4, trại giam số 5, Thanh Hoá.
Bà Phạm Thị Lộc bị bắt vào ngày 08 tháng 11 năm 2011 với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88, bộ Luật Hình Sự.
Hôm nay, bà Phạm Thị Lộc đã trả lời phỏng vấn phóng viên SBTN:
Pv: Cô cho biết lý do vì sao mình lại bị bắt? Và bị bắt như thế nào?
Phạm Thị Lộc: Trước đây gia đình tôi có cuộc sống hạnh phúc như bao gia đình khác. Nhưng chính quyền địa phương đã đồng ý việc để chồng tôi lấy vợ hai, nên đã phá tan hạnh phúc gia đình. Tôi đã làm đơn lên trung ương. Sau khi lên trung ương khiếu kiện, tôi thấy có rất nhiều bà con dân oan cũng bị chính quyền cướp đất, cướp tài sản… Tôi thấy cuộc sống của những người dân oan vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề nên tôi đã tự nguyện giúp đỡ họ. Sau đó, tôi đã giúp bà con dân oan soạn thảo đơn, và tự trích một số tiền cá nhân để giúp bà con dân oan ba miền đang đi khiếu kiện. Tôi cũng đã tố cáo tình trạng tham nhũng của cơ quan chính quyền địa phương lên trung ương.
Cũng chính vì những lý do đó mà tôi luôn bị công an của xã, cùng công an huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang theo dõi, giám sát. Trong những lúc tôi lên Hà Nội để cùng dân oan khiếu kiện, thì chính quyền cho người đến sách nhiễu gia đình tôi, cho người đến trộm cắp tài sản của tôi. Họ còn gây tại nạn giao thông cho tôi khi đang đi trên đường.
Vào năm 2010, cơ quan chính quyền đã nhiều lần gửi giấy triệu tập yêu cầu tôi đến trụ sở UBND xã Hương Sơn để làm việc. Họ cho rằng tôi đã lợi dụng nhóm dân oan để kiếm chác vụ lợi cho bản thân mình. Vì tôi chẳng có tội nên không đến uỷ ban làm việc.
Vào ngày 08/11/2011, ông Nguyễn Văn Phượng –công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo việc bắt tôi dọc đường. Ngày hôm đó, tôi đang trên đường đi chợ về họ cho 4 người đi 2 xe máy giám sát tôi. Lúc đến đoạn đường vắng trên cánh đồng, bốn anh này cho xe áp sát tôi vào bên lề đường rồi cưỡng chế tôi lên xe máy và chở đi. Khi đến đoạn đường có người, tôi hô lớn để mọi người biết việc tôi bị bắt cóc, nhưng họ đã để xe thùng ở đó sẵn và chở tôi về UBND xã Hương Sơn. Tại đây, họ đọc lệnh bắt khẩn cấp vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88, bộ Luật Hình Sự. Sau khi bắt tôi, họ chở tôi về nhà và khám nhà một cách tuỳ tiện khi chưa có lệnh khám nhà. Họ chẳng tìm được chứng cứ nào nói tôi tuyên truyền chống nhà nước.
Pv: Cuốc sống trong lao tù của cô cũng như các tù nhân chính trị khác như thế nào?
Phạm Thị Lộc: Hiện tại đang còn TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Tạ Phong Tần, Cấn Thị Thêu đang thi hành án ở K4 – trại giam số 5 – Thanh Hoá. Lúc đầu mới lên trại thì tôi cũng định sẽ cải tạo tốt, để nhanh được về tiếp tục đấu tranh. Tuy nhiên sau một thời gian, tôi thấy cán bộ trại giam đã bóc lột sức lao động, ăn chặn các chế độ của tù nhân. Vì thế mà tôi đã viết rất nhiều đơn khiếu kiện, kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, yêu cầu phải được giải quyết tình trạng nêu trên. Nhưng ngược lại, cán bộ trại giam đối xử hà khắc hơn đối với tôi. Họ luôn tìm mọi cách để gài bẫy tôi vi phạm nội quy trại giam hòng đưa tôi vào buồng kỷ luật.
Vào ngày 13 tháng 04 năm 2015, cán bộ đã đưa tôi vào khu biệt giam cho đến lúc được tự do vì đã viết đơn tố cáo trại giam. Họ giam chung tôi với cháu Nguyễn Đặng Minh Mẫn trong một buồng. Cuộc sống lao tù chế độ CSVN quá khắc nghiệt, nhẫn tâm và tàn bạo nhằm triệt tiêu sự sống con người, hạ gục ý chí của tù nhân. Trong buồng kỷ luật trời mùa hè thì nóng như thiêu như đốt. Trời mưa thì nước ngập vào buồng giam nên rất ẩm ướt. Vì thế mà những tù nhân ở đây mắc đủ các loại bệnh, mà thuốc chữa bênh thì trại giam không cấp phát đầy đủ. Trong thời gian ở khu biệt giam, ban giám thị trại giam luôn tìm cách nhục mạ nhân phẩm, kích động tinh thần nhằm làm cho tôi bị tai biến mạch máu não.
Pv: Cô có công nhận hành vi của mình là phạm tôi không? Và trong quá trình cải tạo họ có giảm án cho cô không?
Phạm Thị Lộc: Tôi chỉ có 2 tội đó là: Tố cáo chính quyền địa phương tham nhũng và tự lấy tiền túi của mình ra giúp đỡ những bà con dân oan có hoàn cảnh khó khăn mà thôi. Cũng chính vì thế mà tôi bị bắt và bị khép vào tội tuyên truyền chống nhà nước. Điều này quả thật vô lý, vô nhân tính. Cũng chính vì thế mà tôi không nhận tội, và cũng chẳng được giảm án ngày nào.
Pv: Tình trạng sức khoẻ của những TNLT khác như thế nào?
Phạm Thị Lộc: Hiện tại đang còn 3 người nữa là: cháu Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Tạ Phong Tần, Cấn Thị Thêu đang ở K4 – trại 5 – Thanh Hoá. Cô Cấn Thị Thêu thì đang bị bệnh khớp trầm trọng. Còn hai người còn lại thì sức khoẻ cũng không có ổn vì tất cả đang phải sống trong một môi trường lao tù quá khắc nghiệt, tinh thần luôn bị khủng bố, các chế độ luôn bị cắt xén. Nhất là đối với Nguyễn Đặng Minh Mẫn và Tạ Phong Tần, vì hai người này chưa có gia đình. Nếu sau khi hết án mới được tự do thì họ đã bị mất đi tuổi thanh xuân nên cả cuộc đời gần như vô nghĩa.
Vì thế mà tôi tha thiết yêu cầu các tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp để những tù nhân lương tâm còn lại mau chóng được tự do.
Pv: Cám ơn Cô đã chia sẻ thông tin và chúc cô luôn được bình an./.
SBTN