Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm… đó là những cột mốc thời gian. Và nói đến lịch sử, người ta thường nhắc về những cột mốc thời gian. Bởi con người là sinh thể có trí nhớ, có ký ức. Đồng thời con người là những sinh thể mang tính nhân quần; nên các biến cố kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, thường được người ta nhắc đến. Ví dụ như biến cố 30-04-1975 vừa qua vừa được 40 năm.
Thông thường mỗi khi xã hội xuất hiện một dịp quan trọng nào đó, người ta hay lật tìm trong quá khứ xem có ai đã lên tiếng hoặc có những hành động liên quan đến những dịp quan trọng đó. Ví dụ như khi tòa Tối cao của Mỹ xét xử vụ kiện về quyền kết hôn của người đồng tính tại bốn tiểu bang – Tennesse, Ohio, Kentucky, Michigan – ngày 29/04/2015, thu hút sự chú ý của những ai quan tâm đến lĩnh vực này; người ta đã nhớ đến cựu Thượng nghị sĩ Chuck Robb của tiểu bang Virginia khi ông lên tiếng bênh vực người đồng tính cách đây hai mươi năm.
Xin nhắc lại sơ qua, Hoa Kỳ là quốc gia theo thể chế Liên bang (federal), tức các tiểu bang có quyền đặt ra những luật định áp dụng với công dân sống tại tiểu bang đó. Vì thế luật của tiểu bang này khác tiểu bang kia. Ví dụ như qui định của State Board trong ngành nails tại mỗi tiểu bang có những luật lệ riêng. Nhiều tiểu bang có luật lệ tương tự nhau. Nhưng nhìn chung vẫn là sự khác biệt ở những cấp độ khác nhau.
Tuy nhiên vì mỗi tiểu bang là một phần của liên bang Hoa Kỳ nên phải tuân phục những phán quyết của Tối cao Pháp viện (tòa Tối cao) khi tòa Tối cao xem xét luật của các tiểu bang này có vi hiến (của Liên bang) hay không? Và nếu vi hiến, tiểu bang sẽ phải chỉnh sửa các luật đó cho phù hợp với Hiến pháp Hoa Kỳ.
Lần xử này, tòa Tối cao Mỹ xem xét vụ kiện giữa người đồng tính với bốn tiểu bang – Tennesse, Ohio, Kentucky, Michigan – xem coi luật cấm hôn nhân đồng tính của các tiểu bang này có vi hiến hay không? Nếu là vi hiến, nghiễm nhiên các tiểu bang có lệnh cấm kết hôn đồng tính (gồm 4 tiểu bang đang tranh tụng vừa nói trên) và bảy tiểu bang khác –Texas, Lousiana, South Dakota, Nebreska, Missouri, Arkansas và Mississippi – sẽ tự động phải công nhận quyền kết hôn của người đồng tính. Đồng thời họ sẽ phải công nhận tính hiệu lực của các vụ hôn nhân của các cặp đồng tính kết hôn ở những tiểu bang cho phép kết hôn đồng tính (giống như hôn nhân của các đôi nam nữ).
Trở lại trường hợp của cựu TNS Chuck Robb, cách đây hai mươi năm, ông đã mạnh dạn bênh vực quyền lợi của người đồng tính. Nên biết, trong bối cảnh cách đây hai mươi năm, thái độ chung của dư luận xã hội Hoa Kỳ đối với người đồng tính còn rất nghiêm khắc. Vì vậy tiếng nói của cựu TNS Chuck Robb là tiếng nói của người đi trước thời đại. Không ít người cho rằng đó là một hành động can đảm, bởi thông thường sân khấu chính trị không mấy thân thiện với những ai dám cả gan đứng riêng biệt, tách khỏi số đông, đặc biệt với các đề tài tế nhị, gai góc, đi ngược lại những giá trị truyền thống.
Điển hình cách đây ba năm, ta vẫn thấy chỉ có sáu tiểu bang của Hoa Kỳ cho phép kết hôn đồng tính. Hôm nay đã có 37 tiểu bang công nhận quyền này của các cặp GLBT (gay, lesbian, bisexual, transgender – người đồng tính, lưỡng tính, và người chuyển giới). Ngoài ra tại các diễn đàn trắc nghiệm, thái độ chấp nhận hôn nhân đồng tính của dư luận chung luôn thắng phiếu. Thậm chí các chính khách, trong đó có Tổng thống Obama, và ứng cử viên đảng Dân chủ sáng giá nhất mùa phiếu 2016 là cựu Ngoại trưởng, cựu Đệ nhất Phu nhân, cựu TNS của New York–Hilary Clinton đã lên tiếng công khai ủng hộ quyền lợi người đồng tính.
Vì thế cách đây 20 năm, tiếng nói của cựu TNS Chuck Robb được coi là tiếng nói của một người tiên phong – trailblazer, còn giới GLBT cho rằng đó là tiếng nói của một anh hùng – the voice of an unsung hero.
Năm 1996, Luật Bảo vệ Gia đình (Defense of Marriage Act-DOMA) được đem ra tranh cãi trước khi đệ trình lên Tổng thống Bill Clinton ký thành luật. Cựu TNS Chuck Robb đã đọc một bài phát biểu hùng hồn về quyền của người đồng tính. Ông khẳng định họ có những quyền tối thiểu cần được tôn trọng. Bởi theo ông, quyền kết hôn của người đồng tính là quyền của con người – marriage right is civil right!
Thái độ chống đối quyền kết hôn của người đồng tính rất căng thẳng lúc đó. Cựu TNS của West Virginia là Robert Byrd cho rằng đồng tính là hành vi ghê tởm (aberrant behavior) và thật điên rồ (absurb) khi nghĩ rằng người đồng tính có quyền kết hôn như các đôi vợ chồng nam nữ. Còn cựu Dân biểu của tiểu bang Georgia là Bob Barr thì cho rằng nền tảng của xã hội sẽ hết sức nguy ngập nếu như Quốc hội không thông qua đạo luật DOMA – tức đạo luật bảo vệ định nghĩa hôn nhân chỉ giành riêng cho các đôi nam nữ.
Kết quả lần đó chỉ có 14 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại DOMA, trong đó có Ngoại trưởng John Kerry (lúc đó là TNS của Massachusetts) và đồng nghiệp cũng của Masachussett là TNS Ted Kennedy.
Cựu TNS Chuck Robb đã mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ quyền của người đồng tính. Ông kêu gọi các đồng nghiệp hãy can đảm cùng ông đấu tranh cho nhóm người thiểu số này. Nguyên văn ông phát biểu: I believe it is time for those of us who are not homosexual to join the fight. I believe that ending this discrimination is the last frontier in the ultimate fight for civil and human rights.
Với cựu TNS Chuck Robb, đấu tranh cho quyền của người đồng tính là mặt trận cuối cùng của cho hành trình đấu tranh bảo vệ các quyền của con người. Nên nhớ, trong quá khứ, nhiều quyền cơ bản của con người (một dạo không có) lần lượt được công nhận. Chẳng hạn như quyền tự do làm người của tầng lớp nô lệ, quyền bỏ phiếu của phụ nữ, quyền trẻ em được đi học và không bị ngược đãi lao động, quyền kết hôn giữa các đôi không cùng chủng tộc… và gần đây nhất là quyền của người đồng tính muốn được kết hôn.
Tất nhiên sẽ còn có những quyền con người khác được tìm thấy sau này. Giống như mặt nước hồ lúc đầy không ai nhìn thấy những chông chà nằm im dưới đáy. Khi nước cạn dần mới nhìn thấy những gì chìm sâu dưới mặt nước. Rất có thể sẽ có những quyền cơ bản khác của con người được bênh vực, như quyền được chết thanh thản khi mắc phải những căn bệnh nan y nhờ vào sự can thiệp của các bác sĩ, để cái chết đến sớm hơn, nhẹ nhàng hơn.
Đứng giữa văn phòng thượng viện, cựu TNS Chuck Robb đã đưa ra những bằng chứng khoa học để thuyết phục cử tọa. Ông khẳng định đồng tính không phải là một lựa chọn (choose to be gay). Ông cho rằng không ai có thể thay đổi bản thân mình vì tất cả đều do bàn tay Tạo hóa dựng nên: We can’t change who we are and how God made us. Vì thế kỳ thị và chối bỏ quyền lợi của người đồng tính, theo ông, bất luận tranh cãi trên phương diện nào đều không thuyết phục – Discrimination against gay Americans could not be justified on any grounds.
Có lẽ hai mươi năm với một đời người là khoảng thời gian khá dài, chiếm 1/3 thời gian của người sống thọ 60 tuổi hay 1/4 của người sống đến 80. Nhưng với lịch sử riêng của một hiện tượng xã hội, hay một biến cố lịch sử, hai mươi năm có lẽ dài hay ngắn còn tùy thuộc vào cách nhìn riêng của chúng ta.
Hiện tượng đồng tính không xa lạ với con người. Ít nhất những giai thoại về hiện tượng xã hội này, thời nào cũng có; kể cả thời xa xưa. Không thế mà ngay đến kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng đã có câu:
Đàn ông nằm với đàn ông,
Như gốc như gác, như chông như chà.
Đàn ông nằm với đàn bà,
Như lụa như lĩnh, như hoa trên cành.
Hoặc như câu chuyện kể về mối tình đồng tính của một ông vua Trung Quốc xưa. Chuyện kể lại Di Tử Hà được Vua Vệ Linh Công sủng ái, cho phép tự do ra vào cung cấm. Theo luật pháp nước Vệ, kẻ dùng xe của vua sẽ phải bị chặt chân. Một ngày mẹ Tử Hà bị bệnh, có người nghe tin đang đêm đến báo với Di Tử Hà. Tử Hà giả mệnh quốc quân, tự ý lấy xe của Vệ Linh Công xuất cung thăm mẹ. Vệ Linh Công do quá yêu Di Tử Hà nên khi biết chuyện không nỡ phạt, còn khen: Thực là người có hiếu! Vì mẹ mà phạm tội bị chặt chân. Một lần khác, Di Tử Hà cùng Vệ Linh Công dạo hoa viên, Di Tử Hà thấy quả đào ngon, tự ý hái đào ăn trước, ăn không hết mới đưa phần đào cắn dở cho vua. Vệ Linh Công lại khen: Tử Hà thật yêu ta! Quên cái miệng đói của mình mà nhớ đến ta. Sau đó sắc đẹp của Di Tử Hà ngày một phai nhạt và Vệ Linh Công kém yêu dần. Có lần Vệ Linh Công dùng roi đánh Di Tử Hà. Từ đó Di Tử Hà thường cáo ốm ít lên triều kiến. Vệ Linh Công hỏi quan đại phu Chúc Đà xem Tử Hà có oán mình không. Chúc Đà gièm pha rằng Di Tử Hà cũng giống như loài chó, gặp điều trái ý thì oán chủ. Từ đó Vệ Linh Công bắt đầu xa lánh ông. Dân gian gọi mối tình giữa Vệ Linh Công là tình chia đào (dư đào đoạn tụ).
Còn trong văn học sử của Hy Lạp hiện tượng đồng tính không lạ, không hiếm. Truyền thuyết cho rằng con người xưa có hai phần. Một số có hai phần đều là nam. Một số khác có hai phần nữ. Một số đông hơn có một nửa nam, một nửa nữ. Thần Zeus sợ để họ như thế sẽ có sức mạnh, chống lại quyền lực của đỉnh Olympus, bèn cắt đôi loài người thành hai phần. Từ đó ai có hai nửa là nam sẽ tìm nhau (đồng tính nam bây giờ), còn người có hai nửa nữ sẽ tìm một nửa cũ của mình (đồng tính nữ), còn người có hai phần nam nữ sẽ tìm người khác phái.
Hai mươi năm trước cựu TNS Chuck Robb bênh vực quyền lợi cho giới GLBT không có gì mới mẻ cả. Nhưng ông đã góp phần cất lên tiếng nói để quyền lợi của giới đồng tính có được những thành quả, ít nhất tại 37 tiểu bang của Hoa Kỳ như đã thấy hiện nay.
Nguyễn Thơ Sinh