Một trung tâm thu thập và tích trữ siêu dữ liệu của NSA tại Bluffdale, gần Salt Lake City (bang Utah) - REUTERS /Jim Urquhart
Thượng viện Mỹ họp phiên đặc biệt vào hôm nay 31/05/2015, với hy vọng thông qua dự thảo cải cách luật chống khủng bố - Patriot Act, trong đó có một điều khoản, được gọi là « section 215 - mục 215 » sẽ hết hạn vào hôm nay.
Dự thảo cải cách – có tên gọi USA Freedom Act - sẽ giới hạn quyền của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - NSA – trong việc thu thập và tích trữ ồ ạt các siêu dữ liệu (metadata) thông tin liên quan đến công dân Mỹ. Văn bản đã được Hạ viện thông qua và Nhà Trắng ủng hộ. Và đây là lần thứ hai Thượng viện Mỹ xem xét dự thảo này.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
Dự thảo cải cách quy định là Cơ quan An ninh Quốc gia phải chấm dứt tích trữ hàng triệu siêu dữ liệu liên quan đến các cuộc gọi điện thoại. Ngược lại, nếu có những nghi ngờ chính đáng về các cuộc nói chuyện, trao đổi của một cá nhân nào đó, cơ quan tình báo Mỹ có thể yêu cầu các công ty điện thoại tư nhân cung cấp các thông tin này, sau khi được tòa án cho phép. Nói một cách khác, khu vực tư nhân, chứ không phải chính phủ, đảm trách việc tích trữ thông tin.
Trước đó, dự thảo cải cách đã bị ngăn chặn vì một số Thượng nghị sĩ muốn duy trì hệ thống cũ hoặc muốn kéo dài việc áp dụng điều khoản 215 cho đến tận năm 2020, trong lúc các nghị sĩ khác lại muốn xóa bỏ hẳn điều khoản này. Đó là trường hợp của ông Rand Paul, ứng viên Tổng thống trong đảng Cộng hòa, theo xu hướng tự do chủ nghĩa.
Nhân vật này chống lại mọi sự can thiệp của chính phủ vào đời tư của công dân Hoa Kỳ. Khả năng ngăn cản dự luật có thể lại được nêu ra trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay. Trong trường hợp dự thảo bị bác bỏ, thì vào nửa đêm hôm nay, điều khoản 215 của luật chống khủng bố -Patriot Act- hết hiệu lực và « những cái tai to lớn » nghe trộm của NSA sẽ bị bịt nút lại, tức là cơ quan tình báo Mỹ phải tháo gỡ mạng đấu nối vơí các hệ thống máy chủ để thu thập siêu dữ liệu.
Như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh hôm thứ Sáu, 29/05, việc bác bỏ dự thảo cải cách là nguy hiểm vào lúc các mối đe doạ khủng bố gia tăng. Trong những giờ tới, vì lý do an ninh quốc gia, có nhiều khả năng Thượng viện Mỹ buộc phải chấp nhận văn bản mà Hạ viện đã thông qua. Nhưng, nếu dự luật được thông qua, thì vẫn còn một câu hỏi treo lơ lửng : Liệu các công ty điện thoại tư nhân có chấp nhận hợp tác với chính phủ hay không ? »
Theo RFI