Tượng Lênin bị kéo đổ tại Kharkov hôm 28/11/2014. REUTERS/Stringer
Nằm giữa vùng Donbass thân Nga, thành phố Sloviansk, chỉ cách chiến tuyến vài km, vừa trở thành tâm điểm một cuộc tranh cãi xung quanh việc phá hủy một tượng đài Lênin. Nhật báo Libération đăng bài phóng sự : « Tượng Lênin, nạn nhân chiến tranh ở thành phố Sloviansk » phản ánh quyết định gây nhiều tranh cãi của vị thị trưởng thân Kiev và được cánh cực hữu ủng hộ.
« Luật lên án chế độ toàn trị cộng sản và phát xít » mới được tổng thống Ukraina ban hành, sau khi Nghị viện bỏ phiếu thông qua ngày 09/04. Theo luật mới này, bán đồ lưu niệm liên quan tới cộng sản hay hát Quốc tế ca là những việc từ giờ bị cấm tại Ukraina. Những cá nhân cố tình vi phạm sẽ bị phạt tới 5 năm tù và 10 năm tù đối với thành viên của các tổ chức.
Cơ quan lập pháp đã không bận tâm tới việc liệu luật này có đào sâu hố ngăn cách văn hóa giữa miền Tây Ukraina và miền Đông thân Nga hay không. Vì trong những thập niên 1930 đến 1950, miền Đông nổi tiếng là khu vực công nghiệp trọng điểm của Nga, nơi người dân vẫn còn lưu luyến với quá khứ.
Mặc dù luật trên vẫn chưa được áp dụng tại Ukraina, nhưng ông Oleg Zontov, thị trưởng thành phố Sloviansk, vẫn quyết định bỏ phiếu áp dụng đạo luật trên tại buổi họp Hội đồng Thành phố ngày 29/04 vừa qua, để tháo dỡ tượng đài Lênin sừng sững trước tòa thị chính. Còn các thành phố khác bắt đầu thảo luận xung quanh việc đổi tên thành phố hay tên các làng mạc có nguồn gốc cộng sản.
Năm ngoái, thành phố Sloviansk bị các lực lượng ly khai thân Nga chiếm đóng và nằm dưới quyển kiểm soát của Igor Guirkine, một cựu sĩ quan Nga với biệt danh « Xạ thủ ». Sau nhiều trận oanh kích, thành phố lại thuộc về tay chính quyền Ukraina. Dù, từ khi cuộc chiến xảy ra, số lượng người theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa không ngừng tăng tại thành phố này, nhưng thị trưởng thân Kiev chỉ chiếm số nhỏ trong hội đồng thành phố. Phần lớn đại diện thuộc đảng cộng sản và đảng của cựu tổng thống Viktor Ianoukovitch đang sống lưu vong.
Từ cuối tháng Tư, tượng đài vị cựu lãnh tụ Liên Xô đã bắt đầu bị bôi bác. Nhiều vết sơn hồng lem nhem trên thân tượng, cổ của vị lãnh tụ được đeo cờ Ukraina như một chiếc khăn choàng mỏng. Dưới chân tượng đài là những chỉ dẫn : « Làm thế nào để nhận biết một người ly khai ? » kèm với một số điện thoại của cơ quan tình báo Ukraina.
Từ đầu cuộc chiến tranh và trước khi « Luật lên án các chế độ độc tài cộng sản và phát xít » được bỏ phiếu, trên toàn lãnh thổ Ukraina, đã có hơn một trăm tượng Lenin bị phá trộm vào ban đêm. Ban đầu, các nhóm và đảng phái theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa tại Sloviansk chấp nhận để Hội đồng Thành phố định đoạt số phận của bức tượng. Tuy nhiên, tới phiên họp ngày 27/05, vấn đề tháo dỡ tượng Lenin lại được đưa ra thảo luận. Các đảng phái và đoàn hội trên đã tới để ủng hộ việc dỡ bỏ tượng, đồng thời gây sức ép đối với các đại biểu.
Để giảm bớt bầu không khí căng thẳng với nhiều ý kiến trái ngược, thị trưởng thành phố buộc phải đưa ra vài đề xuất, thay vì phá hủy, bức tượng sẽ được di dời vị trị, hoặc mang ra bán đấu giá, hoặc đưa vào trưng bày trong bảo tàng.
Cuộc tranh luận trên gây thêm khoảng cách giữa thế hệ trẻ hướng về phương Tây, và thế hệ trước vẫn lưu luyến thời Liên Xô. Một nữ đại biểu phản đối việc phá tượng phát biểu : « Thị trưởng của chúng tôi không làm được gì cho thành phố hết, ông ấy gợi ý phá tất, ông ấy tìm được 50 người ủng hộ, nhưng chúng tôi có tới 4.500 chữ ký phản đối phá hủy bức tượng. Ngay cả khi Lenin không phải là người tốt, ông ấy vẫn thuộc về một phần lịch sử của chúng tôi và người ta không thể xóa bỏ lịch sử theo cách như vậy ».
Tuy nhiên, sáng sớm ngày 03/06 vừa qua, bỏ qua mọi kiến nghị, thành viên của một nhóm theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đã dỡ bỏ tượng Lênin.
Theo RFI