Biển Đông : Nhật lên án gay gắt Trung Quốc xây đảo nhân tạo Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga - REUTERS /Yuya Shino
Hôm nay, 17/06/2015, đồng thanh với những phản ứng gay gắt của Mỹ, chính quyền Tokyo đã lên tiếng đả kích mạnh mẽ hành động bồi đắp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa trong vùng Biển Đông, nơi đang có tranh chấp lãnh thổ.
Về việc Trung Quốc gần đây đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, tôn tạo các đảo nhân tạo trong khu vực quần đảo Trường Sa, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga khẳng định quan điểm của Tokyo : « Chúng tôi không thể chấp nhận cách hành động theo kiểu sự đã rồi », đồng thời ông cũng bày tỏ sự lo lắng sâu sắc của Nhật Bản về những việc làm như vậy của Trung Quốc.
Trước báo giới, ông Yoshihide Suga tuyên bố : « Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không được có nhưng hành động đơn phương thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng ».
Thực tế, thời gian gần đây nhiều nước đã lên án hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm nghiễm nhiên khẳng định chủ quyền ở những khu vực có tranh chấp tại Biền Đông và « quân sự hóa » các vị trí đảo họ chiếm giữ.
Hoa Kỳ tố cáo, trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng thêm các đảo họ chiếm đóng 800 hécta. Trong khi đó theo Manila, Bắc Kinh đã hoàn thành 75% công trình xây dựng một đường băng dài 3 km trên một hòn đảo đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Công trình này có thể được sử dụng làm căn cứ tiếp liệu cho hải quân và không quân Trung Quốc.
Philippines khẳng định, bằng việc bồi đắp xây đảo nhân tạo, Bắc Kinh đang xây dựng các « căn cứ quân sự » . Những cơ sở như vậy có thể gây cản trở lưu thông hàng hải cũng như hàng không trong vùng Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải huyết mạch của thương mại thế giới.
Trả lời phản ứng của chính phủ Nhật Bản, hôm nay một phát ngôn viên Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : « Chúng tôi đã nghe thấy hàng đống những đánh giá kiểu như thế rồi. Thật là phi lý khi mà người Nhật cứ tiếp tục gây chuyện xung quanh vấn đề này ».
Đại diện bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lặp lại những lý lẽ cũ trước đây là, Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi tại quần đảo Nam Sa, tên Trung Quốc để chỉ quần đảo Trường Sa.
Theo RFI