Tuyên bố của Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Nguyễn Bắc Son về việc phải 'nghiêm trị' đối với việc sử dụng Facebook để "nói xấu Đảng, nhà nước" là không cần thiết, theo một chuyên gia về truyền thông xã hội ở Việt Nam.
"Các hoạt động xâm phạm lợi ích của Đảng và Nhà nước trước nay vẫn đang được điều chỉnh bởi các điều 258 và điều 88 Bộ luật Hình sự," ông Đinh Đức Hoàng nói với BBC Tiếng Việt hôm 30/6. "Việc điều chỉnh này trên bất kỳ môi trường nào, dù là Facebook hay báo chí chính thống cũng không có gì khác nhau."
Bảy nhóm vấn đề chính được thảo luận về Dự luật An toàn thông tinTấn công mạngPhát tán thư rác, mã độcLưu hành phần cứng, phần mềm có lỗ hổngRao bán thông tin cá nhân bất hợp phápBảo vệ lợi ích quốc gia trên mạngPhát triển nguồn nhân lựcPhát triển sản phẩm và thị trường an toàn thông tinNguồn:
http://quochoitv.vnÔng Hoàng cho rằng trong lĩnh vực kiểm soát thông tin và chống tình trạng bôi nhọ, nói xấu, giới chức cần bảo vệ quyền lợi các công dân như nhau.
"Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều loại thông tin mang tính công kích cá nhân hoặc tung hoang tin về vấn đề sức khỏe, thậm chí cả về sự sống hay cái chết của một số cá nhân. Tôi cho rằng đó là vấn đề cần có sự quản lý của nhà nước, không phân biệt đó là thông tin nhắm vào lãnh đạo Đảng và nhà nước hay nhắm vào người bình thường."
Sự kiểm soát quá chặt chẽ là điều không chỉ không phù hợp với xu thế phát triển xã hội, mà còn là không khả thi, theo đánh giá của ông Hoàng.
"Việc đặt trang chủ ở bất kỳ đâu trên thế giới là xu hướng tất yếu, không thể tạo ra một biên giới cứng nhắc về lãnh thổ trong lĩnh vực này được. Ở Việt Nam, có một giai đoạn người dùng khó vào Facebook và người ta giải thích đó là do lỗi kỹ thuật," ông Hoàng nói.
"Tôi cho rằng ở Việt Nam, việc mọi người gặp khó khăn khi vào một trang nào đó không phải là do biện pháp quản lý của nhà nước. Bởi một khi Facebook còn hoạt động, Google còn hoạt động thì việc chặn một vài trang web sẽ là không có ý nghĩa--thông tin vẫn lây lan trên internet mà hoàn toàn không thể kiểm soát được, trừ phi đóng cửa hoàn toàn như Trung Quốc."
"Tôi tin rằng để hạn chế tự do trên internet thì giới chức sẽ có nhiều cách. Chúng ta từng chứng kiến mô hình Trung Quốc, nơi họ áp dụng chính sách rất thẳng thắn, mạnh tay. Nếu muốn thì [giới chức Việt Nam] đã áp dụng mô hình như thế, giống như Trung Quốc cấm Facebook và Google hoạt động vậy. Chính phủ Việt Nam đã không chọn phương thức này," ông Hoàng nói thêm.
Tuy nhiên, truyền thông xã hội chưa thực sự đóng vai trò quan trọng vào đời sống chính trị ở Việt Nam, theo ông Hoàng.
Ông nói: "Cho đến giờ, truyền thông xã hội chưa phát huy tốt hiệu quả trong hoạt động phản biện hay tham gia vào đời sống chính sách của Việt Nam. Các hoạt động phản biện mới chỉ diễn ra một cách nhỏ lẻ. Việc này cần có thêm thời gian mới có thể thấy tác động của truyền thông xã hội lên đời sống chính trị Việt Nam."
Theo BBC