Quần đảo Natuna của Indonesia bao gồm đến 272 đảo nhỏ. @wikipedia
Trong ấn bản ngày 10/07/2015 báo Jakarta Post trích dẫn nhiều nguồn quan chức trong quân đội cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia ủng hộ kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại Biển Đông. Dự án sẽ phải được trình lên Tổng thống Joko Widodo.
Vẫn theo tờ báo trong cuộc họp ngày hôm qua 10/07/2015 giữa Bộ Quốc phòng và Ban Kế hoạch và Phát triển Quốc gia Bappenas, các bên đã thảo luận về những địa điểm có thể được chọn để đặt căn cứ quân sự của Indonesia. Danh sách đó bao gồm huyện Sambas phía Tây đảo Kalimantan, các quần đảo Natuna, Riau và Taralan ở phía bắc Kalimantan.
Theo lời lãnh đạo Ban kế hoạch Bappenas Indonesia, ông Andrinof Chaniago, cuộc họp nói trên tại Jakarta nhằm “đặt ra những mục tiêu chung vì lợi ích quốc gia và để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”. Bappenas hy vọng kế hoạch mở căn cứ quân sự tại vùng Biển Đông của Indonesia sớm được thực hiện.
Về phần mình Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Ryamizard Ryacudu, tuyên bố ủng hộ dự án nói trên, do ông từng công tác tại đảo Kalimantan và ông cam chắc “đặt căn cứ quân sự tại đây là một quyết định sáng suốt”, do đây là một vùng lãnh thổ có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên của Indonesia “cần phải được bảo vệ”.
Indonesia không trực tiếp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, như Philippines hay Việt Nam, nhưng Trung Quốc căn cứ trên bản đồ 9 đoạn để đòi hỏi chủ quyền với hơn 80 % diện tích của vùng biển này, trong đó bao gồm cả quần đảo Natuna của Indonesia.
Tham quan quần đảo Natuna vào tháng 3/2014, trợ lý của Bộ trưởng An ninh và chiến lược quốc phòng Indonesia, tướng Fahru Zaini đã khẳng định : “Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của khu vực quần đảo Natuna” và do vậy, vẫn theo quan chức này, Jakarta cần có một “chiến lược phòng thủ cụ thể” .
Cùng thời điểm Tổng tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Meoldoko, trả lời báo tài chính Mỹ The Wall Street Journal khẳng định “quân đội Indonesia quyết định tăng cường lực lượng tại Natuna (…) để đối phó với mọi tình huống”. Gần đây hơn vào tháng 2/2015 viên tướng này ghi nhận “ trong tương lại, Jakarta lo ngại Biển Đông trở thành điểm nóng, do vậy tăng cường quân sự trong khu vực là điều hết sức quan trọng”.
Trước mắt Tổng thống Joko Widodo vẫn muốn Indonesia đóng vai trò trung gian giữa các quốc gia có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Jakarta không trực tiếp đối đầu với Bắc Kinh.
Theo RFI