Các thành viên Pháp Luân Công tại Đài Bắc ngồi thiền để phản kháng nhân kỷ niệm 11 năm ngày Pháp Luân Công bị Bắc Kinh đàn áp, khiến tổ chức này sau đó phải rút vào bí mật. Ảnh: Reuters
Pháp Luân Công bị cấm tại Trung Quốc từ năm 1999, sau khi 10.000 đệ tử giáo phái này lặng lẽ bao vây trụ sở đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh. Đây là cuộc biểu tình quy mô nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, gây tiếng vang rất lớn.
Lo sợ trước ảnh hưởng ngày càng mạnh của Pháp Luân Công, chính quyền Trung Quốc đã đàn áp thô bạo phong trào bị gán là « tà giáo » này với những vụ kết án, bắt giam vào các trại cải tạo lao động, làm cho trên 3.000 người chết.
Đại biểu Cộng hòa Ileana Ros-Lehtinen nói với hàng trăm đệ tử giáo phái xếp hàng trên bãi cỏ mênh mông dưới chân điện Capitol, mặc đồng phục áo thun màu vàng : « Các bạn là những người hiếu hòa, nhân ái và bao dung, tín ngưỡng của các bạn cần phải được tôn trọng thay vì bị các bạo chúa ở Bắc Kinh chà đạp ». Bà vừa đệ trình một dự thảo nghị quyết lên án nạn buôn bán nội tạng lấy từ cơ thể các đệ tử Pháp Luân Công bị chính quyền Trung Quốc giam giữ.
Dân biểu Ted Poe thuộc Tea Party từng kêu gọi bỏ tù cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (1993-2003). Có bốn dân biểu tham gia cuộc biểu tình, và khoảng 12 dân biểu khác viết thư ủng hộ. Các tổ chức phi chính phủ như Phóng viên Không biên giới cũng hiện diện nhân danh tự do ngôn luận.
Phong trào Pháp Luân Công do ông Lý Hồng Chí (Li Hongzhi), nay sống lưu vong ở New York, thành lập năm 1992 ; là một hệ thống tu dưỡng thể chất và tinh thần dựa trên nguyên lý « Chân-Thiện-Nhẫn ». Các đệ tử tụ tập tại các công viên vào sáng sớm để luyện tập.
Những người ủng hộ giáo phái hoạt động rất tích cực ở ngoại quốc để đánh động dư luận, đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi họ có được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhiều dân biểu. Tờ báo The Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên) của Pháp Luân Công được phân phối trên đường phố Washington và phổ biến ở 35 nước. Trong các năm 2002, 2004, 2010, Hạ viện Mỹ đã thông qua các nghị quyết lên án việc « áp bức » Pháp Luân Công, riêng năm 2010 chỉ có mỗi một dân biểu bỏ phiếu chống.
Theo RFI