Cô Nguyễn Khuê-Tú (ở giữa) đại diện Hội PNNQVN tại buổi họp hôm trước Cuộc Kiểm Điểm CEDAW
Tuần qua, khi người Việt trong và ngoài nước chú tâm vào chuyến đi Hoa Kỳ của Nguyễn Phú Trọng, một bước đột phá đã diễn ra tại Liên Hiệp Quốc: lần đầu tiên chính quyền Việt Nam phải đối mặt với sự phản biện và tố giác của tổ chức xã hội dân sự độc lập tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Tại buổi kiểm điểm định kỳ về Công Ước LHQ về nữ quyền, phái đoàn Việt Nam đã phải trả lời một số câu hỏi do Uỷ Ban Kiểm Điểm của LHQ nêu lên dựa vào thông tin do Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam (PNNQVN) cung cấp. Cô Nguyễn Khuê-Tú, từ Vancouver, Canada, là người đại diện cho Hội PNNQVN tại buổi kiểm điểm ngày 10 tháng 7 và những sự kiện chung quanh kéo dài từ ngày 6 đến 16 tháng 7 ở Geneva, Thuỵ Sĩ.
Tên chính thức của công ước này là Công Ước Xoá Bỏ Mọi Hình Thức Phân Biệt Đối Xử Với Phụ Nữ, hay Convention to Eliminate All forms of Discrimination against Women, viết tắt là CEDAW. LHQ kiểm điểm, 4 năm một lần, việc thực hiện CEDAW đối với mỗi quốc gia ký kết.
Phái đoàn của chính quyền Việt Nam đinh ninh rằng, như những lần kiểm điểm trước đây, họ sẽ dễ dàng qua mặt quốc tế với sự toa rập của các tổ chức xã hội dân sự quốc doanh. Các tổ chức này được dàn dựng bởi nhà nước và gửi đến các diễn đàn quốc tế để tạo ngộ nhận rằng đấy là tiếng nói của người dân. chúng tôi thường gọi các tổ chức giả hiệu này là GONGO, viết tắt của government-organized NGO, tức là "tổ chức phi chính phủ do chính phủ tổ chức".
Lần này cả phái đoàn chính phủ và phái đoàn GONGO đã bị bất ngờ bởi bản báo cáo và sự hiện diện của Hội PNNQVN. Hội PNNQVN đã nêu lên thực trạng của phụ nữ và các chính sách đàn áp phụ nữ dưới chế độ cộng sản. Chắng hạn chính sách cưỡng chế đất canh tác đã gây tác hại trầm trọng đối với phụ nữ, biến họ thành những dân oan mất đất, mất ruộng; khi họ đứng lên đòi công lý thì bị đàn áp, bị hành hung và có khi bị tù đầy. Bản báo cáo cung cấp danh sách 19 phụ nữ hiện bị giam cầm vì tranh đấu cho nhân quyền và công lý.
Một số thành viên của Uỷ Ban Kiểm Điểm đã dùng thông tin từ bản báo cáo này để đặt câu hỏi với phái đoàn Việt Nam. Chẳng hạn, Bà Phó Chủ Tịch của Uỷ Ban Kiểm Điểm nêu vấn đề chị Trần Thị Nga, thành viên của Hội PNNQVN, đã nhiều lần bị công an hành hung và có lần bị đánh đến gãy chân. Phái đoàn Việt Nam trả lời bừa rằng họ không biết gì về trường hợp này mặc dù họ đã nhận bản báo cáo của Hội PNNQVN từ cả tháng trước.
Thái độ của phái đoàn Việt Nam không đáng ngạc nhiên và không quan trọng vì bất luận họ làm gì, cựa quậy cách nào thì vẫn không thay đổi được cục diện mới. Cục diện mới này bao gồm ba thay đổi lớn.
TS NGUYỄN ĐÌNH THẮNG