Sài Gòn – Ngay từ tên gọi “Luật về Hội” ban soạn thảo đã vi phạm Hiến Pháp 2013, vì điều 25 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Trong toàn bộ văn bản dự luật này chỉ bàn về cách giúp nhà nước “quản lý Hội”, mà không giúp công dân thực hành “quyền tự do lập hội” như hiến định.
GNsP xin giới thiệu một phản biện ngắn của luật sư Nguyễn Văn Đài, thành viên sáng lập Hội Anh Em Dân Chủ Việt Nam.
____________
Trong bản dự thảo Luật về Hội, thì thấy có 2 điểm nguy hiểm nhất mà chúng ta cần tập chung vào bản kiến nghị:
1/ Khoản 3 điều 9 qui định về điều kiện thành lập Hội: “Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.”
Điều này sẽ loại bỏ hầu hết các tổ chức mới được thành lập sau này. Bởi các hội đã được đảng CS thành lập trước đó đã bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời điều này cũng không tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động hợp pháp của các tổ chức XHDS. Nó tạo ra sự độc quyền và độc đoán. Làm cho công dân không có điều kiện và quyền lựa chọn tham gia những tổ chức XHDS hoạt động tốt và hiệu quả.
Bởi vậy, cần phải loại bỏ khoản 3 điều 9.
2/ Khoản 1 điều 10: “Công dân, tổ chức VN có nhu cầu thành lập hội phải dự kiến danh sách những người tham gia ban vận động hội, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban thành lập hội.”
Ban vận động thành lập hội có ý nghĩa quyết định đến việc thành lập hội. Ban vận động thành lập hội mà không được chính quyền công nhận thì hội sẽ không bao giờ được thành lập. Việc qui định ban vận động thành lập hội phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là vô lý. Đây sẽ là điều kiện để chính quyền loại bỏ ngay từ đầu những người thực thi quyền lập hội.
Ban vận động thành lập hội được thành lập tự nguyện và chỉ cần gửi danh sách đăng ký với cơ quan có thẩm quyền mà không cần có văn bản chấp thuận.
Bởi vậy, khoản 1 điều 10 phải được sửa lại như sau: “Công dân, tổ chức VN có nhu cầu thành lập hội phải dự kiến danh sách những người tham gia ban vận động hội, danh sách được gửi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền mà không cần có văn bản chấp thuận.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài
http://www.tinmungchongu...-vi-pham-hien-phap-2013/