Cha mẹ và sự kỳ vọng quá lớn vào con cáiCô Jennifer Pan tại phòng thẩm vấn của cảnh sát ngáy 22 tháng 11, 2010
Vừa qua, tin tức báo chí trong lẫn ngoài nước cho loan tải sự kiện một cô gái gốc Việt đã thuê người giết cha mẹ mình
sau khi cô bị lộ kết quả học tập giả; Lý do cũng chỉ vì cha mẹ cô quá kỳ vọng vào người con gái cưng này của họ. Vì sao
lại có sự việc này xẩy ra, và liệu một phần cũng là do các bậc cha mẹ người Việt mình quá nhồi nhét và ép buộc con cái
của mình đã dẫn đến hành động này? Đó là chủ đề cho diễn đàn tuần này, với phần điều hợp của Chân Như và các bạn
trẻ khách mời.
Chân Như: Xin chào các bạn, tất cả các bạn đây đều đã ngồi dưới mái trường và cũng đã ra trường và đang có
được công việc mà các bạn đã dày công học hành khi xưa. Trước tiên các bạn nghĩ sao về hành động này của cô bé
Jennifer Pan?
Vi: Theo em, hành động này phải nói nó thuộc vào mức đỉnh điểm của sự việc rồi. Em nghĩ nó là hậu quả của một
người khi họ đã bắt đầu làm một điều gì mà họ nghĩ là họ sai, như cô bé này đã giấu kết quả học tập của mình đã mấy
năm nay chứ không phải mới đây; Và khi mình đã làm gì sai thì lại muốn che giấu sai lầm của mình, như vậy, lại vô tình
tạo thêm một cái sai nữa. Đặc biệt, khi có những ảnh hưởng của những người không tốt bên cạnh và không chia sẻ được
với gia đình thì nó dẫn đến một bi kịch thì em nghĩ đó là một điều rất đáng tiếc.
Katie: Katie thấy rất bất ngờ tại vì nhìn hình của Jennifer thì thấy Jennifer rất trẻ giống như một học sinh trung học và
không ngờ Jennifer có thể âm mưu để ám sát ba mẹ của mình mà còn chứng kiến người ta giết mẹ của mình mà còn
làm hại ba của mình nữa. Mà Katie cũng thấy tội nghiệp cho Jennifer, hình như, có vẻ có bệnh tâm thần nhưng không
được sự giúp đỡ của những người tâm lý chuyên nghiệp và phải sống trong hoàn cảnh có nhiều áp lực như vậy.
Jasmine: Theo em, hành động đó cũng dễ hiểu thôi, giống như khi bị ép đến đường cùng rồi; Cũng không phải
đường cùng nhưng mà cô bé Jennifer đó còn rất trẻ nên nhiều khi tâm lý chưa ổn định rồi bị bức ép quá. Vì em đọc tin
em thấy ba mẹ cũng mắng nhiếc, cũng nói Jennifer làm như vậy là ô nhục cho gia đình. Do vậy, em nghĩ khi một người
bị xúc phạm quá mà còn trẻ tuổi như vậy thì người ta cũng không có thể kiềm chế được hành động, suy nghĩ của mình.
Chân Như: Các bạn có nghĩ đa số những cha mẹ Á Đông mình luôn kỳ vọng vào sự thành đạt của con cái dẫn đến
sự ép buộc con cái phải có được những điểm A và phải học giỏi hay không? Vì sao? Và ngay chính trong gia đình các
bạn, các bạn có chịu áp lực đó khi còn là sinh viên hay không?
Katie: Katie thấy đa số các ba mẹ Á Đông thì hay ép buộc con cái học để được điểm cao hay bắt con phải chọn
những ngành nghề mà ba mẹ muốn. Katie có rất nhiều bạn hiện là học sinh sinh viên. Các em cũng từng chia sẻ với
Katie rằng thấy buồn hay thấy hay có vẻ trầm cảm nữa tại vì sự áp lực của ba mẹ. Katie nghĩ có lẽ bố mẹ của mình gặp
nhiều khó khăn khi họ ra một nước khác và phải hành nghiệp lại và vì như vậy nên ba mẹ cũng muốn con cái mình có
được một nghề nghiệp đàng hoàng và tài chính được ổn định hơn; Hay là ba mẹ có ước mơ hồi xưa ba mẹ không có
thành công được nên bây giờ ba mẹ muốn con cái mình là người chiếm được những ước mơ đó cho cha mẹ. Gia đình
của Katie thì từ lúc nhỏ cũng không được khá giả lắm nên Katie cũng hiểu là phải ráng học hỏi để mà mình được một
tương lai tốt đẹp hơn. Mặc dù ba mẹ không lo lắng về chuyện học hành của Katie nhiều nhưng mà mẹ cũng hơi khó một
chút, thí dụ, điểm Katie có thấp xuống một chút đi là biết rằng sẽ bị mẹ tra hỏi rồi.
Jasmine: Với em thì từ lúc nhỏ em ở với gia đình thì gia đình khó lắm. Lúc học cấp một là đã bị áp lực vấn đề điểm
số rồi. Nó căng thẳng lắm. Tính em lại ham chơi nên là lúc đó gọi là cứng đầu: ba mẹ càng bắt thì mình càng không muốn
làm, cũng xảy ra mâu thuẫn với gia đình với ba mẹ nhiều dữ lắm. Bây giờ, ở cái tuổi này rồi, khi mình nhìn lại thì mới hiểu
được. Điều đó là ba mẹ muốn tốt cho mình, nhưng mà do tư tưởng của hai thế hệ nó khác nhau nên là nhiều khi ba mẹ
sẽ không biết được cái cách nói chuyện, cách khuyên bảo cho con mình để cho hai bên có được điểm chung; Cứ bị mâu
thuẫn với nhau như vậy. Tuy nhiên, giờ thì hiểu ba mẹ đều muốn tốt cho con cái mình. Cái điểm A đó sau này cũng đâu
có để cho ba mẹ đâu mà là cho mình hết.
Vi: Em có thể nói là cái truyền thống trọng việc đi học, trọng người có chữ không chỉ riêng cho người Việt Nam mà
là người Châu Á, và nhất là người vùng Đông Á. Việc đó rất là phổ biến và có thể nói là cái truyền thống của người Châu
Á rồi, do đó, em không có ngạc nhiên là cha mẹ Á Đông rất là mong con mình đi học. Mình cũng phải thông cảm cho họ
vì họ đã sử dụng hết tất cả những nguồn tài lực của họ để cho con họ được đi học trường tốt nhất và họ mong muốn kết
quả cao. Em hiểu tại sao họ như vậy. Em thì khá may mắn là gia đình em không có đặt nặng vấn đề điểm số. Ba mẹ em
chỉ coi trọng là em có chịu đi học và hiểu là tại sao cần phải đi học hay không. Nhưng mà ngay trong gia đình những
người quen hay là bạn của em thì em biết là áp lực về điểm số của họ là rất cao. Và phụ huynh Châu Á đều có căn bệnh
là mong muốn con mình phải không những là đi học mà phải học thật giỏi, học thuộc hàng hạng đầu trong trường. Họ
nghĩ đơn giản như là ăn và đi học thôi thì phải học thôi chứ không có tìm hiểu là đi học những môn đó con mình có thích
không hay là ngành nghề có thích hợp với con mình hay không? Eem thấy đó là việc không được trao đổi giữa người cha
mẹ và người con.
Chân Như: Nói đi thì cũng phải nói lại. Đa số cha mẹ Á Đông và đặc biệt người Việt Nam chúng ta, thế hệ của họ đã
quá khổ nên họ luôn muốn con cái của họ được thành công hơn họ để sau này có đuợc cuộc sống sung túc, phải chăng
đó cũng là cái tội?
Vi: Em không nghĩ cái đó là một cái tội anh Chân Như. Em nghĩ cái đó là một ao ước, một khát vọng rất là chính
đáng: mong con mình nó thành công nó có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên,em nghĩ là cha mẹ Á Đông không coi
nặng việc trao đổi với con cái đặc biệt là khi mà (chúng) còn nhỏ. Chính em khi còn là sinh viên thì em có đi dạy kèm một
trung tâm của người Việt, dạy kèm các em học sinh từ lớp 1-12. Em thấy đa số phụ huynh có suy nghĩ là cứ đưa tiền
cho một người kèm cặp cho con mình nghĩ như vậy là tốt nhưng ít có ai chịu khỏ bỏ thời gian làm homework (bài tập về
nhà) với con, hay nói chuyện với con, chia sẻ việc học vì đi học cũng khó chứ không phải là cứ muốn học là được. Có
nhiều khi mình học môn mình không thích mình học không được thì sao?. Em nghĩ đó là sự thiếu sót. Bây giờ, em cũng
lớn rồi thì em đặt nặng vấn đề trách nhiệm giữa người con và cha mẹ. Phụ huynh phải có trách nhiệm cao hơn vì mình là
phụ huynh mà. Em nghĩ là chịu bỏ thời gian chia sẻ với con cái thì mình hiểu được người con của mình đi học trải qua
những gì thì lúc đó mình cũng kỳ vọng nhưng có kỳ vọng thực tế hơn một chút.
Katie: Katie cũng đồng ý với Vi. Đó không phải là cái tội của ba mẹ vì ba mẹ thì lúc nào cũng muốn con mình có
những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, có thể đó là sự hiểu lầm tại vì ba mẹ có thể dùng kỷ luật, hay cách ép buộc trong chỉ
dẫn cho con cái nhưng họ không hiểu cái áp lực đó có thể làm cho con mình buồn hay là có thể bị trầm cảm; Tạo cảm
giác mình không tốt đủ theo yêu cầu của ba mẹ mình. Những người Á Đông mình có vẻ coi trọng sự thành công hơn là
hạnh phúc của con cái mình. Tất nhiên là bấy kỳ ai nếu có thành công hay ổn định tài chính thì cuộc sống của mình có thể
dễ dàng hơn nhưng chưa chắc nó sẽ mang lại hạnh phúc cho bản thân mình.
Jasmine: Em có vài điểm không đồng ý với ý kiến của Vi, mặc dù đúng là muốn con thành công, muốn con học giỏi
không phải là cái tội của ba mẹ. Tuy vậy, cũng có một số ít gia đình giống như muốn nở mày nở mặt với hàng xóm hoặc
với anh chị em trong nhà kiểu giống như cái thể diện của gia đình vậy đó mà không nghĩ rằng con mình muốn gì, không
để con mình giải bày nguyện vọng của con, lúc nào cũng một hai là phải được như vậy. Em không nói hết tất cả các ba
mẹ nhưng mà cũng có một vài gia đình vì như vậy chứ không phải là vì con nên là em nghĩ cũng có một phần tội (lỗi)
trong đó.
Vi: Em cũng đồng ý là có nhiều phụ huynh thật sự đúng ra là cũng vì thể diện của mình nhiều hơn là cái cảm nghĩ
của con cái. Em nghĩ người Á Đông ít chịu quan tâm về cảm giác của đối phương thành ra không nói chuyện với nhau,
không chia sẻ, không tìm hiểu....Điễn hình một vấn đề thường xảy ra là phụ huynh đa số cứ nghĩ là chỉ có học thôi
nhưng không có nghĩ là mỗi người họ sẽ thích hợp học một ngành nghề khác, không hẳn là cứ học ra những nghề mà đa
số phụ huynh Á Đông xem là nghề tốt như bác sĩ, kỹ sư, nha sĩ. Hình như cứ chỉ vài chọn lựa cho con cái mà không có
nghĩ là có những ngành nghề khác có thể con mình nó sẽ thích hợp hơn, nó vui hơn khi nó học, mà thường là cứ ép con
chọn một trong những nghề mà cha mẹ thích. Em cũng nghĩ đó là vấn đề không chịu chia sẻ với con cái, không có tìm
hiểu về con cái mình thích cái gì.
Chân Như: Và sau cùng thì theo các bạn làm sao để cho cha mẹ và con cái hiểu được nhau hơn trong việc hướng
dẫn và đưa con cái mình đến với cuộc sống tự lập mà không còn những cảnh thương tâm như sự viêc vừa qua cho gia
đình của cô Jennfier?
Vi: Theo em nhận thấy thì phụ huynh, em biết là đi làm kiếm tiền là một việc ai cũng phải làm, khi mình có một đưa
con thì mình nên dành thời gian cho nó quan sát và xem là con mình nó thích học môn gì, nó có những sở thích gì hoặc
là có những em còn bị những vấn đề về khả năng học hỏi, họ không có tiếp thu được như người bình thường. Phụ huynh
co trách nhiệm phải biết những điều này, ngay từ đầu từ lúc con cái mình còn nhỏ. Nếu mình tạo ra môi trường thân thiện
để cho con mình trao đổi với mình, thì từ đó mình tìm hiểu về nguyện vọng sở thích của con, và mình cũng phải chấp
nhận và ủng hộ con mình; Đừng đặt nặng vấn đề điểm A quá, em nghĩ nên đặt vấn đề là con mình có kiến thức thì nó hay
hơn là cứ dùng điểm số để đánh giá là con mình thành công hay không. Đặc biệt là khi con mình nó thất bại, tại vì làm
người thì có lúc thành công có lúc thất bại, thì nên thông cảm cho nó; Cho nó một cơ hội để nó đi đến thành công. Giống
như cô bé Jennifer là khi cô nói thật với cha mẹ về thất bại của mình thì đáng lẽ cha mẹ nên thông cảm và nên ngồi
xuống nói chuyện chứ không nên oán trách và la mắng rồi chửi bới như vậy. Em nghĩ khi một người không được làm
những việc như ý của mình, người ta đã buồn lắm rồi; Khi mình bị thất bại ngoài đời thì mình đã có nhiều mặc cảm suy
nghĩ lo lắng. Do vậy, khi mình nói chuyện với gia đình cha mẹ, thì mong là cha mẹ sẽ thông cảm sẽ vẫn thương yêu mình,
chứ nếu mà gia đình cũng là một nơi có áp lực nữa, thì người đó biết tìm đến ai nữa bây giờ, tại gia đình phải là điểm
cuối cùng để người ta trở về đúng không. Em mong là quý vị phụ huynh nên quan tâm trò chuyện với con cái từ lúc nhỏ và
đừng có đặt nặng điểm số và cũng đừng có quá khắt khe và tạo thêm áp lưc cho con cái mình khi nó tìm đến mình để
chia sẻ những bất thành trong cuộc sống.
Jasmine: Theo em nghĩ, việc con được điểm tốt hay không là trách nhiệm của cả ba mẹ và con cái. Nếu con mình
bị điểm thấp, mình làm ba mẹ mình cũng phải nhìn lại bản thân mình. Ép con mình có điểm tốt như vậy hoặc bắt con
mình làm mà bây giờ làm không được, nhiều khi nói trèo cao té đau đó anh. Vi cũng nói hết những ý mà em muốn nói rồi
là phải lắng nghe, phải trao đổi với con cái mình nhiều hơn, hiểu nó nhiều hơn một chút chứ không phải cứ nói là con phải
được A, là bắt buộc con phải A, không có như vậy.
Katie: Katie mong là ba mẹ có thể thay đổi những quan điểm về sự thành công trong cuộc sống. Có một số điều
mà Katie thấy là ba mẹ có thể làm để giúp đỡ con và hiểu con nhiều hơn như là có thể chú ý dạy con để con mình thành
một người tốt, có lương tâm, có đạo đức hơn là áp lực về sự thành công và học hành. Nếu mà ba mẹ tìm hiểu được tài
năng của con mình có thể nó (giỏi) về toán, văn hay âm nhạc hay là thể thao thì mình cố gắng khuyến khích con mình
phát triển cái tài năng đó. Katie cũng luôn mong muốn là ba mẹ có thể trở nên cởi mở hơn để con mình có thể tìm tới để
chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với ba mẹ mình. Con cái lúc nhỏ dễ bị sai lầm lắm nhưng nếu như ba mẹ khó
khăn quá thì con cái không thể chân thật với ba mẹ được.
Xin cám ơn phần chia sẻ vừa rồi của ba bạn đã dành cho chương trình.
Theo RFA