Năm mối đe dọa hạt nhân thế giới đang phải đối mặtNgày 6 tháng 8 năm 2015 đánh dấu 70 năm kể từ khi bom hạt nhân lần đầu tiên san phẳng thành phố Hiroshima của Nhật Bản ở một trong những chương cuối cùng của Thế chiến II. #TalkAboutIt đặt câu hỏi liệu quan điểm về hạt nhân ngày nay vẫn là nỗi sợ hãi hay là mối quan ngại về tương lai hạt nhân?
Quan ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân đã giảm đáng kể trong 25 năm qua, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, một số sự kiện - bao gồm cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011, sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, cam kết của Nhà nước Hồi giáo sẽ có một loại vũ khí hạt nhân vào năm 2015, và thỏa thuận hạt nhân gần đây với Iran - đã khiến các mối đe dọa liên quan tới hạt nhân xuất hiện trở lại trong cộng đồng.
Sự đa dạng và khó tiên đoán của những sự kiện này nhấn mạnh rằng ranh giới giữa một thảm họa hạt nhân có chủ đích và một vụ tai nạn nguyên tử đôi khi khá mờ nhạt.
Vậy liệu có còn mối đe dọa hạt nhân thực sự trong năm 2015 hay không? #TalkAboutIt đã phỏng vấn người dân trên đường phố Melbourne và Tokyo về việc sử dụng công nghệ hạt nhân.
Trong khi có những quan điểm trái chiều từ người dân Mel
1. Chiến tranh hạt nhân giữa các nước (có chủ đích) Theo trang Bulletin of the Atomic Scientists (Bản tin của các nhà khoa học nghiên cứu nguyên tử), hiện nay có hơn 16.000 vũ khí hạt nhân được biết đến trên hành tinh.
Phần lớn số vũ khí hạt nhân trên đều thuộc sở hữu của Mỹ và Nga, và phần còn lại của Vương quốc Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel.
Mặc dù con số này đã giảm so với mức đỉnh lịch sử với 65.000 vũ khí hạt nhân vào năm 1986, các nhà khoa học ước tính chỉ cần khoảng 100 cuộc tấn công hạt nhân sẽ làm cho thế giới không còn là nơi có thể sinh sống.
Trong khi các chuyên gia cho rằng ngay cả trong trường hợp cực đoan, hầu hết các chính phủ cấp tiến sẽ tránh tung ra vũ khí hạt nhân - nhưng với sai lầm của con người và do tình hình chính trị liên quan - kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân không phải là không thể xảy ra.
Theo tiến sĩ Euan Graham, Giám đốc an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Lowy, mặc dù giả định chung là vũ khí hạt nhân thực tế không sử dụng được vì chúng đã không được triển khai trong nhiều thập kỷ, "khi nhiều loại vũ khí và năng lượng hạt nhân được bổ sung cho các bên giao tranh, khả năng đấu vũ khí hạt nhân khó đoán trước sẽ cao hơn".
"Ngay cả khi chỉ có hai siêu cường vũ khí hạt nhân sau sự kiện Nagasaki, chúng ta đã tiến gần tới ngưỡng nguy hiểm ", ông Graham nhận định thêm.
Mấu chốt dẫn đến tình trạng leo thang chiến tranh hạt nhân tiềm ẩn giữa các quốc gia là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Kỹ thuật viên làm việc tại một khu vực xử lý uranium ở Iran. (Reuters: Raheb Homavandi)
Hồi tháng 10 năm 1962, Mỹ và Liên Xô tham gia một cuộc giao tranh quân đội và chính trị căng thẳng kéo dài 13 ngày không phân thắng bại xung quanh việc lắp đặt các tên lửa có trang bị vũ khí hạt nhân của Liên Xô ở Cuba, chỉ cách bờ biển nước Mỹ 145 kilomet.
Mặc dù cuộc giao tranh kết thúc trong hòa bình, như Tiến sĩ Graham chỉ ra, một phiên bản hiện đại của các sự kiện kiểu này có thể mang lại kết quả hoàn toàn khác.
"Điều đáng ngạc nhiên là nó chưa xảy ra," Tiến sĩ Graham nói.
Vậy những quốc gia như Bắc Triều Tiên thì sao?
Theo Tiến sĩ Graham, nước này đã chứng minh rằng một nhà nước có thể rời khỏi khuôn khổ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân và phát triển vũ khí hạt nhân nếu sẵn sàng trả giá trước cộng đồng quốc tế.
Vì vậy, một đợt leo thang khác chắc chắn có thể xảy ra.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở một thời điểm kém ổn định hơn so với trước Chiến tranh Lạnh, khi ranh giới đỏ chưa rõ ràng, và các quốc gia có thể nhanh chóng nhận thấy chính mình rơi vào tình trạng bất ổn", tiến sĩ Graham nói.
2. Chiến tranh hạt nhân giữa các nước (không chủ đích) Ngoài ra còn tiềm ẩn một cuộc xung đột hạt nhân leo thang không chủ đích, do truyền thông sai lệch hoặc đơn giản là một tai nạn.
Năm 2013, Ấn Độ thử thành công hai tên lửa có khả năng phóng đạn hạt nhân tới Trung Quốc và hầu hết các nước châu Âu. (Reuter: Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ)
Cuộc chạy đua hạt nhân giữa Pakistan và Ấn Độ - nơi vũ khí hạt nhân được một số người xem như một công cụ tiềm năng giúp ổn định trong khu vực - là một trong những cuộc xung đột mà sự leo thang có thể xảy ra do sai lầm.
"Đó có thể chỉ là một tình huống gia tăng căng thẳng mà cuộc thử nghiệm hạt nhân có thể gây ra thiệt hại không lường trước được và dẫn đến một chuỗi các sự kiện bất hợp lý", tiến sĩ Graham nói.
Ngoài ra, nhiều quốc gia hạt nhân giờ đây có tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) để trả đữa. Loại tầu ngầm tối tân này được đặt ở vị trí có thể tự động kích hoạt một vụ phóng hạt nhân nếu cảm thấy sắp bị tấn công.
Mặc dù vậy, tiến sĩ Saleem Ali, giáo sư chuyên ngành chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Queensland, cho biết "trong vòng 60 năm qua chỉ có 13 trường hợp được báo cáo về những sai lầm hạt nhân trong quân sự".
3. Khủng bố hạt nhân Hồi tháng 5/2015, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (Islamic State) công bố họ sẽ có vũ khí hạt nhân trong vòng 12 tháng tới, có khả năng từ Pakistan.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Graham, mối đe dọa này ít nằm trong tham vọng của Nhà nước Hồi giáo hơn so với việc một số cường quốc hạt nhân sẵn lòng cung cấp nguyên liệu hạt nhân.
Mối đe dọa từ các chiến binh Nhà nước Hồi giáo không chỉ đơn thuần là đạt được vũ khí hạt nhân tiên tiến.
Như Tiến sĩ Ali khuyến cáo, chỉ cần tiếp cận với vật liệu hạt nhân thô và các loại vũ khí như bom bẩn đã là một nỗi khiếp sợ cho mọi người.
Một mối quan ngại toàn cầu khác là giao dịch vũ khí của Liên Xô cũ trên thị trường chợ đen gia tăng.
Thường thì nguyên liệu hạt nhân được báo cáo là mất tích và nếu nó rơi nhầm vào tay đối tượng xấu thì đó sẽ là nguy cơ dễ gây ra thảm họa.
"[Mối đe dọa nằm trong] các yếu tố lừa đảo, thị trường chợ đen buôn bán bom bị đánh cắp... có thể là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều", tiến sĩ Ali nói.
4. Khủng hoảng hạt nhân Norio Kimura, 49 tuổi, người đã mất cha, vợ và con gái trong đợt sóng thần ngày 11 tháng 3 năm 2011, kiểm tra mức độ phóng xạ trong các mảnh vỡ bên trong khu vực cấm ở thị trấn Okuma, bên cạnh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của công ty Tokyo Electric Power Co (TEPCO) bị sóng thần làm tê liệt vào ngày 23 tháng 2 năm 2015. Reuters: Toru Hanai)
Hai mươi lăm năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima lại trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng.
Ban đầu, trận động đất mạnh tàn phá nhà máy điện hạt nhân, nối tiếp là một cơn sóng thần gây rò rỉ vật liệu phóng xạ và khiến cho khoảng 30.000 người phải đi sơ tán.
Tiến sĩ Graham thừa nhận Fukushima là một cơ sở hạt nhân cũ nhưng ông cho biết số lượng nhà máy hạt nhân cũ hiện tồn tại trên thế giới có thể là một vấn đề lớn.
Các lò phản ứng hạt nhân mới an toàn hơn nhiều với các biện pháp đảm bảo an toàn hiệu quả hơn, nhưng vẫn còn hàng chục lò phản ứng hạt nhân tiềm ẩn nguy cơ trên khắp châu Á, châu Âu và nước Mỹ.
Thảm họa Fukushima được xem như một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều quốc gia, kêu gọi các chuyên gia đánh giá rủi ro toàn cầu chú ý tới các nhà máy có khả năng nguy hiểm nhất thế giới.
Tiến sĩ Ali cũng giải thích rằng trong hơn sáu thập kỷ phát triển điện hạt nhân, mới chỉ có một số ít thảm họa hạt nhân nhưng tình trạng này nên được theo dõi tích cực hơn nữa đề phòng trường hợp thiên tai gây ra thảm họa khác.
5. Xử lý chất thải hạt nhân Người biểu tình phản đối chất thải hạt nhân ở Alice Springs. (Allyson Horn; ABC)
Với việc sản xuất điện hạt nhân ngày càng gia tăng, câu hỏi làm thế nào để xử lý tất cả các chất thải phóng xạ luôn là một ưu tiên hàng đầu.
Trong sáu thập kỷ qua, các giải pháp đưa ra là chôn chất thải hạt nhân sâu dưới lòng đất, tuy nhiên hiện vẫn chưa có cơ sở trữ chất thải hạt nhân vĩnh viễn cho toàn cầu.
Hiện nay, Úc là một trong những ứng cử viên hàng đầu cung cấp địa điểm trữ chất thải hạt nhân quốc tế đầu tiên trên thế giới do nước này có diện tích sa mạc rộng lớn và ít nguy cơ hứng chịu thảm họa thiên nhiên.
Năm nay, Chính phủ Úc kêu gọi các chủ đất tự nguyện đề cử sau khi kế hoạch xác lập vị trí ở vùng Lãnh thổ Bắc bị phá sản.
Tuy nhiên, tiến sĩ Ali nói rằng việc chứa chất thải hạt nhân cần có một giải pháp dự phòng, phát triển các cơ sở tái chế "lò phản ứng tái sinh" có thể tái xử lý các chất thải hạt nhân và tái sử dụng nó dưới dạng năng lượng.
"Nếu không, giải pháp duy nhất là trữ chất thải hạt nhân tại một địa điểm," ông nói.
Theo ABC