Người Little Saigon suy nghĩ về tội trạng của Lý TốngHôm 24 tháng 5 vừa qua, người được mệnh danh là “Anh hùng ó đen” Lý Tống đã bị bồi thẩm đoàn ở San Jose, miền Bắc California kết luận có tội trong 4 tội danh, 2 đại hình và 2 tiểu hình.Xoay quanh vụ án này, thông tín viên Ngọc Lan của đài Á Châu Tự Do, đã tìm hiểu tâm tư của một số người dân ở vùng Little Saigon, nơi được xem là thủ đô của người Việt Nam tị nạn, về tính hợp lý của bản án cũng như về phương thức đấu tranh chính trị của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ.
Trong phiên tòa diễn ra vào ngày thứ năm, 24 tháng 5, 2012, Bồi thẩm đoàn gồm 6 đàn ông và 4 phụ nữ ở San Jose, miền Bắc California đã tuyên bố ông Lý Tống có tội 2 tội đại hình là Sử dụng hơi cay, và đột nhập với ý đồ gây tội phạm, và 2 tội tiểu hình là tội tấn công, và tội chống cự khi bị bắt.
Bồi thẩm đoàn không quyết định được là chất mà Lý Tống xịt vào Ðàm Vĩnh Hưng là gì. Bên công tố cho là hơi cay, nhưng Lý Tống biện hộ tại tòa là nước hoa trộn với nước mắm. Tuy nhiên, họ kết luận là dù là chất gì thì cũng không phải là vũ khí chết người.
Chính vì thế có một tội đại hình mà ông Lý Tống được tha là tội tấn công bằng vũ khí chết người.
Theo yêu cầu của công tố, tòa cho đưa Lý Tống vào tù ngay.
Mức án tối đa mà ông Lý Tống có thể bị nhận là 3 năm 8 tháng tù, nhưng có thể ông Tống chỉ bị một ít thời gian tù. Ngày tuyên bố mức án được ấn định là 22 tháng 6.
Hoa Kỳ là xứ sở trọng phápNói về quyết định này của bồi thẩm đoàn, ông Nguyễn Tấn Lạc, cựu chủ tịch của cộng đồng Việt Nam Nam California, cho biết:
Theo tôi nghĩ bản án vừa rồi thực sự là bồi thẩm đoàn cũng đã suy nghĩ rất kỹ lưỡng về vấn đề những khía cạnh khác nhau trong hành vi của anh Lý Tống, trong việc dùng hơi cay xịt vào ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Hoa Kỳ là xứ sở trọng pháp nên bất cứ người công dân nào vi phạm pháp luật đều phải chịu sự phán xét của tòa án. Đó là trường hợp của ông Lý Tống. Họ đã kết cho Lý Tống 4 tội đó thì đối với tôi về phương diện luật pháp thì quan tòa làm việc đó đúng, nhưng về phương diện chính trị thì đó là điều mình không hài lòng, đó là chuyện đương nhiên.
Thế nhưng mình không làm gì khác hơn được. Vì đây là hành vi có thể làm hại đến quần chúng, mặc dù cái hại này không có gì lớn. Về mặt luật pháp anh Lý tống đã làm điều đó trên quan điểm chính trị và trên vấn đề luật pháp có thể anh ta không hiểu lắm cho nên anh ta đã rơi vào hoàn cảnh bị kết vào một số tội.
...bản án vừa rồi thực sự là bồi thẩm đoàn cũng đã suy nghĩ rất kỹ lưỡng về vấn đề những khía cạnh khác nhau trong hành vi của anh Lý Tống, trong việc dùng hơi cay xịt vào ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Hoa Kỳ là xứ sở trọng pháp nên bất cứ người công dân nào vi phạm pháp luật đều phải chịu sự phán xét của tòa án.
Trong vai trò của chủ tịch ban đại diện Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa nêu suy nghĩ:
Với kinh nghiệm làm việc ở Hoa Kỳ, chuyện bản án đương nhiên phải có. Vấn đề chính là ngay khi sự kiện xảy ra, anh Lý Tống giả người phụ nữ để vào trong buổi trình diễn để dùng thuốc xịt cay để bày tỏ sự phản đối đối với Đàm Vĩnh Hưng, ngay cả chuyện đó chúng tôi cũng đã suy nghĩ nhiều về vấn đề về anh Lý Tống, về việc anh đã làm bởi vì khi làm như vậy thì chắc chắn anh Lý Tống là một công dân Hoa Kỳ ở đây cũng đã biết vấn đề luật lệ như thế nào rồi. Nhưng trong giai đoạn đấu tranh, vấn đề phải ngồi suy nghĩ làm sao để mà vào trong đại nhạc hội đó, rồi làm sao có thể tiến hành được những việc muốn làm, chứ nếu mà anh Lý Tống cứ giữ hình ảnh của một người phi công hào hùng của không quan VNCH để vào trong đó thì chắc chắn là không thể nào vào được không thể nào thi hành được chuyện muốn bày tỏ lên thái độ của anh Lý Tống, nên nó cũng phản ánh một số sự căm thù đối với chế độ cộng sản Việt Nam qua văn công Đàm Vĩnh Hưng.
Tôi thấy chuyện đó là sự có tính toán và hy sinh can đảm của anh Lý Tống.
Cái gì nên và không nên làm ở nước MỹÔng Tuấn Nguyễn, một cư dân ở thành phố Anaheim hoàn toàn đồng ý với bản luận tội của Bồi Thẩm Đoàn và cho rằng “hãy nhìn vào gương Lý Tống để mà biết rằng cái gì cần phải làm, cái gì không nên làm ở nước Mỹ này”:
Tôi thấy cái xử đó là đúng bởi vì rõ ràng là ông phạm tội tấn công một người không có vũ khí trong tay và một cách rất là lén lút như vậy thì không có hoàn toàn không đúng chút nào. Luật pháp Mỹ xử điều đó hoàn toàn là đúng.
Ngày 22 tháng 6 chưa biết tòa sẽ xử ông Lý Tống như thế nào, nhưng tội thì đã có, nhưng án thì chưa biết là bao nhiêu. Nhưng cho dù bao nhiêu đi nữa thì tôi nghĩ có hai góc nhìn khác nhau. Thứ nhất là đối với những người ủng hộ ông thì cảm thấy sự thương cảm cho ông. Họ nói ông là anh hùng. Nhưng đối với những người hiểu luật pháp Mỹ, hiểu cái nào là đúng cái nào là sai.
Nếu đấu tranh thì phải đấu tranh như thế nào cho đúng như thế nào là sai. như tôi thì tôi nghĩ rằng theo góc cạnh tôi nhìn thì dù xử ông một ngày tù, hai ngày tù, một tháng tù hay một năm tù hoặc ba năm mấy tháng gì đó theo mức tối đa mà luật sư có nói thì tôi nghĩ điều đó hoàn toàn đúng và đó là một bài học để cho tất cả những người đấu tranh và những người chống cộng chuyên môn biểu tình chống đối người này chống đối người nọ học một bài học chính đáng và hãy nhìn vào gương Lý Tống để mà biết rằng cái gì cần phải làm, cái gì không nên làm ở nước Mỹ này, nước Mỹ chứ không phải Việt Nam đừng có làm xằng làm bậy.
Với cô Tammy Trần, nhân viên thuộc văn phòng thượng nghị sĩ tiểu bang California Lou Correa thì đây là vấn đề cô “không theo dõi nên cũng không thắc mắc gì”:
Về vấn đề đó thì em không có theo dõi nhưng em có biết về vị mà nhiều người trong cộng đồng có gọi là người anh hùng Lý Tống. Nhưng đối với vấn đề luật pháp ở Hoa Kỳ chúng ta có nền luật pháp rõ ràng cho nên cá nhân chúng tôi không theo dõi và cũng không thắc mắc gì nhiều.
Trong khi đó, cũng là một người trẻ, cô Nguyễn Thu Hà, cư dân thành phố Garden Grove bày tỏ suy nghĩ:
Theo em thì mình đấu tranh một cách ôn hòa, không đấu tranh theo cách như là bạo hành để tạo một cái nhìn không mấy khá tốt dưới mặt luật pháp. Đó là theo ý của em. Còn chú Lý Tống thì có lẽ chú đã có một quá trình đấu tranh khác nhiều người, rất là táo bạo mà cũng có nhiều lúc gây được những kết quả tốt. Nhưng nói về ở tại đây nếu mà đấu tranh như vậy thì tạo ra một cái nhìn không mấy tốt về phương diện chính trị cho cộng đồng Việt Nam. Tại vì đấu tranh có nhiều cái để đấu tranh chứ không phải là đi ngược lại với luật pháp của Hoa Kỳ.
Trong khi nhiều người bày tỏ sự đồng tình với quyết định của tòa án về các tội danh của ông Lý Tống, thì cũng có nhiều lời kêu gọi trên cách diễn đàn, các trang mạng kêu gọi sự thành Lập Uỷ Ban Ủng Hộ Lý Tống, với cách hoạt động như Vận động Ký Thỉnh Nguyện Thư, ĐêmThắp Nến, Văn Nghệ Ủng Hộ Lý Tống… Và nhiều người cũng đang chờ đợi đến ngày 22 tháng 6, 2012 để xem mức án mà tòa ấn định cho Lý Tống là như thế nào.
Tôi hy vọng là bản án sẽ không nặng lắm và anh Lý Tống sau một thời gian sẽ được trả lại tự do. Đó là suy nghĩ của tôi.
Source: RFA
Một câu chuyện nhỏ-Nỗi đau 35 nămNhững ngày qua báo chí trong nước, hải ngoại và một số trang blog cá nhân đã đưa tin, viết bài bình luận khá nhiều xung quanh sự kiện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị ông Lý Tống, cựu phi công không lực Việt Nam Cộng hòa cũ, một nhân vật có tư tưởng chống Cộng sản quyết liệt, xịt hơi cay vào mặt trong buổi biểu diễn tại San Jose, Mỹ, ngày 19.7 vừa qua. Lý Tống sau khi bị bắt và lúc anh giả đàn bà.Ngay sau đó, ông Lý Tống bị vào tù, rồi được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh, Đàm Vĩnh Hưng tiếp tục biểu diễn và ông Lý Tống tiếp tục có mặt trong đoàn biểu tình lần kế tiếp tại Nam California v.v…
Một sự kiện nhưng có rất nhiều cái nhìn và suy nghĩ khác nhau từ những người dân Việt trong và ngoài nước. Có thể thấy rất rõ điều này qua những bài viết từ những nhà dân báo thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần, có đời sống quá khứ và hiện tại khác nhau.
Những góc nhìn khác nhauNhà báo Trương Duy Nhất, thuộc thế hệ lớn lên sau cuộc chiến hai miền Nam Bắc và hiện đang sống tại Việt Nam, là một trong những người có bài sớm nhất về sự kiện này, mặc dù như tác giả viết: “Chưa bao giờ cho phép những cái tên như Hoàng Thùy Linh, Đàm Vĩnh Hưng…xuất hiện trên trang blog của mình. Nhưng lần này là một ngoại lệ, buộc phải có đôi dòng”. Tại sao vậy? Bởi trong cái nhìn của tác giả, đó là một hành động mà tác giả không hiểu và cũng không cảm thông được: “Chống Cộng sản thì nhè mấy ông Cộng sản mà chống, chứ đi chống chi mấy anh chàng tóc vàng hát nhạc sến như Đàm Vĩnh Hưng- Những cô cậu ca sĩ mà ngay cả cái chữ “Cộng sản” là gì có khi còn không giải nghĩa được ?”
Blogger Beo tức nhà báo Hồ Thu Hồng, cựu Phó Tổng biên tập báo Thể thao Văn hóa, một cây bút rất trung thành với chế độ và thường hay có những bài viết châm chích, chế diễu cộng đồng người Việt ở hải ngoại, cũng có ngay một bài với văn phong, cách viết quen thuộc:
“Bọn tớ chửa bao giờ oánh giá cao míttơ Đờm vụ hò hát, cái chuyện tấn công bằng bạo lực mấy sao thị trường cũng hổng làm chúng tớ sốc siếc hay lạ lẫm gì. Chúng tớ cũng biết thừa chính chị chính em chống cộng chỉ là cái mũ chụp lên cho xang chọng, bên dưới nó là chuyện làm ăn tranh giành nhau của mấy bầu sô đói. Phải cất công căng cờ kẻ biển biểu tình chỉ vì một ku hát ba bài tình ái vớ vỉn, thì hẳn là đói lắm rồi. Chỉ có rân trủ là thừa nên mới phí phạm thế.”
Nhà báo tự do Lê Diễn Đức, người thường có những bài rất mạnh mẽ lên án thể chế chính trị và những vấn đề xã hội lâu nay ở Việt Nam, lần này cũng không tỏ ra tán thành cách hành xử của ông Lý Tống. Trong bài “Từ chuyện Đàm Vĩnh Hưng bị tấn công: Chống ca sĩ “cộng sản” thế nào cho đúng”, tác giả Lê Diễn Đức nói lên quan điểm của mình:“Tôi qua Mỹ không còn nhớ bao nhiêu lần nữa và có cơ hội trò chuyện với nhiều người chống Cộng nổi tiếng, thứ thiệt ở đây, từ phó thường dân đến cựu sĩ quan cao cấp và cả những người đang nằm trong lãnh đạo cộng đồng ở một số tiểu bang.
Tôi tranh cãi với họ về phương pháp. Tôi rất ủng hộ họ (thậm chí tham gia) biểu tình phản đối các lãnh đạo cộng sản Việt Nam qua Mỹ, bởi vì các cuộc biểu tình này hợp pháp và đánh động tích cực lên sự chú ý của nhân dân Mỹ, báo chí truyền thông và chính phủ Mỹ trước những vi phạm nhân quyền và đàn áp các nhà tranh đấu dân chủ của Đảng cộng sản Việt Nam.
Tôi cũng ủng hộ cộng đồng hải ngoại tẩy chay những cuộc trình diễn văn hóa của các ca sĩ Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài bằng ngân sách của nhà nước. Nếu cho rằng, đây là hành động nằm trong Nghị quyết 36 của Đảng cộng sản Việt Nam thì quá rõ ràng.
Chống Cộng, tức là chống chủ nghĩa cộng sản và tập đoàn cộng sản Ba Đình là hoàn toàn đúng, hợp với xu thế của thời đại. Chẳng vậy mà Nghị viện châu Âu – châu Âu là nơi đẻ ra chủ nghĩa quái thai này – đã ra phán quyết chủ nghĩa cộng sản là tội ác của nhân loại đó sao.
Thế nhưng, chống như thế nào và vào đối tượng nào mới là đáng bàn.” Về sự kiện Đàm Vĩnh Hưng-Lý Tống, theo tác giả: “Đàn ông, nam nhi quân tử mà phải cải trang làm đàn bà để tặng hoa rồi tấn công một tay ca sĩ sến, trói gà chưa chặt như Đàm Vĩnh Hưng, vừa kỳ cục, vừa non tay, vừa phí công và chẳng mang lại tác động chống Cộng nào thiết thực.”
Tác giả Nguyễn Ngọc Già thì nhận xét hành động của ông Lý Tống chỉ là dã tràng xe cát: “Hành vi xịt hơi cay của ông Tống và những ai ủng hộ hành vi của ông càng thể hiện rõ họ đang quá yếu đuối và có vẻ như họ đang cố bám víu vào một hành động gì đó để khỏa lấp nỗi niềm chơi vơi, hẫng hụt, nuối tiếc, kể cả một tâm trạng gần như là nỗi tuyệt vọng đang ngày càng chất đầy trong tâm tưởng mà họ sợ cho đến lúc
nhắm mắt, những ước vọng mà họ mong muốn sẽ chẳng bao giờ có được dù chỉ là một phút nhìn thấy trước khi xuôi tay???!!!
Khẳng định đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay chỉ có thể là con đường đấu tranh ôn hòa, bất bạo động, theo tác giả, những việc mà ông Lý Tống đã làm trước đây như cướp máy bay rải truyền đơn có thể được ca ngợi vào thời điểm cách đây 20 năm, nhưng “Dù cho bây giờ ông vẫn chỉ có ý định cướp máy bay để chỉ rải truyền đơn mà thôi thì cũng không một ai có thể ủng hộ ông nữa vì nó đã được xem như là một hành động bạo lực và có dấu hiệu khủng bố. Nó không còn phù hợp với thời đại hiện nay, nói điều này để thấy tư duy ông Tống đã xơ cứng, suy nghĩ ông đã lạc hậu, ông đã không theo kịp tiến hóa của nhân loại.” Tác giả kết luận: “Ông Tống không hề ý thức được việc làm ngày xưa của mình (dù đáng được trân trọng ở thời điểm cụ thể), nhưng nó đã thuộc về quá khứ…
Ông Lý Tống cần nhận ra tư duy lỗi thời của mình để thay đổi phương thức đấu tranh hoặc hãy lui về an hưởng tuổi già, dù sao trên "đất khách quê người", ông cũng còn may mắn hơn những người Việt Nam hiện đang đối mặt hàng ngày với áp bức, bất công và đày đọa.
Ngày nay ông có thể nhân danh những người "trốn chạy cộng sản mà cộng sản vẫn không buông tha" để xịt hơi cay vào một Đàm Vĩnh Hưng, nhưng liệu ông có đủ thời gian và sức lực để chỉ tiếp tục làm công việc mà dường như là "dã tràng se cát"?”
Sau 35 năm, hố sâu chia rẽ dân tộc vẫn còn đó
Câu chuyện Đàm Vĩnh Hưng-Lý Tống một lần nữa đã cho thấy một sự thật đáng buồn: sau 35 năm, hố sâu ngăn cách, chia rẽ giữa người Việt với người Việt vẫn còn đó.
Blogger Trương Duy Nhất than thở: “35 năm đằng đẵng. Tại sao cứ đến dịp là lại đào xới thêm, sao không đóng lại để chìa bàn tay ra với nhau? Không thiếu đất nước, dân tộc trên thế gian này cùng cảnh ngộ như ta, cũng chiến tranh, cũng cắt chia, cũng hi sinh mất mát, cũng… hận thù! Nhưng họ bỏ qua, xóa nhòa để dang tay kéo ôm nhau được. Còn chúng ta? Hình như đây là điểm yếu nhất của người Việt, của dân tộc Việt?”
“Suy xét về câu chuyện Lý Tống và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng”, tác giả Trần Kinh Kha viết: “…rất nhanh gọn chúng ta đều thấy rõ, nhận thức rõ ràng rằng: “35 năm trôi qua, vết thương trong lòng dân tộc Việt Nam đã không thể nào hàn gắn được cho đến hiện tại hôm nay và đến cả một thời gian dài, rất dài sau này…”
Hành vi và tổ chức hành vi của Lý Tống đã nói lên nỗi đau của dân tộc này (tôi nhấn mạnh, là tôi nói đến nỗi đau của dân tộc này, chứ không nói đại diện đồng bào hải ngoại hay quan điểm chống cộng, hoặc không chống cộng tại hải ngoại). Vì sao nên nỗi thế này cho dân tộc Việt Nam?...” Tác giả tự hỏi và cũng tự trả lời: “Lưu vong. Đó là cội nguồn của vấn đề, là tiền đề cho một nỗi đau không bao giờ chấm dứt. Và song song với sự lưu vong ấy là một từ mà chúng ta đã nhắc rất nhiều: “ý thức hệ”.
Trong cái nhìn của tác giả Trần Kinh Kha, vấn đề này sẽ không thể nào kết thúc bởi không thể sắp xếp, đảo ngược lại lịch sử, còn trong hiện tại hầu hết những người lưu vong không thể quay trở về sống cùng dưới một mái nhà Việt Nam khi một phần đời của họ đã gắn với nơi họ đang sống, khi thể chế chính trị trong nước vẫn chưa thay đổi mà sẽ rất khó bởi Đảng cộng sản Việt Nam “đã chiến thắng, thì không lý gì họ sẽ thay đổi con đường họ đã chọn và đã đổ bao nhiêu xương máu, cùng hàng trăm ngàn lý do khác…”, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ từ hải ngoại đến trong nước thì quá yếu, chẳng làm được gì. Như vậy phải chăng không còn hy vọng gì về một vận mệnh tươi sáng hơn cho dân tộc Việt? Hay đành suy nghĩ có phần tiêu cực như tác giả: “Để người cộng sản tự mâu thuẫn và tự đánh người cộng sản. Họ gây nên cuộc chiến tranh Nam – Bắc vì muốn đẩy lùi chủ nghĩa tư bản, để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân khiến họ sợ hãi đến hãnh diện như một đứa trẻ dỗi hờn mà hét toáng lên để tự khẳng định mình rằng: họ là tiền đồn phương Đông cho chủ nghĩa xã hội.”
Nhân – Quả là quan hệ trong tất cả các học thuyết quản trị.
Hãy để những ánh mắt của chủ nghĩa tư bản đang sinh sôi phát triển kia nhìn vào họ. Hãy để chủ nghĩa tư bản tự làm nốt phần Quả của nó, mà nó đã từng bị khựng lại trong cuộc chiến tranh Nam – Bắc trước đây. Và sự khựng lại, không có nghĩa là dừng cho tất cả.”
Nhìn chung, tâm trạng của số đông mọi người qua câu chuyện này, có lẽ như nhận xét của tác giả Nguyễn Ngọc Già: “Có người gọi đó là "chuyện nhảm, không đáng" và cũng có người coi đó là "chuyện của một người anh hùng chống cộng" v.v... Dù là tên gọi nào đi nữa, nhiều người cũng cảm thấy rất buồn, buồn cho dân tộc Việt Nam, dù là người Việt hay người Mỹ (Pháp, Úc, Âu Châu...) gốc Việt.”
Nỗi đau xót đó cũng là của tác giả Hoàng Dung trong bài “Năm xúc cảm tiêu cực sẽ gây ra đau khổ cho nhân loại” đăng trên trang Bauxite Vietnam sau khi đọc hàng loạt ý kiến của bạn đọc về việc Lý Tống xịt hơi cay vào Đàm Vĩnh Hưng.
“Tôi không thể ngờ, sau 35 năm dài đằng đẵng mà trong lòng đồng bào tôi sự hận thù, sự kém hiểu biết, thói kiêu ngạo, sự đố kỵ lại nặng nề, sâu đậm và ngùn ngụt đến thế…
Họ vẫn còn xem nhau như kẻ thù.
Họ dành cho nhau những lời nặng nề tưởng không còn gì để nói nữa!
Họ sẵn sàng lăn xả vào nhau…”
Tác giả gần như kêu van những người đồng bào của mình:
“Hỡi đồng bào yêu quí của tôi, xin hãy suy nghĩ lại!
Lịch sử đất nước đã chứng minh bao lần, hễ lúc nào nội bộ dân tộc chúng ta xâu xé lẫn nhau là ngay sau đấy chúng ta mất nước.
Kẻ thù đang dóm ngó và xâm lấn Tổ quốc thân yêu của chúng ta hàng ngày, hàng giờ cả trên đất liền lẫn ngoài biển khơi!
Sự tham lam và thói dâm ô đang thống trị và làm băng hoại hàng ngày, hàng giờ xã hội ta, khiến đất nước ngày càng tiến dần đến gần nguy cơ mất nước!
Chúng ta còn quá nhiều việc cấp bách và hữu ích phải làm!
Chúng ta quyết không để mất nước!
Hỡi đồng bào yêu quí của tôi, chúng ta phải đoàn kết lại!”
Có lẽ cũng là thừa để nói hơn nữa về câu chuyện này sau những tiếng kêu da diết đến thế!
Source: RFA
Việt kiều nói về vụ Lý TốngChiều thứ Năm 24-5, qua nhiều phiên xử và sau một ngày nghị án, một bồi thẩm đoàn 12 người tại toà án quận hạt Santa Clara đã kết luận Lý Tống phạm bốn tội khi xịt hơi cay vào mặt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong buổi diễn ở Santa Clara Convention Center tối 18-7-2010.Ngay sau đó ông đã bị bắt giam. Ngày 22-6 tới đây Lý Tống sẽ chính thức bị kết án và chánh án sẽ công bố thời gian tù mà tối đa có thể đến 3 năm 8 tháng.
Trước sự việc này, một số lãnh đạo cộng đồng và người Việt trong vùng Vịnh San Francisco đã có ý kiến.
Vũ Huynh Trưởng, Tổng Thư ký Ủy ban chống Cộng Bắc California:Khi Lý Tống bị bắt vì xịt hơi cay vào Đàm Vĩnh Hưng thì có ba luật sư gốc Việt đã đứng ra bảo trợ cho ông và bên công tố viện có đề nghị Lý Tống nhận một tội nhẹ nào đó để khỏi phải ra toà xét xử.
Nhưng Lý Tống nhất định chấp nhận cuộc chơi là ra toà, có bồi thẩm đoàn xét xử và ông được luật sư công biện hộ.
Với cuộc chơi này ông hy vọng trắng án, vì chỉ cần một trong 12 thành viên bồi thẩm đoàn không đồng ý là coi như ông không phạm luật.
Bây giờ bồi thẩm đoàn đã quyết định Lý Tống phạm luật, tuy nhiên họ cũng khâm phục ông và mong muốn có một bản án nhẹ. Như thế tôi thấy là công bằng.
Tiện đây tôi cũng muốn nói là nhiều hội đoàn đã họp để bàn cách giúp Lý Tống, nhưng không có tính chuyện gây quỹ gì cả.
Trên nét có những tin tức sai lạc mang tính phá hoại và rất tiêu cực cho công việc làm của chúng tôi.
Tôi nhấn mạnh là chúng tôi không có gây guỹ vì Lý Tống mà chỉ muốn yểm trợ tinh thần, chẳng hạn như soạn một thỉnh nguyện thư để nhiều người ký vào yêu cầu chánh án cho ông một bản án nhẹ nhất.
Chúng tôi không bao giờ bỏ Lý Tống cũng như bất cứ người nào cùng tranh đấu chống cộng.
Scott Phạm, Ủy viên Giáo dục Học Khu Alum Rock:Xin biến căm thù thành sức mạnh.
Quốc Việt, cư dân San Jose:Đứng trên cương vị đấu tranh thì anh Lý Tống đã làm một số công việc phản đối cộng sản Việt Nam dùng Nghị quyết 36 để phá hoại hay xâm nhập vào cộng đồng.
Công việc làm đó của Lý Tống rất thích hợp. Tôi rất ngưỡng mộ các công tác của anh. Về phương diện pháp luật thì tôi không có ý kiến.
Nguyễn Ngọc Tiên, Chủ tịch Ban Đại diện Cộng đồng Việt Nam Bắc California:Ý kiến của tôi thì đây không phải là phiên toà của ông toà xử, mà đây là một buổi nghị án của bồi thẩm đoàn mà thôi.
Tôi nghĩ rằng nếu bồi thẩm đoàn họ không xét xử đúng ý mình là do luật sư chưa trình bày đầy đủ để họ hiểu được hoàn cảnh của mình.
Bồi thẩm đoàn là một hình thức toà án nhân dân.
Ông hay bà chánh án ngồi đấy chỉ để nhận những phán quyết của các bồi thẩm viên coi mình có tội hay không, sau đó mới định mức án.
Những phán quyết đó đúng hay sai là do luật sư của mình chưa trình bày đủ mà thôi.
Nguyễn Phú, Chủ tịch Hội HO San Francisco:Tôi thấy nếu xử về pháp luật cũng đúng đến 75%, nhưng phải xét đến vấn đề đấu tranh chứ không phải một tội phạm hình sự. Tôi nghĩ đến tháng 6 khi công bố các tội và mức án, Lý Tống sẽ được giảm án tối đa.
Đỗ Văn Quang Minh, luật sư với 30 năm kinh nghiệm biện hộ tội hình ở California:Tôi thấy anh Lý Tống đã thoát được tội rất nặng là tội dùng vũ khí giết người mà theo điều 245(a)(1) của luật hình sự California thì là tội đại hình.
Cái đó coi như một phần thắng, còn những tội kia không đáng kể.
Một tội đại hình tấn công bằng vũ khí giết người không thôi thì hình phạt có thể bằng bốn tội kia cộng lại.
Những người trong bồi thẩm đoàn khi kết luận họ cũng coi anh Lý Tống là một người tốt, nhưng họ phải áp dụng luật ở đây.
Trần Đính, cư dân Cupertino:Trong quá khứ tôi khâm phục hành động can đảm của Lý Tống khi dùng máy bay thả truyền đơn xuống Sài Gòn và Thủ đô Havana của Cuba. Nhưng hành động giả gái để xịt hơi cay vào mặt một ca sĩ từ trong nước sang đây hát làm cho những người chống cộng như tôi cảm thấy xấu hổ.
Lam Hương, cô bạn thân thiết của Lý Tống: Thực ra bây giờ tâm trạng của em cũng rất bối rối vì chuyện xảy ra quá bất ngờ nên em không có ý kiến, ý cò gì cả.
Em sắp đưa lên mạng một audio lời anh Tống kể lại những sự việc đã xảy ra chiều hôm qua.
Em phát tán băng ghi lời nói của anh ấy để cho công luận biết rồi họ sẽ có ý kiến.
[Ghi chú: Phần ghi âm của Lý Tống đã được cô Lam Hương phát tán, trong đó Lý Tống nói không được xử công bằng nên ông sẽ tuyệt thực, tuyệt ẩm trong tù cho đến chết để đòi công lý.]
Lê Trí, phóng viên báo Người Việt San Jose:Tôi thấy sao toà này xử không làm như những toà khác mà chờ khi anh Lý Tống đã về nhà mà còn gọi ngược lại gấp rút để cho ra kết luận của những nghị án là anh ấy có tội.
Tôi có theo dõi những vụ án nổi tiếng khác cũng đâu thấy có những sự việc như thế xảy ra.
Điều đó hình như cũng làm cho anh Lý Tống sốc nên bây giờ anh ấy lại tuyên bố tuyệt thực, tuyệt ẩm trong tù.
Nguyễn Khắc Chương, cư dân Oakland:Theo cá nhân tôi, ông Lý Tống làm thế là đưa lên tiếng nói đấu tranh giữa quốc gia và cộng sản, nhưng hình thức ông làm không đúng lắm. Không nên tấn công người khác bằng vũ lực.
Ở một xứ tự do mình thể hiện tinh thần dân chủ thì hay hơn là hình thức bạo động.
Nếu mình đấu tranh với cộng sản thì mình đâu thể làm như thế được.
Nhà báo tự do Bùi Văn Phú
Sửa bởi người viết 23/06/2012 lúc 10:39:48(UTC)
| Lý do: Chưa rõ