Tại cuộc hội thảo Đối thoại chính sách chiều ngày 26/8/2015 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Quyền – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội chia sẻ về việc bảo đảm quyền con người cho những người bị tạm giam giữ, trong khuôn khổ dự luật về tạm giữ, tạm giam đang được bàn thảo.
Theo Hiến pháp CSVN hiện hành và chuẩn mực quốc tế, một người chỉ bị coi là có tội khi bản án của Tòa án đã tuyên và có hiệu lực thi hành. Còn những người bị tạm giam giữ, chưa bị kết tội, do đó họ chưa bị tước đi hoặc hạn chế quyền công dân, nên họ cần phải được bảo đảm các quyền con người căn bản.
Ông Quyền cho biết, trong quá trình bàn thảo dự luật về tạm giữ, tạm giam, ông và nhiều đại biểu khác đã thẳng thắn bảo vệ các quyền con người cơ bản cho những người bị tạm giam – như các quyền: nghe đài, đọc báo, gặp gỡ thân nhân, nhận thư từ và quà tặng...
Theo ông Quyền: “Họ là một công dân. Họ chỉ bị hạn chế quyền đi lại trong một cái nhà tạm giam như vậy thôi. Còn tất cả những quyền khác, thì người ta phải được cơ bản bảo đảm như một công dân”.
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung – chuyên gia Luật hiến pháp đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội nhắc thêm một quyền mà người bị tạm giam giữ phải có là quyền tiếp cận hồ sơ, tài liệu của vụ án. Ông Quyền đáp lại, điều đó cũng đang được bàn thảo trong dự luật sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự. Đó cũng là sự thể hiện của quyền tiếp cận thông tin của bị can, bị cáo. Họ phải được tiếp cận tài liệu, chứng cứ gỡ tội, cũng như buộc tội.
Ông Quyền nhận định, đây là một cuộc “cách mạng”. Nếu bảo đảm quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ của bị can, bị cáo như vậy, thì nhà nước cần phải tạo ra những thiết chế để thực hiện.
Ông Quyền còn nhấn mạnh cần phải cân đối giữa việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân cho những người bị tạm giam với việc tạo điều kiện cho các hoạt động khám phá, điều tra tội phạm.
Theo ông Trần Thế Vượng – Nguyên Ủy viên thường vụ Quốc hội, một trong những vấn đề lớn khác của dự luật về tạm giam giữ là thành lập cơ quan quản lý việc tạm giam giữ độc lập; tách nhà tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra. Điều này nhằm tránh tình trạng bức cung, nhục hình; giảm thiểu tình trạng án oan, sai như hiện nay.
Những điểm tích cực này trong dự luật về tạm giữ, tạm giam, nếu được thông qua, sẽ có tác động đáng đến tiến trình cải cách tư pháp. Dù chưa phải là triệt để, bởi vai trò của luật sư, mô hình tố tụng, phi chính trị hóa hệ thống tư pháp chưa có sự chuyển biến.
SBTN