Trùng với thời gian trước ngày quốc khánh VN 2/9, và dư luận đang chờ đợi xem chính thể cầm quyền có chịu thả tù nhân lương tâm với số lượng và ‘chất lượng‘ ra sao, một phái đoàn của Ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) đã đến Sài Gòn, và đã có cuộc tiếp xúc với những giáo chức thuộc Khối Nhơn Sanh Cao Đài vào ngày 25/8/2015, tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay và tình hình hoạt động của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Phái đoàn USCIRF gồm ông Charles Sellers, Trưởng phòng chánh trị Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh; bà Mary Ann Gledon (Cựu Đại sứ hiện là Giáo Sư Đại Học Harvard); Dr. Daniel I. Mark (Giáo Sư Đại học Philadelphia); Linh Mục Thomas Reese; cô Tina L. Mufford; cô Tường Nhi phiên dịch.
Trong thời gian gần đây, Khối Nhơn Sanh Cao Đài nổi lên như một tổ chức tôn giáo có tính phản biện cao đối với các chính sách và văn bản của chính quyền về tôn giáo. Sau khi Bộ nội vụ và Ban tôn giáo chính phủ công bố dự thảo lần thứ 4 của Dự Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ‘để lấy ý kiến rộng rãi’ của các tôn giáo, nhưng chỉ cho một thời gian rất ngắn, Khối Nhơn Sanh Cao Đài đã cùng với Hội đồng giám mục VN và một số tổ chức tôn giáo khác phản ứng mạnh mẽ trước cơ chế ‘xin – cho’ tràn ngập trong dự luật Tín ngưỡng Tôn giáo.
Theo quan điểm của Khối Nhơn Sanh Cao Đài, tự do tôn giáo là quyền phổ quát và tất yếu của nhân loại nhưng đã bị Dự thảo 4 triệt tiêu. Quyền tự do tôn giáo của con người lệ thuộc vào sự cấp phát, ban ơn của nhà nước. Đó là một bước lùi.
Khối Nhơn Sanh Cao Đài yêu cầu phải hủy bỏ cơ chế xin cho để soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và tiến bộ; phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Dự thảo phải có điều khoản cho tôn giáo (đã có pháp nhân từ trước 30/04/1975 hay chưa có pháp nhân) không cần đăng ký hay xin phép vẫn được hoạt động tôn giáo và được pháp luật bảo vệ.
Riêng đạo Cao Đài độc lập hiện nay bị tổ chức tôn giáo lập năm 1997 chiếm dụng cả danh hiệu và cơ ngơi. Chính quyền Việt Nam áp dụng luật pháp tùy tiện, không minh bạch và không công bằng. Hàng loạt vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo của Đạo Cao Đài 1926 (về việc thượng tượng để thờ cúng) mà chính quyền chưa từng xử lý là chứng cứ mạnh mẽ.
Sự kiện Phái đoàn USCIRF có mặt tại VN tại thời điểm này cho thấy lộ trình đàm phán để đi đến kết thúc TPP nhiều khả năng không thay đổi, trong đó chính quyền VN vẫn có thể được nhận một suất ăn trên bàn tiệc đứng này. Tuy nhiên, kể từ khi Quyền đàm phán nhanh (TPA) trong TPP được cài đặt điều kiện về nhân quyền và tôn giáo, Quốc hội Mỹ sẽ có quyền phủ quyết những nội dung được thỏa thuận giữa hai chính phủ Mỹ và VN nếu VN tiếp tục gia tăng đàn áp nhân quyền và tôn giáo.
Một trong những điều kiện then chốt mà phía Mỹ yêu cầu VN phải cải thiện là khung luật pháp về tôn giáo. Chính vì thế, dự luật Tín ngưỡng Tôn giáo tại VN đang và sẽ là một phép thử để cho thấy chính quyền này ‘thực tâm’ đến đâu đối với tinh thần tự do của các tôn giáo.
SBTN