Người dân Singapore xếp hàng bỏ phiếu, ngày 11/09/2015. REUTERS/Edgar Su
Hai triệu rưỡi cử tri Singapore đi bỏ phiếu hôm nay 11/09/2015 để bầu ra các đại biểu ở Quốc hội, từ nửa thế kỷ qua vẫn do đảng Hành động Nhân dân (PAP) thống trị. Cho dù đảng cầm quyền cầm chắc phần thắng để lập chính phủ, nhưng sẽ khá chật vật trong kỳ bầu cử này.
Lần đầu tiên kể từ khi Singapore độc lập năm 1959, các đảng đối lập đưa ra được các ứng cử viên cho cả 89 ghế trong Quốc hội, trong đó đảng quan trọng nhất là Lao động có 28 ứng viên. Chiến dịch tranh cử của họ tập trung cho các vấn đề việc làm, chi phí y tế và nhà ở.
Việc đi bầu là bắt buộc ở Singapore và thăm dò ý kiến bị cấm đoán. Trong kỳ bầu cử trước, số phiếu ủng hộ đảng PAP rơi xuống mức 60,1%. Hiện đảng cầm quyền chiếm 80 ghế trong Quốc hội, còn đảng Lao động có 7 ghế.
Nhưng đây đã là điều đáng kể khi đối lập phải đối mặt với chiến dịch trấn áp, một số đại biểu bị tống giam hay không còn phương tiện tài chính do bị kiện tụng. Họ ít được tài trợ và tổ chức kém, trong một Nhà nước bị kiểm soát với bàn tay sắt.
Cuộc bầu cử trước thời hạn 16 tháng, được tổ chức nhanh kỷ lục, sau khi Quốc hội bị giải tán cuối tháng Tám theo yêu cầu của Thủ tướng Lý Hiển Long - con trai cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã qua đời hồi tháng Ba ở tuổi 91.
Lãnh đạo Singapore trên ba thập kỷ qua, từ năm 1959 đến 1990, ông Lý Quang Diệu được coi là người đã đưa hòn đảo nghèo nàn là thuộc địa Anh cũ, trở thành trung tâm thương mại và tài chính của khu vực và thế giới. Tuy có công làm đảo quốc trở nên thịnh vượng, nhưng ông cũng bị chỉ trích vì hạn chế tự do của người dân. Báo chí, các cuộc biểu tình và đối lập chính trị bị kiểm soát chặt chẽ.
Theo RFI