Vợ chông ông Oi Lư cùng mục sư người Kinh Thân Văn Trường tháng 7/2015
Lúc này, mình không thể nói tiếp về cái ngày 11/9 của riêng mình được nữa. Cả tuần qua, cơn sốt tị nạn của người Trung Đông đang chấn động lương tâm Châu Âu và cả thế giới văn minh. Nhân loại đã tiến thêm những bước thật dài về phía đạo đức. Bức ảnh một em bé bị chết trên bãi biển nói thay cho hàng ngàn sinh mạng người tị nạn đã chết. Internet kết nối hàng trăm triệu tiếng nói với nhau, khiến các lãnh đạo sắt đá nhất cũng phải động lòng.
Hai, ba, bốn chục năm trước, cũng hàng triệu người ra đi thế này từ Việt Nam, số người chết biển, chết bộ nhiều hơn thế, các hình ảnh ghi lại được còn thê thảm hơn, nhưng chỉ động lòng được một góc nhỏ thế giới. Ngay hôm nay thôi, nếu vợ chồng ông Oi Lư bị chết trong rừng, họ sẽ không để lại một tin tức gì để thế giới văn minh biết đến. Người dân Trung Đông cũng chạy giặc, chạy đói, chạy độc tài. Hàng vạn người các sắc tộc Tây Nguyên trong đó có vợ chồng ông Oi Lư cũng thế. Ở một mức độ nào đó, họ còn gặp nhiều nguy hiểm hơn vì họ bị nhà cầm quyền săn đuổi. Nhưng hiếm khi họ có được một bức ảnh, một vị trí gây shock toàn cầu.
Những dân tộc yếm thế, những tộc người bị bỏ lại một khoảng cách quá xa với nền văn minh, nhiều khi bị tai họa khủng khiếp hơn lại ít được bênh vực hơn. Nhà cầm quyền lợi dụng điều này để cai trị họ. Nền văn minh cũng chịu thua trước rào cản truyền thông của các nhà cầm quyền phi nhân tính.
Nếu vì điều này mà vợ chồng ông Oi Lư gặp nạn???.
May thay, hôm nay là ngày 11/9/2015 - một sự trùng hợp hiếm hoi giữa tôi và vợ chồng ông - Họ đã cập bến tự do.
Hành trình đi tìm tự do và bình đẳng của người dân các sắc tộc Tây Nguyên đã kéo dài suốt thế kỷ. Dưới chế độ cộng sản nó diễn ra trong điều kiện mạo hiểm hơn, quyết liệt hơn, nhiều người tham gia hơn và cũng đau thương hơn. Nhưng đạt ước nguyện chỉ có một ít cá nhân đơn lẻ...
Trong số những cá nhân đơn lẻ đó, có vợ chồng ông Oi Lư.
Cuộc hành trình đi tìm tự do của họ là một cuộc hành trình luôn luôn bị đe dọa - không phải chỉ tính mạng mà còn cái đói, cái mưa, cái nắng, thú rừng và bệnh tật. Họ ra đi không quần áo, không tiền bạc, không lương thực và nước uống dự trữ, cũng không tiếng Anh, tiếng Pháp - Họ chỉ có một chiếc điện thoại di động trị giá 450 ngàn đồng, không có khả năng định vị. Họ chỉ kịp mang theo một giấy ra tù để chứng minh họ là người bị chính quyền của người số đông đàn áp. Tôi không biết bằng cách nào mà họ đã thành công. "Anh Nghĩa ơi. Chúng tôi có Chúa bên cạnh" Cuộc hành trình thắng lợi của họ khiến tôi tin có Chúa trên kia nhiều hơn trước.
Chúng ta thông cảm cho họ vì đã không kịp cám ơn chúng ta, những người đã quan tâm đến họ, giúp đỡ họ, đã thông tin tình cảnh hiểm nghèo của họ đến ĐSQ Hoa Kỳ, đến Cao ủy người tị nạn LHQ. Chúng ta hãy tự hào vì đã cứu vớt được hai con người gặp khổ nạn.
Bài viết này tôi cũng muốn nhắn gửi đến công an tỉnh Gia lai: Đừng truy lùng họ nữa. Các vị đã quá muộn!
Nguyễn Xuân Nghĩa
____________
Phụ Lục
Khẩn báo - Ngày 29 tháng 8/2015
Theo một nguồn tin đáng tin cậy từ Tây nguyên: VỢ CHỒNG ÔNG OI LƯ ĐANG BỊ TRUY SÁT
Diễn biến vụ việc
Ông Oi-Lư- tên gọi trong bản là Oi Hngen, khoảng 64 tuổi, dân tộc Jarai, trú tại buôn Pley Rbai, xã Iapiar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Ông theo đạo Tin Lành. Năm 2004 Ông bị bắt, bị kết án tù 8 năm vì tham gia biểu tình đòi tự do tôn giáo và đất rẫy. Con trai ông cũng bị bắt tù 2 lần với tội danh trên, lần tù thứ 2 án 10 năm, đang bị giam tại trại giam Thái Nguyên (Bắc Việt Nam). Ông Oi Hngen, sau khi hết án, được thả về bị chính quyền và công an địa phương khống chế rất chặt chẽ cả sau khi đã hết án quản chế.
Cuối tháng 3/ 2015, hai vợ chồng ông xuống xuôi, ra Bắc gặp một số anh em cựu TNLT người Kinh cùng bị giam chung tại Nam Hà và nhận trợ cấp cứu đói.
Đầu tháng 7/2015, ông bị bắt giam nửa tháng và bị đánh dã man chỉ vì "quan hệ với người Kinh phản động” và nhận tiền của người Kinh. Từ đó ông và gia đình càng bị chính quyền và công an địa phương khống chế đi lại và khủng bố gắt gao hơn. Tuần một vài lần ông (có nhiều lần cả vợ) bị gọi lên công an xã, bị tra hỏi và giữ lại hết buổi sáng. Công an cấm ông đi làm rẫy, trong khi ông là lao động chính. Hai vợ chồng ông lâm vào vào cảnh ruộng rẫy không có người làm, lúa đến mùa không có người gặt, túng đói quanh năm.
Sáng ngày 28/8/2015, ông phá lệ, lên rẫy giúp vợ. Công an theo lên rẫy bắt ông. Hai vợ chông ông hoảng sợ chạy trốn vào rừng. Trong rừng họ gặp một nhóm người dân tộc cũng đang lẩn tránh truy bức của công an. Không may nhóm người bị công an truy đuổi. Một người bị bắn chết (Có tin còn một số người bị chết do công an đánh và bắn, (không có khả năng kiểm chứng). Vợ chồng ông O- Lư chạy thoát, Hiện tại (thời điểm tối ngày 02/9) hai ông bà vẫn trốn trong rừng, không dám trở về làng sợ bị đánh đập, giết hoặc bỏ tù.
Nguồn tin trên cũng cho biết vợ chồng ông Oi Lư có đưa tin muốn được trở về nhà, mong được yên ổn làm ăn mà không bị công an truy bức.